Tóm tắt: Bài viết phân tích những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về khai sinh và xác định cha, mẹ, con để bảo đảm quyền của trẻ em đã được pháp luật công nhận.
Abstract: The article analyzes problems and inadequacies in the practice of law implementation on birth registration and identification of parents and children to ensure children's rights recognized by law.
Quyền được khai sinh là một trong các quyền cơ bản của trẻ em đã được pháp luật công nhận. Bảo đảm quyền được khai sinh cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền được xác định cha, mẹ của trẻ em[1]. Đăng ký khai sinh là cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và thực hiện quản lý nhà nước về dân cư.
Đăng ký khai sinh và xác định cha, mẹ, con được quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP); Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP (Thông tư số 04/2020/TT-BTP); Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Các văn bản pháp luật trên là cơ sở pháp lý cho việc đăng ký khai sinh và xác định cha, mẹ, con tại cơ quan đăng ký hộ tịch được giải quyết nhanh chóng, ổn định, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc đăng ký khai sinh, xác định cha, mẹ cho con tại cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Điều này không chỉ gây lúng túng cho cơ quan đăng ký hộ tịch mà còn gây phiền hà cho người dân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em.
1. Bất cập về thẩm quyền giải quyết trong việc xác định cha cho con do người vợ có thai hoặc sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng người đàn ông khác xin nhận con và được vợ chồng đồng ý
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con do người vợ có thai hoặc sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 88). Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định (khoản 2 Điều 88). Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con ghi rõ: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này” (khoản 2). Như vậy, trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 88 lại không được đưa vào khoản 2 Điều 101, dẫn đến sự không rõ ràng, thiếu thống nhất trong các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, giải quyết trường hợp con do người vợ có thai hoặc sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, có người khác xin nhận là cha của đứa trẻ và vợ, chồng đều đồng ý cho họ nhận con thuộc thẩm quyền của Tòa án hay của Ủy ban nhân dân hiện đang có sự “bất đồng” giữa Tòa án và Ủy ban nhân dân. Qua Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ở các tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Hà Nội cho thấy, trong thực tế, các Tòa án từ chối giải quyết vì cho rằng trường hợp này không có tranh chấp. Đã có vụ việc xảy ra ở Hà Nội, đương sự đến Tòa án thì được trả lời là việc này thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân. Khi đương sự đến Ủy ban nhân dân thì lại được trả lời là thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Đối với trường hợp này, nếu Tòa án cho rằng không có tranh chấp mà từ chối giải quyết thì chưa phù hợp quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chỉ quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 28) mà còn quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 29). Vì vậy, mặc dù trường hợp cả ba bên gồm vợ, chồng và người đàn ông nhận con cùng đồng thuận với nhau về việc đứa trẻ là con của người đàn ông tự nhận con thì việc này vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, do bất đồng như vậy nên Thông tư số 04/2020/TT- BTP đã có quy định để giải quyết những vụ việc phát sinh trên thực tế. Theo đó, việc xác định cha cho con thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con (khoản 4 Điều 16). Quy định trên khẳng định rõ thẩm quyền giải quyết trường hợp này thuộc Tòa án, khi Tòa án từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết. Quy định này mở ra hướng giải quyết cho các yêu cầu nhận cha, mẹ, con nhưng có một số bất cập, không phù hợp với Điều 88 và Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Thứ nhất, trường hợp người con đã được khai sinh, giấy khai sinh của người con đã ghi tên vợ, chồng vào phần cha, mẹ của con và sau đó, người khác tự nhận là cha của đứa trẻ, được sự đồng ý của người mẹ và người cha, thẩm quyền không thể thuộc cơ quan đăng ký hộ tịch. Bởi lẽ, trong giấy khai sinh của đứa trẻ, tên của người chồng đã được ghi vào phần khai về cha của đứa trẻ thì cơ quan hộ tịch không thể xóa tên người cha này và thay thế bằng tên một người đàn ông khác. Việc này nhất định phải được thực hiện tại Tòa án thông qua các thủ tục tố tụng về giải quyết việc dân sự. Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mới là cơ sở để cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi hộ tịch cho con.
Thứ hai, trường hợp người con chưa được khai sinh, nếu cơ quan đăng ký hộ tịch lại “tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha” sẽ trái với quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Khoản 1 Điều 88 nêu trên là “nguyên tắc” bảo đảm quyền, lợi ích của bà mẹ và trẻ em được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc được suy đoán là có quan hệ cha con.
Qua phân tích trên có thể nhận thấy về mặt lý luận, cách giải quyết theo khoản 4 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT- BTP là có điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp Tòa án không thụ lý, không giải quyết hoặc đình chỉ việc giải quyết do cho rằng không có tranh chấp. Trong trường hợp này, hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT- BTP là cơ sở để cơ quan đăng ký hộ tịch đăng ký khai sinh cho đứa trẻ, ghi tên người đàn ông không phải là chồng của mẹ đứa trẻ là cha trên cơ sở sự tự nguyện “từ chối” là cha của người chồng, sự tự nguyện “nhận con” (kèm theo chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con) của người đàn ông khác và sự “đồng thuận” của mẹ đứa trẻ thực chất là “làm tắt”, là giải pháp tình thế.
Hơn nữa, theo khoản 4 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT- BTP, cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết và trong hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án. Quy định này dường như khó thực hiện trên thực tiễn. Như vậy, mặc dù đã có quy định rõ nhưng việc đăng ký nhận con trong trường hợp này vẫn có những khó khăn.
2. Vướng mắc trong việc xác định cha cho con theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2.1. Vướng mắc trong việc xác định cha cho con do người mẹ sinh ra trước khi kết hôn
Đoạn 3 khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha, mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Với quy định này có thể hiểu là người mẹ dù sinh con trước khi kết hôn nhưng sau khi kết hôn mà vợ chồng cùng thừa nhận thì người chồng sẽ được xác định là cha của con. Tuy nhiên, áp dụng quy định này trên thực tế gặp những vướng mắc cần phải được làm rõ, có thể xem xét các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, khi người phụ nữ có thai thì người nam bỏ đi. Con sinh ra được khai sinh và mang họ mẹ, phần khai về cha bỏ trống. Sau đó, người phụ nữ kết hôn với người khác và vợ chồng làm thủ tục bổ sung hộ tịch, người chồng được ghi vào phần khai về cha của con và đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ của cha. Một thời gian sau, người chung sống như vợ chồng với người mẹ quay lại, khiếu nại về việc khai sinh cho con và cho rằng mình là cha, phải được ghi trong giấy khai sinh của con, dẫn đến tranh chấp.
Trong trường hợp này, hiện còn có ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng, công chức làm công tác hộ tịch giải quyết như vậy là đúng pháp luật. Ý kiến thứ hai cho rằng, giải quyết như vậy dễ dẫn đến tình trạng nhận cha, mẹ, con tùy tiện, khiến những tranh chấp có thể phát sinh sau đó.
Xuất phát từ lý luận và thực tế, xem xét các lợi ích mà pháp luật bảo vệ, có thể nhận thấy rằng, ý kiến thứ nhất hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ, cách giải quyết này là phù hợp với đoạn 3 khoản 1 Điều 88. Quy định này vừa bảo vệ quyền, lợi ích của con vừa thể hiện tính nhân văn và không “tùy tiện”. Việc một người đàn ông nhận đứa trẻ là con mình đồng nghĩa với việc họ có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ. Trong khi đứa trẻ đang không có cha mà được một người nhận là cha của nó sẽ tốt hơn cho đứa trẻ cả về vật chất và tinh thần, lại càng tốt hơn khi người đó lại đang là chồng của mẹ nó. Nếu sau này phát sinh tranh chấp, tức là người chung sống như vợ chồng với mẹ đứa trẻ quay lại và cho rằng mình là cha của đứa trẻ thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định đứa trẻ là con mình và có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con. Như vậy, vẫn có căn cứ để người đàn ông là người cha sinh học của đứa trẻ được nhận con.
Trường hợp thứ hai: Nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, người phụ nữ có thai và sinh con. Sau đó hai người này kết hôn với nhau và vợ chồng cùng thừa nhận đứa trẻ là con chung của họ. Đối với trường hợp này, việc áp dụng đoạn 3 khoản 1 Điều 88 khá là thuận lợi. Bởi lẽ người chung sống như vợ chồng với mẹ đứa trẻ trong thời gian người mẹ có thai và sinh con lại chính là người chồng của người mẹ sau này nên việc xác định người này là cha của con là phù hợp với thực tế. Trường hợp này xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Nếu con chưa được khai sinh thì khi khai sinh cho con, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con. Nếu con đã được khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, khi vợ, chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con[2]. Như vậy, áp dụng đoạn 3 khoản 1 Điều 88 hoàn toàn phù hợp đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng, có con chung sau đó mới kết hôn.
2.2. Vướng mắc trong việc xác định cha cho con do người vợ sinh ra trong thời gian vợ chồng ly thân, sau khi sinh con người mẹ ly hôn với chồng trước và kết hôn với người chồng sau
Thực tế xảy ra nhiều trường hợp sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống một thời gian thì mâu thuẫn và ly thân. Trong thời gian ly thân, người vợ chung sống với người đàn ông khác và mang thai, sinh con. Sau khi sinh con, người vợ ly hôn và đăng ký kết hôn với người đàn ông đang chung sống như vợ chồng. Việc xác định cha cho con trong trường hợp này khiến cho một số cơ quan đăng ký hộ tịch lúng túng và thực tế đã có nhiều cách giải quyết khác nhau:
Cách thứ nhất: Sau khi tiếp nhận yêu cầu của người chồng hiện tại của mẹ đứa trẻ là đăng ký khai sinh cho con và khai mình là cha thì Ủy ban nhân dân cấp xã đã gửi văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chồng đã ly hôn sinh sống nhờ xác minh giúp vì cho rằng việc này cần có ý kiến của người chồng trước về việc không thừa nhận đứa trẻ là con mình. Khi người chồng trước không hợp tác thì Ủy ban nhân dân cấp xã lại đưa ra giải pháp là người chồng hiện tại khi khai sinh cho con, khai là mẹ bỏ đi và có thể ghi cả tên cha và tên mẹ vào giấy khai sinh cho trẻ. Có ý kiến cho rằng, cách giải quyết này không đúng luật, không đúng thực tế vì người mẹ không bỏ đi[3]. Tác giả đồng tình với ý kiến này ở khía cạnh “không đúng thực tế vì người mẹ không bỏ đi”. Giải pháp Ủy ban nhân dân đưa ra là người chồng hiện tại khai sinh cho con và có thể ghi cả tên cha (là chồng hiện tại của mẹ đứa trẻ) và tên mẹ vào giấy khai sinh cho con có lẽ dựa trên quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 88: “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Tác giả cho rằng không thể áp dụng đoạn 3 khoản 1 Điều 88 trong trường hợp này bởi lẽ cần phải tôn trọng nguyên tắc “con sinh ra hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Do vậy, cách giải quyết thứ nhất là không đúng với các quy định của pháp luật.
Cách thứ hai: Khi khai sinh cho con thì cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn khai người chồng đã ly hôn là cha vì con được người vợ thụ thai và sinh ra trước thời điểm ly hôn tức là vẫn do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân trước nên vẫn là con của người chồng trước (đoạn 1 khoản 1 Điều 88). Sau đó, nếu người chồng sau cho rằng mình là cha của đứa trẻ thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định đứa trẻ là con mình và chứng minh bằng một trong hai chứng cứ: Kết quả giám định AND hoặc thực tế chung sống như vợ chồng với mẹ đứa trẻ trong thời điểm đứa trẻ được thụ thai. Cách giải quyết này là hoàn toàn phù hợp pháp luật, nhưng lại có ý kiến cho rằng như vậy là “khá lòng vòng, hơn nữa, chính quyền biết rõ đứa trẻ không phải con của người chồng trước mà cứ ghi tên người chồng trước là cha đứa trẻ là việc làm không đúng”[4]. Tác giả không đồng tình với ý kiến này bởi lẽ dù “lòng vòng” nhưng đúng pháp luật thì vẫn cần thiết, hơn nữa, cơ quan chức năng không thể “biết rõ đứa trẻ không phải con của người chồng trước”.
Như vậy, đối với trường hợp này, khi đăng ký khai sinh cho con, người chồng trước mặc nhiên được khai là cha của con. Nếu người chồng sau cho rằng mình là cha thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định và có nghĩa vụ chứng minh.
2.3. Vướng mắc trong việc xác định cha cho con do người vợ có thai và sinh ra trong thời gian vợ chồng ly thân nhưng người vợ yêu cầu xác định người đang chung sống như vợ chồng là cha của con
Thực tế có trường hợp sau khi kết hôn thì vợ chồng mâu thuẫn và ly thân, trong thời gian ly thân người vợ chung sống như vợ chồng với người đàn ông khác và có thai, sinh con. Sau khi sinh, người vợ cùng với người đàn ông đang chung sống như vợ chồng có yêu cầu đăng ký nhận đứa trẻ là con chung của họ kết hợp với thủ tục đăng ký khai sinh để khai sinh theo đúng thông tin về cha mẹ. Khi nhận được yêu cầu, công chức làm công tác hộ tịch đã căn cứ vào khoản 1 Điều 88 để giải thích cho người vợ rằng người chồng vẫn được khai là cha của con nhưng những người này vẫn yêu cầu đăng ký nhận con kết hợp đăng ký khai sinh theo diện con chưa xác định được cha. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp xã đã không giải quyết[5].
Đây là một vướng mắc trên thực tế nhưng không phải do pháp luật mà là do nhận thức của người dân. Mặc dù pháp luật quy định một người tự nguyện nhận con có thể yêu cầu đăng ký nhận con tại cơ quan đăng ký hộ tịch nhưng quyền này chỉ được thực hiện đối với trường hợp mẹ đứa trẻ đang không tồn tại quan hệ hôn nhân mà có thai và sinh con. Đối với trường hợp này, người mẹ đang tồn tại hôn nhân thì chồng của mẹ vẫn được khai là cha của con. Nếu người chung sống như vợ chồng với mẹ đứa trẻ cho rằng anh ta là cha thì theo khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án, không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc người dân không hiểu gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc khai sinh cho trẻ em, dẫn đến tình trạng trẻ em không được đăng ký khai sinh kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Công chức làm công tác hộ tịch giải thích để người dân hiểu đúng, tạo điều kiện cho việc đăng ký khai sinh và xác định cha cho con phù hợp pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là của trẻ em.
2.4. Vướng mắc trong việc xác định cha cho con do người mẹ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân sau nhưng lại có thai trong thời kỳ hôn nhân trước
Vấn đề còn có ý kiến khác nhau đó là: Khi đăng ký khai sinh cho con thì người chồng trước hay người chồng hiện tại được xác định là cha của con, bởi lẽ, căn cứ khoản 1 Điều 88 thì cả người chồng trước và người chồng hiện tại đều có thể được xác định là cha của đứa trẻ.
Đối với trường hợp này, xét trên thực tế, khi người vợ sinh con trong thời kỳ hôn nhân thì người đi khai sinh cho con xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng, trên cơ sở đó người chồng được khai là cha của con. Do vậy, người chồng sau của mẹ đứa trẻ được xác định là cha của con. Việc xác định đứa trẻ là con chung của mẹ đứa trẻ và người chồng hiện tại sẽ bảo vệ được quyền lợi của đứa trẻ một cách tốt nhất. Đứa trẻ được sống chung với cả cha và mẹ, nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương của cả cha và mẹ.
Nếu sau khi người chồng hiện tại được xác định là cha của con mà người chồng trước của người mẹ cho rằng đứa trẻ là con của người chồng trước thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Hoặc, sau khi khai sinh cho con, người chồng hiện tại của người mẹ cho rằng đứa trẻ không phải là con mình thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
3. Vướng mắc trong việc khai họ cho con do người mẹ đơn thân sinh ra
Theo phản ánh của một số địa phương, người phụ nữ độc thân sinh con, khi khai sinh cho con thì phần khai về họ của con lại khai theo họ của người đàn ông mà họ cho rằng là cha của con, có nghĩa là con không mang họ của mẹ. Phát sinh vấn đề này là xuất phát từ thực tế nam, nữ yêu thương nhau, chung sống như vợ chồng, khi người nữ mang thai thì họ lại không kết hôn. Người mẹ muốn con mình mang họ của người đàn ông này để họ phải có trách nhiệm trong việc nuôi con. Khi công chức làm công tác hộ tịch yêu cầu khai theo họ mẹ thì người mẹ phản ứng, bức xúc hoặc phản đối bằng việc không tiếp tục thực hiện đăng ký khai sinh cho con[6].
Theo pháp luật hiện hành, người mẹ đơn thân sinh con thì cũng phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ khi sinh con (Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014). Nếu chưa xác định được cha đẻ thì khi khai sinh, họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ (khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015). Có thể do nhận thức hạn chế mà người mẹ cho rằng dù chưa xác định cha cho con nhưng người mẹ vẫn biết ai là cha, vì vậy muốn con mang họ của người đó. Giải quyết vướng mắc này, công chức tư pháp hộ tịch phải kiên trì giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, để việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện nhằm bảo vệ quyền của trẻ em.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định về xác định cha, mẹ, con nhưng thực tiễn thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân của bất cập, vướng mắc là do một số quy định chưa rõ ràng, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật và từ nhận thức của người dân. Xác định cha, mẹ, con tại cơ quan đăng ký hộ tịch đòi hỏi áp dụng pháp luật có tính liên ngành. Do đó, khi đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải áp dụng quy định về xác định cha, mẹ, con được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch để giải quyết. Việc đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha, mẹ, con thực hiện đúng pháp luật một mặt bảo đảm quyền được khai sinh và được xác định cha, mẹ của trẻ em, mặt khác bảo đảm quyền của cha, mẹ.
PGS.TS. Ngô Thị Hường
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Điều 13 Luật Trẻ em năm 2016.
[2]. Khoản 2, 3 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT- BTP.
[3]. Lê Thị Kim Chung, Một số vướng mắc trong thực tiễn thực hiện đăng ký khai sinh,
https://vanninh.khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/n%C3%B4i%20dung%20xem%20t%E1%BA%A1i%20%C4%91%C3%A2y.pdf.
[4]. Lê Thị Kim Chung, Một số vướng mắc trong thực tiễn thực hiện đăng ký khai sinh, https://vanninh.khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/n%C3%B4i%20dung%20xem%20t%E1%BA%A1i%20%C4%91%C3%A2y.pdf.
[5]. Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật Hộ tịch của tỉnh Lạng Sơn.
[6]. Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật Hộ tịch của tỉnh Lạng Sơn.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)