Abstract: On the basis of the analysis of difficulties and obstacles in the implementation of Convention No. 33 on protection of children and co-operation in respect of intercountry adoption, the paper proposes institutional improvements that are appropriate to the requirements and principles of the Hague Convention, especially when the Children Law of 2016 directly related to the rights of the child are in force.
Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (sau đây gọi tắt là Công ước La Hay) là điều ước quốc tế đa phương điều chỉnh việc cho nhận trẻ em làm con nuôi giữa các nước thành viên, được Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế thông qua tại phiên họp thứ 17, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/1995. Cho đến nay, có 98 nước bao gồm các nước nhận (nước nhận trẻ em) và các nước gốc (nước cho trẻ em) là thành viên Công ước. Công ước La Hay bắt đầu có hiệu lực ở nước ta từ ngày 01/02/2012, được áp dụng trực tiếp trong thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế. Cho đến nay, 14 nước là thành viên Công ước[1] đã thiết lập quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam, thông qua 37 tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, 2.322 trẻ em, trong đó 589 trẻ em sống ở gia đình[2] và 1.733 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội[3] được cho làm con nuôi nước ngoài. Kể từ khi thực hiện Công ước, chưa có quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài nào bị từ chối công nhận. Việc thực hiện Công ước đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong những gia đình thay thế phù hợp ở nước ngoài trong đó nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS đã được chữa trị bệnh tật, khuyết tật trong điều kiện y tế tiên tiến và hiện đại.
Tuy nhiên, việc thực hiện Công ước La Hay vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến số lượng trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế giảm mạnh[4], trên thực tế, vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở trợ giúp xã hội chưa được quan tâm tìm gia đình thay thế ở trong nước cũng như ở nước ngoài[5]. Đây chính là điểm bất cập lớn trong việc triển khai thi hành Công ước ở nước ta.
1. Những vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi Công ước La Hay
1.1. Về cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước
Theo Công ước La Hay, ưu tiên nuôi con nuôi trong nước là một trong những nguyên tắc cơ bản trong thủ tục giải quyết nuôi con nuôi quốc tế. Nguyên tắc này được hiểu: Việc nuôi con nuôi quốc tế là giải pháp cuối cùng khi các cơ quan có thẩm quyền ở nước gốc không tìm được gia đình thay thế phù hợp cho trẻ em. Thực hiện tốt nguyên tắc này cũng nhằm thực hiện tốt nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, và đồng thời tôn trọng các quyền cơ bản khác của trẻ như quyền được sống trong môi trường gia đình gốc; khi việc duy trì gia đình gốc cho trẻ em không thành, trẻ em có quyền được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc phù hợp ở đất nước của mình6. Ngoài ra, để tuân thủ nguyên tắc này thì việc nuôi con nuôi quốc tế phải được lồng ghép trong hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này gặp nhiều vướng mắc, khó khăn:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách và cơ chế tài chính.
Khó khăn vướng mắc đầu tiên trong quá trình thực hiện nguyên tắc này chính là thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ em bị bỏ rơi hoặc trẻ em có các hoàn cảnh đặc biệt khác được nhận làm con nuôi. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 136/2013/NĐ-CP), Nhà nước hỗ trợ hàng tháng cho người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em bị bỏ rơi chưa được nhận làm con nuôi. Như vậy, đối với trẻ em bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi thì sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ đối với người nhận trẻ em đó làm con nuôi. Điều này khiến việc nhận con nuôi trong nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở một số địa phương không phổ biến.
Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ việc nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi. Tuy nhiên, theo Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thì diện trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Nếu hiểu đối tượng trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích không có khả năng nuôi dưỡng thuộc diện trợ giúp đột xuất thì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, kinh phí thực hiện trợ giúp đột xuất lấy từ nguồn ngân sách địa phương tự cân đối theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy việc Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ nuôi dưỡng cho trẻ em cần tìm gia đình thay thế là còn rất khó khăn vì thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ cho những đối tượng trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở địa phương. Đối với việc tìm gia đình thay thế trong nước trên địa bàn phạm vi tỉnh cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng, thì lại không có quy định về kinh phí dành cho Sở Tư pháp để thực hiện việc đăng tin tìm gia đình thay thế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, pháp luật hạn chế quyền được tìm gia đình thay thế của trẻ em có điều kiện như nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Qua thực tiễn thi hành pháp luật về nuôi con nuôi cho thấy, Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP) quy định các cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định, đây chính là một bước cản trở lớn trong việc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước. Trong thời gian qua, chỉ có một số ít các cơ sở trợ giúp xã hội được chỉ định tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, còn một số lượng lớn trẻ em sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội không được chỉ định (đặc biệt là các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập) không được quan tâm tìm gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài[7].
Xét trên phương diện bảo đảm quyền trẻ em, thì Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã hạn chế quyền được tìm gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài của những trẻ em có điều kiện như nhau nhưng sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội không chỉ định; không phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013[8]. Ngoài ra, việc phân loại trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo Danh sách 1, Danh sách 2 theo Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP dẫn đến việc cơ sở trợ giúp xã hội chỉ quan tâm tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em thuộc diện Danh sách 2 theo thủ tục rút gọn, trong khi đó trẻ em thuộc diện Danh sách 1 lại không được quan tâm tìm gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài vì thủ tục giải quyết lâu hơn và phức tạp hơn.
1.2. Cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em
Nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là một trong bốn nguyên tắc chủ đạo của Công ước La Hay. Luật Nuôi con nuôi đã lồng ghép nguyên tắc này nhằm xác định mục đích nuôi con nuôi (Điều 2), nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi (khoản 1 Điều 4) và căn cứ giới thiệu trẻ em làm con nuôi (Điều 35). Thông qua các quy định đó cho thấy việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi.
Trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, việc thực hiện nguyên tắc này còn có những vướng mắc, khó khăn sau đây:
(i) Về việc xác định lợi ích tốt nhất của trẻ em: Theo Báo cáo giải thích Công ước La Hay thì khái niệm lợi ích “tốt nhất” phải được hiểu là lợi ích “thực tế” hoặc lợi ích “thiết thực” của trẻ9. Công ước La Hay đưa ra một số điều kiện để xác định lợi ích tốt nhất của trẻ em[10]; yêu cầu trong quá trình áp dụng phải tránh sao cho nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em không bị lạm dụng hoặc được giải thích một cách võ đoán để vi phạm các quyền cơ bản của trẻ em, đồng thời cũng nhằm tạo ra sự cân bằng với lợi ích của các bên có liên quan như cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.
Mặc dù nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em đã được nội luật hóa song Luật Nuôi con nuôi không đưa ra khái niệm thế nào là lợi ích tốt nhất của trẻ em. Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu được nhận làm con nuôi của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[11], hay nói cách khác chính là chưa quan tâm thực hiện quyền thực hiện biện pháp chăm sóc thay thế phù hợp dành cho trẻ em; mới chỉ chú trọng tới điều kiện pháp lý của trẻ em được cho làm con nuôi như tìm kiếm nguồn gốc cho trẻ em bị bỏ rơi mà chưa chú trọng tới các khía cạnh khác như y tế, tâm lý, điều kiện gia đình và xã hội của trẻ em được nhận con nuôi. Ngoài ra, việc thiếu vắng khái niệm lợi ích tốt nhất của trẻ em nên có thể dẫn đến việc lạm dụng nguyên tắc lợi ích tốt nhất[12] của trẻ em để có thể cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài trong trường hợp không cần thiết.
(ii) Về cơ chế pháp lý đánh giá điều kiện đối với trẻ em được cho làm con nuôi trong nước: Theo Điều 4 Công ước La Hay, bảo đảm trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi theo pháp luật quốc gia là một trách nhiệm cơ bản của nước gốc. Theo quy định hiện hành trường hợp trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi. Tuy nhiên, đối với việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước, cơ chế pháp lý xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi trong nước còn thiếu vắng. Vì vậy, rất có thể dẫn đến lạm dụng việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước mà không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
(iii) Về các điều kiện vật chất và nhân lực để bảo đảm thực hiện: Theo yêu cầu của Công ước La Hay, đội ngũ tham gia giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải đáp ứng đủ năng lực và trình độ chuyên môn về nuôi con nuôi quốc tế, đặc biệt phải có đội ngũ cán bộ đa ngành nghề trong lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai thực hiện Công ước La Hay ở Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và trung ương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở địa phương nhận thức của các cơ sở trợ giúp xã hội chưa theo kịp với những thay đổi của quy định pháp luật và trình tự thủ tục giải quyết theo Công ước La Hay[13]. Chúng ta còn thiếu đội ngũ cán bộ đa ngành nghề tham gia giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nhằm đánh giá điều kiện về gia đình, xã hội, y tế, tâm lý của trẻ em, tư vấn cho trẻ em và cha mẹ đẻ của trẻ em trong quá trình tiến hành thủ tục. Đồng thời, trong khuôn khổ Công ước La Hay, một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trung ương có thể được giao cho tổ chức con nuôi được ủy quyền theo Điều 22 Công ước. Hiện nay, Luật Nuôi con nuôi chưa có quy định về các tổ chức con nuôi trong nước được ủy quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trung ương. Điều này cũng là một khó khăn cho công dân Việt Nam khi có yêu cầu nhận trẻ em ở những nước là thành viên Công ước làm con nuôi.
1.3. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc tách bạch giữa việc nuôi con nuôi quốc tế và hỗ trợ nhân đạo
Điều 7 Luật Nuôi con nuôi quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc hỗ trợ nhân đạo không được ảnh hưởng đến việc cho nhận con nuôi. Quy định tách bạch hoạt động nuôi con nuôi và hỗ trợ nhân đạo là hoàn toàn phù hợp với Công ước La Hay, nhằm ngăn ngừa sự lệ thuộc giữa việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài với các khoản hỗ trợ nhân đạo và ngăn chặn và phòng ngừa việc thu lợi bất chính trong việc cho nhận con nuôi quốc tế. Thực hiện tốt nguyên tắc này cũng góp phần thực hiện tốt nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được cho làm con nuôi.
Tuy nhiên, do việc giải quyết nuôi con nuôi gắn với các khoản hỗ trợ nhân đạo từ lâu đã trở thành “nếp” nên việc thay đổi nhận thức còn chậm trễ, chưa theo kịp yêu cầu của Công ước và cũng chưa được thực hiện đồng đều trên toàn quốc[14]. Trong thời gian qua, đa số trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài thuộc diện khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em nhiễm HIV/AIDS (Danh sách 2) nên được miễn chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Việc miễn chi phí đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em nhiễm HIV/AIDS cũng gây thêm khó khăn về tài chính cho cơ sở nuôi dưỡng (thiếu kinh phí khám sức khỏe, chăm sóc và chữa trị y tế cho trẻ em, thiếu kinh phí bổ sung cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, cải thiện điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em ở cơ sở trợ giúp xã hội)[15]. Ngoài ra, việc miễn chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài tạo sự phân biệt trong công tác nuôi con nuôi, có thể dẫn đến việc người nước ngoài nhận con nuôi vẫn phải chi trả khoản chi phí được miễn hoặc hỗ trợ cho tặng sau khi nhận con nuôi ở địa phương.
2. Đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Công ước La Hay
Thứ nhất, tăng cường cơ chế bảo đảm tuân thủ nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Nghiên cứu xây dựng chế định đánh giá điều kiện đối với người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước. Quy định này nhằm mục đích tuyển chọn các gia đình cha mẹ nuôi trong nước có đầy đủ các điều kiện và những khả năng phù hợp để nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi. Mặt khác, quy định còn có ý nghĩa xác định chỉ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần tìm gia đình thay thế mới được giải quyết cho làm con nuôi; việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước cần dựa trên các tiêu chí đánh giá toàn diện nhu cầu của trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Đặc biệt hơn nữa, nếu xây dựng được cơ chế liên thông giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài thì sẽ rút ngắn được thời hạn giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài khi trẻ em không tìm được gia đình thay thế trong nước. Cơ chế này chỉ được thực hiện khi trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được cho làm con nuôi như con nuôi nước ngoài.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý các khoản hỗ trợ, cho tặng của cha mẹ nuôi trong nước hoặc nước ngoài và tổ chức con nuôi nước ngoài nhằm tuân thủ nguyên tắc tách bạch giữa việc nuôi con nuôi với hỗ trợ nhân đạo, phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn mua bán trẻ em dưới danh nghĩa cho làm con nuôi. Đặc biệt, cần tăng cường chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế ở Việt Nam để bảo đảm Công ước La Hay được tuân thủ trên phạm vi toàn quốc.
