1. Tổng quan về nhiệm vụ, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài và phạm vi điều tra, khảo sát phục vụ việc nghiên cứu Đề tài
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, năm 2013, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban Thư ký Ban Chỉ đạo triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đề tài do TS. Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Thư ký Ban Chỉ đạo làm chủ nhiệm. Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các vấn đề lý luận cơ bản về quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam; thực tiễn tổ chức thực hiện quyền tư pháp; tham khảo mô hình tổ chức, các thiết chế hoạt động tư pháp của một số nước trên thế giới; đề xuất các các quan điểm và giải pháp tổng thể thực hiện quyền tư pháp nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức, hoạt động tư pháp (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nêu trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc, các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến công tác tư pháp).
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên, Ban Chủ nhiệm đề tài và Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã ký kết hợp đồng thỏa thuận việc tiến hành điều tra khảo sát, nghiên cứu thực địa, cung cấp kết quả tổng hợp phục vụ việc nghiên cứu đề tài. Việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa gồm khảo sát định tính và định lượng được tổ chức tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Lĩnh vực điều tra, khảo sát chủ yếu là: (i) Nhận thức về quyền tư pháp, việc thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp; (ii) Thực tiễn các hoạt động tư pháp ở địa bàn khảo sát (vai trò và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, luật sư và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động tư pháp; sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử và Mặt trận đối với các hoạt động tư pháp); (iii) Ý kiến, quan điểm về hoàn thiện thể chế và các thiết chế về hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013.
2. Quá trình tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát
Căn cứ nội dung đã thỏa thuận với Ban Chủ nhiệm đề tài, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch và phương án tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau. Quá trình triển khai thực hiện, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiến hành các hoạt động cụ thể sau đây:
2.1. Xây dựng mẫu phiếu điều tra, khảo sát và phương án triển khai, thực hiện
Để xác định đầy đủ, đúng đắn các nội dung điều tra, khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của từng đề tài nhánh, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã gửi công văn đề nghị Chủ nhiệm các đề tài nhánh đề xuất các vấn đề, các câu hỏi cần đưa vào mẫu phiếu điều tra, khảo sát. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các đề tài nhánh, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiến hành xây dựng mẫu phiếu, xác định phạm vi đối tượng điều tra, khảo sát và phương án triển khai thực hiện; tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hàng trăm câu hỏi và nhiều phương án điều tra, khảo sát đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp. Quá trình xây dựng mẫu phiếu và phương án điều tra, khảo sát kéo dài trong suốt thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 4/2015. Kết quả đã lựa chọn được 05 mẫu phiếu gửi lấy ý kiến Ban Chủ nhiệm đề tài, trên cơ sở đó, tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để tiến hành điều tra thử.
2.2. Tiến hành điều tra thử và hoàn thiện bộ mẫu phiếu điều tra, khảo sát
Tháng 4/2015, Văn phòng Ban Chỉ đạo tổ chức điều tra thử tại địa bàn Hà Nội. Đối tượng khảo sát gồm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, một số cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo trực tiếp đến các cơ quan nhà nước, các văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, các tổ dân phố thuộc nội, ngoại thành để phát phiếu điều tra, khảo sát.
Sau khi tổng hợp kết quả điều tra thử, Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉnh lý, bổ sung các câu hỏi, báo cáo Ban Chủ nhiệm đề tài và hoàn thiện bộ phiếu để tiến hành hoạt động điều tra, khảo sát trên quy mô toàn quốc.
Bộ phiếu điều tra, khảo sát gồm 05 mẫu phiếu:
- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực địa dành cho cán bộ, công chức có 32 câu hỏi định lượng với 119 phương án trả lời và nhiều phương án mở.
- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực địa dành cho cán bộ, công chức có 30 câu hỏi định tính về quyền tư pháp.
- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực địa dành cho cán bộ, công chức có 31 câu hỏi định tính về độc lập xét xử.
- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực địa dành cho cán bộ, công chức có 30 câu hỏi định tính về Viện kiểm sát và cơ quan điều tra hình sự.
- Mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực địa dành cho các tầng lớp nhân dân có 32 câu hỏi định lượng với 106 phương án trả lời.
2.3. Tổ chức các đoàn đi điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa tại các địa phương
Tháng 5/2015, Văn phòng Ban Chỉ đạo tổ chức 03 đoàn công tác do đồng chí Chánh Văn phòng làm Trưởng đoàn đi điều tra, khảo sát tại các địa phương:
Đoàn số 1 điều tra, khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau.
Đoàn số 2 điều tra, khảo sát tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An.
Đoàn số 3 điều tra, khảo sát tại thành phố Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã gửi công văn tới các các cơ quan, tổ chức có liên quan tại các địa phương nêu trên, thông báo về hoạt động điều tra, khảo sát và đề nghị cơ quan, tổ chức phối hợp, hỗ trợ đoàn công tác triển khai, thực hiện các nhiệm vụ điều tra, khảo sát theo kế hoạch (phát phiếu điều tra, khảo sát và phỏng vấn, tọa đàm lấy ý kiến các đối tượng khảo sát về các nội dung cần điều tra, khảo sát).
Tại các địa phương, các đoàn điều tra, khảo sát tổ chức phát phiếu khảo sát định lượng cho cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, công chứng, giám định, luật sư, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan dân cử và khối nhân dân. Các đoàn khảo sát lập kế hoạch điều tra, khảo sát chi tiết, trong đó xác định tỷ lệ cụ thể số phiếu phát ra đối với từng khối tòa án, kiểm sát, công an, thi hành án, công chứng, giám định, luật sư; khối cơ quan hành chính nhà nước, khối cơ quan đảng, đoàn thể, cơ quan dân cử và khối nhân dân. Các đoàn khảo sát đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo và cán bộ các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phát phiếu và thu phiếu khảo sát. Các đoàn điều tra, khảo sát đã phát và thu về 1.541 phiếu khảo sát định lượng, trong đó có 1.195 phiếu khảo sát khối công chức và 346 phiếu khảo sát khối nhân dân.
Đối với việc điều tra, khảo sát định tính, tại các địa phương, các đoàn khảo sát tổ chức bằng hình thức tọa đàm theo nhóm và phỏng vấn sâu. Thành phần tham gia tọa đàm nhóm từ 15 đến 20 người, gồm các cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tư pháp, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Văn phòng tỉnh ủy hoặc thành ủy, Ban Nội chính, văn phòng công chứng, giám định, luật sư và các thành viên của đoàn khảo sát. Chủ trì buổi tọa đàm giới thiệu về đề tài cấp nhà nước, mục đích của hoạt động điều tra khảo sát, yêu cầu của buổi tọa đàm và nêu những vấn đề cần trao đổi, tọa đàm theo chủ đề về quyền tư pháp, về độc lập xét xử, về Viện kiểm sát và cơ quan điều tra; người tham dự phát biểu ý kiến về cơ quan tư pháp, về nội dung quyền tư pháp, về thực trạng tổ chức, hoạt động, về định hướng phát triển và hoàn thiện... Các ý kiến được ghi chép, tổng hợp vào báo cáo kết quả điều tra, khảo sát. Tổng cộng có 28 buổi tọa đàm nhóm đã được các đoàn khảo sát thực hiện.
Hình thức phỏng vấn sâu thực hiện thông qua việc trao đổi, lấy ý kiến trong các cuộc họp, buổi làm việc tại các cơ quan, tổ chức và mời gặp, phỏng vấn trực tiếp các đối tượng phỏng vấn, do cán bộ đoàn khảo sát thực hiện trực tiếp. Nội dung phỏng vấn sâu xoay quanh các chủ đề được nêu trong phiếu khảo sát định tính. Cán bộ khảo sát nêu vấn đề, đặt các câu hỏi để người được khảo sát nêu quan điểm, ý kiến. Nội dung buổi phỏng vấn được ghi biên bản để tổng hợp vào báo cáo kết quả điều tra, khảo sát. Tổng cộng có 84 cuộc phỏng vấn sâu.
Toàn bộ kết quả điều tra định lượng và định tính tại các địa phương đã được tổng hợp, phân tích, xử lý số liệu và xây dựng báo cáo kết quả điều tra khảo sát với hàng trăm trang tài liệu. Sau đây là những thông tin chính về kết quả điều tra, khảo sát.
3. Kết quả điều tra, khảo sát định lượng
3.1. Kết quả điều tra, khảo sát khối công chức
3.1.1. Thông tin chung
- Có 1.195 người được khảo sát, trong đó có 742 nam (62,1%), 453 nữ (37,9%);
- Về trình độ: 34 trung cấp (2,8%), 908 đại học (76%), 234 sau đại học (11,2%);
- Về cơ quan công tác: 212 cán bộ tòa án (17,7%), 180 cán bộ kiểm sát (15%), 177 cán bộ điều tra (14,8%), 156 cán bộ thi hành án dân sự (13%), 84 luật sư (7%), 31 cán bộ thi hành án hình sự (2%), 129 cán bộ cơ quan đảng và tổ chức đoàn thể (10,7%), 60 cán bộ sở tư pháp (5%), 132 cán bộ khối cơ quan hành chính (11%), 34 cán bộ cơ quan dân cử (2,8%).
3.1.2. Kết quả
Câu 1: Phạm vi quyền tư pháp bao gồm thẩm quyền nào? 272 ý kiến cho rằng là thẩm quyền xét xử (22,8%), 858 ý kiến cho rằng gồm thẩm quyền xét xử, kiểm sát, điều tra và thi hành án (71,8%).
Câu 2: Hoạt động điều tra, truy tố có phải là hoạt động tư pháp không? 962 ý kiến cho rằng có (80,5%), 228 ý kiến cho rằng không (19,5%).
Câu 3: Hoạt động thi hành án hình sự có phải là hoạt động tư pháp không? 920 ý kiến cho rằng có (77,2%), 273 ý kiến cho rằng không (22,8%).
Câu 4: Hoạt động thi hành án dân sự có phải là hoạt động tư pháp không? 812 ý kiến cho rằng có (67,9%), 384 ý kiến cho rằng không (32,1%).
Câu 5: Hoạt động luật sư trong tố tụng có phải là hoạt động tư pháp không? 574 ý kiến cho rằng có (48%), 624 ý kiến cho rằng không (52%).
Câu 6: Cơ quan thực hiện quyền tư pháp là cơ quan nào? 252 ý kiến cho rằng là Tòa án nhân dân (21,1%), 800 ý kiến cho rằng là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự (67%).
Câu 7: Hoạt động nào có vị trí, vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết một vụ án? Có 496 ý kiến cho rằng là hoạt động điều tra (41,4%), 52 ý kiến cho rằng là hoạt động truy tố (4,3%), 649 ý kiến cho rằng là hoạt động xét xử (54,3%), 19 ý kiến cho rằng là hoạt động thi hành án (1,2%).
Câu 8: Cơ quan nào có nhiều vấn đề phải đổi mới nhất?: 461 là cơ quan điều tra (38,6%), 160 là Viện kiểm sát nhân dân (13,4%), 484 là Tòa án nhân dân (40,5%), 130 là cơ quan thi hành án dân sự (10,8%).
Câu 9: Thứ tự quan trọng các nhiệm vụ của cơ quan thực hiện quyền tư pháp (đánh số thứ tự từ 1 là quan trọng nhất):
Số 1: 525 bảo vệ chế độ (43,9%), 600 bảo vệ công lý (50,2%), 34 bảo vệ nhà nước (2,8%), 26 bảo vệ cá nhân (2,1%).
Câu 10: Nhận thức của ông/bà về Chiến lược cải cách tư pháp: 707 nắm vững (59,1%), 287 đã được phổ biến (24%), 95 chưa được phổ biến (7,9%), 118 tự tìm hiểu (9,9%).
Câu 11: Ý kiến của ông/bà về thứ tự quan trọng của các nhiệm vụ cải cách tư pháp sau đây (từ 1 là quan trọng nhất):
Số 1: 688 là nhiệm vụ bảo vệ pháp luật (57,6%), 122 là chế định bổ trợ (10,2%), 16 là cơ chế giám sát (16%), 96 là cơ sở vật chất (8%), 63 là nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức bộ máy (5,3%), 28 là đội ngũ cán bộ (2,3%), 10 là hợp tác quốc tế (0,8%), 150 là sự lãnh đạo của Đảng (12,5%).
Câu 12: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp: 74 tốt (6%), 623 đạt yêu cầu (52%), 491 chưa đạt (42%).
Câu 13: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả đổi mới chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp? 64 tốt (5%), 652 đạt yêu cầu (55%), 473 chưa đạt (40%).
Câu 14: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả đổi mới chế định luật sư? 72 tốt (6%), 670 đạt yêu cầu (56%), 452 chưa đạt (38%).
Câu 15: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả đổi mới chế định bổ trợ tư pháp (giám định, công chứng)? 96 tốt (8%), 673 đạt yêu cầu (56%), 425 chưa đạt (36%).
Câu 16: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh? 84 tốt (8%), 578 đạt yêu cầu (48%), 528 chưa đạt (44%).
Câu 17: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp? 113 tốt (10%), 570 đạt yêu cầu (48%), 506 chưa đạt (42%).
Câu 18: Ông/bà đánh giá thế nào về kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp? 105 tốt (9%), 671 đạt yêu cầu (56%), 418 chưa đạt (35%).
Câu 19: Ông/bà đánh giá thế nào về việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp? 56 tốt (4,6%), 448 đạt yêu cầu (37,4%), 691 chưa đạt (58%).
Câu 20: Đánh giá của ông/bà về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp? 257 tốt (21,5%), 701 đạt yêu cầu (59%), 232 chưa đạt (19,5%).
Câu 21: Đánh giá của ông/bà đối với chất lượng của các hoạt động tư pháp trong thời gian qua?
Xét xử: 114 tốt (9,5%), 727 đạt yêu cầu (60,8%), 319 chưa đạt (26,7%).
Truy tố: 124 tốt (10,4%), 728 đạt yêu cầu (61%), 271 chưa đạt (22,7%).
Điều tra: 89 tốt (7,4%), 688 đạt yêu cầu (57,6%), 330 chưa đạt (27,6%).
Thi hành án: 97 tốt (8,1%), 614 đạt yêu cầu (51,4%), 415 chưa đạt (34,8%).
Câu 22: Đánh giá của ông/bà về chất lượng hoạt động của luật sư? 42 tốt (3,5%), 530 đạt yêu cầu (44,7%), 614 chưa đạt (51,8%).
Câu 23: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của TAND, VKSND, CQĐT, CQTHA hiện nay đã hợp lý hay chưa? 119 phù hợp (10%), 221 chưa phù hợp (18,5%), 855 tương đối (71,5%).
Câu 24: Ông/bà đánh giá thế nào về mức độ quan trọng của các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ (đánh số thứ tự từ 1 là quan trọng nhất)
Số 1: 362 là đào tạo, bồi dưỡng (30,39%), 389 là cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm (32,6%), 20 là điều kiện làm việc (1,7%), 93 là tăng cường kỷ luật (7,8%), 189 là tính độc lập (15,8%).
Câu 25: Đánh giá của ông/bà về kết quả cải cách tư pháp so với cải cách hành chính? 765 tốt hơn (64,4%), 422 kém hơn (35,6%).
Câu 26: Đánh giá của ông/bà về kết quả giám sát hoạt động tư pháp của Mặt trận tổ quốc? 289 hiệu quả (24%), 916 chưa hiệu quả (76%).
Câu 27: Cần thống nhất nhận thức về quyền tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng nào? 896 là thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (75,4%), 293 là thẩm quyền xét xử (24,6%).
Câu 28: Có cần thiết mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan đến các quyết định tạm giam, tạm giữ, cưỡng chế thi hành án? 719 cần thiết (60,3%), 473 không cần thiết (39,7%).
Câu 29: Có cần thiết duy trì chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân hay không? 779 cần thiết (65,4%), 423 không cần thiết (34,6%).
Câu 30: Theo ông/bà trong thời gian tới, hoạt động tư pháp cần đổi mới những nội dung nào sau đây?:
Tăng cường tính công khai, dân chủ, độc lập trong các hoạt động ĐT, TT, XX, THA: 1.137 đồng ý (99%), 11 không đồng ý (1%).
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử: 1.075 đồng ý (94,5%), 63 không đồng ý (5,5%).
Cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan tư pháp: 1.117 đồng ý (98%), 23 không đồng ý (2%).
Nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực: 1.135 đồng ý (98%), 24 không đồng ý (2%).
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý: 1.135 đồng ý (99%), 13 không đồng ý (1%).
Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở và các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án: 1.108 đồng ý (96%), 49 không đồng ý (4%).
Câu 31: Theo ông/bà, việc nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam nên theo hướng nào? 214 có (17,9%), 80 không (6,7%), 897 nên chọn lọc (75,4%).
3.2. Kết quả điều tra, khảo sát khối nhân dân
3.2.1. Thông tin chung
Có 346 người được hỏi, trong đó có 187 nam (52,5%) và 169 nữ (47,5%); 24 người dưới 20 tuổi (6,7%), 108 người từ 20 - 30 tuổi (30,4%), 87 người từ 30-40 tuổi (24,5%), 62 người từ 40 - 50 tuổi (17,4%), 42 người từ 50 - 60 (11,8%), 33 người trên 60 tuổi (9,2%).
Về nghề nghiệp: 42 công nhân (13,5%), 56 nông dân (18,1%), 35 làm nghề tự do (11,4%), 36 kinh doanh (11,5%), 35 hưu trí (11,4%), 28 giáo viên (9,2%), 09 thợ may (2,8%), 55 sinh viên (18%), 06 lái xe (2%), 06 cán bộ (2%).
Về trình độ văn hóa: Có 02 tiểu học (0,5%), 32 trung học cơ sở (9,1%), 320 trung học phổ thông (90,4%).
3.2.2. Kết quả
Câu 1: Theo ông/bà, ở nước ta, cơ quan nào có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự? 21 ý kiến trả lời là cơ quan điều tra (5,7%), 321 ý kiến trả lời là Tòa án nhân dân (88,2%), 22 ý kiến trả lời là Viện kiểm sát nhân dân (6,1%).
Câu 2: Theo ông/bà, ở nước ta, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự? 101 ý kiến trả lời Ủy ban nhân dân (24,7%), 257 ý kiến trả lời Tòa án nhân dân (63,1%), 51 ý kiến trả lời tổ hòa giải cơ sở (12,2%).
Câu 3: Theo ông/bà, ở nước ta, cơ quan nào có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính? 48 ý kiến trả lời là Ủy ban nhân dân (13%), 303 ý kiến trả lời là Tòa án nhân dân (82,3%), 17 ý kiến trả lời là Viện kiểm sát nhân dân (4,7%).
Câu 4: Khi các quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm hoặc có tranh chấp về dân sự, ông/bà tự mình giải quyết hay đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết? 28 trả lời là tự mình (7,8%), 328 trả lời là đề nghị cơ quan có thẩm quyền (92,2%).
Câu 5: Khi các quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm, ông/bà sẽ chọn cơ quan, tổ chức nào giải quyết? 80 chọn cơ quan điều tra (23,1%), 15 chọn Viện kiểm sát nhân dân (4,3%), 204 chọn Tòa án nhân dân (58,9%), 81 chọn Ủy ban nhân dân (23,4%), 86 chọn tổ chức đoàn thể (24,8%).
Câu 6: Khi có tranh chấp về dân sự, ông/bà sẽ chọn cơ quan, tổ chức nào giải quyết? 20 chọn cơ quan điều tra (5,8%), 7 chọn Viện kiểm sát nhân dân (2%), 122 chọn Ủy ban nhân dân (35,2%), 220 chọn Tòa án nhân dân (63,5%), 33 chọn tổ chức đoàn thể (9,5%).
Câu 7: Ông/bà đã từng được mời làm hội thẩm nhân dân chưa? 21 đã được mời (5,9%), 331 trả lời chưa (94,1%).
Câu 8: Ý kiến của ông/bà về chất lượng hoạt động của hội thẩm nhân dân? 77 tốt (21,7%), 81 chưa tốt (22,9%), 196 không biết (55,4%).
Câu 9: Ông/bà đã từng tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cơ quan nào sau đây? 129 trả lời với Tòa án nhân dân (37,3%), 61 trả lời với Viện kiểm sát (17,6%), 57 với cơ quan điều tra (16,5%), 60 với cơ quan thi hành án dân sự (17,3%), 79 với luật sư (22,8%), 235 với công chứng (67,9%), 24 với giám định (6,9%), 62 với trợ giúp pháp lý (17,9%), 308 với Ủy ban nhân dân (89,3%).
Câu 10: Ông/bà đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức sau đây:
Tòa án nhân dân: 129 tốt (36,6%), 122 khá (34,6%), 44 trung bình (12,6%), 11 kém (3,1%), 46 không biết (13,1%).
Viện kiểm sát nhân dân: 94 tốt (26,8%), 127 khá (36,2%), 49 trung bình (13,9%), 13 kém (3,7%), 68 không biết (19,4%).
Cơ quan điều tra: 92 tốt (26,1%), 110 khá (32,3%), 68 trung bình (19,3%), 15 kém (4,3%), 67 không biết (19%).
Cơ quan thi hành án dân sự: 81 tốt (23%), 122 khá (34,6%), 69 trung bình (19,6%), 18 kém (5,2%), 62 không biết (17,6%).
Luật sư: 54 tốt (15,5%), 129 khá (37%), 83 trung bình (23,8%), 14 kém (4%), 69 không biết (19,7%).
Công chứng: 122 tốt (35,2%), 113 khá (32,6%), 73 trung bình (21%), 13 kém (3,7%), 26 không biết (7,5%).
Giám định: 56 tốt (16,5%), 102 khá (30%), 65 trung bình (19,1%), 09 kém (2,6%), 108 không biết (31,8%).
Trợ giúp pháp lý: 86 tốt (25,1%), 96 khá (28%), 62 trung bình (18,1%), 15 kém (4,4%), 84 không biết (24,4%).
Câu 11: Ông/bà đánh giá thế nào về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ các cơ quan sau đây:
Tòa án nhân dân: 157 tốt (45,5%), 160 trung bình (46,4%), 28 chưa đạt (8,1%).
Viện kiểm sát nhân dân: 143 tốt (41,8%), 178 trung bình (52%), 21 chưa đạt (6,2%).
Cơ quan điều tra: 138 tốt (40,3%), 170 trung bình (49,7%), 34 chưa đạt (10%).
Cơ quan thi hành án dân sự: 124 tốt (36,8%), 173 trung bình (51,3%), 40 chưa đạt (11,9%).
Câu 12: Ông/bà đánh giá thế nào về tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan sau:
Tòa án nhân dân: 163 tốt (47,1%), 152 trung bình (43,9%), 31 chưa đạt (9%).
Viện kiểm sát nhân dân: 143 tốt (42,4%), 166 trung bình (48,5%), 31 chưa đạt (9%).
Cơ quan điều tra: 116 tốt (34%), 175 trung bình (51,3%), 50 chưa đạt (14,7%).
Cơ quan thi hành án dân sự: 120 tốt (35,2%), 180 trung bình (52,8%), 41 chưa đạt (12%).
Câu 13: Ý kiến của ông/bà về tính công khai, dân chủ trong xét xử của Tòa án nhân dân? 150 đã bảo đảm (43%), 156 bảo đảm một phần (47,7%), 43 chưa bảo đảm (12,3%).
Câu 14: Ông/bà đã bao giờ nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước Tòa án chưa? 49 có (13,8%), 307 chưa (86,2%).
Câu 15: ý kiến của ông/bà về chất lượng luật sư hiện nay? 65 tốt (18,3%), 138 chưa tốt (38,9%), 152 không biết (42,8%).
Câu 16: ý kiến ông/bà về chất lượng trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước? 109 tốt (30,6%), 95 chưa tốt (26,7%), 152 không biết (42,8%).
Câu 17: ý kiến của ông/bà về chất lượng trợ giúp pháp lý của tổ chức đoàn thể xã hội (phụ nữ, luật gia)? 126 tốt (35,6%), 130 chưa tốt (36,7%), 98 không biết (27,7%).
Câu 18: Ông/bà có cần luật sư tư vấn, trợ giúp khi có việc cần giải quyết tại Tòa án không? 277 có (77,8%), 79 không (22,2%).
Câu 19: Ông/bà đã từng được các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa? 130 có (36,5%), 226 chưa (63,5%).
Câu 20: Ý kiến của ông/bà đối với hoạt động tư vấn, pháp luật, trợ giúp pháp lý? 117 tốt (33,1%), 117 chưa tốt (33,1%), 119 không biết (33,8%).
Câu 21: Ông/bà đã từng được thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp cách tư pháp chưa? 250 có (70,8%), 103 chưa (29,2%).
Câu 22: Ông/bà đã từng được thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp thông qua các hình thức nào? 139 trực tiếp (40,2%), 202 qua báo chí (58,4%), 67 được phát tài liệu (19,4%), 112 qua kênh phát thanh (32,3%), 209 qua truyền hình, internet (60,4%), 90 nghe người khác (26%).
Câu 23: Ý kiến của ông/bà về sự cần thiết giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) đối với hoạt động tư pháp? 316 cần thiết (89,3%), 20 không cần (5,7%), 18 không quan tâm (5%).
Câu 24: ý kiến của ông/bà về hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) đối với hoạt động tư pháp: 133 tốt (37,4%), 90 không biết (25,2%), 133 chưa tốt (37,4%).
Câu 25: Ý kiến của ông/bà về thứ tự ưu tiên các vấn đề sau đây? (đánh số theo thứ tự từ 1 là quan trọng nhất):
Số 1: 161 tính công khai (46,5%), 25 hoạt động giám sát (7,2%), 57 đơn giản hóa thủ tục (14,5%), 49 nâng cao trình độ (14,2%), 63 phòng chống tiêu cực (18,2%).
Câu 26: Ý kiến của ông/bà về thứ tự các cơ quan cần ưu tiên đổi mới tổ chức, hoạt đông? (đánh số theo thứ tự từ 1 là quan trọng nhất):
Số 1: 158 Tòa án nhân dân (45,6%), 33 Viện kiểm sát nhân dân (9,5%), 129 cơ quan điều tra (37,5%), 32 cơ quan thi hành án dân sự (9,2%).
Câu 27: Theo ông/bà, trong thời gian tới, có cần thiết tăng số lượng các phiên tòa xét xử lưu động của Tòa án không? 325 có (92,1%), 28 không (7,9%).
Câu 28: Ý kiến của ông/bà về chế định hội thẩm? 123 giữ nguyên (34,6%), 26 bỏ (7,3%), 207 cần thay đổi (58,1%).
Câu 29: Theo ông/bà có cần thiết quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không là các tổ chức kinh tế trong Bộ luật Hình sự không? 291 cần (81,7%), 55 không cần (18,3%).
Câu 30: Theo ông/bà, có nên tăng cường các hình phạt tiền thay thế các hình phạt tù không? 180 cần (52%), 166 không cần (48%).
Câu 31: Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết các khiếu nại hành chính của cơ quan có thẩm quyền thì ông/bà tiếp tục đề nghị cơ quan hành chính cấp trên hay Tòa án giải quyết? 167 đề nghị cơ quan hành chính (48,3%), 188 đề nghị Tòa án nhân dân (51,7%).
4. Kết quả điều tra, khảo sát định tính
4.1. Nhận thức về quyền tư pháp
4.1.1. Về quyền tư pháp
Đa số người được hỏi cho rằng quyền tư pháp gồm thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định về thẩm quyền của Tòa án khi thực hiện quyền tư pháp. Do đó, quyền tư pháp là quyền xét xử của Tòa án.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến khác như: Nên tách bạch rõ giữa quyền tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp và cơ quan tư pháp; quyền xét xử là hội tụ nhất, đỉnh cao nhất của quyền tư pháp, nên đưa Tòa án vào quy trình tố tụng ngay từ đầu, giám sát từ khi khởi tố; chỉ cơ quan tư pháp mới có quyền tư pháp; quyền tư pháp được đã được Hiến pháp quy định. Một số ý kiến khác cho rằng quyền tư pháp là quyền thuộc về các cơ quan có chức năng cơ bản là bảo vệ pháp luật.
4.1.2. Về xác định cơ quan tư pháp
Đa số ý kiến cho rằng khái niệm về cơ quan tư pháp ngay từ Hiến pháp năm 1959 đã được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ gồm Tòa án mà còn các cơ quan khác như kiểm sát, điều tra cũng là cơ quan tư pháp. Đến Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng xác định cơ quan tư pháp không chỉ là Tòa án mà còn là cơ quan điều tra, kiểm sát, thi hành án và Tòa án chỉ là trung tâm. Do đó, nên tiếp tục xác định cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án, cơ quan điều tra, kiểm sát, thi hành án, trong đó Tòa án giữ vai trò là trung tâm.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng chỉ Tòa án mới là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp.
Cũng có ý kiến cho rằng, luật sư có vai trò bảo đảm cho sự công bằng, được tham gia tranh tụng nên hoạt động của luật sư cũng là hoạt động thực hiện quyền tư pháp.
4.1.3. Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân
Kết quả tại các buổi tọa đàm, phỏng vấn sâu có hai hướng: Hướng thứ nhất theo quan điểm truyền thống, cho rằng thẩm quyền xét xử như hiện nay đã bảo đảm, không nên mở rộng hay thu hẹp.
Hướng thứ hai cho rằng quyền tư pháp của Tòa án theo quy định của Hiến pháp năm 2013 cần được mở rộng như các khiếu nại đã được các cơ quan hành chính giải quyết, nếu công dân không đồng ý thì phải khởi kiện ra Tòa án nhân dân, không giao cho cơ quan hành chính cấp trên giải quyết; Tòa án có quyền xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp nhân dân, bảo đảm cho các quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất, hiệu quả, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật; Tòa án có quyền giải thích pháp luật; Tòa án phải có vai trò ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, có quyền quyết định đến những hoạt động liên quan đến quyền con người, quyền công dân như các lệnh bắt, tạm giam, tạm giữ, các lệnh khám (trừ những trường hợp phạm pháp quả tang); Tòa án có quyền tuyên vô tội hoặc không có tội nếu hồ sơ truy tố không đủ chứng cứ hoặc chứng cứ chưa rõ ràng mà không trả hồ sơ để điều tra bổ sung… Nhưng Tòa án không được điều tra, không khởi tố vụ án.
4.1.4. Về bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử cho Tòa án
Đây là nguyên tắc quan trọng bảo đảm thực hiện việc tranh tụng, bảo đảm công bằng và công lý được thực thi. Tuy nhiên cơ chế hiện hành ở Việt Nam thể hiện triệt để sự lãnh đạo của Đảng, Tòa án phân công thẩm phán, nhận xét, đánh giá thẩm phán, thực hiện khen thưởng, kỷ luật thẩm phán do vậy khó bảo đảm tính độc lập.
Một số ý kiến cho rằng, sự độc lập thể hiện là Tòa án cấp trên không được kiểm soát Tòa án cấp dưới; phải có sự độc lập giữa người quản lý với chức danh tư pháp, giữa Chánh án với Thẩm phán để Thẩm phán không bị lệ thuộc bởi quan hệ hành chính; xem xét cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng bổ nhiệm dài hạn, có thể đến khi về hưu, trừ trường hợp vi phạm thì hội đồng giám sát, tuyển chọn Thẩm phán quốc gia xem xét.
Một số ý kiến đề nghị cần có chính sách, chế độ đãi ngộ riêng đối với Thẩm phán, cán bộ chức danh tư pháp vì ngành Tòa án có tính chất đặc thù khác với các cơ quan hành chính nhà nước khác. Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị phải có cơ chế miễn trừ cho thẩm phán; nhiều trường hợp thẩm phán và gia đình bị đe dọa nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nên ảnh hưởng đến tâm lý thẩm phán. Nên quy định trong trường hợp cần thiết có công cụ hỗ trợ cho thẩm phán.
Một số ý kiến đề nghị cấp ủy của cơ quan Tòa án nên độc lập với cấp ủy địa phương, nếu không sẽ không thể độc lập. Không nên cử đại diện Tòa án, Viện kiểm sát tham gia cấp ủy địa phương, chỉ cần hoạt động chuyên môn tốt là được vì việc tham gia sẽ giảm tính độc lập. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân không nên yêu cầu Tòa án báo cáo vì Tòa án cấp dưới đã báo cáo Tòa án cấp trên rồi. Việc giao cho địa phương bố trí, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tư pháp là không bảo đảm tính độc lập, mà nên để ngân sách trung ương quyết định.
4.1.5. Về nguyên tắc tranh tụng
Đa số các ý kiến tập trung đề nghị cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng và luật sư, trang bị đầy đủ kỹ năng tranh tụng; đào tạo, đào tạo lại thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án. Có ý kiến đề nghị cần quy định theo hướng không áp dụng việc xét hỏi của Tòa án tại phiên tòa mà việc xét hỏi do Viện kiểm sát (công tố) và luật sư thực hiện. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng phải có cơ chế để luật sư bình đẳng khi tranh tụng, vị trí ngồi của luật sư với công tố phải ngang nhau hoặc đối diện, quá trình xét xử phải được đối đáp lại, không phân biệt giữa bên buộc tội và bên gỡ tội; cũng không nên hạn chế thời gian tranh tụng mà cần cho phép thời gian tranh tụng hợp lý để làm rõ tất cả các vấn đề. Luật cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và bảo đảm sự bình đẳng của luật sư là những giải pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử.
Nhiều ý kiến đề nghị phải có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của điều tra viên tại Tòa án. Việc mời điều tra viên đến Tòa án giúp ích rất nhiều cho việc xét xử, đồng thời tăng cường trách nhiệm của điều tra viên trong tố tụng. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng cơ chế như hiện nay là phù hợp, đã bảo đảm đáp ứng yêu cầu tranh tụng.
4.1.6. Về một số cơ quan thực thi quyền tư pháp
Đối với cơ quan điều tra: Đề nghị xem xét có tiếp tục để Viện kiểm sát thực hiện chức năng điều tra hay không, trường hợp cán bộ Viện kiểm sát vi phạm pháp luật thì cơ quan nào sẽ thực hiện việc điều tra? Đề nghị đổi mới mô hình cơ quan điều tra, phân định rõ ràng thẩm quyền điều tra giữa Viện kiểm sát nhân dân và Công an nhân dân.
Đối với cơ quan thi hành án: Thi hành án dân sự, hình sự cần tập trung một đầu mối, do một cơ quan quản lý mới bảo đảm hoạt động thi hành án thống nhất, có hiệu quả.
Đối với thừa phát lại: Có ý kiến cho rằng thừa phát lại đã có thời gian thí điểm, nên có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để mở rộng thẩm quyền cho thừa phát lại trong việc xã hội hóa thi hành án.
Ý kiến khác nêu hoạt động thi hành án là hoạt động tư pháp, là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước nên không thể xã hội hóa quyền lực nhà nước, việc thi hành án phải do cơ quan công quyền thực hiện. Thừa phát lại chỉ được thực hiện ở một số khâu của hoạt động thi hành án, chỉ xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ cho cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án; thừa phát lại không thể có quy mô như cơ quan thi hành án.
4.1.7. Về chế định hội thẩm nhân dân
Có ý kiến cho rằng một số bản án không phản ánh ý chí của thẩm phán mà phán quyết theo đa số ý kiến của hội thẩm nhân dân, không thuyết phục. Vì vậy cần phải tính toán cơ chế và hội thẩm nhân dân tham gia cho hiệu quả hơn.
Một số ý kiến cho rằng, hội thẩm nhân dân có vai trò quyết định vụ án nhưng lại không chịu trách nhiệm gì khi án oan sai là điều bất hợp lý. Do đó, nên nghiên cứu để bỏ chế định này.
Có ý kiến đề nghị về số lượng hội thẩm tham gia xét xử nên giữ như hiện nay nhưng cần quy định chặt chẽ hơn trình độ, tiêu chuẩn của hội thẩm.
4.1.8. Về chế định luật sư
Có những bất cập cần đổi mới: Luật sư tham gia tố tụng các vụ án cho thấy ý kiến của luật sư chưa được coi trọng, có những bản án không ghi quan điểm của luật sư. Do đó, cần có quy định bắt buộc bản án phải phản ánh đủ ý kiến các bên tham gia tố tụng, trong đó có ý kiến của luật sư.
Về cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, có ý kiến cho rằng cần giữ chế độ cấp giấy chứng nhận bào chữa để bảo đảm chống luật sư không đủ điều kiện, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cần đơn giản về thủ tục. Cũng có ý kiến cho rằng, nên bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, quá trình xét xử nếu Hội đồng xét xử thấy luật sư không đủ điều kiện thì không cho bào chữa.
4.2. Một số vấn đề khác
Về đào tạo các chức danh tư pháp: Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp đào tạo, tuyển dụng, bố trí nhân sự đối với các chức danh tư pháp vì hiện nay các ngành tòa án, kiểm sát, thi hành án không có tiêu chí cụ thể trong việc tuyển dụng.
Về chế độ chính sách cho cán bộ tư pháp: Một số ý kiến cho rằng, cần bảo đảm để cán bộ tư pháp duy trì mức sống tối thiểu. Ý kiến khác đánh giá: Lương của Điều tra viên cao gần gấp đôi Thẩm phán, Kiểm sát viên cùng thời gian công tác, nên cần có sự điều chỉnh lương cho Thẩm phán, Kiểm sát viên.
Về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc: Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề quan trọng, nhiều đơn vị Tòa án, Viện kiểm sát cấp huyện thiếu phương tiện xe ô tô phục vụ công việc, thậm chí có Tòa án phải thuê xe bò, xe ngựa chở vành móng ngựa. Viện kiểm sát không được trang bị xe ô tô nên khó khăn khi đi khám nghiệm hiện trường. Do đó, cần phải tập trung, nhanh chóng nâng cao điều kiện làm việc và cơ sở vật chất cho các cơ quan này.
Về giám sát của đại biểu cơ quan dân cử: Đề nghị tăng cường cơ chế giám sát nhưng phải là giám sát tổng thể chứ không phải giám sát vụ việc cụ thể vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án. Đồng thời, tránh việc can thiệp quá sâu vào các vụ việc cụ thể gây ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động tư pháp. Có ý kiến đề nghị nên thực hiện theo cơ chế cơ quan tư pháp báo cáo cơ quan giám sát 6 tháng một lần.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Một số ý kiến cho rằng, cấp ủy đảng nên chỉ đạo về đường lối, chính sách pháp luật, không nên chỉ đạo cụ thể việc giải quyết vụ án.
Về xây dựng chính sách pháp luật: Nhiều ý kiến đề xuất cần thay đổi cơ chế xây dựng luật theo hướng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thực tiễn từ cơ sở nhiều hơn; luật cần thực hiện được ngay mà không cần chờ nghị định, thông tư; các khung hình phạt nên chia nhỏ, tránh tình trạng chạy án. Việc sửa đổi luật gây nhiều tốn kém cho ngân sách. Có ý kiến cho rằng, nhiều luật hiện nay ban hành khó hiểu ngay cả đối với cán bộ thi hành thì người dân sẽ rất khó hiểu, kể cả Hiến pháp vẫn còn nhiều điều chưa rõ. Có ý kiến đề nghị việc áp dụng án lệ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nên triển khai theo hướng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và thường xuyên xảy ra, sau một thời gian mới áp dụng đối với các tội phạm nghiêm trọng.
Kiến nghị: Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy đang có sự khác nhau trong nhận thức về quyền tư pháp, cơ quan tư pháp; trong đó có nhiều quan điểm, nhận thức chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, việc phân tích các thông tin thực tế để có các kiến nghị mang tính khoa học về các nội dung liên quan đến quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của Ban Chủ nhiệm đề tài.
Kết quả điều tra, khảo sát phục vụ việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, năm 2013, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban Thư ký Ban Chỉ đạo triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Nhóm điều tra, khảo sát