1. Cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để kiến nghị hoàn thiện thể chế về khuyến kích và bảo vệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
1.1. Cơ sở chính trị
1.1.1. Quan niệm và vai trò của cán bộ trẻ
Ở một số quốc gia trên thế giới, việc xác định đối tượng lao động trẻ qua các khảo sát về độ tuổi đối với đội ngũ nhân sự làm việc trong Nhà nước[1] có sự tương đồng, được xác định nằm trong khoảng từ 18 tuổi đến 34 tuổi. Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ (Quy định số 50-QĐ/TW) xác định: Cán bộ trẻ là cán bộ dưới 45 tuổi đối với trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện[2]. Theo quy định của Luật Thanh niên năm 2020 thì thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả quan niệm, cán bộ trẻ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu với độ tuổi được xác định theo Quy định số 50-QĐ/TW.
Cán bộ trẻ nói chung và cán bộ là thanh niên nói riêng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Luật Thanh niên năm 2020 đã xác định, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, “đi đầu trong công cuộc đổi mới”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, quy định thanh niên có trách nhiệm: Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội… xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu.
Có thể nói, cán bộ trẻ là lực lượng đông đảo, dồi dào trong hệ thống bộ máy, là đội ngũ lãnh đạo kế cận, nòng cốt. Qua khảo sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhiều đồng chí cán bộ trẻ nhanh chóng khẳng định được trình độ, năng lực chuyên môn trong thực tiễn công việc; tham gia tích cực vào hoạch định chính sách, giải quyết các khâu yếu, điểm nghẽn, việc khó và được minh chứng qua những sản phẩm cụ thể mang tính định lượng. Trong công tác, cán bộ trẻ nhìn chung đều mang trong mình tinh thần nhiệt huyết, sự trẻ trung, ham học hỏi, tìm tòi, dấn thân nhằm tìm ra phương án tốt, cách làm hay để giải quyết vấn đề đòi hỏi trong thực tiễn; đồng thời, có thể tạo ra động lực phát triển mới từ những tư duy đột phá cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo[3].
1.1.2. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nói chung (trong đó, bao gồm lực lượng cán bộ trẻ) với mục tiêu khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm cống hiến, phục vụ của đội ngũ cán bộ với tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm... cụ thể như sau:
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra các mục tiêu hướng tới: Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, “mở đường cho đổi mới sáng tạo”, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đề ra các nhiệm vụ đối với công tác cán bộ, trong đó yêu cầu: Thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đặc biệt, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW) đã xác định nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để nghiên cứu “thể chế hóa” thành pháp luật đối với việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nói chung và cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm nói riêng. Để hiện thực hóa chủ trương này, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng cần:
Thứ nhất, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực.
Thứ ba, đề xuất đổi mới sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.
Thứ tư, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới sáng tạo… khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm...
Đội ngũ cán bộ trẻ, xét ở một góc độ nhất định, sở hữu những lợi thế về sức khỏe thể chất, nhiệt huyết, tư duy nhạy bén, nhanh nhạy, khả năng nắm bắt cơ hội; đồng thời, đây là đội ngũ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt nhờ được hưởng thụ nền giáo dục phát triển, bài bản và có thích ứng nhanh với sự thay đổi của xã hội trong kỷ nguyên số cũng như thời đại hội nhập. Nhắc đến cán bộ trẻ là nhắc đến tinh thần tiên phong, xung kích, không ngại khó, ngại khổ; luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới trong công việc, có nhiều hoài bão cống hiến cho xã hội, đất nước. Do đó, với các chủ trương, đường lối nêu trên, có lẽ, đội ngũ cán bộ trẻ hơn lúc nào hết rất cần một “hành lang pháp lý” được cụ thể hóa từ cơ sở chính trị (đặc biệt là Kết luận số 14-KL/TW) nhằm tạo động lực thúc đẩy hơn nữa tư duy sáng tạo, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
1.2. Cơ sở pháp lý
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung[4]. Tuy nhiên, qua nghiên cứu bước đầu, nhóm tác giả nhận thấy, các quy định của pháp luật có liên quan đến cơ chế bảo vệ và khuyến khích cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm… đang được quy định rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với thẩm quyền ban hành và phạm vi điều chỉnh khác nhau, đặc biệt là các quy định thuộc tầm luật do Quốc hội ban hành. Do vậy, việc xây dựng khung pháp lý cho vấn đề này cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện để bảo đảm tính khả thi và sự phù hợp về thẩm quyền, chẳng hạn như:
- Pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức: Đã có các quy định về chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức;... Tuy nhiên, với yêu cầu khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chỉ quy định khen thưởng đối với cán bộ, công chức do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu (Điều 76); đồng thời, Luật cũng chưa có quy định về việc miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trong trường hợp dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới nhưng quá trình thực hiện chưa thành công (Điều 77)…
- Pháp luật về hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25); miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29); giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51)… Như vậy, các quy định này thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, do đó, tương tự các quy định miễn trách nhiệm xử lý kỷ luật tại Luật Cán bộ, công chức, để bảo đảm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW đối với vấn đề xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc hành chính đối với cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm thì thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định này (nếu có) cũng thuộc về Quốc hội.
