Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong pháp luật của các nước trên thế giới, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay khi quá trình mua sắm hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa thương nhân và người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở phương thức truyền thống tại địa điểm kinh doanh trực tiếp mà đã chuyển đổi mạnh mẽ sang các phương thức hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng lên tương ứng với sự phát triển của công nghệ như thương mại điện tử (e-commerce), thương mại di động (m-commerce), hệ sinh thái đa nền tảng… Các giao dịch giữa thương nhân và người tiêu dùng khi giao kết từ xa sẽ kéo theo việc hợp đồng theo mẫu được ưa chuộng sử dụng do sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí mà nó đem lại.
Ở Việt Nam, hợp đồng theo mẫu hiện nay được quy định khá đồng nhất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 cho tới Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Đồng thời, để thể hiện rõ hơn về đối tượng áp dụng của hợp đồng theo mẫu là người tiêu dùng và bên đơn phương đưa ra hợp đồng là tổ chức, cá nhân kinh doanh chứ không chỉ quy định chung chung áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, hợp đồng theo mẫu được định nghĩa như sau: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Trên thế giới, hợp đồng theo mẫu có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là dạng hợp đồng mẫu (standard form contracts) hay hợp đồng gia nhập (adhesion contracts) và hợp đồng hàng loạt (boilerplate contracts). Dù được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, nhưng tựu chung lại hợp đồng theo mẫu gồm những điều khoản, điều kiện do một bên đơn phương đưa ra và bên còn lại chỉ được chấp nhận toàn bộ hoặc không. Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật của các nước tập trung vào việc kiểm soát các điều khoản không công bằng, chủ yếu nằm trong hợp đồng theo mẫu mà thương nhân đơn phương đưa ra để sử dụng trong các giao dịch với người tiêu dùng.
Bài viết “Hợp đồng theo mẫu áp dụng với người tiêu dùng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dưới góc độ so sánh” của tác giả Nguyễn Ngọc Quyên bàn về khái niệm, hình thức của hợp đồng theo mẫu áp dụng với người tiêu dùng, việc thông báo về hợp đồng theo mẫu trước khi áp dụng đối với người tiêu dùng, vấn đề giải thích hợp đồng theo mẫu, các điều khoản hợp đồng theo mẫu áp dụng với người tiêu dùng không có hiệu lực và vấn đề đăng ký hợp đồng theo mẫu trước khi áp dụng với người tiêu dùng.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Pháp luật về hợp đồng dưới góc độ luật học so sánh” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.