Bồi dưỡng pháp luật trực tuyến mang nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo, bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp đã làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tìm hiểu pháp luật do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động tìm hiểu, học tập và bồi dưỡng kiến thức pháp luật của doanh nghiệp.
Qua bài viết, tác giả Mạnh Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Nga làm rõ về Cách mạng công nghiệp 4.0 với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nhu cầu bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp tại Việt Nam và xác định những khó khăn khi thực hiện và đề xuất một số phương án bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
1. Cách mạng công nghiệp 4.0 với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thuật ngữ Cách mạng công nghiệp 4.0 được truyền tải về Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo ra một chủ đề “nóng hổi” và được rất nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý bàn luận tại các diễn đàn khoa học. Hầu hết trong các diễn đàn, các học giả, doanh nghiệp đều đi tìm câu trả lời là Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang triển khai ở Việt Nam không? Và ảnh hưởng như thế nào? Rõ ràng, câu trả lời là “có”. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng rất sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp là một phương thức đào tạo tiên tiến dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, mà chủ yếu là dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” (tiếng Đức: Industrie 4.0) khởi nguồn từ một dự án trong chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, nó thúc đẩy việc sản xuất điện toán hóa sản xuất.
Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối internet. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mà đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số có vai trò quan trọng đối với bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là vấn đề không phải “bàn cãi”. Điều này xuất phát từ đặc thù của phương thức bồi dưỡng trực tuyến là dựa trên nền tảng khoa học công nghệ mà chủ yếu là dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin, do đó, công nghệ thực tế ảo sẽ dần thay đổi cách dạy và học truyền thống pháp luật với việc các hình thức bồi dưỡng trực tuyến mới ra đời. Doanh nghiệp có thể đeo kính VR ở nhà mà có cảm giác như đang ngồi trong hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật nghe bài giảng, với sự hỗ trợ của tai nghe, máy tính hoặc smartphone thì doanh nghiệp có thể truy cập internet ở bất kỳ nơi nào để nghe các bài giảng trực tuyến về pháp luật; kiểm tra hoặc truy cập tài liệu nghiên cứu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin mạnh được số hóa. Thậm chí, các buổi seminar, họp¼ cũng không cần thiết người tham dự phải có mặt như trước đây bởi họ có thể dễ dàng nghe, phát biểu thậm chí ký văn bản thông qua các công cụ điện tử. Trong tương lai, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho “cán cân” chuyên gia pháp lý thay đổi theo chiều hướng số lượng chuyên gia pháp lý ảo tăng lên và chuyên gia pháp lý thực ít đi.
Bồi dưỡng pháp luật trực tuyến mang nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo, bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp đã làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tìm hiểu pháp luật do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động tìm hiểu, học tập và bồi dưỡng kiến thức pháp luật của doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp... là những cơ quan tiên phong trong việc nghiên cứu và bồi dưỡng, đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp trên cả nước. Từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ra mắt hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về nội dung, bao trùm các vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp như bán hàng, tiếp thị, tài chính, kế toán, nhân sự, sản xuất, tư duy chiến lược và kỹ năng lãnh đạo… Từ năm 2019, Bộ Tư pháp (thông qua Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020) xây dựng 18 chương trình video clip các chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp để bồi dưỡng trực tuyến cho các doanh nghiệp trên cả nước. Đây là một trong những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp nhằm đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, pháp luật cho chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý và cá nhân khởi nghiệp.
2. Nhu cầu bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp tại Việt Nam và xác định những khó khăn khi thực hiện
Hiện nay, Việt Nam có hơn 624.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó 97,7% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ[1]), các lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn, chiếm đa phần trong 55,4 triệu lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên ở nước ta hiện nay (tính đến hết năm 2019) (lực lượng lao động trong doanh nghiệp cuối năm giảm so với đầu năm và giữa năm vì thời gian có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra các lễ hội, nên người dân kéo dài thời gian nghỉ làm việc, nhu cầu làm việc và tìm kiếm việc làm trong dân cư giảm). Nhu cầu bồi dưỡng các kiến thức nói chung, trong đó có pháp luật của doanh nghiệp, các lao động trong doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, thực tế sẽ gặp các khó khăn như sau:
- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Hệ thống máy vi tính còn thiếu; đường truyền mạng, tốc độ truy cập còn chậm; khả năng tiếp cận với internet còn hạn chế ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn thiếu hệ thống điện tử đáp ứng nhu cầu truy cập, tiếp cận và sử dụng của người có nhu cầu tìm hiểu, cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.
- Hệ thống Studio sản xuất bài giảng, số hóa học liệu điện tử: Nhiều cơ quan, tổ chức còn thiếu hệ thống Studio để sản xuất bài giảng trực tuyến pháp luật cho doanh nghiệp trong khi chi phí để số hóa bài giảng và học liệu kèm theo rất tốn kém. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật xử lý hậu kỳ và vận hành hệ thống LMS còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng các bài giảng điện tử và triển khai bồi dưỡng pháp luật trực tuyến trên phạm vi rộng.
- Truy cập hệ thống bồi dưỡng pháp luật bằng các thiết bị di động: Tốc độ đường truyền mạng internet trên một số thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng,… còn hạn chế. Do đó, việc truy cập khóa học thông qua các thiết bị này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí sử dụng mạng di động ở Việt Nam còn ở mức tương đối cao.
- Kỹ năng công nghệ thông tin của chuyên gia pháp lý truyền đạt kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp: Khả năng sử dụng và khai thác máy tính cá nhân của nhiều chuyên gia pháp lý còn yếu, đặc biệt là những chuyên gia pháp lý có tuổi và chuyên gia pháp lý ở các địa phương còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nhiều chuyên gia pháp lý chưa quen với việc tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu, tự quản lý thời gian cá nhân phù hợp với việc trực tuyến cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng tư vấn của một số chuyên gia pháp lý còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao trong quá trình tương tác trực tuyến với doanh nghiệp.
3. Đề xuất một số phương án bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp tại Việt Nam
Dựa trên những ưu điểm của hình thức bồi dưỡng pháp luật trực tuyến, đề nghị các phương án/mô hình triển khai bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp, người lao động doanh nghiệp trong thời gian tới như sau:
Phương án 1: Xây dựng kho học liệu trực tuyến (khóa học, bài giảng, tài liệu) và cung cấp trên mạng inernet (cổng thông tin, trang web, hệ thống chia sẻ học liệu...) nhằm cung cấp kiến thức bổ trợ thường xuyên cho các chuyên gia pháp lý.
Phương án 2: Xây dựng hệ thống bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp hoàn toàn qua mạng internet. Toàn bộ chương trình bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp được số hóa, tổ chức thành khóa học theo các chuyên đề; hồ sơ của chuyên gia pháp lý được giám sát và đánh giá; lấy ý kiến phản hồi; nhà quản lý theo dõi sự tiến bộ của chuyên gia pháp lý và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học thông qua các chương trình bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp.
Phương án 3: Xây dựng hệ thống bồi dưỡng pháp luật trực tuyến một phần nội dung của chương trình bồi dưỡng hay còn gọi là mô hình kết hợp. Đây là mô hình kết hợp hình thức bồi dưỡng trực tuyến với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, tập trung. Những nội dung học tập trực tuyến được tổ chức trước và sau khóa học tập trung.
Trong bối cảnh hiện nay thì phương án 1 và phương án 3 đang được áp dụng phổ biến trong bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp tại một số thành phố lớn nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp một cách liên tục, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi cả nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm thống nhất đánh giá các chương trình bồi dưỡng pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp đã thực hiện năm 2019 để xây dựng một kế hoạch tổng thể, dài hạn và thống nhất, có tính khả thi cao để tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, góp phần triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp
Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Nga
Đại học Công nghiệp Hà Nội
[1]. Báo cáo số 150/BC-TCTK ngày 27/9/2019 của Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.