Hiện nay, bên cạnh sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm luật, nghị định, thông tư liên tịch, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ…) có vai trò là khung pháp lý hiện hành tác động đến việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản pháp luật chủ đạo trong việc quy định các hoạt động, cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Luật này hướng tới những mục tiêu cơ bản là: (i) Đưa ra biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) Củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân; (iv) Nâng cao hiệu quả điều phối, giám sát và đánh giá thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nguyên tắc, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất. Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 bao gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán cho doanh nghiệp; hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở vườn ươm, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp tham gia thị trường thì rất nhiều rủi ro pháp lý, mà doanh nghiệp thường sẽ gặp phải như: Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty; rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của doanh nghiệp mình; rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty; rủi ro trong hoạt động kinh doanh; rủi ro trong vay vốn tín dụng… và thực tế là ngay cả khi doanh nghiệp phá sản thì cũng có rủi ro là “chết nhưng không được chôn”. Ngoài ra, việc được biết các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Rất nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường, nhưng không nắm rõ quy định của Luật Doanh nghiệp, sự quan trọng của Bản Điều lệ doanh nghiệp, dẫn đến việc tranh chấp thường xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật về đấu thầu, nên thường thua thiệt trong hoạt động đấu thầu; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật thương mại quốc tế, nên bị Chính phủ nước ngoài bắt giữ tàu biển, phong tỏa tài khoản ở nước ngoài… Bởi vậy, trong thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách pháp luật như: Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã thống nhất việc thực hiện và triển khai đồng bộ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước. Để thúc đẩy hoạt động này, ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 và tiếp sau đó hàng loạt tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bản tỉnh, thành phố của mình như: Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội; Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh… Đến nay, 100% tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm tích cực của Nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, kết quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới đạt được những kết quả bước đầu và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận, nhưng hoạt động này cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới và cần tập trung làm tốt các vấn đề sau:
- Đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở địa phương được giao cho các Sở Tư pháp và theo đề xuất của các Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp, vì vậy, cần có một đầu mối được thành lập như Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Sở Tư pháp quản lý để thực hiện hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành rất nhiều, từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực như trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp... Các văn bản này nằm tản mạn tại các Bộ, ngành, địa phương và thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất khó tiếp cận. Vì vậy, cần hình thành chuyên trang về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và liên kết đến các trang thông tin của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để cung cấp thông tin một cách có hệ thống các văn bản chính sách pháp luật đến được với doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, cần tăng cường dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tập trung thu hút cộng tác viên là Luật sư có trình độ, kinh nghiệm, khả năng giải quyết công việc tốt, tạo được niềm tin đối với các doanh nghiệp.
Có thể nói, hệ thống pháp luật trong kinh doanh ngày càng hoàn thiện, mặc dù vậy, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề rất quan trọng cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.