Abstract: The nature of bidding is a civilized form of competition in the market economy. Bidding activities are carried out in many fields such as construction, equipment procurement, project implementation, etc. This article reflects the actual implementation of the law on order and procedures in construction and installation bidding and points out limitations and inadequacies and proposes some complete solutions.
Ngày nay, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Công trình xây dựng rất đa dạng, bao gồm công trình công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác. Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi hao phí lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình... Để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng cơ bản, người ta có thể áp dụng một trong ba phương thức chủ yếu là: Tự làm, chỉ định thầu và đấu thầu, trong đó, phương thức đấu thầu đang được áp dụng rộng rãi với hầu hết các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Đấu thầu), đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trong lĩnh vực xây lắp, việc thực hiện các gói thầu xây lắp đồng nghĩa với việc góp phần tạo lập các công trình xây dựng hiệu quả, công bằng và minh bạch.
1. Tình hình thực hiện pháp luật về trình tự, thủ tục đấu thầu xây lắp
Ở Việt Nam, trong lĩnh vực xây lắp, đấu thầu là một phương thức minh bạch để lựa chọn đơn vị cung cấp hoặc thi công tốt nhất (trong các gói thầu hỗn hợp mua sắm hoặc xây lắp), giúp bên mời thầu giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đấu thầu còn là thủ tục bắt buộc áp dụng đối với các gói thầu mua sắm, cung ứng dịch vụ hoặc xây lắp công trình được quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy trình, thủ tục đấu thầu được áp dụng để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với: Các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất[1]…
Việt Nam cũng đang áp dụng 04 phương thức đấu thầu chính, bao gồm: Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Thực tế cho thấy, phương thức được sử dụng nhiều nhất hiện nay ở đa số các gói thầu xây lắp là phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ hoặc phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Trong đó, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ thường được áp dụng nhiều hơn, bởi vì, các gói thầu có quy mô nhỏ, tính chất không phức tạp thường chiếm đa số; phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng cho đa số các gói thầu còn lại (quy mô không phải nhỏ, tính chất kỹ thuật phức tạp). Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu ở nước ta đang tiếp tục được hoàn thiện, chuẩn hóa và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các nhà tài trợ và các cơ quan đơn vị tham gia đánh giá cao, giúp duy trì hoạt động đấu thầu hiệu quả, tăng cường hơn nữa tính minh bạch, cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, các hành vi tiêu cực vẫn tồn tại và xảy ra tại hầu hết các khâu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tình trạng chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức kém cạnh tranh như chỉ định thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham dự thầu vẫn xảy ra. Việc đăng tải thông tin trong đấu thầu chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Công tác lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, còn sai sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu dẫn đến kiến nghị trong đấu thầu. Việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thỏa đáng, dẫn đến kiến nghị kéo dài, phải thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, lựa chọn tư vấn đấu thầu mang tính hình thức hoặc buông lỏng quản lý, giao phó toàn bộ công việc cho tư vấn đấu thầu dẫn đến một số gói thầu xảy ra hiện tượng thông đồng với nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, một số chủ đầu tư và tư vấn chưa mạnh dạn trong việc báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý nhà thầu có hành vi vi phạm trong đấu thầu.
Trong nhiều trường hợp, chất lượng của hồ sơ mời thầu trong hoạt động đấu thầu xây lắp còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác lựa chọn nhà thầu. Các yêu cầu đặt ra trong hồ sơ mời thầu còn mang tính chất chung chung, các tiêu chí đánh giá đôi khi còn mang tính chất cảm tính và hướng vào một số nhà thầu nào đó làm mất đi tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Về lập hồ sơ dự thầu, đa số các nhà thầu lập hồ sơ dự thầu theo công nghệ lắp ghép modul. Phần giá dự thầu của các nhà thầu nhiều trường hợp chỉ khác nhau phần thư giảm giá. Phần lớn hồ sơ dự thầu cốt trúng thầu, sau đó khi thực hiện thì bố trí khác cả về nhân sự, cả về biện pháp thi công.
Năng lực của những cá nhân tham gia lựa chọn nhà thầu ở các đơn vị chưa đồng đều. Thông thường, các cá nhân được phân công thực hiện công tác đấu thầu của bên mời thầu có năng lực thường tập trung ở những đơn vị thường xuyên thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hóa, các gói thầu cần tiêu chuẩn kỹ thuật cao; ngược lại, ở các địa phương vùng sâu, vùng xa hay những đơn vị không thường xuyên thực hiện mua sắm hàng hóa, năng lực của một số cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Ngay tại một số thành phố lớn, năng lực cán bộ tham gia đấu thầu cũng chưa đồng đều; việc cập nhật những kiến thức mới liên quan đến pháp luật về đấu thầu còn chưa kịp thời, dẫn đến còn lúng túng trong quá trình tổ chức, thực hiện; một số ít cán bộ được cử đi học các lớp về đấu thầu, có chứng chỉ, tuy nhiên, do luân chuyển công tác nên chưa thực sự tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến lãng phí về thời gian, nguồn lực cán bộ về đấu thầu... Nhìn chung, mặt bằng chung năng lực của cá nhân tham gia lựa chọn nhà thầu trong cả nước còn chưa cao. Có đơn vị còn cần đến sự hỗ trợ của những bên tư vấn lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu… Việc này không những dẫn đến việc tốn kém vì phải thuê các chuyên gia, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự công khai, minh bạch trong đấu thầu.
Quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu tại nhiều địa phương còn những bất cập nhất định, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu xây dựng các công trình tại đây. Cụ thể, doanh nghiệp thường gặp những khó khăn như: Thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn; thư mời thầu không công bố rộng rãi; điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó; tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường; tiêu chí phụ không thỏa đáng... Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện năm 2021 cho thấy, khoảng 34,4% doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để bảo đảm trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu gói thầu mà doanh nghiệp tham gia[2].
Thực tế ở nước ta cho thấy, công tác đấu thầu có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, thiếu minh bạch. Những năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra khởi tố 11.700 vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công. Điểm chung về các sai phạm là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá. Các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... Trong mỗi một lĩnh vực, các đối tượng sử dụng những cách khác nhau để trục lợi gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước và nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội[3].
Cũng trong quá trình thực hiện cho thấy, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu. Cụ thể:
Thứ nhất, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng và mua sắm công. Quy định về phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp chưa đầy đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp.
Thứ hai, quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, tình trạng tham nhũng, gian lận, tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu diễn biến phức tạp. Luật Đấu thầu chưa quy định đầy đủ quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát và mới chỉ tập trung quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư. Chưa có quy định cụ thể chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Luật cũng chưa có quy định chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, dẫn đến việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị về đấu thầu trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chất lượng chưa bảo đảm; cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc cùng địa phương, ngành nên còn xảy ra tình trạng nể nang, không muốn làm hoặc không dám làm tới cùng. Việc xử phạt về đấu thầu chưa nghiêm minh, chế tài chưa đủ sức răn đe, mức phạt chưa đủ mạnh, đặc biệt là chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc phát hiện và xử lý sai phạm trong đấu thầu của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Thứ ba, trình tự, thủ tục đã được quy định tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn vướng mắc ở khâu định giá và điều chỉnh đơn giá. Thẩm định giá là dịch vụ nên thực tế hiện nay có tình trạng, giá càng cao, tỷ lệ hoa hồng lớn. Thậm chí, có lúc, có nơi các đơn vị bắt tay nhau nâng cao giá so với giá thực tế. Bên cạnh các vấn đề về định mức, trong một số trường hợp đơn giá cũng chưa được cập nhật theo giá thị trường gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Theo tổng hợp sơ bộ số liệu của các nhà thầu thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện có khoảng 60 loại công việc liên quan tới hoạt động xây dựng cần xây dựng định mức mới và trên 80 định mức, đơn giá không hợp lý, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Thứ tư, những vướng mắc giữa pháp luật về đấu thầu và pháp luật về xây dựng cũng dẫn đến những khó khăn, bất cập trong công tác thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu xây lắp. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được chủ đầu tư phê duyệt là một trong các cơ sở quan trọng để xây dựng hồ sơ mời thầu. Thực tế, hồ sơ thiết kế các hệ thống thiết bị được xây dựng trên cơ sở chủng loại, đặc tính kỹ thuật của mã hiệu sản phẩm cụ thể. Vì vậy, khi lập hồ sơ mời thầu, nếu những hồ sơ thiết kế này đưa cụ thể các yêu cầu kỹ thuật nêu trên thì có thể làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; nếu những hồ sơ thiết kế này không đưa các yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt thì không tuân thủ đầy đủ pháp luật về đấu thầu…
Thứ năm, hiện nay, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng không còn phù hợp với thực tiễn, như thông tư về người được ủy quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý các dự án; các thông tư hướng dẫn về điều chỉnh giá của hợp đồng trọn gói… Ngoài ra, còn tình trạng giữa các văn bản dưới luật cũng chưa có sự thống nhất với nhau. Có những nội dung của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thực sự phù hợp nên khó áp dụng trong thực tế cuộc sống. Luật Đấu thầu quy định, nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn khảo sát thiết kế không được tham gia đấu thầu thi công, tư vấn giám sát thi công công trình. Theo ý kiến của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quy định này chưa thực sự hợp lý và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tăng giá thành không cần thiết, mất tính liên thông của quá trình lập dự án - khảo sát - thiết kế của các tác giả thiết kế. Quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng và gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp có giá trị dưới 01 tỷ đồng là thấp so với thực tế giá cả biến động nhanh, việc quy định cứng trong luật là không phù hợp.
2. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục trong đấu thầu xây lắp
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu xây lắp, tác giả đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục trong đấu thầu xây lắp cụ thể như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian trong đấu thầu bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, góp phần rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu cho từng dự án, gói thầu. Theo đó, chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu; đối với thời gian thực hiện các công việc khác (như thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...), người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu được tự xác định trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của từng dự án, gói thầu cụ thể. Quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu. Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng trong thời gian tới thì thời gian tổ chức đấu thầu sẽ tiếp tục được rút ngắn do nhiều công việc, tác nghiệp sẽ được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Hai là, cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian (như phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; danh sách xếp hạng nhà thầu; thương thảo hợp đồng, trừ gói thầu lớn, phức tạp). Thay vào đó, người có thẩm quyền, chủ đầu tư chỉ phê duyệt 03 nội dung, gồm: (i) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; (ii) Hồ sơ mời thầu; (iii) Kết quả lựa chọn nhà thầu.
Ba là, bổ sung quy định cho phép chủ đầu tư triển khai trước một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu (như lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu) nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Bốn là, bổ sung quy định về thủ tục lập danh mục dự án đầu tư để bảo đảm đồng bộ hóa thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu, đồng thời lược bỏ thủ tục đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư nhằm tạo cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu thầu ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc danh mục dự án được phê duyệt.
Năm là, xem xét lược bỏ thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư để lồng ghép một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư vào quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc phê duyệt danh mục dự án (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư).
Sáu là, bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các hệ thống khác (như: Hệ thống quản lý đăng ký về doanh nghiệp, Hệ thống kê khai thuế điện tử…) nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện hoạt động đấu thầu qua mạng, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, chống các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.
Bảy là, sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hợp đồng, điều kiện áp dụng hợp đồng theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền tùy thuộc vào quy mô, tính chất, điều kiện của từng gói thầu để quyết định lựa chọn áp dụng loại hợp đồng phù hợp thay vì quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành nhằm giải quyết bất cập trong việc áp dụng loại hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng trọn gói.
Tám là, cụ thể hóa quy định về các trường hợp sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với các nguyên tắc đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật về xây dựng, đồng thời bổ sung quy định cho phép điều chỉnh hợp đồng trong quá trình thực hiện khi giá nguyên, nhiên, vật liệu có biến động lớn để bảo đảm quyền lợi cho nhà thầu.
Chín là, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng từng phương thức lựa chọn nhà thầu nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư lợi dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ để loại bỏ nhà thầu ngay trong bước đánh giá về kỹ thuật, đến bước đánh giá về tài chính thì chỉ còn lại duy nhất một nhà thầu, dẫn đến không bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả kinh tế. Hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Mười là, bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu.
Mười một là, sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu, hạn chế tình trạng gian lận trong đấu thầu, theo hướng công khai tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.
ThS. Lê Hoàng Anh
NCS Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm kho học và xã hội Việt Nam
[1]. Khoản 1, 2, 3 Điều 1 Luật Đấu thầu.
[2]. https://kinhtevadubao.vn/doanh-nghiep-gap-rat-nhieu-kho-khan-khi-tham-gia-dau-thau-cong-tai-dia-phuong-22987.html, truy cập ngày 12/02/2023.
[3]. https://kinhtevadubao.vn/thuc-trang-cong-tac-dau-thau-o-viet-nam-hien-nay-va-khuyen-nghi-21227.html, truy cập ngày 12/02/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)