1. Khái quát về hợp đồng hợp tác
Trong đời sống dân sự, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh - thương mại, hợp tác là nhu cầu thiết yếu của các cá nhân, tổ chức. Nếu không có sự hợp tác sẽ rất khó để có thể một chủ thể nào đó thực hiện một công việc nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ có sự hợp tác mà mỗi công việc hay mục đích hướng tới của các chủ thể được thực hiện nhanh chóng hơn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình giao lưu dân sự, giao thương trong đời sống kinh doanh, đời sống xã hội. Thực chất hợp tác là quá trình các bên chia sẻ vốn góp, chia sẻ những lợi thế sẵn có của mỗi bên để cùng hướng tới những mục đích nhất định theo sự đồng thuận của các bên, cùng làm, cùng hưởng và cùng chịu rủi ro của hoạt động hợp tác.
Theo quy định tại Điều 504 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Hợp đồng hợp tác (HĐHT) là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”. Có thể thấy, trong HĐHT, chủ thể là những cá nhân, pháp nhân với nhau, đây cũng chính là những chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Để bảo đảm tính có hiệu lực của HĐHT, các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng này phải là những chủ thể có năng lực hành vi dân sự. Nói cách khác, đối với chủ thể là cá nhân thì cá nhân đó phải là người có đủ năng lực hành vi, bao gồm đủ độ tuổi nhất định và đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình[1]. Còn đối với pháp nhân tham gia quan hệ HĐHT trong các giao dịch dân sự thì pháp nhân đó có thể là pháp nhân thương mại (Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015) hoặc có thể là pháp nhân phi thương mại (Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015) nhưng những pháp nhân này phải thỏa mãn yếu tố về điều kiện hợp tác trong phạm vi hoạt động của pháp nhân[2]. Trong quan hệ HĐHT, các cá nhân, pháp nhân xuất phát từ yếu tố tự nguyện giao kết hợp đồng, có sự đồng thuận về quan điểm, ý kiến, nguyện vọng để cùng hướng tới một hoặc nhiều mục đích chung nào đó, do vậy bản chất thỏa thuận trong hợp đồng dân sự nói chung cũng luôn tồn tại trong mỗi HĐHT. Nếu không xuất phát từ bản chất thỏa thuận về nội dung, ý chí, mục đích... thì quá trình hợp tác cũng như quá trình phát sinh quan hệ HĐHT không tồn tại, nói cách khác nó đã vi phạm một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nói chung và HĐHT nói riêng. Điều 504 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ, cụ thể về mục đích hợp tác, đối tượng hợp tác mà các bên tham gia HĐHT, tuy nhiên, thông qua quy định này có thể hiểu, HĐHT tồn tại một số đặc trưng cơ bản về khách thể, lợi ích thu được, rủi ro phải chịu, tính chất, nội dung của quan hệ hợp tác:
(i) Khách thể của HĐHT là một công việc nào đó (như công việc kinh doanh, công việc đầu tư, công việc mua bán...) cần phải thực hiện. Đối tượng trực tiếp của những công việc này là những bộ phận nhỏ cần hoàn thành để có thể thực hiện được công việc đó (như góp công, góp sức, góp tài sản, trí tuệ, thực hiện từng giai đoạn của công việc...).
(ii) Để thực hiện được hoạt động hợp tác trong HĐHT buộc các bên phải cùng đóng góp công sức hay tài sản hoặc vừa góp công sức vừa góp tài sản để làm cơ sở và làm nền tảng cho việc thực hiện cũng như triển khai các công việc liên quan đến HĐHT mà các bên đã dự định từ trước đó.
(iii) Lợi ích đạt được hay công việc đạt được theo thỏa thuận ban đầu của các chủ thể trong HĐHT sẽ được san sẻ, chia sẻ cho nhau. Tuy nhiên, nếu như trong quá trình hợp tác có những bất lợi, rủi ro xảy ra thì các bên cũng sẽ buộc phải chịu trách nhiệm cùng nhau về những bất lợi, rủi ro đó.
Để bảo đảm pháp lý cho HĐHT cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên khi giao kết HĐHT, pháp luật dân sự quy định hình thức của loại hợp đồng này buộc phải là văn bản. Thực tế giá trị của việc hợp tác trong mỗi HĐHT là rất lớn, có những HĐHT lên tới vài trăm triệu, vài tỷ đồng, thậm chí có những hợp đồng HĐHT kinh doanh giá trị lên tới vài trăm triệu USD nên việc ký kết HĐHT đòi hỏi có sự cẩn trọng nhất định. Và sự cẩn trọng đó chỉ được thể hiện rõ nhất qua hình thức bằng văn bản. Đây là loại hình thức có thể lưu trữ khá lâu và là cơ sở, bằng chứng cho sự giao kết HĐHT giữa các chủ thể trong quan hệ hợp đồng này. Rõ ràng, cũng giống như những loại hợp đồng dân sự thông dụng khác, HĐHT chỉ phát sinh hiệu lực khi thỏa mãn đầy đủ điều kiện về nội dung, về hình thức của hợp đồng dân sự.
2. Nội dung của hợp đồng hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời tạo bước đột phá khi đưa nội dung về HĐHT trong chế định hợp đồng dân sự và thừa nhận hợp đồng này như một trong số các loại hợp đồng dân sự thông dụng diễn ra thường xuyên trong giao lưu dân sự. Kế thừa những quy định trước đó về tổ hợp tác, về HĐHT giữa các nhà đầu tư, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành hẳn một mục (Mục 8 Chương XVI Bộ luật Dân sự năm 2015) để quy định về loại hợp đồng này với các nội dung: Khái niệm, nội dung của HĐHT, tài sản chung của các thành viên hợp tác, quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác, xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trách nhiệm dân sự của các thành viên hợp tác, rút khỏi HĐHT, gia nhập HĐHT và chấm dứt HĐHT.
Nhằm mục đích định hướng cho các cá nhân, pháp nhân tham gia vào quan hệ HĐHT và giảm thiểu tối đa các tranh chấp xảy ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một nội dung quan trọng trong phần HĐHT đó là quy định về những nội dung căn bản, chủ yếu buộc phải có ở một HĐHT. Theo đó, tại Điều 505 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“HĐHT có nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục đích, thời hạn hợp tác;
2. Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
3. Tài sản đóng góp, nếu có;
4. Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
5. Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
6. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
7. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
8. Điều kiện tham gia và rút khỏi HĐHT của thành viên, nếu có;
9. Điều kiện chấm dứt hợp tác”.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã kế thừa chọn lọc những quy định về hợp đồng hợp tác trước đây (Mẫu hướng dẫn xây dựng HĐHT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2008/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác). Theo quy định này, một HĐHT chỉ có thể phát sinh hiệu lực và bảo đảm tính pháp lý khi các chủ thể trong quan hệ hợp đồng đưa những nội dung quan trọng vào quá trình giao kết hợp đồng. Đây được coi là những nội dung mà nếu thiếu đi nó thì một HĐHT có thể phát sinh tranh chấp và rất khó giải quyết trên thực tế.
3. Ưu điểm, hạn chế của việc hợp tác trong hợp đồng hợp tác
Trong những năm gần đây, hình thức hợp tác của các cá nhân, pháp nhân hay đặc biệt là của các thương nhân, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước diễn ra khá phổ biến và thường xuyên. Sở dĩ HĐHT được lựa chọn bởi lẽ nó chứa đựng những ưu điểm vượt trội mà những hình thức đầu tư, hợp tác khác, đó là:
- Hình thức hợp tác, chia sẻ vốn góp, chia sẻ công sức để cùng “bắt tay” vào tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động dân sự theo HĐHT giúp cho các nhà đầu tư hoặc thành viên hợp tác có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tài chính… trong việc thành lập các pháp nhân mới, các tổ chức mới, qua đó tinh giản được các khâu sau khi thành lập pháp nhân mới, tổ chức mới (như chi phí vận hành, quản lý…). Khi tham gia HĐHT chỉ cần thỏa mãn điều kiện về năng lực chủ thể dân sự (năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự) là các cá nhân, pháp nhân có thể có đủ tư cách để tham gia vào HĐHT. HĐHT luôn là đích đến ưu tiên của các thành viên hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như kinh doanh, thương mại, lao động, đầu tư… để giúp các bên có thể góp công, góp sức và phân chia lợi nhuận theo phần sau khi kết thúc quá trình hợp tác. Rõ ràng, khác với các hình thức đầu tư, hợp tác phức tạp khác, đối với HĐHT, sau khi phân chia lợi nhuận thì các bên cũng chấm dứt tư cách hợp tác với nhau mà không cần thiết phải làm các thủ tục khác như giải thể tổ chức, pháp nhân.
- Trong quá trình hợp tác, các bên là thành viên của HĐHT hỗ trợ lẫn nhau những thiếu sót, yếu điểm trong quá trình hợp tác một cách thuận lợi, dễ dàng hơn bởi họ đã có sự liên quan về quyền, nghĩa vụ lẫn nhau trong quá trình hợp tác. Điều này có thể thấy rõ khi nếu như các đối tác có sự am hiểu khác nhau về lĩnh vực hợp tác, một bên có vốn, một bên thiếu vốn nhưng lại có sự am hiểu về lĩnh vực hợp tác thì cả hai bên đều có thể bổ sung cho nhau những thiếu sót đó nhằm tạo những điều kiện hợp lý, thuận lợi cho hoạt động hợp tác. Sự hỗ trợ theo hướng này giúp cho “cả hai bên đều có lợi” khi quyết định tham gia vào HĐHT với mục đích hướng tới những lợi ích chung và lợi ích riêng của nhau.
- Trong quá trình thực hiện việc hợp tác trong HĐHT, các thành viên nhân danh chính mình để chủ động tham gia thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Sự chủ động này sẽ giúp cho chính những thành viên hợp tác linh hoạt, độc lập, tự chủ trong hoạt động hợp tác và có liên quan nhưng không chịu sự phụ thuộc, chi phối của thành viên còn lại trong HĐHT. Đối với hình thức hợp tác theo HĐHT, các thành viên hợp tác có thể đàm phán, thương lượng với nhau về cơ chế chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ trong hoạt động hợp tác, các thành viên hợp tác còn có thể linh hoạt thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng mà không chịu sự ràng buộc bởi cá nhân hay pháp nhân nào khác. Có thể thấy, hình thức hợp tác là một hình thức triển vọng, khuyến khích sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các chủ thể trong giao lưu dân sự khi có nhu cầu hợp tác nhằm tạo ra lợi nhuận hay hướng tới những mục đích cụ thể nào đó. Những ưu việt của HĐHT được thừa nhận kịp thời trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chứng tỏ nỗ lực của nhà lập pháp khi thừa nhận quyền hợp tác trong giao lưu dân sự của các cá nhân, tổ chức trong quy định pháp luật.
Bên cạnh những ưu điểm, việc hợp tác trong HĐHT còn tồn tại những hạn chế nhất định khiến cho các thành viên hợp tác không thể thoát khỏi những khó khăn trong và sau quá trình hợp tác như:
- Không cần thành lập các pháp nhân, tổ chức mới để đứng ra đại diện cho các thành viên hợp tác trong quá trình hợp tác mặc dù là ưu điểm nhưng đó cũng là hạn chế của việc hợp tác trong HĐHT. Bởi lẽ, ngay sau khi giao kết HĐHT, các thành viên hợp tác đã xác định quyền hạn, nghĩa vụ của mình lập tức phải thực hiện một số hoạt động đặc thù hoặc một số hợp đồng phụ cụ thể như hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, mượn… để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác. Tuy nhiên, vì không có tổ chức, pháp nhân nào “đứng mũi, chịu sào” cho các thành viên hợp tác trong HĐHT nên việc giao kết các hợp đồng đặc thù, cụ thể phục vụ cho HĐHT lại do chính “đơn phương, độc mã” một trong số các thành viên hợp tác giao kết với các chủ thể có liên quan đến hợp đồng đặc thù, cụ thể đó. Rõ ràng, điều đáng nói ở đây là các thành viên hợp tác lại nhân danh chính mình trong qua hệ hợp đồng này và đây cũng là mấu chốt để xảy ra những tranh chấp phát sinh sau này liên quan trực tiếp đến lợi ích của các bên trong HĐHT. Giả sử hai chủ thể là cá nhân A và công ty B giao kết với nhau một HĐHT, để thuận lợi cho việc hợp tác, công ty B đứng ra sử dụng con dấu, tài khoản và các giấy tờ chứng mình tư cách pháp nhân của mình để giao kết một hợp đồng thuê nhà làm trụ sở cho việc hợp tác thay cho cá nhân A. Vấn đề cần lưu ý ở đây là nếu như không có sự thỏa thuận rõ ràng về trường hợp này sẽ rất dễ xảy ra những tranh chấp phát sinh liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân A và công ty B.
- Quy định của pháp luật dân sự hiện hành cũng thiếu hẳn nội dung liên quan đến việc quy định trách nhiệm của các thành viên hợp tác đối với bên thứ ba trong quá trình các thành viên hợp tác này giao kết hợp đồng dân sự đối với bên thứ ba. Về mặt pháp lý, quyền lợi của các bên trong quan hệ dân sự cần phải được bình đẳng, pháp luật bảo vệ như nhau. Tuy nhiên, trong HĐHT, nếu như pháp luật chỉ bảo vệ cho các thành viên hợp tác là các bên tham gia quan hệ HĐHT mà không bảo vệ cho bên thứ ba giao kết hợp đồng với thành viên HĐHT sau khi HĐHT phát sinh hiệu lực là một thiếu sót cần phải giải quyết kịp thời, dứt điểm. Giả sử, nếu như một bên là A giao kết hợp đồng với bên thứ ba là C để phục vụ cho hoạt động hợp tác với B trong quá trình thực hiện HĐHT, trong quá trình giao kết hợp đồng, giữa A và C xảy ra tranh chấp, các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự rất khó có thể tìm kiếm các nội dung quy định cụ thể về việc giải quyết tranh chấp này sao cho bảo đảm quyền lợi của cả A và C.
Tóm lại, HĐHT là một trong những loại hợp đồng thông dụng, trước khi được pháp luật dân sự thừa nhận thì nó đã khá phổ biến trong giao lưu dân sự bởi nó chứa đựng những tính chất ưu việt giúp cho các thành viên trong quan hệ hợp tác cùng nhau chia sẻ vốn, công sức, lợi nhuận để thực hiện những công việc cụ thể nhằm phục vụ lợi ích của nhau. Để lựa chọn hình thức hợp tác theo HĐHT trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các cá nhân, tổ chức có ý định hợp tác cùng cần phải tìm hiểu rõ những ưu điểm, hạn chế của việc hợp tác trong hợp đồng này nhằm hạn chế, giảm thiếu tối đa những rủi ro có thể xảy ra và bảo đảm quyền, lợi ích thiết thân cho chính mình.
Công ty TNHH E - WISDOM Toàn Cầu
[1]. Tham khảo thêm Mục 1 - Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, Chương III Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Tham khảo thêm Chương IV Bộ luật Dân sự năm 2015.