Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, lãnh đạo đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các trung tâm bảo trợ xã hội, các hội nghề nghiệp như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện an sinh xã hội và phát triển cộng đồng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, UNICEF Việt Nam…
Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, ông Trần Doãn Tiến - Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam kỳ vọng đây là một trong những phương thức truyền thông hiệu quả nhằm góp phần tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện về công tác xã hội trong tình hình mới nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Đồng thời, Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực này tại các tỉnh, thành phố. Qua Hội thảo, xác định rõ nội dung, yêu cầu đặt ra và đề xuất, kiến nghị cũng như đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp... Tổng biên tập cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 9,2 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, hơn 2,1 vạn người nghiện ma tuý...
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và khái quát về căn cứ, cơ sở chính trị - pháp lý liên quan đến công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp (truy tố, xét xử, điều tra, giam giữ, cải tạo, hòa nhập cộng đồng…), đồng thời, kiến nghị cơ chế hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; các giải pháp truyền thông phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các tầng lớp nhân dân về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng.
Với tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Các ý kiến đóng góp quý báu tại Hội thảo cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan tham mưu, các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.
Vinh Nguyễn