Năm 2016, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động ngay từ đầu và với quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển toàn diện, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo, du lịch, dịch vụ… có nhiều chuyển biến tích cực; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật tại địa phương, thời gian qua, Ngành Tư pháp Lâm Đồng đã giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, tạo động lực cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đã giúp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà, tốn kém chi phí của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật đã được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả, giúp nâng cao việc nhận thức, tuân thủ, thực thi pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó tác động tích cực tới các mặt hoạt động đời sống xã hội. Thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Ngành Tư pháp đã tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới, các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục... tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phát triển ổn định.
Đặc biệt, Sở Tư pháp đã làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo tính hợp hiến, khả thi khi thực hiện; đã góp ý có chất lượng đối với các văn bản liên quan đến các lĩnh vực đất đai, nhà ở, tài nguyên, khoáng sản, bồi thường, hỗ trợ, các bản án...; chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng theo quy định của Luật Công chứng; triển khai hiệu quả và đồng bộ Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được nâng cao chất lượng, việc trợ giúp pháp lý lưu động được tăng cường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc bán đấu giá tài sản đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra sai phạm, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. Về giám định tư pháp, tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn được triển khai và tổ chức ngày càng tốt hơn.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã đạt những thành tích nổi bật, đặc biệt đã tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III” do Bộ Tư pháp tổ chức và đạt kết quả cao; tổ chức thành công cuộc thi “Sinh viên với Luật Giao thông đường bộ”... Đồng thời, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; quản lý bảo vệ rừng, phòng chống các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; giúp người dân nâng cao ý thức tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp năm 2016 vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: Công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chất lượng chưa cao, còn chậm, còn tồn tại tình trạng văn bản ban hành có nội dung, thể thức chưa phù hợp với quy định của pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu toàn diện, nhất là một số lĩnh vực pháp luật có nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành; công tác cải cách hành chính ở một số lĩnh vực tư pháp còn chậm đổi mới, kết quả đạt được chưa cao...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngành Tư pháp Lâm Đồng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X để đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, bám sát các chương trình, kế hoạch trọng tâm của Bộ Tư pháp và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để cụ thể hóa thành các chương trình, nhiệm vụ của ngành tại địa phương, qua đó tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản, theo dõi đánh giá tình hình thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ các văn bản, các cơ chế, chính sách hoặc thủ tục hành chính không phù hợp.
Ba là, hoạt động quản lý các lĩnh vực bổ trợ tư pháp phải được triển khai đồng bộ, thống nhất và phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp; phục vụ tốt nhu cầu lựa chọn các dịch vụ pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công chứng.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các lĩnh vực tư pháp theo thẩm quyền, nhất là các tổ chức bổ trợ tư pháp và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí và triển khai hiệu quả các nội dung Nghị quyết Trung ương IV (Khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm tốt công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực công tác; kiên quyết xử lý kịp thời, điều chuyển cán bộ, công chức thiếu năng lực, đạo đức công vụ, có biểu hiện hách dịch, gây phiền hà với người dân, nhất là các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, tổ chức, doanh nghiệp..., từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính để phục vụ ngày càng tốt hơn các lợi ích chính đáng của nhân dân.
Sáu là, đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phải sử dụng linh hoạt các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả. Kịp thời hướng dẫn, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chú trọng hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải hướng về cơ sở, đưa pháp luật đến với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là việc nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật của nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng