Bài viết bàn về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định những cơ quan nào là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà chỉ quy định tại Chương IX Những quy định chung về điều tra tại Điều 111. Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004 tại Điều 2 quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng chưa quy định người nào được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong các cơ quan này, cũng như các hoạt động tố tụng được thực hiện gồm những hoạt động nào từ đó dẫn đến mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.
Khắc phục những thiếu sót đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những thay đổi phù hợp cả về kỹ thuật lập pháp cũng như những quy định liên quan tới các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Ngay tại Điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra cách giải thích từ ngữ như sau: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tại Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; các cơ quan của Hải quan; các cơ quan của Kiểm lâm; các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; các cơ quan của Các cơ quan của kiểm ngư; các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành hành một số hoạt động điều tra; Các cơ quan của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung thêm các cơ quan của Kiểm ngư vào nhóm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số nhiệm vụ điều tra. Việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Kiểm ngư theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2012.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[1].
Như vậy, khi phát hiện tội phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện việc xác định những loại tội phạm nào thuộc thẩm quyền điều tra của mình được quy định trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, nếu thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì phải căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tôi xác định người, pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015thì tiến hành các thủ tục tố tụng vụ án như: Khởi tố vụ án; khởi tố bị can; khám nghiệm hiện trường; trưng cầu giám định; hỏi cung bị can; lấy lời khai người bị hại… được quy định tại các Điều 39, Điều 40 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 164 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày khởi tố vụ án để tiến hành điều tra theo luật định.
3. Mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 - những bất cập khi thực hiện
Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát đối với đối với các hoạt động tố tụng là hết sức quan trọng, không chỉ làm sáng tỏ sự thật khách quan, toàn diện của vụ án đã được khởi tố nhằm phát hiện tội phạm, phát hiện người, pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội góp phần trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm một cách có hiệu quả.
Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong giai đoạn này, Viện kiểm sát có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 165, Điều 166, Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như: Yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can không có căn cứ và trái pháp luật; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra; kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra…
Như vậy, đối với việc điều tra vụ án của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến khi kết thúc điều tra bằng bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra và đình chỉ vụ án cùng hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát. Viện kiểm sát phải có trách nhiệm kiểm sát việc khởi tố có đúng thẩm quyền, đúng lĩnh vực, địa bàn mà các cơ quan này được giao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, so sánh, đối chiếu với các loại tội phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra đã được quy định từ Điều 32 đến Điều 39 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đối với các tội phạm ít nghiệm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì các cơ quan này có quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng (Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định là 20 ngày) kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là ít hơn thời hạn điều tra đối với các tội phạm ít nghiệm trọng mà cơ qua quan điều tra tiến hành điều tra (thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiệm trọng quy định tại khoản 1 Điều 172 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), nên nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong giai đoạn này là rất lớn, Viện kiểm sát phải kiểm sát về thẩm quyền điều tra,về thời hạn điều tra, các biện pháp tố tụng được áp dụng, trình tự thủ tục áp dụng đảm bảo vụ án được khởi tố, điều tra đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc điều tra trong thời hạn 01 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, cho thấy đã đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 456 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 457 quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án “phải” ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Vậy khi này, vụ án đã đủ điều kiện phải áp dụng thủ tục rút gọn nhưng thẩm quyền áp dụng lại không thuộc về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát cũng không thể yêu cầu các cơ quan này áp dụng thủ tục rút gọn khi nhận thấy vụ án đã đủ điều kiện, mà chỉ có thể đợi hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện kiểm sát để áp dụng thủ tục rút gọn từ giai đoạn truy tố, việc quy định trên có thể thấy sự chưa hợp lý trong các quy định của pháp luật, nhất là việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án gọn, nhẹ là yêu cầu cần thiết đặt ra, nhằm rút ngắn thời gian tố tụng, tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí nhà nước phải bỏ ra.
Bên cạnh đó, một số điều luật khác chưa thực sự thể hiện được mối quan hệ phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với viện kiểm sát như quy định tại các Điều 178, 179, 183, 187, 201, 206; 449… Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Từ những phân tích nên trên, tác giả bài viết cho rằng trong thời gian tới, trong khi thực hiện Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, liên ngành tư pháp trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và ký kết các quy chế phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp trong công tác giữa Viện kiểm sát và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để có sự áp dụng thống nhất./.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp