Ngày 17/11/2016, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 đã biểu quyết thông qua Luật Đấu giá tài sản gồm 08 chương, 81 điều với nhiều nội dung quan trọng quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (ĐGTS); đấu giá viên, tổ chức ĐGTS; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS; xử lý vi phạm, hủy kết quả ĐGTS, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về ĐGTS. So với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán ĐGTS, Luật Đấu giá tài sản có những điểm mới đáng chú ý, cụ thể như sau:
Luật Đấu giá tài sản quy định tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua ĐGTS, Điều 4 của Luật đã liệt kê cụ thể các tài sản, bao gồm 15 khoản. Bên cạnh các tài sản phải bán thông qua thủ tục bán đấu giá quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP), Luật Đấu giá tài sản đã quy định bổ sung nhiều loại tài sản phải bán thông qua thủ tục bán đấu giá: Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 4); tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia (điểm g khoản 1 Điều 4); tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (điểm h khoản 1 Điều 4); tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản (điểm i khoản 1 Điều 4); tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (điểm k khoản 1 Điều 4); tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản (điểm l khoản 1 Điều 4); tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (điểm m khoản 1 Điều 4); tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện (điểm n khoản 1 Điều 4); tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (điểm o khoản 1 Điều 4).
Thứ hai, về nguyên tắc đấu giá tài sản (Điều 6) và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9)
Luật Đấu giá tài sản quy định nguyên tắc, ĐGTS phải: Tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức ĐGTS, đấu giá viên; cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do hội đồng ĐGTS thực hiện. So với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản đã quy định cụ thể, rõ ràng về các nguyên tắc của ĐGTS.
Ngoài ra, để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động ĐGTS, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên như quy định tại Điều 13 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản còn bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan (Điều 9 Luật Đấu giá tài sản).
Thứ ba, về tiêu chuẩn của đấu giá viên
Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật Đấu giá tài sản đã quy định các tiêu chuẩn của đấu giá viên khắt khe hơn so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Luật quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 06 tháng (người có ít nhất 03 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 06 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Đồng thời, Luật Đấu giá tài sản cũng đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên mới được miễn đào tạo nghề đấu giá.
Thứ tư, về tổ chức đấu giá tài sản
Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức ĐGTS bao gồm Trung tâm dịch vụ ĐGTS và doanh nghiệp ĐGTS. Trung tâm dịch vụ ĐGTS do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm dịch vụ ĐGTS phải là đấu giá viên. Đối với doanh nghiệp ĐGTS, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp ĐGTS được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp đấu già tài sản được đăng ký hoạt động khi có đủ các điều kiện: (i) Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là giám đốc doanh nghiệp; công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên; (ii) Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động ĐGTS. Doanh nghiệp ĐGTS hoạt động kể từ ngày được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động. Quy định mới của Luật về doanh nghiệp ĐGTS nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS, nâng cao chất lượng dịch vụ ĐGTS trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.
Thứ năm, về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản
Để khắc phục hạn chế, vướng mắc trong các quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản đã tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục ĐGTS chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước, cụ thể như sau:
Một là, việc niêm yết thông tin ĐGTS được công khai rộng rãi, minh bạch; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá (Luật Đấu giá quy định khoản tiền đặt trước do người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức ĐGTS và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức tiền đặt trước ở Nghị định số 17/2010/NĐ-CP tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá); thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng bất hợp pháp hoặc gây thất thoát khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản của người tham gia đấu giá.
Để đảm bảo cuộc đấu giá được khách quan, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia đấu giá để bán được tài sản với giá cao nhất, Luật Đấu giá tài sản quy định, người có tài sản đấu giá, tổ chức ĐGTS không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài các điều kiện mà pháp luật quy định, đồng thời, quy định cụ thể thời gian, nội dung niêm yết việc ĐGTS; những trường hợp không được đăng ký tham gia ĐGTS; việc xử lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá.
Hai là, để minh bạch hóa, công khai hóa hơn nữa quá trình ĐGTS, khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng, dìm giá và tình trạng người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá, ngoài hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu như quy định trước, Luật bổ sung hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu (bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và bỏ phiếu gián tiếp), đấu giá trực tuyến và các hình thức khác. Bên cạnh đó, ngoài phương thức trả giá lên theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật bổ sung phương thức đặt giá xuống nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc sở hữu của mình xử lý tài sản đó một cách nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc bổ sung phương thức đặt giá xuống cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động ĐGTS tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế. Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề ĐGTS đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến, ví dụ như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia…
Ba là, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá, theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức ĐGTS dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.
Bốn là, để khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định những người không được tham gia đấu giá: “... Người làm việc trong tổ chức bán ĐGTS, nơi thực hiện bán ĐGTS đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của người đó…”, điều này dẫn đến hạn chế quyền được mua tài sản của những người quy định trên, nếu họ thực sự có nhu cầu cũng không được đăng ký tham gia ĐGTS. Luật Đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 38 đã quy đinh cụ thể về những người không được đăng ký tham gia đấu giá: “… Người làm việc trong tổ chức ĐGTS thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản…” . Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm quyền con người được quy định tại Hiến pháp.
Năm là, quy định các trường hợp hủy kết quả ĐGTS đảm bảo chặt chẽ, khách quan nhằm hạn chế các hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, dìm giá, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động ĐGTS và quy định của pháp luật về dân sự.
Sáu là, bên cạnh trình tự, thủ tục đấu giá chung, Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung quy định thủ tục đấu giá rút gọn để tạo điều kiện xử lý nhanh, phù hợp với thực tiễn đối với một số trường hợp đặc thù, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc xử lý tài sản như: (i) Tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu mà giá khởi điểm của tất cả tài sản đấu giá trong một cuộc đấu giá dưới 50 triệu đồng; (ii) Đấu giá lại trong trường hợp đã đấu giá lần thứ hai nhưng vẫn không thành; (iii) ĐGTS thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thứ sáu, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Luật Đấu giá tài sản đã thể chế hóa các quy định của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Luật Đấu giá tài sản quy định, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà tổ chức đã mua. Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS với tổ chức ĐGTS để thực hiện ĐGTS hoặc tự thực hiện ĐGTS. Việc ĐGTS phải theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Để đảm bảo việc thực hiện đấu giá của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật, Luật Đấu giá tài sản quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức này trong hoạt động ĐGTS.
Thứ bảy, về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản
Để đảm bảo phù hợp với bản chất của dịch vụ ĐGTS là hoạt động dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường, Luật Đấu giá tài sản quy định thù lao dịch vụ đấu giá thay cho phí dịch vụ ĐGTS quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Theo đó, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS do người có tài sản đấu giá và tổ chức ĐGTS thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ ĐGTS. Tuy nhiên, để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người thế chấp tài sản, người phải thi hành án, đối với việc ĐGTS mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định. Chi phí ĐGTS bao gồm chi phí niêm yết, thông báo công khai, chi phí thực tế hợp lý khác cho việc ĐGTS do người có tài sản đấu giá và tổ chức ĐGTS thỏa thuận.
Ngoài ra, Luật Đấu giá tài sản quy định, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được tổ chức ĐGTS cung cấp dịch vụ khác theo quy định của Luật như làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quản lý tài sản, xác định giá khởi điểm thì phải trả chi phí dịch vụ cho tổ chức ĐGTS theo thỏa thuận giữa các bên.
Thứ tám, quản lý nhà nước về đấu giá tài sản
Luật Đấu giá tài sản quy định, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ĐGTS; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về ĐGTS; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động ĐGTS; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý nhà nước về ĐGTS tại địa phương; giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về ĐGTS tại địa phương. So với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung quy định giao nhiệm vụ mới cho Sở Tư pháp là thực hiện việc đăng ký hoạt động cho các doanh nghiệp ĐGTS, chi nhánh doanh nghiệp ĐGTS.