Tuy nhiên, đây là quy định chung trong việc thực hiện đối với các loại hợp đồng nói chung sau khi hợp đồng đã được giao kết. Do vậy, nhận biết về mối liên hệ giữa quy định về thực hiện hợp đồng (có nghĩa vụ được bảo đảm) khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản với giao dịch bảo đảm là nội dung cần thiết trong việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng (có nghĩa vụ được bảo đảm) và giao dịch bảo đảm. Bài viết tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và đề cập đến một số vấn đề liên quan về mối quan hệ này dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.
Mục đích giao kết hợp đồng của các bên có thể đạt được hay không không chỉ phụ thuộc vào việc các bên có tuân thủ hợp đồng mà còn phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh khách quan. Hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thể có sự thay đổi cơ bản khiến cho một bên bị thiệt hại nghiêm trọng nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì vậy, quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cho phép bên bất lợi trong quan hệ hợp đồng yêu cầu điều chỉnh lại, yêu cầu Tòa án chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đã thay đổi cơ bản, với mục đích bảo đảm tốt hơn sự cân bằng về quyền, lợi ích chính đáng giữa các bên giao kết hợp đồng. Theo đó, hoàn cảnh được nhà lập pháp Việt Nam cho rằng là có sự thay đổi cơ bản khi có đủ 05 điều kiện sau đây[1]:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng (tức là không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng);
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh (sự thay đổi hoàn cảnh nằm ngoài ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng);
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác (sự thay đổi của hoàn cảnh làm cho các bên không thể thực hiện được hợp đồng theo những điều khoản đã cam kết);
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên (nếu thiệt hại xảy ra thì một trong các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng);
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích (xác định nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích).
Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xuất hiện dựa trên các điều kiện đã nêu, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
- Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
- Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng quy định này của bên bất lợi khi xuất hiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì về nguyên tắc, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Mối liên hệ giữa quy định về thực hiện hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản với giao dịch bảo đảm
Giao dịch bảo đảm là sự thỏa thuận giữa một bên (được gọi là bên bảo đảm) với bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm (được gọi là bên nhận bảo đảm), theo đó bên bảo đảm cam kết trước bên nhận bảo đảm về việc bằng tài sản thuộc sở hữu của mình, bằng việc thực hiện một công việc hoặc bằng uy tín của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự[2].
Về cơ bản, hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm không tồn tại độc lập mà luôn gắn liền với nhau. Sự phụ thuộc, gắn liền với nhau thể hiện ở việc xác lập giao dịch bảo đảm luôn dựa trên một nghĩa vụ hoặc cam kết nào đó giữa các bên. Do đó, mục đích của giao dịch bảo đảm là bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc cam kết giữa các bên với phạm vi không vượt quá phạm vi nghĩa vụ hoặc cam kết được bảo đảm. Quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm được pháp luật ghi nhận như sau[3]:
- Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác;
- Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Giao dịch bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, mối quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm chỉ đặt ra đối với trường hợp một trong hai quan hệ bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt. Tuy nhiên, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là thực hiện đối với hợp đồng (có nghĩa vụ được bảo đảm) có hiệu lực nên Bộ luật Dân sự đã đặt ra vấn đề đàm phán lại, sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng đó theo ý chí của các bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Vấn đề đặt ra là, khi xuất hiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà có sự đàm phán lại, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì mức độ ảnh hưởng đến giao dịch bảo đảm được xác lập như thế nào? Cụ thể đối với các trường hợp sau:
(i) Việc đàm phán lại hợp đồng theo ý chí của các bên trong hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm:
Theo quy định, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xuất hiện dựa trên các điều kiện đã nêu, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Một trong những điều kiện về hoàn cảnh thay đổi cơ bản đó là, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Khi đó, giao dịch bảo đảm đã được xác lập và có hiệu lực. Vậy, việc đàm phán lại (với nội dung hoàn toàn khác nếu các bên đạt được thỏa thuận) có thể làm thay đổi hoặc chấm dứt giao dịch bảo đảm tùy thuộc vào sự thỏa thuận về nghĩa vụ (với nội dung hoàn toàn khác) có được bảo đảm hay không. Về nguyên tắc, các bên cũng có thể thay đổi về các nội dung của giao dịch bảo đảm như rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thay đổi tên của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; rút bớt tài sản bảo đảm; bổ sung tài sản bảo đảm mà không ký kết hợp đồng bảo đảm mới… và đăng ký các thay đổi này (nếu pháp luật bắt buộc phải đăng ký hoặc pháp luật không bắt buộc nhưng các bên có thỏa thuận đăng ký). Việc thỏa thuận lại có thể dẫn đến nghĩa vụ được bảo đảm thay đổi như trên có thể gây ra những bất lợi hoặc thiệt hại cho một bên hoặc bên thứ ba. Do đó, đây là vấn đề cần được pháp luật hướng dẫn áp dụng để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân liên quan, kể cả trường hợp tài sản bảo đảm được bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ khác nhau.
(ii) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định theo quyết định của Tòa án:
Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự là một trong những những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định sau khi đã xác định rõ được là có hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đây là trường hợp bằng quyết định của Tòa án để chấm dứt một quan hệ hợp đồng (có thể chỉ phù hợp với ý chí của một bên - thường sẽ là bên gặp bất lợi khi xảy ra hoàn cảnh thay đổi cơ bản). Vậy, khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng, Tòa án có xác định rõ về quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng? Giao dịch bảo đảm được xác lập giữa các bên được giải quyết như thế nào? Tòa án giải quyết hay các bên thỏa thuận giải quyết?
Về nguyên tắc, quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện hay không khởi kiện, yêu cầu hay không yêu cầu thuộc về các bên liên quan. Tòa án chỉ giải quyết theo phạm vi được xác định trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của các bên. Do đó, khi các bên chỉ yêu cầu chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm nhất định sau khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Tòa án sẽ chỉ giải quyết trên cơ sở yêu cầu này. Các bên (nếu không có yêu cầu hoặc khởi kiện tranh chấp) sẽ tự thỏa thuận với nhau trong việc giải quyết về quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng, xử lý về giao dịch bảo đảm được xác lập. Dựa theo quy định tương tự của pháp luật hiện hành, trường hợp hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu các bên không có thỏa thuận khác về giao dịch bảo đảm mà hợp đồng đã thực hiện được một phần thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt. Tuy nhiên, nghĩa vụ được bảo đảm trong giao dịch bảo đảm này được xác định là nghĩa vụ gì? Nghĩa vụ theo hợp đồng (không thể tiếp tục thực hiện được) đã bị Tòa án chấm dứt hay nghĩa vụ phát sinh sau khi hợp đồng bị chấm dứt (hoàn trả tài sản, bồi thường…)?
(iii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản do Tòa án quyết định:
Đây là trường hợp sửa đổi hợp đồng không theo ý chí của tất cả các bên giao kết hợp đồng mà theo quyết định của Tòa án với mục đích để “cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp” của các bên. Luật cũng quy định rõ, Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Nhưng xét về tính liên quan với giao dịch bảo đảm đã được xác lập, quy định này còn một số vấn đề cần làm rõ như sau:
- Trường hợp Tòa án sửa đổi hợp đồng làm thay đổi nghĩa vụ khác với nghĩa vụ được bảo đảm theo giao dịch bảo đảm đã xác lập. Nếu các bên thực hiện theo sự sửa đổi này thì phải cùng nhau thỏa thuận về việc xác lập thay đổi bảo đảm cho nghĩa vụ mới. Thông thường, thì việc thỏa thuận này sẽ khó thực hiện được nếu bên có tài sản bảo đảm theo nghĩa vụ trước đây thiếu thiện chí, có thể lại gây bất lợi cho bên nhận bảo đảm khi tài sản bảo đảm không còn, giảm sút nghiêm trọng về giá trị hoặc tài sản bảo đảm là hàng hóa đã được luân chuyển trong kinh doanh mà không có hàng hóa mới thay thế. Khi tài sản bảo đảm không còn, thì nghĩa vụ được bảo đảm trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm. Mặt khác, nếu có thỏa thuận về việc thay thế bởi tài sản bảo đảm khác nhưng về thời điểm xác lập cũng không có ưu thế trong việc thanh toán nếu tài sản mới thay thế trước đó đã được xác lập bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ.
- Trường hợp Tòa án sửa đổi hợp đồng làm kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm theo hợp đồng để bảo đảm cân bằng lợi ích hợp pháp cho bên khi hoàn cảnh thay đổi nhưng điều này cũng có thể bị vô hiệu hóa bởi quy định: “Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác” (khoản 3 Điều 296 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy điều luật này cũng có quy định về trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn nhưng điều đó là rất khó khăn khi bên bảo đảm thiếu thiện chí và trong hoàn cảnh có thay đổi cơ bản làm lợi ích của họ bị ảnh hưởng lớn.
Tóm lại, quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi có nhiều ưu điểm, là một trong những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, cân bằng quyền và lợi ích khi có sự chênh lệch quá mức, loại bỏ bất công, bảo đảm lẽ công bằng trong xã hội và đặc biệt là có thể tiếp tục duy trì việc thực hiện hợp đồng đã giao kết, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quy định này chắc chắn có ảnh hưởng đến việc giao kết các hợp đồng có xác lập giao dịch bảo đảm nên hy vọng những gợi ý trên đây của tác giả có thể góp phần trong việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Bộ Tư pháp
[1]. Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. TS. Phạm Văn Tuyết - TS. Lê Kim Giang (đồng chủ biên), Hoàn thiện chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2015, tr. 49 - 50.
[3]. Điều 15 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
[4]. Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ (đồng chủ biên), Bình luận Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017.
[5]. Nguyễn Văn Huy, Chuyển giao nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các vấn đề cần hướng dẫn thi hành, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 11 (296)/2016.
[6]. Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2016.
[7]. Nguyễn Anh Thư, Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản - Một điểm mới đột phá của chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề Triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2016.
[8]. Nguyễn Quang Hương Trà, Những điểm mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
[9]. Phạm Văn Tuyết - Lê Kim Giang (đồng chủ biên), Hoàn thiện chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2015, tr. 49 - 50.