Dư luận xã hội thực sự vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án Công ty MB24, Công ty Diamond Holiday, Công ty Tâm Mặt Trời… và mới đây nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP (gọi tắt là Liên Kết Việt) lừa đảo hơn 60.000 người dân để chiếm đoạt trục lợi hàng nghìn tỷ đồng[2]. Ở góc độ là một người nghiên cứu, tác giả cho rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp vốn xuất phát điểm là rất tốt bởi tính tiến bộ của mô hình kinh doanh này, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) nhưng những công ty lợi dụng tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh đa cấp để “núp bóng” dưới hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Liên Kết Việt và một số công ty khác trong thời gian vừa qua đã khẳng định sự “thiếu lành mạnh” của mô hình kinh doanh này tại Việt Nam. Thực trạng của những công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp trong thời gian vừa qua tại Việt Nam cho thấy có hai vấn đề cần lưu tâm, đó là:
Thứ nhất, cách làm, cách kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp “chưa chuẩn xác” so với bản chất của mô hình kinh doanh này
Như phân tích ngay từ đầu, bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp là tiếp thị sản phẩm, quảng cáo sản phẩm và truyền thông sản phẩm thông qua hình thức “truyền miệng”. Khác với những loại hình kinh doanh truyền thống, sản phẩm từ khâu sản xuất đến tay khách hàng phải trải qua rất nhiều khâu trung gian nhưng đối với sản phẩm của các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp thì sản phẩm đến tay khách hàng một cách trực tiếp, khách hàng có thể mua và nhận sản phẩm tại nhà phân phối hoặc nơi sản xuất hoặc công ty chỉ thông qua việc người mua trước giới thiệu cho người mua sau về sản phẩm và người mua sản phẩm hoàn toàn mua nó trên cơ sở sự tự nguyện bởi đã “thấu hiểu và tin tưởng” tính năng của sản phẩm. Rõ ràng, nếu như các công ty đa cấp làm theo cách nói trên thì hoàn toàn không hề vi phạm pháp luật và còn được tán dương, ủng hộ bởi đã góp phần tích cực thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước và tăng cường tính lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh, đưa những sản phẩm tốt, có giá trị đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công ty đa cấp tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian vừa qua lại không làm như vậy, để thu hút được khách hàng mua sản phẩm của mình, các công ty đa cấp đã dùng không ít thủ đoạn “biến tướng” so với mô hình thực sự của nó như: Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, gây áp lực kinh tế, áp lực tinh thần, đưa ra những điều, những thứ không có thật để đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, làm giả giấy tờ, lợi dụng uy tín của các cá nhân, tổ chức khác để trục lợi từ người tiêu dùng… Dưới góc độ nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự nói chung và nguyên tắc của quan hệ mua bán nói riêng thì hoạt động của nhiều công ty kinh doanh đa cấp ở Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phi pháp bởi không xuất phát từ thuần túy sự tự nguyện, thiện chí giữa người mua và người bán hoặc nếu có thì thêm vào đó là đưa ra những điều, những thứ không có thật với ý định làm cho người tiêu dùng tin và mong muốn trục lợi từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của mình.
Thứ hai, sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quan tâm, sát sao từ phía các cơ quan chức năng, cơ quan nhà nước liên quan đến hoạt động quản lý loại hình kinh doanh đa cấp
Đề cập đến vụ việc mới đây là Công ty Liên Kết Việt có hành vi lừa đảo 60.000 người dân, trong một bài phát biểu ngày 30/3/2016 ông Nguyễn Sỹ Cương - Đại biểu Quốc hội nói: “Hiện tượng đó diễn ra bao nhiêu năm nay rồi nhưng không được quản lý nghiêm túc, cứ cấp giấy phép xong là coi như xong, muốn làm gì thì làm. Rõ ràng công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này đã bị buông lỏng”. Cụ thể hơn, ông nêu việc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tuy đã kiểm tra, xử phạt Công ty Liên Kết Việt nhưng lại “đút ngăn kéo, không công bố kết quả kiểm tra với công ty này để sau đó, các hoạt động lừa đảo của công ty này vẫn diễn ra”[3]. Thiết nghĩ, nếu như vấn đề cấp phép hoạt động và vấn đề quản lý, giám sát, thanh kiểm tra quá trình hoạt động của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp được tổ chức thường xuyên, nghiêm ngặt, những cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm và thực hiện chính xác, kịp thời trách nhiệm của mình thì người dân đã không rơi vào hoàn cảnh bị lừa đảo và những doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực đa cấp đã không có cơ hội thực hiện hoạt động kinh doanh bất hợp pháp cũng như gây ra bao nhiêu hệ lụy không tốt cho người tiêu dùng.
