Đây là câu chuyện khi trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Tĩnh trợ giúp pháp lý cho một nữ thanh niên xung phong đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ quê hương, đất nước.
Khi niềm tin không còn
Ngày 01/01/2016, sau hành trình dài mệt mỏi đến các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét lại việc đình chỉ chế độ ưu đãi người có công mà chưa được giải quyết. Bà dừng lại ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý như một sự nghỉ chân sau chặng đường dài mệt mỏi đi tìm công lý. Tôi nhìn thấy bà khi giờ làm việc buổi chiều sắp hết, dáng người thấp, nhỏ, bà mặc chiếc áo trắng đã cũ, đi đôi dép lê màu xanh đã mòn đế, trong tay bà giữ khư khư chiếc túi bóng đựng rất nhiều giấy tờ, tài liệu. Bà đứng trước cổng Trung tâm rất lâu, dường như nửa bà muốn vào, nửa không vì đã mệt mỏi, không còn niềm tin. Tôi thấy bà bước đi, rồi như chợt nghĩ ra điều gì bà lại quay lại, ngước nhìn lên tấm bảng Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, chần chừ một lúc rồi bà mới bước vào Phòng Tiếp dân.
Sau khi mời bà ngồi, giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, qua tìm hiểu, tôi biết bà thuộc diện đối tượng được trợ giúp pháp lý, tôi đã động viên bà kể cho tôi nghe về nội dung vụ việc. Theo sự trình bày của bà, bà tên là Hoàng Thị Hà, sinh ra tại vùng quê nghèo của xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1970, bà tham gia thanh niên xung phong chiến đấu và bị thương vào ngày 20/6/1972. Năm 2002, bà được Hội đồng Giám định y khoa Hà Tĩnh giám định với tỷ lệ thương tật là 23%. Ngày 26/3/2004, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật cho bà. Từ năm 2004 đến tháng 10/2014, bà được hưởng chính sách như thương binh. Ngày 10/8/2015, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi người có công của bà với lý do là giấy chứng nhận bị thương không có giá trị pháp lý. Đồng thời với việc bị đình chỉ chế độ thương tật, bà còn nhận được các quyết định và thông báo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên về việc hoàn nộp lại số tiền bà đã được nhận khi hưởng chế độ là 49.775.000 đồng. Sau khi bị cắt chế độ thương tật bà đã đi đến rất nhiều các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết nhưng chưa được và bà đã tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh khi niềm tin vào công lý đang dần mất đi. Sau khi thụ lý hồ sơ, ngày 05/01/2016, Giám đốc Trung tâm đã phân công tôi thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho bà.
Trợ giúp viên pháp lý vào cuộc
Qua nghiên cứu nội dung đơn, hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật tôi đã trực tiếp làm việc với các cơ quan có thẩm quyền như Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Hội Cựu thanh niên xung phong để đề nghị cung cấp hồ sơ của bà, xác minh thêm tình tiết, nội dung của vụ việc, tham mưu Giám đốc Trung tâm ban hành văn bản và trực tiếp đến làm việc với các cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, rà soát lại các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hồ sơ hưởng chế độ thương tật của bà Hoàng Thị Hà để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà.
Sau khi có được cơ bản hồ sơ của bà Hà từ sự cung cấp của các cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Hội Cựu thanh niên xung phong, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật về các chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong nói riêng và các chế độ chính sách đối với người có công với các mạng nói chung. Sau quá trình nghiên cứu, tôi thấy có đủ căn cứ pháp lý đưa ra để đề nghị phục hồi chế độ người hưởng chính sách như thương binh cho bà Hoàng Thị Hà trên cơ sở quy định pháp luật của các văn bản sau: Nghị định số 142/CP ngày 28/9/1963 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành điều lệ về công tác, công văn, giấy tờ và công tác lưu trữ; Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 06/7/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương của thanh niên xung phong; Thông tư liên tịch số 17/2003/BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM ngày 09/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quy định trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngày 21/01/2016, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý ban hành văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh xem xét phục hồi chế độ ưu đãi người có công cho bà Hoàng Thị Hà. Ngày 08/3/2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời về việc sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Cựu thanh niên xung phong, chính quyền địa phương tiếp tục bổ sung thêm các thông tin và chứng cứ để xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết theo quy định. Ngày 04/7/2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập các chứng cứ. Trợ giúp viên pháp lý đã gặp từng thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành đưa ra các căn cứ pháp lý để đề nghị xem xét phục hồi chế độ cho bà Hà.
Ngày 11/8/2016, đoàn kiểm tra liên ngành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Cựu thanh niên xung phong đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, khôi phục chế độ cho bà Hoàng Thị Hà. Ngày 22/8/2016, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đồng ý cho khôi phục chế độ người hưởng chính sách như thương binh cho bà Hà. Ngày 30/9/2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1487/QĐ-SLĐTBXH về việc phục hồi chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho bà Hoàng Thị Hà.
Lời cảm ơn của người được trợ giúp - là động lực của những người làm công tác trợ giúp pháp lý
Bà quay trở lại Trung tâm để nói lời cảm ơn cũng vào lúc xế chiều, vẫn chiếc áo trắng đã cũng như ngày đầu tôi gặp bà, đôi mắt đã không còn sự mệt mỏi, chiếc túi bóng đựng đầy tài liệu cũng không còn thay vào đó là Quyết định số 1487/QĐ-SLĐTBXH ngày 30/9/2016 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh về việc phục hồi chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho bà. Vậy là sau hơn 01 năm chờ đợi, bà đã được khôi phục lại chế độ người hưởng chính sách như thương binh và được nhận truy lĩnh trợ cấp bị mất trong thời gian bị đình chỉ chế độ là 22.189.000 đồng. Bàn tay gầy gò, chai sạn của bà nắm chặt bàn tay tôi để nói lời cảm ơn, giọng bà run run đầy xúc động: “Cảm ơn trợ giúp pháp lý, cảm ơn Đảng, Nhà nước”
Lấy lại niềm tin
Đây là câu chuyện khi trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Tĩnh trợ giúp pháp lý cho một nữ thanh niên xung phong đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ quê hương, đất nước.
TRỊNH DIỆU OANH