Để cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, Sở Tư pháp đều tham mưu trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký Quyết định ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong năm; thành lập Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực trọng tâm đã được xác định; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn. Trong hai năm 2010 và 2011 đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra, khảo sát đối với 5 sở, ngành và 3 đơn vị cấp huyện về thi hành pháp luật trong các lĩnh vực như: Lao động, việc làm; dạy nghề và an toàn lao động; an toàn vệ sinh thực phẩm; viễn thông và internet; đất đai và nhà ở; giá cả và bình ổn thị trường; bảo hiểm y tế và đền bù, giải phóng mặt bằng. Riêng năm 2012, sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát 2 sở, 3 huyện và 3 đơn vị cấp xã về thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: Ban hành quyết định hành chính; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Qua kiểm tra, khảo sát, các ngành, địa phương đã phản ảnh nhiều nội dung bất cập trong quá trình thực thi pháp luật như: Hệ thống các văn bản dưới luật quá nhiều, nhiều văn bản điều chỉnh trong cùng lĩnh vực, khó cập nhật, khó vận dụng; một số quy định không có tính khả thi, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân chưa cao; tình hình vi phạm pháp luật còn phổ biến; một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác triển khai, tuyên truyền và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công... Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã báo cáo kiến nghị trung ương và địa phương kịp thời chấn chỉnh và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật. Đặc biệt, trong năm 2011, Sở Tư pháp đã tham mưu đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định thành lập Ban chỉ đạo theo dõi tình hình thi hành pháp luật cấp tỉnh; ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo; ban hành văn bản hướng dẫn công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh việc tổ chức triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tỉnh Cà Mau còn chú trọng sắp xếp tổ chức và bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các ngành và địa phương. Cụ thể phối hợp với các ngành rà soát đội ngũ làm công tác pháp chế và cán bộ làm công tác văn bản quy phạm pháp luật pháp luật; kịp thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ công tác văn bản, công tác theo dõi thi hành pháp luật. Sở đã cử 40 lượt cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức 2 lớp tập huấn tại tỉnh cho gần 200 cán bộ; tổ chức nhiều lượt kiểm tra, hướng dẫn công tác theo dõi thi hành pháp luật các cấp; đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế trong công tác tham mưu cho thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực, địa phương.
Việc theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới của ngành, có phạm vi tác động và tầm giám sát rộng, đồng thời mang tính chất điều tra xã hội học cao nên bước đầu gặp không ít khó khăn, nhất là quan điểm nhận thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Từ việc xác định đúng những mặt thuận lợi và khó khăn, những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền tập trung kiện toàn thể chế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, cách thức và thẩm quyền theo dõi thi hành pháp luật cho các ngành, các cấp; tăng cường các hoạt động kiểm tra, khảo sát theo các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có phát sinh nhiều vấn đề bức xúc trong thực tiễn, kịp thời phản ánh đúng thực trạng về tình hình thi hành pháp luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tăng cường chỉ đạo và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở Tư pháp đã rút ra một số kinh nghiệm để trao đổi như sau:
Một là, thực hiện tốt vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhất là công tác tổ chức, phân giao nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và kiểm tra... Kịp thời sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân ưu điểm, yếu kém, nhằm đề ra các giải pháp khắc phục, tránh thực hiện theo kiểu khoán trắng hoặc chỉ nghe cấp dưới báo cáo.
Hai là, hoàn thiện cơ chế phối hợp trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong quá trình theo dõi, giám sát thực thi pháp luật.
Ba là, ngoài chức năng theo dõi thi hành pháp luật thường xuyên, hàng năm căn cứ tình hình thực tế của địa phương mà mỗi ngành, địa phương chọn những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bức xúc từ thực tiễn thi hành pháp luật để tiến hành kiểm tra, khảo sát chuyên sâu, nhằm tìm ra những hạn chế bất cập trong quy định của pháp luật và các biện pháp triển khai thực hiện.
Bốn là, Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, nhằm giám sát quá trình thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, không nên lựa chọn nhiều nội dung mang tính chất liệt kê mà chú trọng quan sát ở tầm vĩ mô và cố gắng phát hiện cho được những hạn chế, bất cập cụ thể, nguyên nhân để có biện pháp chỉ đạo khắc phục.
Để cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật những năm tiếp theo đi vào nền nếp và đạt hiệu quả, Sở Tư pháp Cà Mau kiến nghị:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác văn bản ở các cơ quan tư pháp địa phương và Văn phòng ủy ban nhân dân các cấp.
Thứ hai, hàng năm, Bộ Tư pháp nên thống nhất chọn các lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật để chỉ đạo triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Sở Tư Pháp Cà Mau