Đầu tư công được hiểu là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện, theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra, thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, tái cấu trúc đầu tư công trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 là tất yếu và vô cùng cần thiết. Để tái cấu trúc nền kinh tế, thì tái cấu trúc đầu tư công là thành tố quan trọng cần được thực hiện trước bởi đầu tư là nguồn gốc của tăng trưởng và tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tái cấu trúc đầu tư công là yếu tố gây ra hiệu ứng mạnh và có tác động thúc đẩy tái cấu trúc đầu tư. Đầu tư công là công cụ điều chỉnh định hướng kinh tế và nó sẽ dẫn dắt các nguồn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước.
Để hỗ trợ tái cấu trúc đầu tư công một cách nhanh chóng và hiệu quả, cần tạo ra khung pháp lý vững chắc và hợp lý, tuy nhiên, khung pháp lý hỗ trợ tái cấu trúc đầu tư công ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn thiếu hoặc đang trong quá trình xây dựng hay hướng dẫn thực hiện.
Để tìm hiểu rõ hơn những quy định về đầu tư công theo Luật Đầu tư năm 2014 và những giải pháp góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư công, kính mời độc giả đón đọc bài viết “Khung pháp lý hỗ trợ tái cấu trúc đầu tư công ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Hương Ly đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 7/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Huyền Bùi