2. Thực trạng quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam
Bên cạnh Luật Cạnh tranh năm 2004, hoạt động kinh doanh đa cấp được điều chỉnh bởi nhiều nghị định và thông tư khác nhau[4]. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp đã bộc lộ một số bất cập, hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện nhiều biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, nhiều chủ thể lợi dụng các khe hở của pháp luật để thực hiện các hành vi bất chính khiến cho hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Từ thực trạng đó, năm 2014, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế cho hệ thống các văn bản cũ[5]. Với những thay đổi cơ bản, quan trọng của hệ thống pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp cho thấy, các cơ quan chức năng đã mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác đẩy lùi hành vi kinh doanh đa cấp bất chính diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thấy rằng, những động thái của các cơ quan chức năng dù mạnh mẽ, dù quyết liệt nhưng là hơi muộn và hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp chưa thực sự đầy đủ cũng như để lại quá nhiều “khoảng trống thuận lợi” cho những hành vi kinh doanh đa cấp bất chính. Thực trạng quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam cho thấy:
Thứ nhất, việc kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh đa cấp là muộn sau quá nhiều vụ việc “lùm xùm” của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng. Điều này cho thấy, nhận thức và tính dự báo của pháp luật về hoạt động kinh doanh đa cấp là gần như không có. Sự ứng phó chậm cũng như tư duy “bỏ mặc”, “không quản lý” vẫn diễn ra ở các cơ quan chức năng, các cơ quan công quyền. Thực tế, phải rất lâu (sau gần 10 năm) các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp (chủ yếu và phần lớn là các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính) hoạt động mạnh mẽ và trục lợi ở mức tối đa nhất có thể từ người tiêu dùng đến giai đoạn “bão hòa” thì văn bản pháp luật mới mới ra đời nhằm mục đích phòng chống, ngăn ngừa. Rõ ràng, điều đáng nói ở đây đó là khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính có những tác động chưa lớn và mạnh ngay tại thời điểm “thịnh vượng” nhất của hoạt động đa cấp bất chính.
Thứ hai, trước khi các văn bản pháp luật mới ra đời, tính điều chỉnh và “trừng phạt” của hệ thống văn bản pháp luật chưa đủ sức làm cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính “gục ngã”. Có thể nhìn ra việc một hoặc một vài mô hình kinh doanh đa cấp bất chính chỉ bị phạt vài trăm triệu đồng sau khi cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thanh, kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp này. Mức phạt hành chính này đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đa cấp là không quá lớn so với những kết quả cực kỳ lớn mà các doanh nghiệp này có được từ việc lừa đảo người tiêu dùng. Điều đó cho thấy chế tài không đủ mạnh từ các văn bản pháp luật trước đó, từ cơ chế quản lý thực tế dẫn đến hậu quả khôn lường và khó kiểm soát sau này là điều tất yếu xảy ra. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính hoàn toàn có thể “đập đi, xây lại” hoặc “đổi cũ, lấy mới” nếu như các cơ quan chức năng và hệ thống pháp luật cho hoạt động kinh doanh đa cấp hiện hành không thể hiện rõ tính chất “quyền lực tối cao” và trở thành “rào cản” đối với sự ra đời cũng như quá trình hoạt động của các mô hình đa cấp bất chính.
Thứ ba, song song với các văn bản luật, các văn bản hướng dẫn đã ra đời khá nhiều kết hợp với những văn bản trong lĩnh vực cạnh tranh thương mại hoạt động đa cấp đã chính thức đi vào khuôn khổ của sự quản lý. Tuy nhiên, văn bản quy định là một chuyện, thực tế thi hành lại là chuyện khác. Thật khó có thể kiểm soát được tình hình cũng như mức độ tăng trưởng về sự ra đời cũng như hình thức hoạt động của các mô hình kinh doanh bất chính nếu như không có sự ra tay thường xuyên và liên tục để thanh, kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng chuyên ngành về hoạt động kinh doanh đa cấp. Vấn đề cần lưu ý ở đây đó là sự kết hợp giữa văn bản đủ sức điều chỉnh, chế tài đủ mạnh để trừng phạt cộng thêm cơ chế quản lý có trách nhiệm mới có tác dụng “chấm dứt” sự tồn tại cũng như phát triển của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính ở Việt Nam.
Thứ tư, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đều là những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính, do đó dường như mô hình đa cấp du nhập vào Việt Nam chưa đạt được những hiệu quả nhất định, chưa thể hiện sự “vượt trội về tính năng” của mô hình này so với ở một số quốc gia trên thế giới. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang thiếu đi hẳn một mảng lớn trong việc thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp. Có lẽ, người dân và dư luận xã hội Việt Nam đã quá “ớn” với cụm từ “đa cấp” nên nhiều khi đồng nhất tất cả đều là sự bất chính. Pháp luật Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động phổ biến, tuyên truyền về lĩnh vực kinh doanh đa cấp cho người dân cũng như giới kinh doanh để họ hiểu được điều gì được làm và điều gì không được làm. Nếu như không có hành động từ phía cơ quan chức năng cũng như phía doanh nghiệp thì mô hình kinh doanh đa cấp vốn dĩ rất tiến bộ sẽ bị đánh đồng là bất chính và có thể bị loại bỏ hoàn toàn tại Việt Nam trong tương lai không xa.
3. Một số đề xuất đối với hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu về hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam dưới cả góc độ pháp lý lẫn thực tiễn, tác giả nhận thấy rằng, nhất thiết phải có sự quy củ, nghiêm chỉnh trong công tác quản lý, điều hành cũng như thực hiện mô hình kinh doanh này tại Việt Nam. Những sự việc trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh giới kinh doanh đa cấp, thức tỉnh các nhà chức trách đối với vấn đề kinh doanh đa cấp ở Việt Nam. Có lẽ, nếu như không làm rõ các vụ việc hoặc tiếp tục để các vụ việc tiến triển theo chiều hướng tiêu cực thì thời kỳ hội nhập quốc tế không xa người ta sẽ khó mà nhìn rõ “hình thù” của một mô hình kinh doanh đa cấp chân chính trên thực tế. Trong bài viết này, kết hợp với những tìm hiểu, phân tích, đánh giá vấn đề của bản thân, tác giả xin đưa ra một số đề xuất đối với hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam như sau:
Một là, từ hàng loạt các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay thế, các cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý và xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp hiện tại ở Việt Nam để những văn bản pháp luật có cơ sở thực thi, áp dụng rộng rãi trên thực tế. Điều này chỉ làm tốt khi cơ quan ở trung ương (tiên phong là Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) phối kết hợp với cơ quan ở địa phương (các sở, ban, ngành quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp) cùng nắm bắt kịp thời hồ sơ, giấy tờ pháp lý cũng như hoạt động kinh doanh thực tế của các công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp nhằm đưa các công ty, doanh nghiệp này vào “khuôn khổ” và phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm mang tính tiêu cực cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền phải tích cực và có trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Hai là, cần xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Những hành vi vi phạm đó có thể xuất phát từ công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp; các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, điều tra, giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp của công ty, doanh nghiệp kinhh doanh trong lĩnh vực đa cấp; hoặc những người có liên quan khác… Mới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội nước ta thông qua, Bộ luật này sẽ có hiệu lực vào từ ngày 1/7/2016, do đó, hoàn toàn có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động bất chính trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Các doanh nghiệp, công ty này nếu như kinh doanh bất chính có thể gánh chịu mức chế tài nặng nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đây thực sự là một tín hiệu khả quan đối với vấn đề quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có những chế tài mạnh hơn áp dụng đối với các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh đa cấp của các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam, chấm dứt tình trạng “chây ỳ”, “lơ là” và “không kiểm soát được” của người có trách nhiệm trong quá trình đẩy lùi các hành vi kinh doanh đa cấp bất chính.
