Abstract: The article generalizes activities of deposit insurance, points out models of deposit insurance of some countries in the world and draws experiences for selecting an optimal deposit insurance in Vietnam.
1. Khái quát về hoạt động bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi đã được hình thành từ rất lâu ở một số nước trên thế giới xuất phát từ lý do hoạt động tài chính ngân hàng luôn gắn liền với những nhạy cảm và rủi ro tiềm ẩn, vì vậy, cần có một tổ chức đứng ra nắm giữ vai trò bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng xảy ra đổ vỡ nhằm bảo đảm tình hình an ninh xã hội. Trong thực tế, khi các quốc gia chưa xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi thì cũng đã sử dụng một số công cụ bảo vệ ngầm, cụ thể là, mặc dù không cam kết công khai trước công chúng về việc bảo vệ tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng đổ bể, nhưng nếu điều đó xảy ra thì Chính phủ phải đứng ra chi trả tiền gửi cho họ. Tuy nhiên, công cụ bảo vệ ngầm đó chưa thực sự đem lại lợi ích quốc gia cũng như niềm tin với công chúng. Vì vậy, hệ thống bảo hiểm công khai cũng như việc minh định rõ ràng hơn về bảo hiểm tiền gửi đã ra đời. Ở Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi được hiểu là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản (khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012).
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Trước hết, nó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng thời, góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tạo điều kiện phát triển trong lĩnh vực tài chính. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bảo hiểm tiền gửi có vai trò rất đặc thù, là người bảo vệ uy tín của các định chế tài chính trước người gửi tiền, đồng thời, tạo dựng lòng tin chung của thị trường tài chính đối với khu vực ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam đóng vai trò rất lớn đối với hệ thống tài chính ngân hàng1. Về phần mình, bảo hiểm tiền gửi cũng tham gia thúc đẩy kỷ luật thị trường, góp phần tái cấu trúc ngân hàng, cơ chế tiếp nhận và xử lý các tổ chức tín dụng ngân hàng đang ở tình trạng đổ vỡ thông qua hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần tái cấu trúc ngân hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nền kinh tế quốc dân.
2. Mô hình bảo hiểm tiền gửi một số nước trên thế giới
Việc thiết kế mô hình của tổ chức bảo hiểm tiền gửi của mỗi quốc gia sẽ do Chính phủ của nước đó quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trên thế giới hiện nay có 03 mô hình chủ yếu, bao gồm:
Mô hình chuyên chi trả: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo mô hình chuyên chi trả được thành lập chỉ nhằm thực hiện nhiệm vụ duy nhất là chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Mô hình chi trả với quyền hạn được mở rộng: Theo mô hình này, ngoài chức năng thực hiện chi trả cho người gửi tiền sau khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn có thêm một số chức năng khác tùy thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia. Cụ thể, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được trao thêm một số quyền hạn mở rộng như hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi gặp khó khăn trong việc thanh toán; theo dõi, cảnh báo đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để phòng tránh rủi ro; tham gia trong quá trình xử lý nợ và thu hồi nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản. Điều này sẽ làm tăng thêm vai trò của bảo hiểm tiền gửi là công cụ thực hiện chính sách công với mục đích cơ bản là bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia.
Mô hình giảm thiểu rủi ro: Đây là mô hình bảo hiểm tiền gửi phổ biến trên thế giới. Theo đó, ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn tham gia cùng với các cơ quan nhà nước và ngân hàng trung ương vào hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý đổ vỡ, chi trả tiền gửi... nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia; tính phí bảo hiểm dựa trên cơ sở định mức tín nhiệm của tổ chức tài chính; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn và phát triển vốn ban đầu cũng như tăng cường sức mạnh tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước.
Mỗi mô hình trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn mô hình nào là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng của từng quốc gia. Tuy nhiên, do tính ưu việt của mô hình giảm thiểu rủi ro nên xu hướng chủ yếu của các nước hiện nay là thiết kế mô hình bảo hiểm tiền gửi theo mô hình này
3. Mô hình bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam và hướng hoàn thiện
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 2000, tuy nhiên đến nay, hoạt động này rất cần có sự nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp điều kiện kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Về mô hình, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện nay đang được thiết kế theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Nguồn vốn hoạt động bao gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi; nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng; tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để chi trả bảo hiểm; tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ, từ đó, đảm bảo mục tiêu an toàn của thị trường tài chính và nền kinh tế, hạn chế rủi ro, tránh đổ vỡ hệ thống và tạo niềm tin nơi người gửi tiền.
Thực tế cho thấy, ở giai đoạn hiện nay, việc thiết kế mô hình bảo hiểm tiền gửi thuộc sở hữu nhà nước như thế này là phù hợp, trong điều kiện hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa thực sự lớn mạnh và còn nhiều rủi ro, thì Nhà nước phải đứng ra để xử lý tiền gửi cho người dân thông qua mô hình bảo hiểm tiền gửi là hợp lý. Hiện tại, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đang chủ yếu là chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ; tham gia kiểm tra, giám sát trên phạm vi hẹp đối với các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi chưa được giao quyền xử lý trong trường hợp đổ vỡ mang tính khẩn cấp hoặc đổ vỡ có tầm ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Tham khảo các mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở các nước trên thế giới (mô hình chuyên chi trả; mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng; mô hình giảm thiểu rủi ro) cho thấy, mỗi mô hình trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn mô hình nào là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng của từng quốc gia. Tuy nhiên, do tính ưu việt của mô hình giảm thiểu rủi ro, nên xu hướng chủ yếu của các nước hiện nay là thiết kế mô hình bảo hiểm tiền gửi theo mô hình này. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam nên nghiên cứu và có lộ trình chuyển đổi từ mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng sang mô hình giảm thiểu rủi ro. Với mô hình giảm thiểu rủi ro, tính phòng ngừa được thể hiện rất rõ, cụ thể, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể can thiệp vào mọi thời điểm kể từ lúc ngân hàng được thành lập, đi vào hoạt động hay thậm chí cả lúc suy yếu đến mức bị buộc phải giải thể hoặc phá sản. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể kiểm soát và ngăn chặn rủi ro hoặc có thể thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả để đảm bảo sự an toàn của thị trường tài chính và nền kinh tế. Mô hình giảm thiểu rủi ro cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi quản lý rủi ro một cách toàn diện nhất, đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Mô hình bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro có những quyền hạn khá cụ thể và hợp lý như đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; cấp và thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm tiền gửi; thu phí bảo hiểm tiền gửi không đồng hạng, theo mức độ rủi ro; giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; hỗ trợ tài chính; tiếp nhận xử lý, chấm dứt hoạt động của những tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém và mất khả năng thanh toán; trong trường hợp thanh lý phá sản tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi được ưu tiên thanh toán trước khoản tiền đã hỗ trợ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm duy trì quỹ bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sang mô hình giảm thiểu rủi ro sẽ góp phần nâng cao hoạt động giám sát hệ thống tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng thị trường và các chuẩn mực quốc tế, đồng thời sẽ giúp việc tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng lành mạnh, bền vững, củng cố niềm tin của người gửi tiền, góp phần phát triển kinh tế ở Việt Nam
Học viện Khoa học Xã hội
[1]. TS. Lê Xuân Nghĩa, Giám sát rủi ro mới thực sự là giám sát tài chính hiện đại, 2009.