Nhu cầu, lợi ích của các chủ thể ngày càng tăng tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển chóng mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện đại. Các bên không chỉ có nhu cầu đem lại lợi ích cho bản thân mình mà nhiều khi còn muốn đem lại lợi ích cho người khác. Chính vì vậy, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã trở thành một phương tiện pháp lý quan trọng để thiết lập các quan hệ pháp lý nhằm đem lại lợi ích cho người khác. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã được ghi nhận cả về góc độ lý luận cũng như các quy định pháp luật. Theo đó, có rất nhiều cách nhận dạng về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, nhưng nhìn chung, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là một loại hợp đồng nằm trong hợp đồng dịch vụ và có mục đích đem lại lợi ích cho người thứ ba, vì vậy nó mang đặc trưng của hợp đồng dịch vụ kết hợp với những đặc trưng của loại hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định của pháp luật dân sự hiện hành về hợp đồng vì lợi ích người thứ ba còn tồn tại nhiều vướng mắc cần khắc phục (như: Thiếu vắng quy phạm định nghĩa về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba; quy định về quyền từ chối của người thứ ba chưa rõ ràng; chưa đề cập đến đến việc bổ sung và thay thế hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba...).
Để hiểu rõ hơn về những đặc trưng của hợp đồng vì lợi ích người thứ ba, cùng với những bất cập trong quy định của pháp luật về loại hợp đồng này và một số kiến nghị hoàn thiện, độc giả tìm đọc bài viết "Hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba theo pháp luật dân sự hiện hành" của tác giả Kiều Thị Thùy Linh trên Số định kỳ (64 trang) tháng 4/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Quốc Khánh