Ba là, tích cực tuyên truyền, phổ biến về pháp luật trong hoạt động kinh doanh đa cấp tới người dân, đặc biệt những người ở vùng sâu, vùng xa để họ có thể hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các công ty, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Mặt khác, cần phanh phui triệt để các công ty, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính ở Việt Nam để làm trong sạch môi trường kinh doanh đa cấp cũng như làm cho người dân thêm tin tưởng và có nhận thức đúng đắn về loại hình kinh doanh này. Việc tuyên truyền, phổ biến về loại hình kinh doanh này tới người dân là khá quan trọng, bởi hiện nay, gần như đa số người dân đã có cái nhìn không nhiều thiện cảm đối với loại hình kinh doanh này do thực tế có quá nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động bất chính, trục lợi. Những cái nhìn không thiện cảm từ người tiêu dùng là một “con dao sắc nhọn” đâm thẳng vào loại hình kinh doanh này và khiến cho mô hình kinh doanh đa cấp chân chính khó sống sót, tồn tại trong tương lai. Do đó, thay đổi và làm cho nhận thức của người dân trở lên đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.
Bốn là, nhất thiết phải phổ biến, tập huấn cho các công ty, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các công ty, doanh nghiệp đang, sẽ kinh doanh đa cấp chân chính nói riêng về Bộ Quy tắc của Liên đoàn các Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA)[6]. Bộ Quy tắc này bao gồm: Quy tắc ứng xử đối với người tiêu dùng; Quy tắc ứng xử giữa Doanh nghiệp và người tham gia; Quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp. Việc phổ biến, tập huấn Bộ Quy tắc này đến các công ty, các doanh nghiệp là thực sự cấp thiết bởi nó sẽ giải quyết được tình trạng “làm bừa” hoặc “không theo khuôn khổ” của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp. Thêm vào nữa, Bộ Quy tắc này sẽ là chuẩn mực để các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính dựa vào và thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính doanh nghiệp của mình cũng như tăng cường nhiều giá trị từ hoạt động kinh doanh đa cấp cho người tiêu dùng và xã hội.
Năm là, cần đề ra những giới hạn nhất định đối với hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam một cách rõ ràng, những giới hạn đó là “rào cản” tương đối vững chắc buộc các doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp ở Việt Nam phải vượt qua như giới hạn về vốn, nhân sự, tài chính, điều kiện về ngành nghề, giới hạn về chuẩn mực chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm, giới hạn về chỉ tiêu, phân phối… Nếu như các “rào cản” này được đặt ra đồng nghĩa với việc chỉ những doanh nghiệp có đủ tiềm lực mới có khả năng ra đời, tồn tại và phát triển trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, ngược lại, những doanh nghiệp yếu kém, mục đích không rõ ràng sẽ bị đào thải. Việc loại bỏ những doanh nghiệp không có năng lực thực sự trong hoạt động kinh doanh đa cấp là điều tất yếu để xây dựng và thúc đẩy những lợi ích mà loại hình kinh doanh này mang lại cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam trong tương lai.
Sáu là, cho ra đời cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính ở Việt Nam sau khi đã giải quyết triệt để những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính là điều cần thiết. Các cơ quan ban ngành cần có những biện pháp, giải pháp cụ thể để tăng cường sự xuất hiện của loại hình kinh doanh đa cấp chân chính. Việc phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng với giới truyền thông để thúc đẩy sự ra đời và có những biện pháp hỗ trợ trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp là điều cần thiết phải làm. Trong tương lai gần, cần ủng hộ và quan tâm đến các doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động đa cấp hợp pháp bởi nếu như các doanh nghiệp này thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp sẽ dẫn tới những kết quả khả quan cho xã hội và một trong số đó là đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Nguyễn Sỹ Anh