1. Cải tiến hình thức tuyên truyền miệng theo hướng cùng trao đổi
Cho đến thời điểm này, hình thức tuyên truyền miệng (tuyên truyền trực tiếp), vẫn đang là hình thức tuyên truyền pháp luật chiếm ưu thế lớn, mang tính chủ đạo ở nhiều địa phương bởi những đặc tính riêng có của nó, vì vậy, chưa có hình thức nào có thể thay thế hoàn toàn được nó. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển không ngừng của xã hội, hình thức tuyên truyền mang tính truyền thống này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải được cải tiến để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính bản thân nó.
Như chúng ta đã biết, hiệu quả của hình thức tuyên truyền trực tiếp phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của báo cáo viên. Do đó, một hội nghị tuyên truyền trực tiếp pháp luật có sôi động, hấp dẫn, thu hút người nghe hay không lại phụ thuộc rất lớn vào từng báo cáo viên cụ thể. Trong khi đó, số lượng báo cáo viên pháp luật đáp ứng được yêu cầu hiện nay không nhiều ở cả hai cấp tỉnh và huyện. Thực tế cho thấy, có lúc, có nơi, trên bục thuyết trình, báo cáo viên thì nói theo trách nhiệm của mình, còn học viên ở dưới có người ngồi nghe, cũng có người làm việc riêng. Thậm chí, có một vài báo cáo viên được nhiều người phong danh hiệu “tiến sĩ gây mê”. Nếu xảy ra tình trạng như vậy mà không sớm được khắc phục thì hình thức tuyên truyền trực tiếp sẽ dần dần bị người nghe quay lưng.
Để khắc phục những mặt hạn chế và tiếp tục phát huy vai trò tích cực của hình thức tuyên truyên trực tiếp, trong thời gian qua, Phòng Tư pháp TP. Hội An đã cải tiến hình thức tuyên truyền này theo hướng báo cáo viên và học viên cùng trao đổi. Việc cải tiến này vừa phát huy tác dụng của hình thức tuyên truyền truyền thống, vừa tạo ra không khí sôi nổi, thu hút hầu hết học viên vào nội dung bài giảng, bởi họ có vai trò tích cực hơn khi được tham gia vào quá trình tiếp nhận, trao đổi thông tin, phát biểu quan điểm thảo luận chứ không chỉ là ngồi nghe báo cáo viên nói một chiều như phương pháp tuyên truyền truyền thống. Cách làm trên thay vì trình bày nội dung một chiều theo đề cương soạn sẵn, báo cáo viên đưa ra những tình huống, vấn đề để học viên cùng trao đổi, trình bày quan điểm của mình. Sau đó, báo cáo viên giới thiệu cho học viên nghe những nội dung pháp luật cần tuyên truyền, chỉ ra những điểm phù hợp hoặc chưa phù hợp mà học viên đã trình bày. Theo cách này, báo cáo viên có thể xây dựng đề cương dưới dạng những câu hỏi trắc nghiệm, kèm theo đáp án cho từng nội dung cụ thể. Kinh nghiệm của Hội An là khi nêu câu hỏi thường đơn giản để học viên có thể lựa chọn đáp án a, b hoặc c. Sau đó, báo cáo viên công bố đáp án chính thức và giới thiệu nội dung pháp luật, và tùy từng trường hợp cụ thể, báo cáo viên có thể linh hoạt trong việc lồng ghép, kết nối những vấn đề liên quan khác (như lý do ban hành, quan điểm chỉ đạo, liên hệ thực tiễn...) để thông tin cần truyền đạt thêm phần phong phú. Sau câu trả lời của học viên, cả lớp sẽ mong đợi một câu trả lời từ phía báo cáo viên nên họ thường rất tập trung.
Hình thức tuyên truyền trực tiếp được cải tiến đã phát huy được hiệu quả, tính tích cực của học viên, tạo điều kiện cho học viên cùng trao đổi, qua đó giúp họ chủ động trong tiếp thu kiến thức pháp luật và ghi nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, phương pháp “cùng trao đổi” cũng có điểm hạn chế của nó là, quy mô của một hội nghị tập huấn cần phải được giới hạn ở mức độ vừa phải, nếu số lượng học viên lớn quá sẽ khó phát huy hiệu quả. Mặt khác, khi sử dụng phương pháp này, báo cáo viên phải cần đến sự hỗ trợ của máy chiếu và phải thực hiện được việc biên soạn giáo án điện tử trên PowerPoint. Đến nay, Hội An đã tổ thức được trên 30 lớp tập huấn theo phương pháp cùng trao đổi này cho nhiều đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, người khuyết tật, cán bộ chủ chốt tại các xã, phường và nhân dân ở các thôn, khối phố. Qua thăm dò, khảo sát, hơn 97% học viên tỏ ra hào hứng, tán thành với phương pháp này. Vì vậy, có thể nói, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp theo phướng pháp cùng trao đổi đang phát huy hiệu quả cao tại TP. Hội An.
2. Ứng dụng “phiên tòa giả định” vào tuyên truyền pháp luật
Phải nói rằng, hoạt động xét xử lưu động của Tòa án nhân dân trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, giúp người dân nâng cao tri thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, một phiên tòa thật thì phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, cho nên đứng từ góc độ của công tác tuyên truyền thì nó sẽ rườm rà, tốn thời gian; nội dung tuyên truyền phụ thuộc từng vụ án cụ thể mà Tòa án đưa ra xét xử. Để khai thác những điểm tích cực của phiên tòa lưu động và ứng dụng nó vào công tác tuyên truyền pháp luật, một số nơi đã phỏng theo phiên tòa thật để làm “phiên tòa giả định” và lược bỏ bớt những chi tiết rườm rà, không cần thiết để phục vụ công tác tuyên truyền. Phòng Tư pháp TP. Hội An cũng là đơn vị mạnh dạn ứng dụng mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức phiên tòa giả định cho những đối tượng đặc thù.
Để tổ chức được một phiên tòa giả định, Phòng Tư pháp Hội An đã nghiên cứu xây dựng kịch bản vụ án theo nội dung cần tuyên truyền (bạo lực học đường, trộm cắp tài sản, vi phạm an toàn giao thông, thừa kế,...), sau đó, tổ chức tập diễn và tiến hành lưu diễn. Với phiên tòa giả định, trình tự thủ tục được rút gọn nên không làm cho người tham dự nhàm chán, trọng tâm phiên tòa đi sâu, làm rõ những nội dung quy định của pháp luật. Phòng Tư pháp cũng hoàn toàn chủ động trong việc quyết định nội dung tuyên truyền, tùy theo đối tượng cần tuyên truyền mà xây dựng nội dung kịch bản phù hợp. Với một kịch bản, Phòng Tư pháp tổ chức tuyên truyền ở nhiều địa điểm để tránh lãng phí cũng như khai thác tối đa giá trị công sức đã đầu tư. Hình thức này sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn người xem, nội dung theo từng vụ án cụ thể nên đối tượng dễ tiếp thu và ghi nhớ lâu. Hiệu ứng sau phiên tòa giả định là việc người dân tiếp tục truyền miệng làm cho nó lan tỏa dần vào cộng đồng, phát huy tác dụng rộng rãi. Phiên tòa giả định không chỉ tác động trực tiếp đến đối tượng dự xem mà còn tác động gián tiếp đến các tầng lớp nhân dân. Như vậy, hiệu quả của công tác tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định là rất lớn. Tuy nhiên, hình thức phiên tòa giả định cũng có những hạn chế nhất định. Đó là sự đòi hỏi về năng lực tổ chức, chỉ đạo và chuyên môn của đội ngũ nghiên cứu viết kịch bản, dàn dựng phiên tòa; sự đầu tư kinh phí, sự quan tâm ủng hộ của cấp lãnh đạo... Nếu có được đầy đủ những yếu tố này thì việc tổ chức phiên tòa giải định sẽ là hình thức tuyên truyền có hiệu quả.
3. Tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng
Rung chuông vàng là một cuộc thi kiến thức trên đài truyền hình được nhiều người biết đến. Do đây là mô hình đã quen thuộc nên việc ứng dụng triển khai tổ chức tuyên truyền pháp luật theo hình thức này sẽ dễ dàng hơn. Đối tượng hướng đến trong mô hình này là các em học sinh. Theo chương trình giáo dục công dân ở trường, các em đã được giáo dục về một số quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, về phòng chống ma túy, an toàn giao thông... Hơn nữa, ở độ tuổi này các em đã có thể bắt đầu tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội, vì vậy cần phải trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho các em để các em hiểu và làm theo pháp luật. Với đối tượng này, chúng ta cần phải áp dụng những hình thức tuyên truyền sinh động, mang tính tương tác, như vậy sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động và nhớ kiến thức lâu hơn. Vì vậy, hình thức tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng đã được áp dụng tại TP. Hội An.
Phòng Tư pháp thành phố phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố, nghiên cứu chọn ra các lĩnh vực, kiến thức pháp luật sao cho phù hợp với lứa tuổi, trình độ của các em, đồng thời mở rộng, chuyên sâu hơn kiến thức các em đã học ở trường. Với cuộc thi này, chúng ta cung cấp cho các em một số văn bản pháp luật để các em tìm hiểu như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…. Bên cạnh các câu hỏi về pháp luật, ban tổ chức cũng lồng ghép thêm những câu hỏi về kiến thức xã hội, đoàn đội để giúp các em bổ sung thêm vốn hiểu biết của mình và mềm hóa nội dung tuyên truyền pháp luật. Qua cuộc thi, các em được trang bị thêm những kiến thức pháp luật gần gũi, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Trong thời gian qua, Phòng Tư pháp thành phố đã phối hợp với 3 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tổ chức thành công cuộc thi Rung chuông vàng và được các thầy cô giáo, các em học sinh rất ủng hộ. Đây vừa là một sân chơi bổ ích, vừa cung cấp cho các em kiến thức pháp luật cần thiết; hơn nữa, qua đó, các em được rèn luyện về kỹ năng xử lý, thao tác nhanh nhẹn… Theo chúng tôi, mô hình này không chỉ phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên mà có thể rất phù hợp trong hoạt động sinh hoạt theo chuyên đề pháp luật của tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp Liên đoàn Lao động, Thành Đoàn để thử nghiệm mô hình “Rung chuông vàng tìm hiểu pháp luật” trong đội ngũ đoàn viên công đoàn và đoàn thanh niên trên địa bàn thành phố.
4. Diễn kịch dưới cờ
Nhận thức của học sinh cấp tiểu học vẫn còn rất non nớt, để giảng dạy một vấn đề gì đó cho các em hiểu không phải là một chuyện đơn giản. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên tiếp nhận kiến thức này, chúng ta cần phải chú ý giáo dục các em, đặc biệt là cách xử lý tình huống sao cho đúng để hình thành thói quen tốt sau này. Ở độ tuổi tiểu học, việc vui chơi luôn tạo được sự hào hứng hơn là học tập kiến thức theo cách thông thường, vì vậy cần phải lồng ghép việc học và chơi sao cho hiệu quả, để các em vừa vui, vừa thoải mái mà vẫn đảm bảo hiệu quả tuyên truyền. Từ thực tế này, Phòng Tư pháp TP. Hội An tìm ra cách tuyên truyền mới cho các em ở cấp tiểu học thông qua các tiểu phẩm kịch được tổ chức trong giờ chào cờ đầu tuần. Phòng Tư pháp phối hợp với nhà trường để cùng xây dựng kịch bản và đạo diễn cho vở kịch. Các nhân vật trong tiểu phẩm do chính các em thủ vai, vì vậy vai diễn phải đơn giản, gọn nhẹ và có tính hài hước để thu hút sự chú ý của các em. Với tính hiếu động và tò mò của học sinh tiểu học, các em không những chăm chú ngồi xem mà còn cổ vũ nhiệt tình cho các bạn. Sau khi kết thúc tiểu phẩm, người dẫn chương trình sẽ đặt ra những câu hỏi xoay quanh nội dung vừa được biểu diễn để các em trả lời. Việc tương tác này nhằm kiểm tra mức độ tập trung cũng như mức độ hiểu biết, tiếp nhận của các em, giúp các em tiếp cận sâu hơn vào nội dung pháp luật mà ta cần tuyên truyền. Thay vì phải tiếp nhận thụ động thì các em được chủ động tiếp thu thoải mái hơn, xem diễn kịch như một hoạt động thư giãn nhưng nhớ được lâu. Tuy nhiên để tổ chức tuyên truyền theo phương pháp này thì cần có sự quan tâm tích cực của ban giám hiệu nhà trường, tinh thần nhiệt tình của các thầy cô giáo dạy môn đạo đức và giáo viên tổng phụ trách đội. Hình thức tuyên truyền này phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học và đem lại hiệu quả tuyền truyền cao. Vì vậy, Phòng Tư pháp TP. Hội An đã xác định đây là một hình thức tuyên truyền cần được phát huy nhân rộng trong thời gian sắp tới.
5. Kiểm tra kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp
Những năm trước đây, để nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), khắc phục tình trạng học viên không đến lớp hoặc đến lớp nhưng không tập trung nghe giảng, làm việc riêng, Phòng Tư pháp TP. Hội An đã tổ chức cho học viên viết thu hoạch sau mỗi buổi tập huấn. Cách làm này đòi hỏi học viên phải chăm chú, tập trung nghe giảng để nắm bắt nội dung pháp luật được tuyên truyền. Nhằm nâng cao hơn nữa kiến thức pháp luật của đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn, Phòng Tư pháp TP. Hội An đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra kiến thức pháp luật đối với đội ngũ này. Trước khi tiến hành kiểm tra, Phòng Tư pháp đã gửi đề cương giới hạn để đối tượng trên nghiên cứu, chuẩn bị. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào kiến thức pháp luật cơ bản như Hiến pháp và các lĩnh vực pháp luật khác như: Khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hành chính; công chức, viên chức, người lao động; tiếp công dân… Thông qua công tác chuẩn bị nội dung kiểm tra, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn phải dành thời gian tìm hiểu pháp luật có liên quan một cách nghiêm túc. Đó chính là thành công bước đầu của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong lần đầu tiên thực hiện, Hội An đã tổ chức 3 lớp kiểm tra kiến thức cho 351 CBCCVC của 16 cơ quan, đơn vị. Hình thức kiểm tra thông qua câu hỏi trắc nghiệm và viết bài tự luận. Tỷ lệ bài kiểm tra đạt yêu cầu cao (98%) đã phản ánh hiệu quả của hoạt động này. Để thực hiện được hình thức này, Phòng Tư pháp TP. Hội An đã phải nỗ lực khá nhiều trong công tác tham mưu, phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác chuẩn bị và tiến hành thực hiện. Năm 2015 là năm đầu tiên Hội An thực hiện mô hình kiểm tra kiến thức pháp luật nên chủ yếu tập trung vào những văn bản pháp luật chung. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, hình thức này sẽ tiếp tục được duy trì, theo hướng chuyên sâu vào lĩnh vực chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Ưu điểm của hình thức này là giúp cho đội ngũ CBCCVC trau dồi kiến thức pháp luật để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Việc đổi mới một số hình thức tuyên truyền pháp luật tại Hội An trong thời gian vừa qua đã thực sự tạo ra được chuyển biến tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, được Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận. Đây không phải là những hình thức tuyên truyền hoàn toàn mới nhưng nó thể hiện sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhằm khắc phục tình trạng kém hiệu quả của các hình thức cũ. Để triển khai được các hình thức trên là điều không khó nhưng đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải thật sự tâm huyết, dành nhiều thời gian đầu tư, chuyên sâu thì mới có được kết quả như mong đợi.
Lê Thị Thanh Vân
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam