Kế hoạch số 387/KH-MTTW-BTT ngày 20/9/2013 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 - 2016” (Đề án), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng nội dung, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo (tại Thông báo số 1365-TB/TU ngày 10/4/2014), trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc để tổ chức thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ nhiệm vụ theo từng năm, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và của các cơ quan, đơn vị tham gia Đề án. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung của Đề án được triển khai thường xuyên, gắn với việc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác mặt trận ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố, thị xã thành lập và hướng dẫn, duy trì hoạt động mô hình “Nhóm nòng cốt” tại 87 xã, phường, thị trấn (năm 2013 có 40 nhóm), thành lập được 870 nhóm nòng cốt trên 900 khu dân cư với tổng số trên 600 thành viên. Mỗi nhóm có từ 07 - 10 thành viên, các thành viên của nhóm nòng cốt hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ quan trọng, như: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức đoàn thể. Đối với những khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thì các nhóm thu hút đội ngũ già làng, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với nhóm nòng cốt thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của nhóm, kỹ năng tuyên truyền, cách làm đến từng nhóm nòng cốt để thực hiện tuyên truyền pháp luật tới các khu dân cư với nhiều hình thức, kết hợp phổ biến pháp luật với các buổi họp tổ, sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể..., lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo (Đề án 01-1133) trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”. Các nhóm nòng cốt tuy chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn, song đã chứng minh được tính hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, nếp sống văn hóa văn minh, trật tự, an toàn xã hội ngày càng được giữ vững và phát huy.
Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các ngành liên quan, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng của toàn dân, phát huy vai trò tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động cán bộ nhân dân chấp hành pháp luật.
Việc thực hiện chương trình được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nhiều phong trào thi đua yêu nước khác đã tạo nên phong trào chấp hành pháp luật sâu rộng trong từng gia đình, từng khu dân cư, góp phần từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật ở khu dân cư, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng cao đã giúp cho chính sách pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tiễn, người dân biết tự bảo vệ mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nội dung của Đề án vẫn còn một số tồn tại, cụ thể như:
- Việc triển khai ở một số địa phương còn kém hiệu quả, chưa làm nổi bật được các mô hình theo nội dung của Đề án. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện các nội dung của Đề án chưa thường xuyên, chặt chẽ. Trình độ, năng lực cập nhật và tự nghiên cứu pháp luật của đội ngũ cán bộ và tuyên truyền viên ở cơ sở còn hạn chế, không đồng đều, chưa tích cực hoạt động, khả năng truyền đạt, giải thích còn hạn chế, nên trong quá trình triển khai gặp nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.
- Các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa thu hút, truyền tải cho người nghe một cách sinh động. Nội dung tuyên truyền ở một số lĩnh vực chưa phong phú. Hình thức tuyên truyền chưa thu hút nhiều đối tượng, chủ yếu là thông qua các hội nghị, chưa có hình thức mang tính chất đa dạng, hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng cùng tham gia học tập.
- Việc xây dựng và tổ chức hoạt động của “Nhóm nòng cốt” ở khu dân cư còn chậm, chưa đảm bảo theo tiến độ kế hoạch đề ra, chưa có chế độ thù lao cho các thành viên nhóm, tài liệu cho nhóm nòng cốt hoạt động còn chưa nhiều…, kinh phí thực hiện còn ít, nhất là cấp xã, làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng kế hoạch triển khai các đợt tuyên truyền.
Từ thực tiễn triển khai công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp xác định đúng vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các nội dung của Đề án, từ đó thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, thực hiện tốt thông tin hai chiều từ cơ sở, các ban, ngành và lắng nghe ý kiến phản hồi của tầng lớp nhân dân. Từ đó, điều chỉnh nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng.
Hai là, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, tập trung hướng về cơ sở, tổ chức tuyên truyền sâu rộng ở khu dân cư đến hộ gia đình, quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, phát huy tốt vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên, Ban Công tác Mặt trận địa bàn khu dân cư, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong các dân tộc và những người có uy tín trong cộng đồng.
Ba là, phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các ban, ngành chức năng để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đến các đối tượng cần được tuyên truyền, đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, các giới do Mặt trận trực tiếp vận động. Việc triển khai thực hiện Đề án phải xây dựng kế hoạch, chương trình với nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, phải có trọng tâm, trọng điểm nội dung tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật. Có sự linh hoạt, thích ứng với yêu cầu tuyên truyền, phổ biến tùy từng thời điểm cụ thể, chú trọng giới thiệu văn bản luật gắn với đời sống thường ngày của nhân dân.
Bốn là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến nhân dân, tăng cường xây dựng những điển hình tiên tiến từ đó nhân ra diện rộng.
Năm là, cần quan tâm, có chính sách động viên đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các lực lượng khác tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhân rộng mô hình “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền pháp luật ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.
Một số giải pháp trong thời gian tới được xác định là:
- Tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên quan tâm, đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận, các ban, ngành đoàn thể, tổ chức thành viên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện.
- Duy trì, phát huy, đẩy mạnh thực hiện và phát triển nhân rộng mô hình điểm, đồng thời tăng cường tư vấn pháp luật miễn phí, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức.
- Bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ cấp tỉnh đến cấp xã.
- Triển khai đồng bộ các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, lựa chọn các hình thức phù hợp đối tượng. Tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phù hợp từng phạm vi nhóm, đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc thi.
- Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời, gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa, văn hóa truyền thống và bồi dưỡng rèn luyện ý thức tự giác, tự nguyện tìm hiểu chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.
P. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc