Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất của các Bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quy định cơ chế, chính sách một số lĩnh vực cụ thể theo thẩm quyền. Sau gần 05 năm thực hiện, các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội chủ động hơn trong ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật này, vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Bài viết này nghiên cứu cơ chế đặc thù về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp huyện, trong điều kiện Hà Nội đang xây dựng thí điểm đề án chính quyền đô thị.
1. Những vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù về tổ chức và hoạt động chính quyền cấp huyện ở Hà Nội
Vị trí địa lý, phân chia địa giới hành chính ở Hà Nội có những đặc trưng khác với các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam là quy mô diện tích tự nhiên lớn với 3.328km2, dân số đông vào khoảng hơn 7,2 triệu người, số đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã là 30 đơn vị, đứng đầu cả nước về số đơn vị hành chính cấp huyện. Quy mô diện tích lớn, dân số đông, nhiều đơn vị hành chính đòi hỏi phải có phương thức quản lý, điều hành tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp một cách đồng bộ, kịp thời đến tất cả các lĩnh vực công tác trong Thành phố. Mặt khác, nhiều vấn đề bất cập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được giải quyết có hiệu quả như: Công tác quy hoạch, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường; vấn đề lao động, việc làm, các vấn đề về dân sinh bức xúc ở nông thôn, khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng của Thủ đô, đòi hỏi công tác tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp huyện phải giải quyết nhiều vấn đề để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Sự khác biệt của Thủ đô Hà Nội với các thành phố trực thuộc Trung ương khác là phạm vi ngoại thành hiện nay của Hà Nội rất lớn, với 17 huyện và 386 xã, dân số xấp xỉ 1/2 tổng dân số Hà Nội, diện tích gần bằng hai tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Thực tế đó cho thấy, ngoài việc thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, thì vấn đề xây dựng chính quyền nông thôn vững mạnh, trong đó, xây dựng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của ngoại thành Thủ đô cũng như công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng nông thôn, đồng thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ngoại thành trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố. Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là vừa tập trung giải quyết các vấn đề của Thành phố với vị trí, vai trò của Thủ đô như Luật đã quy định, vừa thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 10 huyện trở lên đạt tiêu chí vào năm 2020. Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho việc tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp huyện phù hợp với sự phát triển hài hòa, có hiệu quả của nội thành và ngoại thành Hà Nội cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài để Thủ đô phát triển ổn định, bền vững.
2. Luật Thủ đô tạo ra cơ chế đặc thù trong công tác quản lý, điều hành chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền cấp huyện
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Thủ đô trong các luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, căn cứ vào tính đặc thù, điều kiện và khả năng thực hiện của Thủ đô, cơ quan nhà nước trung ương phân cấp cho chính quyền Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình và đảm bảo các nguồn lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra kết quả thực hiện công việc đã phân cấp. Việc phân cấp tập trung vào một số lĩnh vực công tác trọng tâm, trọng điểm về đầu tư, tài chính, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức cán bộ. Các bộ, ngành Trung ương thảo luận với Thành phố danh mục, nội dung công việc dự định phân cấp cho Thủ đô. Trên cơ sở đặc thù, Thành phố tiếp tục phân cấp cho chính quyền cấp huyện để đảm bảo sự chủ động, sáng tạo vận dụng trong quản lý, điều hành phù hợp với điều kiện từng địa phương. Cơ chế đặc thù quản lý của Hà Nội thể hiện rõ trong việc thực hiện nguyên tắc quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của ngành (sở, ban, ngành) với quản lý của chính quyền địa phương các huyện, các xã trên địa bàn Thủ đô. Thành phố ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của sở, ngành (thành phố), phòng (huyện) trong quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật đòi hỏi phải quản lý đồng bộ, thống nhất, ổn định, thông suốt trong các huyện của Thủ đô và trách nhiệm phối hợp thực hiện, giám sát của chính quyền các huyện, các xã. Thành phố quy định trách nhiệm của các sở, ngành trong việc hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với địa bàn nông thôn, nông nghiệp của Thành phố một cách đồng bộ, thống nhất, đồng thời kết hợp quản lý theo lãnh thổ để giao quyền tự chủ, tự quyết định các vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với điều kiện, khả năng của các huyện thuộc Thành phố. Cơ chế quản lý đặc thù chỉ có ở Thủ đô, nơi mà dân số sống ở nội thành, ngoại thành gần như bằng nhau và số đơn vị hành chính ở nông thôn lại nhiều hơn ở thành thị, đòi hỏi có phương thức quản lý phù hợp giải quyết hài hòa các vấn đề của đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, nhất quán.
3. Chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ
Cơ chế đặc thù tổ chức quản lý của Hà Nội được thể hiện trong Luật Thủ đô trong việc củng cố chính quyền cấp huyện đòi hỏi phải đổi mới công tác tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực thi có hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ công tác được giao.
Tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; chế độ thủ trưởng trong cơ quan hành chính; phù hợp với tính chất đặc thù của việc tốc độ đô thị hóa nhanh tại các huyện ngoại thành của Thủ đô. Trên tinh thần các nguyên tắc quản lý bộ máy nêu trên, chính quyền cấp huyện thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn một cách thống nhất, xuyên suốt, nhanh nhạy, tránh phân tán, cắt khúc.
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân xã theo hướng tăng đại biểu chuyên trách, lựa chọn các đại biểu Hội đồng nhân dân của từng cấp phải có tín nhiệm với dân, phải thực sự là người đại diện của dân, đủ trình độ, kinh nghiệm công tác để tham gia, quyết định các vấn đề của Hội đồng nhân dân một cách thực chất, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ trong nhiệm vụ giám sát theo quy định của pháp luật. Yêu cầu đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt là năng lực thực thi quyền đại biểu, quyền đại diện của dân là khách quan, cấp thiết.
Hoạt động của Ủy ban nhân dân huyện thời gian qua vẫn chưa tập trung vào những công việc có tính dài hạn, trọng tâm, trọng điểm, mà bị cuốn hút bởi các việc sự vụ, hội họp quá nhiều nên công việc của Ủy ban nhân dân luôn quá tải mà một số công việc vẫn bị chậm. Do vậy, phải thay đổi lề lối làm việc giữa Ủy bạn nhân dân huyện theo hướng phân công rõ ràng, phân cấp hiệu quả, thực hiện việc trao thẩm quyền, ra quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình với mục tiêu 05 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Đội ngũ cán bộ của các huyện cần được đổi mới và nâng cao năng lực, kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành mới thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thủ đô cũng như các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, chính quyền cấp huyện cần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn để tiếp tục phát huy hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý trong công tác bầu cử, tuyển dụng, thu hút nhân tài, có chính sách đãi ngộ xứng đáng và đa dạng như thành phố Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng thí điểm.
Tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, nắm vững kỹ năng hành chính, năng lực quản lý. Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục đạo đức công vụ, đề cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; hoàn thiện quy trình phối hợp giải quyết công việc giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan, đơn vị với nhau; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh quá trình tin học hóa các hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện các giao dịch hành chính thông qua mạng một cách phổ biến, công khai tới các hoạt động của chính quyền trên mạng, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Thủ đô là rất lớn, với 386 đơn vị. Cũng vì thế mà đội ngũ cán bộ cấp xã của Hà Nội lớn hơn nhiều so với số cán bộ ở cấp phường. Do đó, để xây dựng chính quyền cấp huyện trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc chăm lo xây dựng và phát triền đội ngũ cán bộ xã trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền huyện. Cần quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ công tác tại xã, thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở theo chức danh, nhiệm vụ được giao, thu hút cán bộ tốt nghiệp đại học về công tác tại cơ sở để từng bước chuẩn hóa các chức danh cán bộ đang công tác tại các xã. Phấn đầu thực hiện mục tiêu là từng xã tự lực giải quyết tốt tại chỗ mọi công việc, nhiệm vụ được giao trên địa bàn mà không nhất thiết phải cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan cấp trên. Muốn vậy, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, mà trước hết là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên ở nông thôn. Đó là tiền đề nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phát huy dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của người dân, của cộng đồng dân cư, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.
Thực trạng triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong gần 05 năm qua cho thấy, việc xây dựng cơ chế đặc thù đã có nhưng nhiều vấn đề chưa cụ thể, vẫn khó thực hiện, trong đó có việc xây dựng chính quyền huyện hướng đến xây dựng chính quyền đô thị nhằm phù hợp với vị trí, tính chất của Thủ đô luôn là vấn đề cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền thành phố để Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Luật Thủ đô và cơ chế đặc thù xây dựng chính quyền cấp huyện ở thành phố Hà Nội
Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất của các Bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
ThS. Nguyễn Ngọc Việt
Thành đoàn Hà Nội