- Pháp luật về khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ: Đã có các quy định về bảo hộ sáng chế; cơ chế, chính sách và biện pháp đào tạo thu hút đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ; chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ...; đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về khoa học công nghệ;… Tuy nhiên, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 lại có quy định về nhiệm vụ khoa học và công nghệ (được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác) kèm theo các quy định về đề xuất, thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng, giao nhiệm vụ khoa học… tương đối chặt chẽ. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, trường hợp cán bộ trẻ đề xuất thực hiện thí điểm cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ thì quy trình đề xuất, báo cáo, cho phép thực hiện ý tưởng thí điểm sẽ áp dụng theo quy trình của Luật Khoa học và công nghệ hay quy định về trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới sáng tạo tại dự thảo văn bản do Bộ Nội vụ soạn thảo?
- Pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết để “thí điểm” một số chính sách mới chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành nhưng lại chưa quy định cho các chủ thể khác có thẩm quyền này trong phạm vi quản lý. Như vậy, giả sử cán bộ đề xuất giải pháp để thí điểm một chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ nhưng khác hoặc không có quy định tại nghị định do Chính phủ ban hành thì Chính phủ chưa có cơ sở pháp lý tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện[5].
1.3. Cơ sở thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ trẻ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Cán bộ nói chung và cán bộ trẻ trong thực thi nhiệm vụ công vụ còn gặp khó khăn, vướng mắc do một số quy định chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá là một trở ngại lớn trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung[6]. Mặt khác, nhiều vấn đề thực tiễn mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa được kiểm chứng trong thực tế, dễ gây rủi ro, sai sót.
Bên cạnh đó, thực tế quản lý, sử dụng (quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng…) cán bộ trẻ thời gian qua cũng vẫn còn có những hạn chế, bất cập đã được cấp có thẩm quyền và nhiều chuyên gia nhận định, chẳng hạn như: Một số cơ quan, đơn vị thu hút được cán bộ trẻ song còn lúng túng, bị động trong bố trí, sử dụng; vẫn có nơi còn định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, dẫn tới cán bộ không yên tâm công tác, chưa phát huy được hết năng lực, sở trường, gây lãng phí nguồn lực, “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, trong thời gian qua cũng xuất hiện tâm lý sợ mắc sai lầm, muốn giữ mình an toàn, sợ khuyết điểm, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, dẫn đến tình trạng co cụm, đùn đẩy trách nhiệm khiến công việc không “chạy”[7]. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, việc xử lý cán bộ có vi phạm, khuyết điểm đã góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng nhưng cũng khiến không ít người dù dám làm nhưng thấy tình hình đó đã có tâm lý chững lại, thậm chí lo ngại, tạm dừng[8].
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, “giữ chân” đội ngũ cán bộ trẻ vào làm việc trong hệ thống chính trị thì cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vấn đề bảo vệ cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm sẽ giúp cán bộ trẻ có thêm động lực và yên tâm mang tri thức, chuyên môn, ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết của mình đóng góp trực tiếp vào công việc chung của cơ quan, tổ chức; đồng thời, góp phần khuyến khích, phát hiện, nuôi dưỡng và bảo vệ lực lượng cán bộ trẻ - đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận trong tương lai.
2. Đề xuất, kiến nghị về thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành quy định: Các quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nói chung và cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm nói riêng có liên quan trực tiếp đến nhiều văn bản luật như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Thanh tra… Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật[9], việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý điều chỉnh chung về khuyến khích và bảo vệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải do Quốc hội ban hành. Việc xây dựng một nghị quyết của Quốc hội về vấn đề nêu trên để bảo đảm thẩm quyền pháp lý theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với những vấn đề khác luật hoặc chưa có luật điều chỉnh.
Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Khung khổ pháp lý về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩa, dám làm phải được áp dụng chung cho tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà không phải chỉ áp dụng riêng cho đội ngũ giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý để bảo đảm bình đẳng và phù hợp với thực tiễn[10]. Bởi lẽ, để đề xuất và thực hiện được ý tưởng đột phá, dám nghĩ, dám làm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác không thể do một người chủ trì thực hiện mà cần có sự phối hợp, đồng hành của nhiều cán bộ (bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò định hướng, chỉ đạo; cán bộ trẻ, cán bộ trong độ tuổi thanh niên trong các cơ quan, đơn vị hiện đang đảm nhiệm các vị trí chuyên viên, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc lãnh đạo, quản lý cấp thấp chủ yếu sẽ là những người trực tiếp tham mưu, đề xuất, thực hiện với những lợi thế về thể chất, tinh thần, sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ.
Thứ ba, cần xây dựng một quy trình thống nhất để cán bộ trẻ có thể đề xuất ý tưởng đổi mới, sáng tạo thí điểm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác (đặc biệt, cần lưu ý thiết kế quy định cấp có thẩm quyền quyết định cho phép thí điểm, hình thức cho phép thí điểm trong trường hợp nội dung thí điểm khác hoặc chưa có trong quy định hiện hành; thời hạn cho ý kiến; hình thức báo cáo đề xuất của cán bộ có ý tưởng đổi mới sáng tạo…). Mặt khác, cần nghiên cứu để loại trừ hoặc cho phép áp dụng đồng thời quy trình đề xuất, giao nhiệm vụ của Luật Khoa học và công nghệ trong trường hợp các ý tưởng đề xuất đổi mới sáng tạo được thực hiện theo quy định của Luật này.
Thứ tư, xác định trình tự tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra riêng biệt để tiến hành theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, quy định rõ nguyên tắc, điều kiện để khuyến khích và bảo vệ cán bộ trẻ, bao gồm: Khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, ứng dụng “thành quả” thí điểm khi việc thí điểm các đề xuất, ý tưởng mang đến kết quả tốt; các biện pháp bảo vệ cán bộ trong quá trình thực hiện ý tưởng đề xuất; nguyên tắc và cơ chế xử lý, bồi thường thiệt hại (miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm) khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra nhưng thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhằm bảo đảm không làm “nản lòng”, “nhụt chí” những cán bộ nói chung và cán bộ trẻ có năng lực, trình độ, có động cơ trong sáng và khát khao cống hiến.
ThS. Nguyễn Sơn Hải
Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp
ThS. Ngô Đức Minh
Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ
[1]. Khảo sát của Partnership for Public Service tiến hành tại Mỹ năm 2021 - 2022, được đăng tải tại https://ourpublicservice.org/blog/public-perceptions-of-civil-servants/; khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành năm 2021, được đăng tải trên “Age profile of central government workforce” trong “Government at a Glance 2021” tại https://www.oecd.org/mena/governance/35526160.pdf; khảo sát của Civil Service World tại Vương quốc Anh năm 2022, được đăng tải tại https://www.civilserviceworld.com/in-depth/article/now-thats-what-i-call-the-civil-service.
[2]. Căn cứ đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các đề án, kế hoạch, quyết định cụ thể hóa quy định này. Tại Quảng Ngãi, căn cứ Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cán bộ trẻ ở cấp tỉnh có độ tuổi dưới 45 tuổi đối với nữ và dưới 40 tuổi đối với nam; cấp huyện có độ tuổi dưới 40 tuổi; cấp xã có độ tuổi dưới 35 tuổi. Tại Bắc Giang, căn cứ Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, cán bộ trẻ trong Đề án tính từ 40 tuổi trở xuống.
[3]. Minh Mạnh, Bài 1: Trọng dụng cán bộ trẻ - chủ trương xuyên suốt của Đảng, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-1-trong-dung-can-bo-tre-chu-truong-xuyen-suot-cua-dang-648798.
[4]. Quốc hội yêu cầu Chính phủ “khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Chính phủ giao Bộ Nội vụ “nghiên cứu việc xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
[5]. Trong thực tế, do yêu cầu quản lý nhà nước đa dạng, sinh động, thường xuyên phát sinh các vấn đề cần giải quyết, Chính phủ vẫn ban hành các nghị quyết cá biệt để quyết định một hoặc một số vấn đề cụ thể trong thẩm quyền của Chính phủ mà khác hoặc không có quy định tại các nghị định do Chính phủ ban hành, ví dụ: Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 23/02/2023 về việc thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên để làm một số công trình tạm (đường công vụ, bãi tập kết vật liệu) phục vụ thi công Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
[6]. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, bất cập cần xử lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước là tương đối lớn (nhất là các lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân sách, kinh doanh...). Theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2021, 2022, vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa hoàn thành việc xử lý (233 văn bản/446 văn bản cần xử lý).
[7]. Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Thể chế hóa bằng nghị định là cần thiết, https://vov.vn/chinh-tri/bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-the-che-hoa-bang-nghi-dinh-la-can-thiet-post1000585.vov.
[8]. Cần có quy định cụ thể để cán bộ dám nghĩ, dám làm, https://tuoitre.vn/can-co-quy-dinh-cu-the-de-can-bo-dam-nghi-dam-lam-20230206084604814.htm.
[9]. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Quốc hội ban hành nghị quyết để quyết định thực hiện thí điểm một số chích sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”; đồng thời, đây cũng là đề xuất của một số cán bộ lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, chuyên gia tại bài báo “Đề xuất sửa luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” của tác giả Vy Oanh, đăng tải tại https://dangcongsan.vn/thoi-su/de-xuat-sua-luat-de-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-611314.html.
[10]. Dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ hiện nay dự kiến chỉ áp dụng đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý (Điều 2 Dự thảo ngày 09/8/2023).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)