Hiện nay, nguyên tắc tranh tụng ngày càng được hoàn thiện và bổ sung những nội dung mới phù hợp với xu thế phát triển và dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, được hầu hết các quốc gia thừa nhận và áp dụng. Nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi việc xét xử vụ án hình sự phải được tiến hành dưới hình thức tranh tụng giữa hai bên (buộc tội và bào chữa có quyền bình đẳng với nhau trong việc đưa ra các chứng cứ, lý lẽ và viện dẫn các văn bản pháp luật...) để Hội đồng xét xử làm trọng tài phân xử...
Mô hình tố tụng hình sự hiện nay ở Việt Nam là mô hình pha trộn, chịu ảnh hưởng của mô hình tố tụng hình sự lục địa (Pháp, Liên Xô cũ). Giải pháp phù hợp cho việc hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam không phải là chuyển đổi hẳn, tức thời sang mô hình tranh tụng, mà phải tiếp tục dần dần từng bước hoàn thiện mô hình pha trộn theo hướng thiên về tranh tụng nhiều hơn.
Để đảm bảo thực hiện được cơ chế bảo vệ quyền của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự thì cần thừa nhận nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của BLTTHS. Do vậy, BLTTHS phải được sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với yêu cầu của nguyên tắc này. Cụ thể là:
- Sửa đổi Điều 10 BLTTHS theo hướng khẳng định Toà án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử và không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Toà án chỉ có nghĩa vụ chứng minh trong bản án của mình là vì sao chấp nhận cáo trạng của Viện kiểm sát mà không chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên án kết tội); hoặc ngược lại, vì sao không chấp nhận cáo trạng của Viện kiểm sát mà lại chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên án vô tội) mà không có nghĩa vụ chứng minh là bị cáo có tội thay cho bên kết tội.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 57 BLTTHS theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
Chỉ định người bào chữa khi mà họ bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự (hiện nay là chỉ áp dụng đối với mức tử hình).
- Sửa đổi, bổ sung Điều 190 BLTTHS quy định về sự có mặt và sự tham gia tranh tụng của người bào chữa tại phiên toà. Cần quy định sự có mặt của người bào chữa là bắt buộc. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.
- Sửa đổi Điều 196 về giới hạn của việc xét xử theo hướng để Toà án trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vượt quá giới hạn truy tố của Viện kiểm sát nếu điều đó làm bất lợi cho bị cáo. Toà án chỉ có thể vượt quá giới hạn truy tố của Viện kiểm sát nếu không làm bất lợi cho bị cáo, không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo.
- Về trình tự và thủ tục xét hỏi tại phiên toà: Giải pháp trước mắt là tăng cường tính tranh tụng của phiên toà sơ thẩm và coi đây là bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW, cụ thể sửa đổi thủ tục xét hỏi tại phiên toà theo hướng tham gia vào thủ tục xét hỏi chỉ có các bên tranh tụng. Bên buộc tội là Viện kiểm sát và người bị hại, nguyên đơn dân sự; Bên bào chữa là người bào chữa, bị cáo, bị đơn dân sự. Toà án là bên điều khiển quá trình xét hỏi. Toà án trở về vai trò là trọng tài, điều khiển tranh tụng của các bên.
Liên quan đến phần tranh luận, cần sửa đổi, bổ sung Điều 217 và Điều 218 của BLTTHS theo hướng quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia tranh luận, trách nhiệm của Chủ toạ phiên toà phải đảm bảo cho việc tranh luận diễn ra dân chủ, khách quan, tạo điều kiện cho các bên trình bày hết ý kiến và tranh luận...
- BLTTHS cần có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện quyền bào chữa như về thủ tục khi người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bổ sung quy định và cơ chế ngăn ngừa việc gây khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài các biện pháp pháp lý trên, cần phải vận dụng hài hòa nhiều biện pháp kinh tế, xã hội khác để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/05/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng.
ThS. Phạm Văn Hợp
Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tối cao