Mở đầu Họp báo, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thông tin đến các cơ quan báo chí truyền thông về một số kết quả chủ yếu công tác tư pháp Quý I/202 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp Quý II/2022.
Theo đó, một số kết quả chủ yếu công tác tư pháp Quý I/2022 cụ thể như: (i) Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề để phù hợp với chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. (ii) Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành để xây dựng đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. (iii) Công tác thẩm định được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao. Nội dung thẩm định ngày càng bao quát, thực chất hơn; chú trọng thẩm định tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tính minh bạch, khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. (iv) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính được thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, theo đó, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực. (v) Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp đã tham mưu chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; tham mưu Chủ tịch Hội đồng ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động, kế hoạch kiểm tra năm 2022 của Hội đồng và tập trung phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. (vi) Bộ Tư pháp đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 03 dịch vụ công trực tuyến mức độ 04 thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. (vii) Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại… để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp. (viii) Bộ Tư pháp đã chủ trì thẩm định 09 điều ước quốc tế, góp ý 39 điều ước quốc tế, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật; tiếp tục quản lý hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác về pháp luật do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.
Trong Quý II/2022, Bộ Tư pháp xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (i) Triển khai sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2022. (ii) Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. (iii) Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. (iv) Chỉ đạo, đôn đốc Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam về công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ hai và tình hình Đại hội của các Hội Công chứng viên địa phương. (v) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật như theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm là các nhiệm vụ rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo kiến nghị của Đảng đoàn Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành. (vi) Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2022; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước.
Tại buổi Họp báo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trả lời các câu hỏi của phóng viên về những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp.