Abstract: Using domestic workers remains objective and necessary in the society but not yet receiving a sufficient consideration in many aspects. The employment contract with domestic workers is the legal basis to establish such working relation. There are, however, still many drawbacks in its effectiveness. This article assesses the current legislation and implementation of the law on signing employment contract with domestic workers in Vietnam for the time being.
Bộ luật Lao động năm 1994 ra đời đã có quy định về “lao động giúp việc gia đình” tại Điều 28, Điều 139, nhưng còn khá hạn chế, chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể. Đến khi Bộ luật Lao động năm 2012 được ban hành, lần đầu tiên lao động giúp việc gia đình được công nhận như một nghề chính thức. Cụ thể, lao động giúp việc gia đình đã được dành riêng một mục (Mục 5 gồm 5 điều, từ Điều 179 đến Điều 183 thuộc Chương XI), được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình và Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP.
Theo quy định của pháp luật, hình thức pháp lý của quan hệ lao động giúp việc gia đình cũng là hợp đồng lao động, nhưng bên cạnh việc tuân thủ những quy định chung về hợp đồng lao động, thì hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình có những đặc điểm riêng.
Một là, về chủ thể ký kết hợp đồng lao động:
Về phía người lao động giúp việc gia đình, theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, lao động giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại (Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2012). Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người phải thuộc một trong số các trường hợp sau đây: (i) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; (ii) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động (Điều 4 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP). Người đại diện theo pháp luật của người lao động là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó (khoản 2 Điều 3 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH).
Theo số liệu khảo sát tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người lao động cho các gia đình hiện nay có độ tuổi từ 15 đến 70 tuổi, 90% là nữ giới, nam giới không đảm nhận công việc chăm sóc và làm việc nhà, mà chỉ giúp việc chăm sóc người ốm tại bệnh viện và việc kinh doanh cho hộ gia đình. Nhóm dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ (3%), nhóm 18 - 35 chiếm 29,2%, nhóm 36 - 55 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 56,2%, nhóm trên 56 tuổi là 11,7%. Về độ tuổi, phần lớn người lao động giúp việc bắt đầu làm việc này ở độ tuổi lao động (từ 18 - 55 đối với nữ). Tuy nhiên, có 17,3% người bắt đầu công việc giúp việc gia đình từ dưới 18 tuổi (độ tuổi thấp nhất là 8 tuổi) và 3% người bắt đầu công việc từ 56 tuổi trở lên (độ tuổi cao nhất là 60 tuổi)[1]. Như vậy, có thể thấy, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ trẻ em tham gia công việc giúp việc gia đình có độ tuổi dưới 18 tuổi và một tỷ lệ người ngoài độ tuổi lao động đang tiếp tục làm công việc này.
Về người sử dụng lao động giúp việc gia đình, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 3 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động giúp việc gia đình là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây: (i) Chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định của pháp luật; (ii) Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ vùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản; (iii) Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc được các thành viên của các hộ gia đình cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản.
Trên thực tế, việc giao kết hợp đồng thường được diễn ra giữa người lao động với một cá nhân trong hộ gia đình. Theo điều tra, trong số những trường hợp hợp đồng lao động giúp việc gia đình ký bằng văn bản, đa số người trực tiếp ký kết là nữ giới (61,5%). Đa phần những gia đình sử dụng lao động giúp việc gia đình đều có mức sống từ trung bình trở lên. Theo khảo sát có 53,7% hộ gia đình thuê lao động giúp việc gia đình sống cùng có mức sống trung bình, 38% là mức sống khá hơn trung bình, 7,3 % có mức sống giàu có[2].
Hai là, về hình thức pháp lý:
Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2012). Tuy nhiên, theo thống kê thu thập thông tin từ người lao động giúp việc, thì chỉ có 42,7% là có hợp đồng lao động bằng văn bản. Lý do không có hợp đồng lao động ngoại trừ những người lựa chọn lý do khác, có 57,9% người lao động cho biết cả bản thân và chủ nhà thấy việc ký hợp đồng lao động là không cần thiết, 39,5% người lao động cho biết bản thân họ không thấy cần thiết, chỉ có 2,6% người lựa chọn lý do chủ nhà thấy không cần thiết. Đối với những trường hợp có hợp đồng, đa số chỉ là thỏa thuận với chủ nhà bằng hợp đồng miệng (69,8%). Số lao động có hợp đồng bằng văn bản chiếm 30,2%. Theo thống kê thu thập thông tin từ phía đại diện hộ gia đình cũng cho thấy 60% gia đình có ký hợp đồng lao động với người giúp việc. Tuy nhiên, trong số gia đình có hợp đồng với người lao động thì có 72% gia đình chỉ ký hợp đồng bằng lời nói. Có 27,3% gia đình ký hợp đồng bằng văn bản. Về nguyên nhân không ký kết hợp đồng lao động, có 42% gia đình lựa chọn phương án cả bản thân và người giúp việc đều không thấy cần thiết. Còn lại 16% gia đình cho rằng việc không ký hợp đồng là do bản thân người lao động thấy không cần thiết[3].
