Bài viết giới thiệu về những đặc điểm, khiếm khuyết của tố tụng tranh tụng, cách thức hệ thống tố tụng này kiểm tra lời khai của người làm chứng. Sau đó, dựa trên sự phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về kiểm tra lời khai của người làm chứng tại phiên tòa, tác giả đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
1. Đặc điểm và những khiếm khuyết trong tố tụng tranh tụng
Theo quan điểm truyền thống, tố tụng tranh tụng được hiểu là một cuộc đấu tại phiên tòa giữa hai bên (buộc tội và gỡ tội), mỗi bên đều có quyền và cơ hội ngang nhau trong việc trình bày ý kiến và đưa ra chứng cứ cho Tòa án xem xét[1]. Trong mô hình này, nhiệm vụ thu thập và trình bày chứng cứ tại phiên tòa hoàn toàn thuộc về phía công tố (công tố viên) và phía bào chữa (luật sư bào chữa). Thẩm phán và bồi thẩm đoàn chỉ đóng vai trò bị động, là một trọng tài để nghe và xem xét chứng cứ giữa các bên, sau đó đưa ra phán quyết, chứ không tham gia đến quá trình tìm kiếm chứng cứ để chứng minh sự thật. Đây là một đặc điểm quan trọng để phân biệt tố tụng tranh tụng với tố tụng thẩm vấn, nơi mà thẩm phán có vai trò tích cực trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh sự thật của vụ án.
Công lý là mục tiêu hướng đến của mọi hệ thống tố tụng hình sự trên thế giới, bao gồm tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn. Tuy nhiên, khái niệm công lý trong mỗi hệ thống lại có sự khác biệt nhất định. Trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, công lý được thực thi khi sự thật vụ án được sáng tỏ, kẻ phạm tội bị trừng phạt, cũng như người vô tội được tự do. Ngược lại, trong quan điểm của tố tụng tranh tụng, công lý chỉ đạt được khi hai bên (buộc tội và gỡ tội) được trao quyền, nghĩa vụ ngang nhau để chứng minh lý lẽ của mình[2], còn việc tìm ra sự thật của vụ án không phải là mục tiêu cuối cùng của tố tụng tranh tụng, mà đó chỉ là một sản phẩm phụ, sẽ đương nhiên xuất hiện khi hai bên buộc tội và gỡ tội thực hiện quyền của mình trong phiên tòa[3].
Một đặc điểm quan trọng của hệ thống tố tụng tranh tụng là sự tham gia của các thẩm phán không chuyên trong xét xử, hay còn gọi là bồi thẩm đoàn, cùng với thẩm phán chuyên nghiệp. Thông thường, bồi thẩm đoàn sẽ xử lý các vấn đề liên quan đến nội dung sự thật vụ án, còn thẩm phán chuyên nghiệp sẽ giải quyết các nội dung liên quan đến luật. Cụ thể hơn, thẩm phán sẽ dựa trên các quy định của pháp luật về các nguyên tắc đánh giá chứng cứ để quyết định chứng cứ nào được chấp thuận để trình bày trước bồi thẩm đoàn. Đến lượt mình, bồi thẩm đoàn sẽ dựa trên các chứng cứ đã được chấp thuận đó để xem xét về việc bị cáo có tội hay không. Trong trường hợp bồi thẩm đoàn tuyên bị cáo có tội thì thẩm phán sẽ quyết định tên tội danh và hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, sự phân vai này có thể khác biệt tùy theo mô hình tố tụng của từng nước[4].
Quan niệm về công lý và cách quy trình tố tụng vận hành của tố tụng tranh tụng, hai hệ quả tiêu cực có thể xảy ra trong tố tụng tranh tụng là “combat effect” (tạm dịch là hệ quả chiến đấu) và “wealth effect” (tạm dịch là hệ quả tài lực). Thứ nhất, “combat effect” muốn nói đến khả năng gây hư hại sự thật của vụ án. Có thể thấy, hệ thống tranh tụng dẫn đến các bên tham gia tố tụng (buộc tội và gỡ tội) thực hiện quyền tranh tụng của mình không nhằm mục đích tìm kiếm sự thật, mà nhằm mục đích chiến thắng bên đối lập. Từ đó, các bên sẽ dùng mọi biện pháp để chứng minh hoặc loại trừ sự thật theo cách có lợi nhất cho luận điểm của phía mình. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng loại trừ chứng cứ có giá trị và chấp nhận những chứng cứ giả mạo. Thứ hai, “wealth effect” muốn nhấn mạnh đến lợi thế của những bị cáo có tiềm lực tài chính hùng mạnh, thứ có thể giúp họ thuê những luật sư tài giỏi và những điều tra viên tư nhân để giúp họ thu thập các chứng cứ có lợi nhất[5]. Cả hai hệ quả trên đều dẫn đến một kết quả chung là các chứng cứ giả mạo, không đáng tin được đưa ra sử dụng tại phiên tòa có khả năng khiến sự thật của vụ án bị sai lệch. Khả năng này đặc biệt lớn khi các chứng cứ này được đưa đến một bồi thẩm đoàn thiếu kinh nghiệm xét xử và kiến thức pháp lý để xem xét, quyết định.
Để khắc phục các khiếm khuyết này, các nguyên tắc về chứng cứ hay còn gọi là các nguyên tắc loại trừ được xây dựng nhằm đảm bảo các chứng cứ khi được đưa đến bồi thẩm đoàn đều đáng tin cậy và được thu thập theo đúng trình tự công bằng. Thẩm phán là người quyết định chứng cứ nào được phép trình bày trước bồi thẩm đoàn trong phiên tòa dựa trên các nguyên tắc đó[6]. Đến lượt mình, các bồi thẩm viên sẽ cân nhắc sự quan trọng, chất lượng chứng minh của các chứng cứ đã được thẩm phán chấp thuận để quyết định hành vi của bị cáo có phạm tội hay không.
Do đó, các nguyên tắc loại trừ chứng cứ được xem như là một trụ cột nền tảng của tố tụng tranh tụng để khắc phục khiếm khuyết về ngụy tạo, giả mạo chứng cứ hoặc đưa ra những chứng cứ không đáng tin đến trước sự suy xét của bồi thẩm đoàn. Từ đó, thiết lập nên những quy chuẩn chung trong việc thu thập chứng cứ cho cả hai bên, tạo nên một môi trường công bằng cho sự tranh tụng của bên buộc tội và gỡ tội.
2. Nguyên tắc “tin đồn” và thủ tục thẩm vấn chéo
Các nguyên tắc đánh giá chứng cứ là trụ cột nền tảng cho một phiên tòa tranh tụng, và một trong những nguyên tắc căn bản nhất chính là nguyên tắc về “tin đồn”. Bắt nguồn từ những lo ngại về việc khai man của người làm chứng, những ý tưởng đầu tiên về nguyên tắc “tin đồn” này xuất hiện vào những năm 1500 và trở nên dần hoàn thiện vào những năm 1730-1740 tại Anh nhằm ngăn chặn những lời khai sai sự thực của người làm chứng được chấp thuận làm chứng cứ trong phiên tòa hình sự[7].
Một cách khái quát, nguyên tắc này ngăn chặn một lời khai của người làm chứng trở thành chứng cứ khi không được trình bày và kiểm tra tại phiên tòa. Khi đó, các lời khai này sẽ đương nhiên bị xem là “tin đồn” và bị loại trừ. Một mặt, nguyên tắc này ngăn chặn lời khai của một người làm chứng tại phiên tòa có chứa đựng thông tin về sự thật của vụ án có được từ một người khác, mà người đó lại không có mặt ở phiên tòa để trình bày[8]. Mặt khác, nếu người làm chứng đã cho lời khai trong giai đoạn trước phiên tòa, nếu không xuất hiện tại phiên tòa để cung cấp lại lời khai và chịu sự kiểm tra chéo của phía bên kia của tố tụng thì lời khai của người làm chứng đó cũng được xem là tin đồn và sẽ bị loại trừ[9].
Có bốn lý do chính để loại trừ các lời khai có tính chất “tin đồn”[10]. Lý do thứ nhất, lời khai mang thông tin tin đồn thường không phải là chứng cứ tốt về về mặt chất lượng và đáng tin cậy. Lý do thứ hai, các lời khai dạng này thường được thực hiện ngoài Tòa án, không phải thông qua thủ tục tuyên thệ nên không đáng tin[11]. Thứ ba, người thực hiện các lời khai tin đồn này không phải chịu thủ tục kiểm tra chéo, tức sự thẩm vấn và kiểm tra về tính xác thực của lời khai từ phía phản đối nội dung lời khai. Cuối cùng, thẩm phán và bồi thẩm đoàn không có cơ hội xem xét, quan sát hành vi và thái độ của người cho lời khai vào thời điểm họ đưa ra lời khai, từ đó, thẩm phán và bồi thẩm đoàn không có cơ sở để cân nhắc về giá trị của lời khai.
Tùy theo từng hệ thống khác nhau mà nguyên tắc này có nhiều ngoại lệ. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 30 ngoại lệ cho nguyên tắc này[12].
Cùng với nguyên tắc về “tin đồn”, thẩm vấn chéo được sử dụng như một công cụ nhằm kiểm tra tính xác thực, phát hiện và loại bỏ những lời khai không chính xác của người làm chứng[13]. Thẩm vấn chéo là một thủ tục tại phiên tòa tranh tụng, có cơ sở dựa trên nguyên tắc “tin đồn” và quyền thẩm vấn nhân chứng của bị cáo, được xem như là “một phương tiện tốt nhất từng được tạo ra cho mục đích khám phá sự thật”[14]. Tại các nước theo hệ thống tố tụng tranh tụng, quyền được thẩm vấn người làm chứng là một quyền con người cơ bản của người bị buộc tội[15]. Đồng thời, theo quy chuẩn của pháp luật quốc tế, quyền thẩm vấn người làm chứng cũng là một trong những quyền con người cơ bản của bị cáo và là thành tố tạo nên của quyền được xét xử tại một phiên tòa công bằng (right to a fair trial)[16].
Có thể hình dung, tại một phiên tòa, hai phía buộc tội và gỡ tội đều có những người làm chứng nhằm củng cố cho lập luận của phe mình. Trong trường hợp bên công tố gọi người làm chứng buộc tội lên bục người làm chứng, thì công tố viên sẽ thực hiện thẩm vấn trực tiếp nhằm hỏi người làm chứng về những thông tin mang tính chất buộc tội bị cáo. Sau khi kết thúc phiên thẩm vấn trực tiếp của công tố, phía bào chữa sẽ có quyền thực hiện thẩm vấn chéo nhằm kiểm tra lại tính xác thực của những thông tin đã được tiết lộ trong phiên thẩm vấn trực tiếp vừa qua. Thông thường, giới hạn của cuộc thẩm vấn chéo là những thông tin mà người làm chứng tiết lộ trong phiên thẩm vấn trực tiếp. Thủ tục thẩm vấn cũng diễn ra tương tự trong trường hợp phía bào chữa gọi người làm chứng gỡ tội lên bục làm người làm chứng[17].
Như vậy, nếu nguyên tắc “tin đồn” loại trừ hoàn toàn những lời khai được đưa ra bên ngoài phiên tòa thì thủ tục thẩm vấn chéo tiếp tục loại trừ những lời khai tại phiên tòa có khả năng cung cấp sai thông tin. Cùng với nhau, nguyên tắc “tin đồn” và thủ tục thẩm vấn chéo đã tạo nên một bức màng lọc, loại bỏ những lời khai có tính xác thực không cao. Từ đó, những lời khai được chấp thuận làm chứng cứ, thứ mà bồi thẩm đoàn dựa vào để phán quyết có tội hay không, sẽ đáng tin cậy hơn và mang tính xác thực cao.
3. Những vấn đề về việc kiểm tra lời khai của người làm chứng trong phiên tòa tranh tụng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm như là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự[18] và nguyên tắc này được thể hiện qua hai khía cạnh. Một là, phía công tố và phía bào chữa đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng ghi nhận quyền thu thập và giới thiệu chứng cứ của người bào chữa[19]. Hai là, diễn biến tại phiên tòa được chú trọng hơn khi Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bản án, quyết định của Tòa án phải “căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”, tức là sự kiểm tra đánh giá chứng cứ và sự tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở chính yếu của bản án chứ không chỉ là các chứng cứ có trong hồ sơ đã được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, lời khai của người làm chứng là một trong các loại chứng cứ[20]. Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, lời khai của người làm chứng cũng phải được kiểm tra tại phiên tòa chứ không chỉ dựa vào lời khai được thể hiện trong các biên bản đã được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, quy định về việc kiểm tra lời khai của người làm chứng tại phiên tòa vẫn còn một số điểm chưa rõ:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, một lời khai được xem là chứng cứ nếu có đủ ba yếu tố khách quan, liên quan và hợp pháp. Nếu tính liên quan và tính hợp pháp có thể được kiểm tra bằng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thì tính khách quan của lời khai của người làm chứng có thể kiểm tra bằng hai cách là thông qua việc đối chiếu, so sánh với các chứng cứ khác và thông qua sự thẩm vấn người cho lời khai tại phiên tòa, được tiến hành bởi Hội đồng xét xử và của phía phản đối lời khai đó. Thế nhưng, trong trường hợp người làm chứng không có mặt tại phiên tòa, nghĩa là tính khách quan trong lời khai của họ không thể bị kiểm tra bởi sự thẩm vấn của Hội đồng xét xử và của người phản đối lời khai, thì liệu lời khai đó có được xem là chứng cứ hay không vẫn chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Mặt khác, trong trường hợp người làm chứng không có mặt tại phiên tòa, thì lời khai của họ sẽ không đương nhiên bị loại trừ vì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định nào về vấn đề này.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định rằng trong trường hợp người làm chứng vắng mặt và đã có lời khai trong giai đoạn điều tra - truy tố, khi đó phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra. Ngay cả khi những lời khai đó có chứa đựng thông tin về những vấn đề quan trọng của vụ án thì Hội đồng xét xử vẫn có quyền tùy nghi lựa chọn việc tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa[21]. Tuy nhiên, các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho sự tùy nghi lựa chọn của Tòa án trong việc xét xử vụ án với sự vắng mặt của người làm chứng cũng không được quy định. Có nghĩa là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã gián tiếp trao cho Tòa án quyền tùy nghi loại bỏ quyền kiểm tra người làm chứng của các bên tham gia tố tụng trong trường hợp người làm chứng không có mặt tại phiên tòa.
Với hai điểm nói trên đã khiến lời khai của một người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa vẫn có khả năng trở thành chứng cứ và được sử dụng để làm căn cứ tuyên án. Một mặt, khả năng này tạo ra nguy cơ cho việc sử dụng các lời khai mang thông tin sai trái như là chứng cứ trong vụ án hình sự. Mặt khác, khả năng này cũng đã xâm phạm đến nguyên tắc cốt lỗi trong phiên tòa tranh tụng tại Việt Nam là bản án, quyết định của Tòa án phải “căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
Việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong phiên tòa hình sự như là một trong những nguyên tắc căn bản đã thể hiện sự tiến bộ của hệ thống tố tụng hình sự Việt Nam trong việc xây dựng một phiên tòa công bằng, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của bị cáo. Tuy nhiên, sự thiếu xót trong việc ghi nhận nguyên tắc “tin đồn”, thủ tục thẩm vấn chéo và sự chấp thuận các lời khai không được kiểm tra tại tòa của người làm chứng như là chứng cứ xét xử vụ án đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến tính xác thực của lời khai. Đồng thời, các thiếu xót trên cũng đã xâm phạm đến một khía cạnh của nguyên tắc tranh tụng là mọi bản án, quyết định của Tòa án phải “căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
Vì vậy, pháp luật cần ghi nhận và áp dụng nguyên tắc “tin đồn” và thủ tục thẩm vấn chéo một cách phù hợp để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong phiên tòa hình sự. Cụ thể, tại phiên tòa, nếu phía bào chữa hoặc phía công tố phản đối lời khai và yêu cầu triệu tập để kiểm tra làm rõ, thì người có lời khai bị phản đối phải được triệu tập. Trong trường hợp người đó không xuất hiện tại phiên tòa thì lời khai trước đó phải bị loại trừ và không được sử dụng làm chứng cứ để ra bản án, quyết định. Ngược lại, nếu các bên trong phiên tòa đều chấp nhận lời khai đó thì lời khai đó vẫn được chấp nhận dù người cho lời khai không có mặt tại phiên tòa.
Võ Minh Kỳ
Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Võ Hồng Phượng
Đại học Cần Thơ
[1] Black’s Law Dictionary, What is Adversarial Trial, http://thelawdictionary.org/adversary-trial, truy cập ngày 27/11/2017.
[2] Hans F.M. Crombag, Adversarial or Inquisitorial: Do we have a choice?, in Perter J. van Koppen & Steven D. Penrod, Adversarial versus Inquisitorial Justice: Psychological Perspectives on Criminal Justice System, Kluwer Academic/Plenum Publisher, New York, 2003, p23-24.
[3] John H. Langbein, The Origins of Adversary Criminal Trial, Oxford University Press, 2003, p333.
[4] Valerie P. Hans & Neil Vidma, Judging the Jury, Perseus Books, Massachusetts, 1986, p31-44.
[5] John H. Langbein, The Origins of Adversary Criminal Trial, p1-2.
[6] Perter J. van Koppen & Steven D. Penrod, Adversarial versus Inquisitorial Justice, p2-3; và Lại Thị Thu Hà, Các đặc điểm cơ bản của Hệ thống Tố tụng hình sự tranh tụng và Hệ thống Tố tụng hình sự thẩm vấn, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02/4/2009, http://www.vksndtc.gov.vn/khac-134, truy cập ngày 02/12/2017.
[7] John H. Wigmore, “The history of the hearsay rule”, Havard Law Review, Vol. 17, No. 7 (May, 1904), p437; và John H. Langbein, The Origins of Adversary Criminal Trial, p235.
[8] LawForum, The rule against hearsay, http://www.lawreform.ie/_fileupload/consultation%20papers/wpHearsay.htm, truy cập ngày 05/12/2017.
[9] Article VIII, Rule 801, 2015 Federal Rules of Evidence of The United State, tham khảo tại https://www.law.cornell.edu/rules/fre, truy cập ngày 06/12/2017.
[10] Andrew L.-T. Choo, Hearsay and Confrontation in Criminal Trials, Clarendon Press – Oxford, 1996, p11.
[11] Tại các Tòa án theo hệ thống tố tụng tranh tụng, khi người làm chứng được gọi ra trước Tòa để làm chứng thì họ phải bước bên bục người làm chứng và tuyên thệ (oath) sẽ nói ra sự thật, nếu có sự gian dối và bị phát hiện thì họ có thể bị truy tố tội khai man (perjury) trước Tòa. Do đó, sự tuyên thệ được xem như là biểu tượng của sự thật tại các phiên tòa tranh tụng. Xem thêm Robyn Blewer, Swearing children: The nature of an oath, The Prosecution Project, Research Brief 8, https://prosecutionproject.griffith.edu.au/swearing-children-the-nature-of-an-oath, 2 March 2015, truy cập ngày 15/12/2017.
[12] Article VIII, Rule 803, 2015 Federal Rules of Evidence of The United State, tham khảo tại https://www.law.cornell.edu/rules/fre, truy cập ngày 18/12/2017.
[13] Andrew L.-T. Choo, Hearsay and Confrontation in Criminal Trials, p32.
[14] Theodore L. Kubicek, Adversarial Justice: America’s Court System on Trial, New York: Algora Publishing, 2006, p113.
[15] Tu chính án thứ 6 của Hoa Kỳ, Điều 37 Hiến pháp Nhật Bản đều quy định quyền của bị cáo được kiểm tra người làm chứng tại phiên tòa.
[16] Paragraph 3 (e), Article 14 of the 1966 International Covenant on Civil and Political Rights.
[17] American Bar Association, How Courts Work – Cross Examination, https://www.americanbar.org/groups/public_education/resources/law_related_education_network/how_courts_work/crossexam.html, truy cập ngày 06/01/2018.
[18] Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[19] Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[20] Điều 87, Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[21] Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.