Luật Hộ tịch đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua và hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện.
Tại tỉnh Hà Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức thi hành ngay sau khi Luật được ban hành[1] và ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh và nhận được sự đồng tình ủng hộ, vào cuộc trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở.
Nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật Hộ tịch một các thống nhất, hiệu quả, tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác nhân lực để tổ chức thực hiện, quan tâm bố trí đủ số công chức tham mưu quản lý đối với nhiệm vụ này ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã); thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu. Trong nhiều năm, nhiều huyện đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với trình độ chuyên môn và điều kiện thực tiễn của địa phương như luân phiên mỗi tháng 10 ngày tổ chức đưa công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ra học việc tại Phòng Tư pháp cấp huyện. Bằng phương thức học “cầm tay chỉ việc”, sau khi được học việc nhiều công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình được giao ở cấp xã, nhất là việc quản lý đăng ký hộ tịch cho người dân ở cơ sở; ban hành cơ chế chính sách[2] thuận lợi triển khai; tuyên truyền sâu, rộng Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân biết, thực hiện; trang bị cơ sở, vật chất[3] đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; kết quả triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ... Bằng việc vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tại địa phương, người dân đã nhận thức tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt; tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký hộ tịch ở Hà Giang còn gặp những khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, do yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội: Tỉnh Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình phức tạp nhiều đường mòn, lối mở; trình độ dân trí chưa cao, là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống các dân tộc còn có phong tục, tập quán khác nhau từ đó khó khăn trong công tác đăng ký hộ tịch. Ở một số huyện phần lớn phụ nữ dân tộc Nùng, dân tộc Mông sau kết hôn thì tự đổi họ theo họ của người chồng và đặt tên mới. Khi đăng ký khai sinh cho con thì kê khai họ, tên mẹ theo họ, tên đã tự đổi theo phong tục tập quán. Vì vậy, tên người mẹ trong giấy khai sinh của con sai so với thông tin về họ, tên mẹ trước khi kết hôn và trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để được cải chính hộ tịch, người mẹ phải xuất trình giấy tờ chứng minh về họ, tên của mình trước khi kết hôn nhưng hầu hết người dân không còn lưu giữ được những giấy tờ này, việc xác minh thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không đủ cơ sở để cải chính hộ tịch dẫn đến thông tin của công dân không thống nhất giữa giấy tờ hộ tịch và giấy tờ tùy thân, giấy tờ về cư trú, không thống nhất về họ, tên mẹ trong giấy khai sinh và hồ sơ học bạ của con); việc tiếp cận với văn bản điện tử còn khó khăn, việc triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến gặp nhiều khó khăn do người dân còn chưa biết cách sử dụng điện thoại thông minh để khai thác, sử dụng các phần mềm. Một số nơi vùng cao còn tình trạng tảo hôn, phụ nữ chưa đến tuổi kết hôn nhưng đã tổ chức đảm cưới và sinh con, trẻ em được đăng ký khai sinh do đó cũng khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình.
Việc đăng ký hộ tịch, giải quyết cư trú và cấp giấy tờ cá nhân cho các trường hợp “nhân khẩu đặc biệt” hoặc “nhóm cư dân yếu thế” có liên quan đến yếu tố nước ngoài như người không có quốc tịch Việt Nam nhưng đã được giải quyết đăng ký thường trú, cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân (54 trường hợp); con lại giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam (121 trường hợp); nhân khẩu chưa xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký thường trú, cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân (03 trường hợp); nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân (41 trường hợp) các trường hợp “nhân khẩu đặc biệt” trên đều không có bất cứ giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân, giấy chứng sinh, do đó, khó khăn cho việc xác minh thông tin về nơi ở, tình trạng hôn nhân, giấy chứng sinh, khó khăn cho việc xác minh thông tin về nơi ở, tình trạng hôn nhân, chứng nhận việc sinh để thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch, đăng ký cư trú, đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn... Các trường hợp phụ nữ đi làm thuê và sinh con tại nước ngoài khi về Việt Nam không có giấy tờ chứng minh trẻ em do mình sinh ra rất khó khăn khi đăng ký khai sinh cho trẻ.
Về thực trạng, công chức tư pháp - hộ tịch[4] có khối lượng công việc tăng, ngoài việc tham mưu đăng ký, quản lý hộ tịch công chức tư pháp phải đảm nhiệm nhiều công việc khác của địa phương; công chức thường xuyên thay đổi do luân chuyển công tác; một số địa phương công chức trình độ chuyên môn yếu, ít nghiên cứu cập nhật thông tin quy định mới, làm việc theo kinh nghiệm trong khi số lượng đăng ký hộ tịch ngày càng tăng và tính chất công việc phức tạp hơn; trình độ công nghệ thông tin chậm chưa theo kịp sự phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin làm việc trên môi trường điện tử cho nên công chức tư pháp - hộ tịch vẫn chưa đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, về sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Hộ tịch với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan khác:
- Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc xác định cha, mẹ con theo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp Tòa án từ chối giải quyết, lý do ‘‘không có tranh chấp”, do đó, khó khăn cho người dân khi có yêu cầu.
- Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định việc đăng ký lại khai sinh cho trẻ em là con nuôi nhưng Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) không quy định. Trên thực tế, người nhận con nuôi mong muốn giấy khai sinh của con nuôi được ghi theo thông tin của cha, mẹ nuôi.
- Về quyền thay đổi tên, Bộ luật Dân sự quy định theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó nhưng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về giấy tờ nào phải nộp (xuất trình) để làm căn cứ thay đổi tên. Pháp luật về dân sự và hộ tịch chưa có quy định về việc thay đổi tên đệm nhưng thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp người dân yêu cầu thay đổi tên đệm.
Thứ ba, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành:
- Tại điểm a, khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm “tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính giấy khai sinh” nhưng trong tờ khai nội dung cam đoan này không có trong mẫu tờ khai. Do đó, gây lúng túng cho công chức tư pháp khi hướng dẫn công dân thực hiện yêu cầu đăng ký lại khai sinh.
- Quy định về xác định lại dân tộc: Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền, trình tự thực hiện xác định lại dân tộc. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hộ tịch không quy định rõ cá nhân có quyền được xác định lại dân tộc một lần hay nhiều lần và không có quy định cụ thể về thủ tục, giấy tờ trong trường hợp công dân có yêu cầu nhiều lần về việc xác định lại dân tộc, việc này cũng tăng thêm khối lượng công việc cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Mặt khác, trên thực tế việc chứng minh cá nhân yêu cầu xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi cũng tương đối khó khăn đối với cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Tại điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch có quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện là thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định của Luật Hộ tịch nhưng Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành không quy định trình tự, thủ tục về thu hồi hủy bỏ gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
- Tại Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có điều khoản nào quy định về các trường hợp được thay đổi chữ đệm gây khó khăn cho cơ quan tư pháp (nhiều cá nhân muốn điều chỉnh thông tin của giấy khai sinh cho phù hợp với giấy tờ cá nhân được các ngành khác cấp sau đó) trong việc giải quyết công tác hộ tịch (Điều 27 và Điều 28 Bộ luật Dân sự có quy định về quyền thay đổi họ và thay đổi tên nhưng không quy định về quyền thay đổi chữ đệm).
- Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 35 Luật Hộ tịch thì trẻ em có cha, mẹ là công dân Việt Nam, trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nhưng tại khoản 3, Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định đối với các trường hợp không có giấy tờ chứng sinh hoặc giấy tờ khác của cơ quan nước ngoài cấp xác nhận trẻ sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con thì thực hiện theo khoản 5 Điều 15 Nghị định này, nghĩa là thuộc thẩm quyền đăng ký của Ủy ban nhân dân cấp xã như trường hợp trẻ bị bỏ rơi không xác định được cha mẹ, do vậy khó khăn trong việc xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh cho các trường hợp này.
- Theo quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP (Thông tư số 04/2020/TT-BTP), việc đăng ký hộ tịch đối với nhóm dân cư yếu thế về việc bỏ trống phần quốc tịch trong giấy khai sinh dẫn đến công dân khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi khác mà Hiến pháp và pháp luật về quyền con người như việc đăng ký cư trú, đăng ký kết hôn, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Mặt khác, việc hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể mà không áp dụng đối với những trường hợp tương tự cũng gây khó khăn trong thực hiện.
- Khoản 1 Điều 34 Luật Hộ tịch quy định: “Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tuy nhiên, hiện nay đa số người dân chết tại nhà và người thân ra báo với chính quyền xã, không có giấy báo tử nên gây lúng túng cho cơ quan thực hiện đăng ký khai tử.
- Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, cơ quan đăng ký rất khó khăn để xác định giá trị của thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con hoặc công dân không thể cung cấp được chứng cứ này.
- Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ, dẫn đến công chức tư pháp - hộ tịch khó khăn trong việc xác minh thông tin cư trú người mẹ khi người mẹ đi cư trú ở nhiều nơi, hoặc không biết đang cư trú ở đâu.
- Việc ghi vào sổ hộ tịch các việc ly hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài: Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, đối tượng thực hiện việc ghi chú ly hôn theo quy định chỉ là công dân Việt Nam về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều trường hợp như người nước ngoài, người Việt Nam đã thôi quốc tịch Việt Nam kết hôn với công dân Việt Nam sau đó ly hôn tại nước ngoài; công dân Việt Nam trước đây kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau đó ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, vẫn cư trú ở nước ngoài nhưng có yêu cầu được ghi chú ly hôn.
- Luật Hộ tịch hiện hành chỉ quy định thủ tục đăng ký giám hộ bao gồm: Đăng ký giám hộ đương nhiên, đăng ký giám hộ cử, đăng ký chấm dứt giám hộ và đăng ký thay đổi giám hộ. Tuy nhiên, yêu cầu giám sát việc giám hộ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có quy định cụ thể về thủ tục này.
- Tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định việc kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân. Có trường hợp người yêu cầu xác nhận sinh sống ở nhiều nơi và trong mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ghi “trong thời gian cư trú tại... từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm...”, đây cũng là khó khăn lúng lúng cho công chức tư pháp - hộ tịch trong trường hợp người được xác nhận tình trạng hôn nhân cư trú ở nhiều nơi, đặc biệt có trường hợp người đó đi làm ăn xa nhiều năm ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài (có người đi 07 năm mới về).
- Tại điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện trong trường hợp xử lý giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định nhưng chưa có quy định về thủ tục xử lý (ví dụ cá nhân hay tổ chức đề nghị (trình Ủy ban nhân dân huyện) việc xử lý, thủ tục xử lý...).
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung những quy định còn hạn chế, bất cập để đưa quy định pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch ngày càng sát đúng, phù hợp với thực tế cuộc sống. Điều này vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa đảm bảo công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân cư này càng khoa học, chặt chẽ và hiệu quả hơn./.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang
Các ngành chức năng: Sở Tư pháp ban hành trên 300 văn bản bao gồm kế hoạch, công văn để xin ý kiến hướng dẫn gửi cấp trên; công văn hướng dẫn, triển khai thực hiện đối với Ủy ban nhân dân, Phòng Tư pháp và hướng dẫn, trả lời đề nghị của công dân...; Công an tỉnh đã ham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 02 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân/định danh điện tử; trực tiếp ban hành 28 kế hoạch, 52 báo cáo, 268 văn bản liên quan đến việc triển khai và thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân/định danh điện tử...
[4] Hiện tại, mỗi đơn vị cấp xã được bố trí 01 biên chế.