Ba là, về nội dung hợp đồng lao động:
Về thực trạng tiền lương của người lao động giúp việc gia đình: Theo số liệu thống kê năm 2012, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động hoạt động làm thuê của các công việc trong hộ gia đình năm 2012 là 2.800.000 đồng. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) được nghiên cứu thực hiện từ 12/2013 - 7/2014 ở 05 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, Hồ Chí Minh với khoảng 500 người lao động, 500 đại diện hộ sử dụng lao động, 97 đại diện hộ có người lao động và 20 cán bộ quản lý cấp xã, phường... cho thấy, người giúp việc có thu nhập bình quân khoảng 3.000.000 đồng/tháng, còn đối với người lao động giúp việc không sống cùng có thấp hơn 2.933.000 đồng/tháng. Những người đã qua đào tạo có mức lương cao hơn người chưa qua đào tạo gần 300.000 đồng/tháng. Mức thu nhập này bao gồm tiền công và một số khoản chi phí khác như đi lại, tiền điện thoại. Người giúp việc gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thu nhập cao hơn 03 tỉnh còn lại. Thu nhập của người giúp việc cao hơn 02 lần so với lao động làm nông nghiệp tại địa phương với mức bình quân là 1.340.000 triệu đồng/tháng. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu khi có đến 57% người được phỏng vấn cho biết, họ chọn công việc giúp việc gia đình vì có thu nhập cao hơn hẳn so với công việc từng làm trước đó.
Về điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 4 Điều 181), người sử dụng lao động phải bố trí chỗ ăn, ở, hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận. Với những người lao động giúp việc sống cùng chủ nhà, họ làm việc và nghỉ ngơi, sinh hoạt ngay tại đó, chi phí ăn, ở của người lao động do người sử dụng lao động đài thọ hoặc trừ vào tiền công. Về vấn đề đảm bảo sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần (Điều 19 Thông tư số 19/2017/TT-BLĐTBXH). Trường hợp cần thiết, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động thực hiện khám sức khỏe tại cơ sở y tế và chi phí khám sức khỏe sẽ do người sử dụng lao động chi trả. Hầu hết người lao động giúp việc xuất thân từ nông thôn, tìm đến các thành phố, đô thị tìm việc làm, do đó, họ ít hoặc không có người nhà, bà con thân thích tại thành phố. Lúc ốm đau, bệnh tật hay tai nạn, họ không thể nương nhờ vào người thân mà phải tự mình vượt qua. Những lúc đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ người lao động để họ sớm hồi phục sức khỏe có thể tiếp tục làm việc.
Ngoài các nghĩa vụ phải thực hiện, người sử dụng lao động không được ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình; giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động; giữ giấy tờ tùy thân của người lao động (Điều 181 Bộ luật Lao động năm 2012).
Về trách nhiệm bồi thường, Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH có quy định về trách nhiệm bồi thường của người lao động trong hợp đồng lao động rất chi tiết. Theo đó, trường hợp người lao động do sơ suất gây thiệt hại cho người sử dụng lao động với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động bằng hình thức khấu trừ tiền lương hàng tháng. Mức khấu trừ do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hàng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí ăn, ở hàng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động. Trường hợp, người lao động không phải do sơ suất hoặc gây thiệt hại với giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc thì người sử dụng lao động căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế, hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động để xem xét, quyết định mức bồi thường, thời hạn bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại. Trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định của người sử dụng lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù người lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
[1]. MOLISA và ILO (2012), Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam. Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, tr.45.
[2]. MOLISA và ILO (2012), Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam. Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, tr.51.
[3]. TS. Ngô Thị Ngọc Anh, (Chủ nhiệm), Hà Việt Hùng, TS. Trần Thị Minh Ngọc, TS. Lê Văn Toàn, ThS. và những người khác (2009), Một số loại hình giúp việc gia đình ở Hà Nội hiện nay và các giải pháp quản lý; Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, tr. 10.