Sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã quan tâm thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo quy định và từng bước hoạt động có hiệu quả; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng được coi trọng. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế được ban hành, thành lập theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP[1].
- Ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, từ khi Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực, các tổ chức pháp chế về cơ bản được hình thành. Đến khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được triển khai thực hiện, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đều đã thành lập Vụ Pháp chế.
- Ở địa phương, hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, xây dựng Đề án thành lập các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó xác định rõ việc thành lập tổ chức, bố trí cán bộ, giao chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công tác pháp chế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải thành lập Phòng Pháp chế[2] và theo khoản 2 Điều 9, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn. Kết quả, một loạt các Phòng Pháp chế trên toàn quốc đã được thành lập. Ở những nơi không có đủ biên chế thì trước mắt bố trí 01 cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Sau 09 năm thực hiện Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, do điều kiện khách quan và nhu cầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tại mỗi địa phương, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh được tổ chức theo mô hình: Phòng Pháp chế độc lập thuộc cơ quan chuyên môn cấp Sở; Phòng Pháp chế - An toàn thuộc Sở Giao thông - Vận tải; Phòng Tổ chức - Pháp chế thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một số cơ quan chuyên môn khác bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế thuộc biên chế của Văn phòng hoặc chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này.
Kết quả, tính đến đầu năm 2019, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước đã thành lập được 150 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó có 126 Phòng Pháp chế được thành lập theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP[3].
- Ở các doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nhu cầu của doanh nghiệp, các tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp nhà nước được kiện toàn; ở các công ty thành viên của Tập đoàn, Tổng Công ty, công tác pháp chế đã được lãnh đạo quan tâm hơn và chỉ đạo việc thành lập tổ chức, bố trí, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Đến nay, doanh nghiệp nhà nước ở trung ương đã thành lập Ban Pháp chế, Phòng Pháp chế, Phòng Thanh tra - Pháp chế… Ở địa phương, các doanh nghiệp nhà nước bước đầu đã bố trí người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV chưa có tổ chức pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế còn rất ít.
2. Vai trò của các tổ chức pháp chế trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Tổ chức pháp chế ở bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như đăng tải văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, từ năm 2010, Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch/Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương.
- Công tác pháp chế doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, thực hiện quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế, cơ cấu lại các doanh nghiệp…, nhất là yêu cầu thực hiện Hiến pháp năm 2013, các chính sách, pháp luật; trong tham mưu, tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tổ chức pháp chế và cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp giúp lãnh đạo doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp cận với pháp luật, nắm chắc chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; giúp lãnh đạo doanh nghiệp trong đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng kinh tế, thương mại, nhất là với đối tác nước ngoài, bảo đảm an toàn pháp lý và lợi ích kinh tế. Khi xảy ra tranh chấp, cán bộ pháp chế đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của lãnh đạo doanh nghiệp.
- Tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp có nhiệm vụ, quyền hạn chính như:
+ Chủ trì, phối hợp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu hợp đồng, có ý kiến về mặt pháp lý và thẩm định dự thảo các hợp đồng do các bộ phận khác soạn thảo, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng.
+ Chủ trì, phối hợp, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Chủ trì hoặc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động.
+ Chủ trì, phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, điều lệ, nội quy của doanh nghiệp; tổng kết, đánh giá thực trạng hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.
+ Tư vấn hoặc tham mưu việc thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đánh giá rủi ro môi trường đầu tư kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức, quản lý của doanh nghiệp.
+ Chủ trì hoặc phối hợp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người lao động; tham gia tố tụng hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, thực tiễn triển khai công tác này còn nhiều hạn chế, cụ thể:
- Việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số địa phương còn chậm; mô hình tổ chức ở một số cơ quan chưa thống nhất.
- Trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế chưa đồng đều; còn nhiều người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật; công tác pháp chế liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, tuy nhiên, ở một số lĩnh vực chuyên sâu như tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ… đòi hỏi người làm công tác pháp chế phải được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành, trong khi đó, phần lớn người làm công tác pháp chế chỉ được đào tạo kiến thức pháp luật thuần túy, cho nên chất lượng công việc của người làm công tác pháp chế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chất lượng tham mưu còn mờ nhạt.
- Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hình thức, chưa thật sự đạt kết quả đối với các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về pháp luật… làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác pháp chế.
- Chế độ, chính sách đối với người làm công tác pháp chế chưa được quan tâm đúng mức.
- Một số bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP còn chậm, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ được biết và sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý, hiệu quả của một số hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp.
3. Đề xuất giải pháp kiện toàn các tổ chức pháp chế trên cả nước để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025
- Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tổ chức pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế trong hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và căn cứ tình hình cụ thể từng nơi để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức pháp chế phân công cán bộ chuyên trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đối với DNNVV, quan tâm bố trí cán bộ làm chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác pháp chế.
- Hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ pháp chế, mô hình tổ chức pháp chế và hướng dẫn về biên chế, vị trí việc làm đối với công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
- Tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp đối với công tác pháp chế ở địa phương; đề cao vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác pháp chế; gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế giữa các bộ, ngành với sở, ngành ở địa phương.
- Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng công tác pháp chế, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ pháp chế. Đổi mới hình thức bồi dưỡng, tập huấn thông qua mạng internet, online…
- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc của công tác pháp chế và nâng cao nhận thức, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đối với công tác pháp chế.
Tăng cường công tác kiểm tra của UBND cấp tỉnh về tình hình thực hiện công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Thông qua kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng triển khai thực hiện, từ đó kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn.
- Khuyến khích DNNVV nghiên cứu luật, nghị định và các văn bản liên quan công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để nắm chắc quy định, biết quyền được hỗ trợ và yêu cầu được hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mình; sử dụng luật sư, mạng lưới tư vấn pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Việc kiện toàn các tổ chức pháp chế từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế có chuyên môn, có năng lực và trách nhiệm công vụ là việc làm hết sức cần thiết, bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp
[1]. Xem: Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
[2]. Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế.
[3]. Phòng Pháp chế được thành lập ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.