Thứ hai, tăng cường cơ chế bảo đảm tuân thủ nguyên tắc nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước. Loại bỏ “rào cản” pháp lý của khoản 1 Điều 11 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP khi hạn chế cơ hội tìm gia đình thay thế trong nước của những trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được chỉ định. Việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải dựa vào nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em chứ không dựa vào quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác phân loại trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo tình trạng sức khỏe của trẻ. Việc lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế phải dựa vào chính nhu cầu của trẻ em về hoàn cảnh gia đình, điều kiện xã hội, tâm lý, khả năng đoàn tụ gia đình gốc… chứ không chỉ đơn thuần dựa vào nhu cầu sức khỏe để quyết định trẻ em nào cần tìm gia đình thay thế.
Về lâu dài, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho những gia đình trong nước nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi và chính sách đó phải gắn kết bảo trợ xã hội và an sinh xã hội cho các gia đình nhận con nuôi.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng chế định về tổ chức con nuôi trong nước. Xu hướng chung trên thế giới đòi hỏi việc nuôi con nuôi phải được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp, trong đó có vai trò trung gian hợp pháp của các tổ chức con nuôi trong nước. Công ước La Hay không cho phép hoạt động trung gian không được cấp phép và chỉ chấp nhận những tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ trung gian về nuôi con nuôi. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng chế định về tổ chức con nuôi trong nước được cấp phép. Đây sẽ là những tổ chức con nuôi chuyên nghiệp, thay mặt cơ quan con nuôi trung ương để thực hiện một số nhiệm vụ như đào tạo cho các gia đình nhận con nuôi trong nước, đánh giá điều kiện gia đình, xã hội của người nhận con nuôi, đánh giá đặc điểm và nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em được cho làm con nuôi và theo dõi tình hình phát triển của con nuôi. Về thủ tục giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, các tổ chức con nuôi trong nước vừa có thể tham gia giải quyết nuôi con nuôi quốc tế vừa là cánh tay nối dài của cơ quan trung ương của Việt Nam (Bộ Tư pháp) nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam với những nước là thành viên của Công ước La Hay, đáp ứng yêu cầu của công dân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.
Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp
[1]. Bao gồm Pháp, Ý, Ailen, Canada, Thụy Sỹ, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Tây Ban Nha, Đức, Hoa Kỳ, Lúc-xăm-bua, Na-Uy, Bỉ và Man-ta.
[2]. Trẻ em sống ở gia đình được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài thuộc đối tượng là con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi theo điểm a, b khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi.
[3]. Riêng Cộng hòa Man-ta chưa chỉ định tổ chức con nuôi nước ngoài nào hoạt động tại Việt Nam, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi giai đoạn 2011 - 2016, Hà Nội, tháng 11/2016.
[4]. So với giai đoạn 06 năm trước khi Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay có hiệu lực thi hành, từ năm 2005 - 2010, 7.355 trẻ em Việt Nam đã được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, trong khi từ năm 2011 - 2016 chỉ có 2.322 trường hợp, như vậy, giảm hơn 03 lần. Xem: Báo cáo Đánh giá thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay năm 1993 (năm 2016), Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp.
[5]. Theo số liệu thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và xã hội, hàng năm, có khoảng 22.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cơ sở trợ giúp xã hội, trong số đó, chỉ có khoảng hơn 300 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi (chỉ chiếm 1,7%).
[6]. Sách hướng dẫn thực hiện tốt Công ước La Hay năm 1993, (số 1).
[7]. 53/413 cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc được chỉ định giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, Báo cáo Đánh giá thực hiện Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay năm 1993, Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp.
[8]. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh…
[9]. G. Parra-Arangueren. Báo cáo Giải thích Công ước La Hay ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, tr. 34.
[10]. Cụ thể như nước gốc phải nỗ lực duy trì và tái hòa nhập trẻ em trong gia đình gốc; tuân thủ nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước; bảo đảm trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi; có đầy đủ ý kiến cần thiết cho trẻ em làm con nuôi; lưu giữ các thông tin về trẻ em; đánh giá kỹ càng điều kiện gia đình của người nhận con nuôi để tìm được gia đình phù hợp cho trẻ em.
[11]. Báo cáo Đánh giá thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay năm 1993 (năm 2016), Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp.
[12]. Báo cáo và kết luận của Ủy ban đặc biệt lần thứ 2 về thực thi Công ước La Hay năm 1993 (từ ngày 17 - 23/9/2005), tr. 18.
[13]. Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), Báo cáo Đánh giá 04 năm thực hiện Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Hà Nội, tháng 11/2016.
[14]. Báo cáo Đánh giá 04 năm thực hiện Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Hà Nội, tháng 11/2016.
[15]. Báo cáo Đánh giá tình hình thi hành Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi giai đoạn 2011 - 2016.