Một sự kiện khác gây chấn động, đó là việc đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – hành vi phạm tội cũng giống Huyền Như. Và, một lần nữa, mọi người lại quan tâm đến việc bà Thu Nga đã lợi dụng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để tiến hành lừa đảo như thế nào! Điều này là hiển nhiên, không phải bàn cãi vì nếu như không có cái “mác” đại biểu Quốc hội và sở hữu một loạt chức vị danh giá khác, liệu bà Nga có thể lừa đảo vài trăm tỷ đồng dễ dàng như thế không, nếu như bà chỉ là một doanh nhân bình thường. Một điều khác, cũng rất đáng quan tâm là trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, tại kỳ bầu cử, bà Thu Nga đã bị tố cáo có nhiều hành vi khuất tất, trong đó có việc mạo nhận là “tiến sĩ”. Bà vẫn trúng cử ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội và kết cục là cho đến hôm nay, việc bà bị bắt đã ảnh hưởng không hay đến hình ảnh “người đại biểu nhân dân”. Sau lưng bà Nga, hẳn rằng còn có những cá nhân, cơ quan nhà nước chống đỡ và tiếp tay cho bà thực hiện hành vi lừa đảo. Họ cũng không thể trốn tránh trách nhiệm của mình khi gián tiếp gây ra những hậu quả tai hại cho xã hội, cũng như việc VietinBank từng chối bỏ trách nhiệm của mình trong vụ Huyền Như nhưng rốt cuộc, không thể trốn tránh được!
Hai người đàn bà đã làm khuynh đảo lĩnh vực ngân hàng và bất động sản bằng những hành vi lừa đảo của mình. Họ đều là người có chức vụ, quyền hạn, tuy mức độ khác nhau nhưng cùng lợi dụng địa vị trong xã hội, môi trường công việc của mình để tiến hành lừa đảo và đã lừa đảo thành công. Đó hẳn là những bài học đắt giá trong việc quản lý xã hội, quản lý con người, một khi buông lỏng nó, tất yếu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội và người dân.
Ở một diễn biến khác, có liên quan tới việc sử dụng chức vụ, quyền hạn nhưng tính chất khác biệt hai vụ trên, đó là vụ Luật sư Võ An Đôn bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị 05 công an TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đánh chết. Chỉ vì kiến nghị nhằm đảm bảo sự công minh pháp luật đối với những người có trách nhiệm gây ra thảm án này, đụng chạm đến các vị chức sắc trong ngành công an, kiểm sát địa phương mà Luật sư Đôn bị 03 ngành tố tụng của thành phố này đồng tình ký kiến nghị xử lý luật sư. Sau khi thấy vụ kiến nghị này không đem lại kết quả như mong muốn, bởi chẳng có căn cứ pháp lý nào cho thấy Luật sư Đôn vi phạm pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp thì chính quyền địa phương nghĩ ra một cách khác là tiến hành thanh tra Văn phòng Luật sư Võ An Đôn. Nếu việc thanh tra này diễn ra ở một thời điểm khác thì nó bình thường, nhưng liên tiếp “thua keo này, bày keo khác” trong tình hình như vậy thì nó bất thường và giống như một sự “trả đũa”. Tất nhiên, dư luận nhìn thấu vụ việc này và hình ảnh của những người có chức quyền mà lợi dụng chức quyền để gây khó dễ cho một cá nhân thì là điều mà đạo lý không chấp nhận nổi.
Điểm qua một vài sự kiện pháp lý mở màn năm mới để thấy rõ một mắt xích còn yếu trong hệ thống kiểm soát quyền lực của chúng ta. Ngoài việc củng cố hệ thống kiểm soát quyền lực, tăng cường hiệu quả của nó thì vấn đề không thể thiếu là nâng cao vai trò giám sát của nhân dân. Nâng cao thực sự chứ không phải chỉ là khẩu hiệu hoặc trên văn bản, quy định. Nếu như giải quyết rốt ráo đến nơi đến chốn những tố cáo, thắc mắc, kiến nghị của dân - cũng là một cách giám sát, thì đâu đến nỗi xảy ra chuyện một đại biểu Quốc hội lại đi lừa đảo?!
Bình Sơn
Ảnh: ANTĐ