Thực tiễn công tác THADS đã khẳng định rằng công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là một trong những công tác rất quan trọng, cần phải được Cơ quan THADS, chấp hành viên, công chức THADS tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Nếu chúng ta làm tốt công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là chúng ta không những hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà hơn cả là bảo đảm cho các mối quan hệ xã hội trở lại/khôi phục lại hiện trạng tốt đẹp, hài hòa ban đầu của nó. Bởi vì, suy cho cùng, việc thi hành án là nhằm khôi phục lại quan hệ xã hội đã bị xâm phạm, vi phạm, bảo đảm tính nhân văn, cao cả của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, pháp luật THADS không quy định bắt buộc và cụ thể về công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án mà chỉ quy định các nguyên tắc mang tính bảo đảm, tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự gồm: Nguyên tắc tự nguyện thi hành án, nguyên tắc thỏa thuận thi hành án..., những nguyên tắc này do cơ quan THADS, chấp hành viên, công chức THADS bảo đảm thực hiện trong tất cả các giai đoạn thi hành án. Bên cạnh đó, công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án chưa được đào đạo, bồi dưỡng một cách bài bản mà chủ yếu hình thành, đúc kết từ thực tiễn công tác của mỗi cán bộ, công chức THADS. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn trình bày một số kinh nghiệm thực tiễn qua những vụ việc cụ thể trong việc tổ chức vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án để giới thiệu đến quý độc giả và đồng nghiệp.
Thứ nhất, về kinh nghiệm vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành khoản án phí
Án phí trong THADS bao gồm: Án phí hình sự sơ thẩm, hình sự phúc thẩm, dân sự sơ thẩm, dân sự phúc thẩm... Đặc trưng cơ bản nhất của khoản thi hành án này là số tiền phải thi hành thường có giá trị thấp. Do vậy, biện pháp thường xuyên được các cơ quan THADS, chấp hành viên áp dụng là vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, nhiều loại vụ việc do đương sự không có thu nhập, không có tài sản hoặc không có địa chỉ rõ ràng để tổ chức vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Do đó, cần có biện pháp vận động, thuyết phục người thân của người phải thi hành án tự nguyện thi hành thay. Ví dụ như trường hợp sau:
Qua rà soát hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, chúng tôi nhận thấy vụ Nguyễn Văn A phải nộp 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 700.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Qua các biên bản xác minh được biết, Nguyễn Văn A sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã bỏ địa phương đi đâu không rõ, địa phương không xác định được, người thân cũng không biết Nguyễn Văn A ở đâu. Về tài sản, Nguyễn Văn A không có tài sản nào để tổ chức thi hành án. Các biên bản giải quyết thi hành án cũng thể hiện chấp hành viên, thư ký thi hành án đã nhiều lần vận động, thuyết phục cha mẹ ruột của Nguyễn Văn A thi hành thay nhưng cha mẹ của Nguyễn Văn A cho rằng đã từ con, không còn liên hệ gì nữa, không có nghĩa vụ nộp thay. Tuy nhiên, qua hồ sơ thi hành án chúng tôi nhận thấy có một chi tiết cho thấy có thể vận động, thuyết phục được đó chính là việc cha mẹ của Nguyễn Văn A cho biết khoản bồi thường theo bản án ông bà đã bồi thường cho bị hại mặc dù bị hại chưa có yêu cầu thi hành án.
Như vậy, lý do vì sao mà cha mẹ của Nguyễn Văn A lại thực hiện thay khoản bồi thường cho con, còn khoản án phí cho Nhà nước lại cho rằng không liên quan? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tiến hành xác minh vụ việc. Chúng tôi đã đến gặp ban ấp để tìm hiểu về vụ việc thì được biết gia đình cha mẹ, anh em ruột của Nguyễn Văn A có điều kiện kinh tế rất khá giả, chấp hành tốt pháp luật của nhà nước, không có bất cứ vi phạm nào. Các khoản đóng góp bắt buộc hay tự nguyện đều được cha mẹ, anh em ruột của Nguyễn Văn A tiên phong thực hiện. Chúng tôi đề cập đến câu hỏi đang thắc mắc cho ban ấp và chúng tôi được biết: Trước đây, giao liên xã có mang giấy triệu tập của cơ quan THADS gửi cho cha mẹ của Nguyễn Văn A với nội dung yêu cầu là đến Chi cục THADS để nộp án phí thay cho con. Sau khi xem xong giấy triệu tập cha mẹ của Nguyễn Văn A thắc mắc là không đúng đối tượng và không chịu nhận giấy triệu tập. Như vậy, khúc mắc có thể chính là từ chỗ phát hành giấy triệu tập chưa đúng đối tượng phải thi hành án, không đến nhà vận động, thuyết phục mà đã triệu tập, vì vậy mà người thân của Nguyễn Văn A không thi hành thay.
Chúng tôi quyết định mời đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) xã, ban ấp và Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã đến tại nhà cha mẹ của Nguyễn Văn A để vận động, thuyết phục thi hành án. Khi thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn B (cha Nguyễn Văn A) tiếp đón rất vui vẻ nhưng vẫn cung cấp thông tin về Nguyễn Văn A như cũ và không có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thay. Qua cách nhấn mạnh từ “trách nhiệm, nghĩa vụ”, chúng tôi hiểu rằng ông B vẫn còn bực bội về việc con mình gây ra và việc triệu tập ông, coi ông là người có nghĩa vụ.
Để giải tỏa những vướng mắc đó, chúng tôi đã đề nghị ông Nguyễn Văn B thông cảm cho những công việc THADS, do công việc nhiều mà đôi khi thiếu đi sự kiểm tra đối với hình thức của văn bản. Nhưng đó là những công việc của những người làm trước đây. Hôm nay, chúng tôi đến đây với mục đích không phải là buộc ông bà phải thi hành án thay nghĩa vụ nộp án phí cho con ông bà, vì ông bà không có nghĩa vụ, trách nhiệm đó. Chúng tôi cũng không có quyền bắt buộc. Chúng tôi chỉ đến với mong muốn là giải quyết xong vụ việc này, mà muốn xong được vụ việc này thì cần phải có sự giúp đỡ từ phía gia đình. Nói vui là chúng tôi đến đông đủ thế này là “thuyết khách” đối với ông bà - vận động ông bà tự nguyện thi hành thay cho Nguyễn Văn A mà thôi.
Sau khi nghe xong nội dung nêu trên, ông B cho biết số tiền phải thi hành án không đáng kể, nhưng thu thì phải đúng đối tượng. Tuy nhiên, giờ cán bộ huyện, xã đến nhà nói như vậy thì gia đình chúng tôi cũng phải hợp tác thôi chứ tránh né đi đâu được. Kết quả buổi vận động, thuyết phục là ông Nguyễn Văn B đã nộp 900.000 đồng tiền án phí thay cho con Nguyễn Văn A.
Qua vụ việc nêu trên, chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm là: Phải thường xuyên rà soát, phân loại án, xác minh phải kỹ lưỡng mọi thông tin của đương sự , không bỏ qua bất cứ thông tin gì và nhận định chính xác vướng mắc để giải quyết dứt điểm vụ việc thi hành án.
Thứ hai, về kinh nghiệm vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện cấp dưỡng nuôi con
THADS về cấp dưỡng là một trong những loại việc khó thi hành, mất nhiều thời gian công sức và không đơn giản để kết thúc nhanh một vụ việc thi hành án. Loại việc này, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, chịu khó và rèn luyện kỹ năng thuyết phục hai bên đương sự hoặc theo dõi thi hành dần hàng tháng, hàng quý…
Đặc trưng của loại việc cấp dưỡng nuôi con là theo định kỳ và thời gian dài có khi đến 18 năm và cũng có khi còn lâu hơn đối với những vụ người được cấp dưỡng mất năng lực hành vi, mất khả năng lao động… thì thời gian cấp dưỡng là suốt cuộc đời của họ. Giá trị thi hành thường nhỏ, giá trị thấp, bình quân số tiền cấp dưỡng nuôi con là khoảng từ 500.000 đồng đến 1.500.000đồng/tháng/một cháu. Nếu đối tượng phải thi hành án không tự nguyện thi hành và điều kiện thi hành án của đối tượng đó có đủ điều kiện thi hành đi chăng nữa, thì cơ quan THADS cũng khó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án được. Trường hợp có cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá để thi hành án thì tính chất của vụ việc cấp dưỡng cũng không kịp thời.
Vì vậy, đối với loại án này công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là vô cùng quan trọng để đảm bảo cuộc sống bình thường cho người được cấp dưỡng. Công việc này đòi hỏi phải thường xuyên, linh động, không những vận động, thuyết phục đối với người phải thi hành án, người được thi hành án mà còn phải vận động, thuyết phục cả những người liên quan khác như ông bà nội, ngoại của người được cấp dưỡng... Chúng tôi nêu ra đây một vụ dụ làm minh họa:
Anh A và chị B được Toà án nhân dân huyện TU xử cho ly hôn tại Bản án số 66/2006/HNGĐ-ST ngày 26/6/2006. Chị B được nuôi hai cháu (cháu C sinh năm 2001; cháu D sinh năm 2004). Anh A phải cấp dưỡng nuôi hai con, mỗi tháng 500.000đ/một cháu. Thời gian cấp dưỡng từ tháng 6/2006 cho đến khi hai cháu đủ 18 tuổi.
Tháng 5/2010, chị B làm đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản cấp dưỡng nêu trên với thời gian yêu cầu là từ tháng 3/2010 cho đến khi hai con đủ 18 tuổi.
Theo hồ sơ thi hành án cho thấy, khoảng thời gian từ tháng 6/2006 đến tháng 02/2010, anh A đã thường xuyên cấp dưỡng tại nhà cho chị B, nên chị B không yêu cầu khoản đã cấp dưỡng. Từ tháng 03/2010, anh A không thực hiện cấp dưỡng nữa nên chị B mới yêu cầu cơ quan THADS huyện TU thi hành.
Ngay sau khi có quyết định thi hành án, Chi cục THADS huyện TU đã tổ chức vận động, thuyết phục anh A tự nguyện thi hành án, nhưng anh A không tự nguyện thi hành án. Qua xác minh được biết anh A làm nghề tự do - thợ hồ, công việc không thường xuyên, không xác định được mức thu nhập, người trả tiền công cho anh A. Anh A có 100m2 đất ở và 01 căn nhà cấp 4 trên đất do anh A đứng tên sở hữu, sử dụng và trong nhà không có tài sản nào có giá trị.
Sau khi được giao tổ chức thi hành đối với vụ việc nêu trên, nhận thấy đây là vụ việc khó thi hành, thời gian tổ chức thi hành án cũng đã lâu nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu nào để tổ chức thi hành án. Hồ sơ thi hành án không có nhiều thông tin để xem xét hướng giải quyết vụ việc. Chúng tôi quyết định lập kế hoạch xác minh. Điều đầu tiên là chúng tôi phải tìm gặp người phải thi hành án. Qua rất nhiều thông tin, chúng tôi mới tới được công trình mà anh A đang xây dựng. Anh A khá ngạc nhiên khi chúng tôi đến tận nơi anh đang làm việc để giải quyết thi hành án. Anh A cho biết trước đây anh vẫn thường cấp dưỡng đầy đủ cho hai con theo đúng bản án đã quyết định. Nhưng vào dịp tết năm 2010, anh A đến thăm hai con đã bị chị B cản trở, không cho thăm con, vì vậy anh A không đồng ý cấp dưỡng tiếp và chờ chính quyền địa phương giải quyết quyền thăm con theo bản án đã quyết định. Anh A yêu cầu cơ quan THADS phối hợp với chính quyền địa phương để anh được đến thăm hai con. Sau đó anh sẽ cấp dưỡng đầy đủ theo đúng quy định.
Chi cục THADS đã xác minh thông tin tại chính quyền địa phương và xác nhận trình bày của anh A là đúng. Chi cục THADS đã tổ chức làm việc với chị B, chị B cho rằng chị không cho anh A thăm con vì anh A say xỉn khi đến thăm, chị sợ ảnh hưởng đến các con nên không cho thăm nữa, từ đó xẩy ra mâu thuẫn hai bên cho đến nay.
Nhận thấy, đây là vụ việc có thể hòa giải, có thể vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và qua đó bảo đảm quyền lợi kịp thời cho người được cấp dưỡng. Chúng tôi quyết định lập kế hoạch vận động, thuyết phục với mục đích cuối cùng là các đương sự thỏa thuận cấp dưỡng tại nhà, đồng thời chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương, đề nghị Hội Phụ nữ phường, ban điều hành khu phố và cha mẹ của người phải thi hành án, người được thi hành án giúp đỡ vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và giám sát việc thi hành thỏa thuận đó. Chúng tôi đã tiến hành mời đương sự và các bên liên quan đến trụ sở UBND phường để giải quyết.
Tại buổi vận động, thuyết phục anh A đã nhận ra sai sót của mình là có uống rượu khi đến thăm con, anh A sẽ rút kinh nghiệm. Chị B đồng ý để anh A thăm con theo đúng quy định và anh A phải thường xuyên cấp dưỡng nuôi con.
Kết quả thỏa thuận là: Hàng tháng vào sáng chủ nhật của tuần đầu tiên anh A nộp tiền cấp dưỡng cho chị B tại văn phòng khu phố. Chủ nhật tuần thứ 2 hàng tháng anh A được đến thăm con tại nhà chị B và đón con về nhà chơi đến 17 giờ cùng ngày. Trường hợp có sự thay đổi về thời gian, anh A và chị B có trách nhiệm liên lạc với nhau để thỏa thuận thống nhất thi hành và thông báo với ban điều hành khu phố, Chi hội phụ nữ khu phố biết. Đối với số tiền cấp dưỡng chưa thi hành án anh A đã đồng ý giao cho chị B số tiền 50.000.000 đồng để chị B lập sổ tiết kiệm cho 2 con ăn học. Anh A cũng đồng ý nâng mức cấp dưỡng lên thành 1.000.000 đồng/cháu/tháng. Thời gian thực hiện ngay trong tháng 8/2014. Ông bà nội, ngoại của hai cháu được cấp dưỡng, ban điều hành khu phố, Chi hội phụ nữ khu phố có trách nhiệm giám sát việc thi hành. Chị B có trách nhiệm rút đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS đình chỉ việc thi hành án. Trường hợp các đương sự thi hành không đúng, không đầy đủ thì yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét lại mức cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.
Qua vụ việc nêu trên, chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm là: Để thỏa thuận có hiệu lực, hiệu quả cao đòi hỏi bản thân phải chịu khó tìm tòi, tìm hiểu thông tin, xác minh thông tin chính xác về người phải thi hành án, người được thi hành án và những người có liên quan như ông bà nội, ngoại của người được cấp dưỡng... để có phương án vận động, thuyết phục tối ưu nhất.
Thứ ba, về kinh nghiệm vận động, thuyết phục người phải thi hành án là doanh nghiệp tự nguyện thi hành án
Doanh nghiệp ở đây có thể là công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần… và là người phải thi hành án. Trong những năm qua, thực tiễn cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải thi hành án và giá trị thi hành thường rất lớn. Doanh nghiệp là người phải thi hành án thì khá dễ dàng để xác định xem có thể vận động, thuyết phục hay phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Thường thì đối với doanh nghiệp còn hoạt động, số tiền phải thi hành án không lớn, không thuộc trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì hầu hết đều có thể vận động, thuyết phục doanh nghiệp tự nguyện thi hành án. Chúng tôi xin nêu ra đây một trường hợp để minh họa:
Bản án số 26/2014/QĐST-KDTM ngày 11/6/2014 của Tòa án nhân dân thị xã TU, tỉnh BD, theo đó Công ty cổ phần A phải trả cho Công ty TNHH B số tiền là 270.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án.
Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS đã nhiều lần gửi giấy triệu tập người phải thi hành án đến Chi cục THADS để giải quyết việc thi hành án nhưng Công ty này luôn vắng mặt không có lý do. Theo bản án nêu trên thì Tòa án cũng phải xét xử vắng mặt vì thiếu sự hợp tác của Công ty cổ phần A.
Qua xác minh được biết Công ty cổ phần A hiện đang hoạt động sản xuất chế biến xuất khẩu gỗ. Sản phẩm gỗ thường được doanh nghiệp này xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Canada và châu Âu..., có nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này thường xuyên phải đi công tác nước ngoài để ký kết hợp đồng. Với những kết quả xác minh ban đầu, chúng tôi nhận thấy đây là vụ việc có số tiền phải thi hành án không lớn so với quy mô và thu nhập của người phải thi hành án và hoàn toàn có khả năng vận động, thuyết phục Công ty cổ phần A tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, cần phải có phương án răn đe, giáo dục trước khi có biện pháp vận động, thuyết phục.
Chúng tôi xác định đối với doanh nghiệp đang hoạt động tất yếu phải có các tài khoản để giao dịch, các tài sản là động sản có giá trị và hơn nữa người đại diện của doanh nghiệp phải thường xuyên xuất nhập cảnh. Nếu bị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án như phong tỏa tài khoản, tạm hoãn xuất cảnh hay thu giữa các tài sản là động sản có giá trị… sẽ dẫn đến mất uy tín của doanh nghiệp. Do vậy, nếu có biện pháp giáo dục tốt trước khi vận động, thuyết phục sẽ buộc doanh nghiệp phải tự nguyện thi hành án. Trường hợp này, chúng ta cũng có thể áp dụng biện pháp bảo đảm ngay nhưng chúng ta phải mất nhiều thời gian để xác minh, ra quyết định thi hành án.
Giải pháp chúng tôi chọn để răn đe, giáo dục pháp luật đối với sự thiếu hợp tác của người phải thi hành án là gửi thông báo về việc áp dụng biện pháp bảo đảm, trong đó nội dung nhấn mạnh: “… Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ thông báo này, Công ty phải tự nguyện nộp 270.000.000 đồng cộng với lãi suất chậm thi hành án. Hết thời hạn nêu trên nếu không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phải thi hành án, Chi cục THADS thị xã TU sẽ áp dụng biện pháp bảo đảm là phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản là động sản mà không cần phải thông báo trước và tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp...”. Thông báo này được chúng tôi gửi trực tiếp cho Công ty cổ phần A. Và đúng như chúng tôi dự đoán, sau khi nhận được thông báo nêu trên doanh nghiệp này đã trực tiếp liên hệ để giải quyết vụ việc. Sau khi được giải thích pháp luật Công ty cổ phần A đã đồng ý tự nguyện thi hành án.
Qua vụ việc nêu trên, chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm là: Phải nắm bắt được tính chất của từng vụ việc, tâm lý của đối tượng phải thi hành án, áp dụng đồng bộ các biện pháp, phương pháp và áp dụng quy phạm pháp luật THADS một cách linh hoạt, đúng pháp luật để có kết quả vận động, thuyết phục tốt nhất. Trong vụ việc nêu trên, mặc dù chúng ta chưa xác minh được người phải thi hành án có tài khoản nào, ở đâu, có tài sản là những động sản gì... nhưng chúng ta vẫn có thể ra thông báo như trên để răn đe, giáo dục người phải thi hành án chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Chi cục THADS thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương