Công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ của người được TGPL, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa để tăng số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, qua đó khẳng định công tác TGPL trong hoạt động tố tụng là việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Thực hiện chương trình phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, năm 2015, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp đã tổ chức quán triệt đến các đơn vị trong toàn ngành về các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT). Qua đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của công tác TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng, vì vậy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã giải thích các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng và quyền được TGPL cho người bị tạm giam, tạm giữ, bị cáo và đương sự biết. Theo đó, tỷ lệ người dân biết về TGPL ngày càng tăng lên, góp phần bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai việc phối hợp với từng thành viên là các cơ quan tiến hành tố tụng, thường xuyên chỉ đạo Trung tâm TGPL tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như việc lắp bảng tin, hộp tin về TGPL, phối hợp với các hội, đoàn thể để truyền thông về hoạt động TGPL, cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt cán bộ của ngành mình phải chủ động giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo biết về quyền được TGPL nếu họ thuộc đối tượng được TGPL.
Các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL do Trung tâm TGPL Nhà nước cung cấp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT; cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL để nhân dân tiếp cận khi cần thiết; thực hiện việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và những người có liên quan khác hiểu rõ về quyền được TGPL. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã liên hệ trực tiếp với Trung tâm TGPL và đoàn luật sư hoặc có công văn yêu cầu cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Trên cơ sở công văn đề nghị TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh và đơn yêu cầu của người được TGPL, trong năm 2015, Trung tâm TGPL tỉnh và Chi nhánh số 1 (có trụ sở đặt tại TP. Tam Điệp) đã ra quyết định cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp miễn phí cho 59 trường hợp với 59 vụ việc, chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội trong các vụ án hình sự; thẩm định, đánh giá chất lượng 25 vụ việc TGPL, thông qua việc đánh giá chất lượng thì các vụ việc TGPL đều đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL theo đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên do Trung tâm TGPL cử. Các cơ quan tiến hành tố tố tụng ở cả hai cấp tỉnh, huyện đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho 112 trường hợp, trong đó có 59 trường hợp thuộc đối tượng được TGPL, còn lại là các đối tượng khác.
Một trong những hoạt động nổi bật của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng là sự tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL. Hoạt động tham gia tố tụng của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho hội đồng xét xử quyết định những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Trong thời gian qua, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã có nhiều cố gắng trong việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng TGPL. Theo đánh giá của các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần tích cực và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án, trong quá trình tranh tụng, họ đã đưa ra những quan điểm pháp lý sắc bén thuyết phục được hội đồng xét xử ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật; các trợ giúp viên pháp lý đã không ngừng đầu tư thời gian, nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị bài luận cứ bào chữa chu đáo và tranh luận sôi nổi tại phiên tòa. Bởi vậy, các vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý trong thời gian vừa qua đều có sự đầu tư theo chiều sâu, lập luận “có lý, có tình”. Ngoài việc am hiểu kiến thức pháp luật và sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, trong quá trình tác nghiệp, các trợ giúp viên pháp lý đã thực sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc mang đậm tính nhân văn, nhân đạo này.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tạm giữ, tạm giam đã được Quốc hội thông qua vào các ngày 25 và 27/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Trong đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi nhận trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 72, Điều 83 và Điều 84). Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho Trung tâm TGPL Nhà nước. Theo đó, Điều 72 của Bộ luật này quy định người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là: Bị can, bị cáo phạm các tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người chưa thành niên thì Trung tâm phải cử người bào chữa cho họ theo chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng… qua đó, trợ giúp viên pháp lý ngày càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động tố tụng.
Ngoài việc cử trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Trong năm 2015, Trung tâm đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 (Quyết định số 749/QĐ-TTg) và Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP.
Có thể nói, trong năm 2015, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng thì vẫn tồn tại một số hạn chế: Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện chỉ tập trung vào giai đoạn xét xử và ở các vụ án hình sự, các vụ việc chủ yếu là luật sư cộng tác viên thực hiện, số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý tham gia ít; công tác thông tin về đối tượng thuộc diện TGPL của một số cơ quan chưa kịp thời; kinh phí Ủy ban nhân dân tỉnh dành cho hoạt động TGPL nói chung, TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tiến hành đẩy mạnh triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT đến người dân ở cơ sở, nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan; đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện được TGPL đều có trợ giúp viên, luật sư là cộng tác viên tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng; tăng cường số vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng; tiếp tục cử cán bộ, viên chức tham dự lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức làm cơ sở bổ sung nguồn trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp trong hoạt động TGPL của các thành viên trong Hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL nói chung và công TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể. Đồng thời, củng cố hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn Thị Ngọc Hải
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình