Về mặt đối ngoại, Việt Nam là một trong các nước tích cực tham gia vào việc xây dựng, thông qua, ký kết và phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước Cedaw). Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Cedaw, nước ta đã thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế của mình. Đến nay, hệ thống pháp luật trong nước đã tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc và các quy định của Công ước Cedaw. Đặc biệt, Việt Nam đã có đạo luật riêng nhằm thực hiện những nội dung cơ bản của Công ước này, đó là Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, từ sau khi Luật có hiệu lực cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao được vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong hoạt động xã hội. Theo đó, các chỉ tiêu về giới liên quan đến vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, tham gia lĩnh vực chính trị, đảm bảo về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ… đều được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay; tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo còn thấp, nhất là ở cấp cơ sở, vùng dân tộc thiểu số.
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và để thực hiện các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp được giao tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, ngày 26/10/2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch hành động này đã nhấn mạnh mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới gồm:
- Chỉ tiêu 1: 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo hoặc thẩm định được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
- Chỉ tiêu 2: 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được cung cấp tài liệu hoặc tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.
- Chỉ tiêu 3: 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.
Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian qua, Ngành Tư pháp cũng đã tập trung vào các giải pháp cụ thể, rõ ràng như sau:
Thứ nhất, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất phương hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Công ước Cedaw và Luật Bình đẳng giới.
Thứ hai, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ công cụ đánh giá lồng ghép giới trong văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Thứ tư, tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
Thứ năm, bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; huy động sự tham gia của cán bộ làm công tác bình đẳng giới của ngành, của cơ quan, đơn vị trong ngành vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.
Thứ sáu, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới cho các thành viên chưa được tập huấn.
Trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, Luật Bình đẳng giới đã quy định bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật là một trong sáu nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Nguyên tắc này cũng đã được cụ thể hóa ở một số văn bản khác nhau như: Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/06/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng quy định về trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết (Điều 47).
Ngày 13/8/2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTP quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2014 (Thông tư số 17/2014/TT-BTP). Đây là một biện pháp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ.
Theo quy định của Thông tư số 17/2014/TT-BTP, cơ quan đề xuất xây dựng văn bản, cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản thực hiện việc xem xét, phân tích để phát hiện trong lĩnh vực, quan hệ xã hội mà văn bản sẽ điều chỉnh có khả năng dẫn đến bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành các chính sách, quy định hiện hành về bình đẳng giới và các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực, quan hệ xã hội do văn bản điều chỉnh. Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành, xem xét, đánh giá nguyên nhân của vấn đề giới, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới và đề xuất các phương án giải quyết, cụ thể như: Trường hợp có vấn đề về bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới do chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh thì đề xuất bổ sung các chính sách, các quy định đó trong dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới; trường hợp phát hiện vấn đề bất bình đẳng giới từ chính các quy định của pháp luật thì sửa đổi các quy định đó trong dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới... Bên cạnh đó, còn thực hiện việc đánh giá tác động về chính sách, giải pháp để giải quyết vấn đề giới; xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản. Đồng thời, Thông tư số 17/2014/TT-BTP cũng quy định, thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong thẩm định dự thảo văn bản; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ, Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra thực hiện việc thẩm tra dự thảo văn bản. Ngày 22/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016) với nhiều nội dung quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp, Ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tập trung vào việc xây dựng các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện nhóm chỉ tiêu quốc gia và chỉ tiêu đối với cán bộ, công chức nữ. Các đơn vị đã bám sát kế hoạch của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngành Tư pháp, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tại đơn vị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giới trong việc thực hiện các chế độ, chính sách… Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị luôn tích cực, chủ động lồng ghép nội dung vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong các kế hoạch công tác của mình. Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức nữ trong Ngành đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng là nữ chiếm tỷ lệ tương đối cao và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành không kém nam giới. Đặc biệt, nhiều cán bộ nữ còn khá trẻ nhưng khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã khẳng định được năng lực của bản thân. Tuy nhiên, so với tỷ lệ nữ trong Ngành, thì tỷ lệ lãnh đạo là nữ vẫn còn khiêm tốn. Do đó, thời gian đến, các nữ cán bộ của Ngành phải tiếp tục cố gắng hơn, tự tin và giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển, cũng như góp phần phát huy tốt hơn vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm bình đẳng giới khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Sở Tư pháp Đà Nẵng
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp