1. Thực trạng công tác bình đẳng giới sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách khá đầy đủ và rõ ràng trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và gia đình. Tuy nhiên, từ quan điểm chính sách tới thực hiện chính sách vẫn còn có những khoảng trống nhất định.
1.1. Trong lĩnh vực chính trị
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 đạt từ 25% trở lên và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 đạt từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 đạt trên 35%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2015 đạt ở mức 24,4%, giảm 1,3% so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 2007 - 2011 đạt ở mức 25,7%). Mặc dù, khi so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao. Tuy nhiên, vị trí xếp hạng của Việt Nam đã giảm so với trước (hiện nay, Việt Nam đứng thứ 43/143 quốc gia trên thế giới và giữ vị trí thứ 02 (sau nước Lào) trong 08 nước ASEAN). Khi so sánh tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội so với các nhiệm kỳ trước đây còn cho thấy đang có xu hướng giảm dần.
Tương tự, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015 đạt ở mức 25,17% và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã là 24,62%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn là 21,71%. Như vậy, tất cả các chỉ tiêu này đều thấp hơn so với chỉ tiêu kỳ vọng của chiến lược quốc gia (từ 30% trở lên).
Ngoài ra, chiến lược cũng quy định, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 80% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 02/2012, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 40% và có 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, chiếm tỷ lệ 38%. Chiến lược quốc gia cũng quy định phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 30% trở lên. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 02/2012, mới có 14/27 cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 51,85%.
Các kết quả trên cho thấy, hiện còn một khoảng trống khá lớn giữa kỳ vọng và kết quả thực tế. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các qui định của luật pháp chính sách về bình đẳng giới gặp khó khăn để đi vào cuộc sống, trong đó có sự hạn chế trong nhận thức xã hội về bình đẳng giới và việc sử dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, hiện nay không ít người vẫn chưa hiểu đúng về bản chất của bình đẳng giới và thường cho rằng, bình đẳng giới chỉ là vấn đề của phụ nữ. Bên cạnh đó, định kiến giới về vai trò tham gia chính trị của phụ nữ vẫn còn khá phổ biến trong quan niệm của các nhà lãnh đạo và chính bản thân người phụ nữ. Do đó, mặc dù, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thường mang tính hình thức mà chưa tuân thủ nguyên tắc cơ bản đó là tôn trọng, ghi nhận và tạo điều kiện thuận lợi trên cơ sở khác biệt, để nam và nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp của mình trong lĩnh vực chính trị.
Báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Trung ương và địa phương tuy đã có tăng hơn so với trước nhưng vẫn còn thấp chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ và dân số nữ. Nguyên nhân của tình hình này có một phần là do quy định về tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam và nữ đã tác động trực tiếp tới cơ hội cho phụ nữ trong việc bổ nhiệm, đề bạt, ứng cử… so với nam giới. Mặt khác, quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (bao gồm cả cán bộ, công chức) thấp hơn nam cùng ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn 05 tuổi là một chính sách của Đảng và Nhà nước ta tạo điều kiện để phụ nữ chăm lo gia đình, bảo vệ sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, phù hợp với bối cảnh lịch sử khi chính sách ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, có thể được coi như là một “biện pháp đặc biệt tạm thời” nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ. Song đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, tuổi nghỉ hưu của một bộ phận lao động nữ là vấn đề cần phải quan tâm. Do đó, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã và đang nghiên cứu, điều tra, tổng kết, đánh giá để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
1.2. Trong lĩnh vực lao động
Các chỉ tiêu liên quan đến mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động đạt được có khả quan hơn so với các mục tiêu khác. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 quy định, hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Theo số liệu thống kê năm 2011, cả nước đã tạo được việc làm cho 1.538.298 lao động, trong đó, lao động nữ được tạo việc làm là 48% và lao động nam được tạo việc làm là 52%. Như vậy, đã đạt chỉ tiêu của Chiến lược đề ra. Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia cũng đề ra chỉ tiêu kỳ vọng tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015. Theo số liệu thống kê năm 2011, cả nước tuyển mới dạy nghề cho 1.860.000 người (trong đó cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 420.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên (dưới 03 tháng) là 1.440.000 người); trong đó, có 43% là nữ; trong số 420.000 người được tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề, có 37% là nữ. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong năm 2010 và năm 2011 cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 798.240 lao động nông thôn (46% học các nghề nông nghiệp và 54% học các nghề phi nông nghiệp), trong đó, gần 50% là lao động nữ.
Tuy nhiên, hiện tại, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm, hiện vẫn còn khá nhiều thách thức cần giải quyết. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động hiện vẫn thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở thời điểm Quý 3 năm 2016 là 72,1%, trong đó, tỷ lệ này ở nhóm nam giới là 81,7% (thấp hơn gần 10%). Tiền lương bình quân của nam và nữ trong nhóm lao động làm công ăn lương cũng có khác biệt khá lớn. Mức lương bình quân của lao động nam đạt ở mức 5.191.000 đồng/tháng, trong đó, mức lương bình quân của lao động nữ đạt ở mức 4.578.000 đồng. Số lượng lao động nữ thiếu việc làm theo giờ chiếm cao hơn so với lao động nam. Trong số 824.800 người thiếu việc làm theo giờ, có 385.700 nam giới và 439.100 phụ nữ. Điều này cho thấy, phụ nữ đang gặp nhiều yếu thế hơn so với nam giới trong việc tiếp cận cơ hội việc làm cũng như hưởng lợi từ thành quả lao động.
1.3. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Chiến lược quốc gia kỳ vọng tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt ở mức 90% vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2011, tỷ lệ phụ nữ biết đọc, biết viết đã đạt 92%; tỷ lệ trẻ em gái vùng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, học tiểu học và trung học cơ sở đạt khoảng 80%; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trên 80%. Bên cạnh đó, chiến lược quốc gia quy định tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 40% vào năm 2015; tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 20% vào năm 2015. Theo số liệu thống kê năm 2011, tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50% trong các trường đại học và cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm gần 30,53% số người có trình độ thạc sỹ và 17,1% số người có trình độ tiến sỹ. Các kết quả đạt được hiện tại đã tiến khá gần với chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 của chiến lược.
Tuy nhiên, mặc dù có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra, nhưng để có được bình đẳng giới thực chất thì vẫn còn là một thách thức lớn trong thực tiễn. Tỷ lệ giáo viên nữ đảm nhận các vị trí quản lý giáo dục ở cấp tỉnh và cấp huyện mới chỉ đạt trung bình các năm học từ 2007 - 2013 đạt ở mức 29,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại có xu hướng giảm dần theo các năm. Nếu như tỷ lệ này đạt ở mức 33,3% vào năm học 2007 - 2008 thì đến năm 2012 - 2013, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 20%. Bên cạnh đó, có thể thấy, hầu như không có sự khác biệt giữa nam và nữ đang tham gia ở các cấp học thấp như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. Tuy nhiên, sự khác biệt này được thấy rõ ràng hơn ở các bậc học cao hơn. Tỷ lệ nữ giáo sư hiện mới chỉ chiếm 5,1% và tỷ lệ nữ phó giáo sư là 11,7%. Điều này đặt ra thách thức cho nỗ lực hướng tới bình đẳng giới của quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
1.4. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bình đẳng giới
Chiến lược quốc gia quy định đến năm 2015 có quy định về việc lồng ghép giới vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (kỳ vọng 80% dự thảo được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bình đẳng giới) và 100% thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; cán bộ làm công tác bình đẳng giới được nâng cao kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới. Tuy nhiên các kết quả đạt được vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Mặc dù, Luật Bình đẳng giới đã xác định Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, và hiện nay, hầu hết các dự án, văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đều do Chính phủ chủ trì soạn thảo. Song, qua theo dõi việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua cho thấy, một số Bộ, ban, ngành - cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc tuân thủ quy trình và yêu cầu lồng ghép giới cũng như phân tích giới, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật tới nam và nữ nên hiệu quả lồng ghép giới chưa đạt được như mong muốn hoặc mang tính hình thức.
Các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Hiện có 12 tỉnh, thành phố được trung ương hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ Đảng, cán bộ dân cử và cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương, mỗi tỉnh có 03 lớp. Về cơ bản, 12 tỉnh, thành phố này đã tập huấn được kiến thức về giới, lồng ghép giới cho 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, để các cán bộ này thực sự làm tốt nhiệm vụ về bình đẳng giới thì họ cần được đầu tư để nâng cao kiến thức này tại nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề khác.
Năm 2007, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Đến nay, hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới về cơ bản đã được hình thành từ Trung ương đến các địa phương và hoạt động đi vào nề nếp. Đáng chú ý là Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam tiếp tục được kiện toàn về tổ chức và nguồn nhân lực, bước đầu đã hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và sắp xếp tổ chức, bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các bộ/ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu cấp thiết của công tác và cuộc sống. Cho đến nay, bộ máy các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, huyện vẫn chưa được hoàn thiện và các bộ, ngành còn lúng túng về mô hình tổ chức, cũng như phương thức hoạt động; chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn mỏng, chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, trên toàn quốc hiện có 126 cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các tỉnh, thành phố, trong đó, có 72 cán bộ chuyên trách. Phòng Bình đẳng giới mới được thành lập tại 9/63 Sở Lao động - Thương binh và xã hội. Hiện nay, chỉ có Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại vụ chuyên môn; tại các cơ quan còn lại, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác bình đẳng giới.
2. Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn triển khai công tác bình đẳng giới trong giai đoạn 10 năm (2007 - 2017) và thực hiện Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn (2011 - 2020), có thể tổng kết lại những kinh nghiệm mang tính thực tiễn như sau:
Một là, tăng cường nâng cao nhận thức đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện bình đẳng giới, việc thay đổi thái độ tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng và cần được tiếp tục tăng cường.
Hai là, đẩy mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới là yếu tố và giải pháp then chốt. Đặc biệt, cần tăng cường việc giám sát và thực thi các quy định này trong thực tiễn.
Ba là, tiếp tục, tăng cường năng lực của tổ chức, bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là yếu tố nền tảng; nhất là, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp vừa có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa tâm huyết với công tác bình đẳng giới. Cơ chế phối hợp liên ngành có hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bảo đảm công tác bình đẳng giới đạt kết quả tốt. Tăng cường năng lực cho bộ máy quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và lập ngân sách có tính đến các quan hệ giới là điều kiện thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới.
Bốn là, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, đặc biệt là thể chế hóa việc sử dụng các số liệu tách biệt theo giới tính và các thông tin về giới, bằng chứng liên quan đến giới trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
Năm là, tăng cường vai trò chủ động và năng lực tham mưu cho Hội Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong việc tham mưu lồng ghép giới, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác bình đẳng giới một cách thường xuyên giúp cho việc nắm bắt tình hình tốt hơn và kịp thời đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề giới nổi cộm, qua đó, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, tài chính là cần thiết nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.
Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Đồng, Vấn đề giới, lồng ghép giới trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Tạp chí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 147, năm 2016, tr.14 - 19.
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Bình đẳng giới, số 73/2006/QH11, năm 2006.
3. Trương Thị Mai, Việt Nam thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, Tạp chí Cộng Sản, số 187, năm 2009, tr.18 - 25.
4. Vụ các vấn đề xã hội, Lồng ghép vấn đề Bình đẳng giới trong dự án Luật Người cao tuổi, Báo cáo Văn phòng Quốc hội, năm 2009.