Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự Phiên họp thẩm định có đại diện một số bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 (Luật An toàn thực phẩm năm 2010) được Quốc hội khóa XII Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Sau hơn 12 năm thi hành, Luật An toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: (i) hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành, trong đó, Luật An toàn thực phẩm và 14 văn bản luật của Quốc hội có nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm; 52 nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ; 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 17 thông tư của Bộ Công Thương, 62 thông tư của Bộ Y tế, 60 thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; (ii) đã hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm gồm trên 2.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trên 68% tiêu chuẩn Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế; (iii) hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tại Việt Nam cơ bản đã đầy đủ. Bên cạnh Luật An toàn thực phẩm, các nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư liên quan, tạo được hành lang pháp lý để quản lý thực phẩm chức năng; (iv) đối với quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; (v) đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đã thực hiện phân cấp quản lý đối với loại hình này; (vi) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung giải quyết tương đối hiệu quả các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản, bảo đảm ổn định xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào các thị trường truyền thống và khai thông một số thị trường mới; (vii) các quy định về tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý, khắc phục được tình trạng bất cập trong phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên đến nay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có một số nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, như: (i) lĩnh vực an toàn thực phẩm rộng, liên quan đến quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên một số quy định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010 chưa đồng bộ; (ii) một số khái niệm còn thiếu như sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, nguyên liệu thực phẩm và một số khái niệm chưa thống nhất giữa các luật; (iii) xuất hiện mới trên thị trường một số sản phẩm, thực phẩm như thực phẩm chức năng, thực phẩm cho trẻ em, các sản phẩm sinh học, sản phẩm hữu cơ hoặc các sản phẩm có khả năng sử dụng sai mục đích trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quy định cụ thể; (iv) kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí thực hiện giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Đồng chí Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.
Từ những lý do trên, cần thiết phải sửa đổi Luật An toàn thực phẩm để đáp ứng mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội; giảm bớt trở ngại trong sản xuất, kinh doanh, không làm ảnh hưởng tới thương mại, tăng các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm và hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, khả thi.
Phát biểu tại Phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí về sự cần thiết đề nghị sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, cân nhắc việc lược bỏ các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, phát biểu gần đây, cũng như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội trong việc xây dựng luật. Cùng với đó, rà soát lại nội dung các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trao đổi tại Phiên họp, góp ý liên quan đến quy định trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề nghị Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cần quy định rõ về áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ theo kinh nghiệm của quốc tế, bao gồm việc xây dựng tiêu chí cụ thể về phân loại rủi ro cho từng loại hàng hóa và cần phải dựa theo bản chất của từng hàng hóa như dễ nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chất gây nguy hiểm cho sức khỏe… và phải dựa vào thực tiễn quản lý các loại hàng hóa có gây ngộ độc trong vòng 10 - 20 năm gần đây hay không để tránh nhận định theo cảm tính.
Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, báo cáo đánh giá tác động cần cho biết cụ thể hiện nay Luật đang áp dụng biện pháp quản lý rủi ro như thế nào và sắp tới trong Luật sửa đổi sẽ định hướng quản lý rủi ro ra sao. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang rất phát triển, nếu không áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi tiền kiểm thì sẽ không đủ nguồn lực như con người, phương tiện, kinh phí… để hậu kiểm.
Góp ý vào đề cương dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), liên quan đến sản phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký công bố sản phẩm tại Điều 18 và Điều 38 của Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đề xuất 02 ý kiến đối với vấn đề này như sau: (i) thực hiện đăng ký công bố sản phẩm rủi ro cao. Cụ thể, các sản phẩm, thực phẩm bao gói sẵn có rủi ro cao, phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định hiện hành; (ii) thực hiện tự công bố đối với nhóm thực phẩm có rủi ro thấp. Cụ thể, các sản phẩm thực hiện tự công bố, gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên quan đến thời hạn 05 năm của giấy phép tại Điều 12 của Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), AmCham cho rằng, điều này sẽ giống với biện pháp quản lý trước đây và sẽ làm tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí, trong khi đó cũng không giúp cải thiện được vấn đề về an toàn thực phẩm. Vì vậy, AmCham đề xuất không quy định thời hạn cho bản công bố sản phẩm và tự công bố. Về yêu cầu kiểm định định kỳ đối với tất cả các sản phẩm, thực phẩm được nêu tại Điều 19 của Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), AmCham đề xuất giữ nguyên các quy định hiện tại, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng tiên tiến. Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng tại Điều 14 của Đề cương yêu cầu thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng thực hành sản xuất tốt GMP là chưa hợp lý. Vì vậy AmCham đề xuất chấp nhận GMP hoặc là Giấy chứng nhận tương đương đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Liên quan đến thực phẩm bổ sung không cần thiết phải yêu cầu thực phẩm bổ sung phải đáp ứng HACCP hoặc ISO 22000 bởi vì chưa áp dụng biện pháp quản lý rủi ro và gây ra tốn kém đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.
Thay mặt cho Hội đồng thẩm định, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cân nhắc, tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định để bổ sung vào Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Bên cạnh đó, cần làm rõ báo cáo đánh giá tác động chính sách để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) trình Chính phủ cho ý kiến./.
Hoàng Trung