Bởi lẽ, THADS là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản trong các bản án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh tế, hôn nhân và gia đình..., bảo đảm cho quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Hiến Pháp năm 2013.
1. Những kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Tuyên Quang trong năm 2016
Năm 2016, công tác THADS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS theo Nghị quyết của Quốc hội được tập trung thực hiện; kết quả thực hiện xong về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước, ngày càng thực chất bền vững; tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức của cơ quan THADS được quan tâm kiện toàn và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt và ngày càng đi vào nề nếp; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục đổi mới có hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, với chính quyền địa phương được đẩy mạnh chú trọng hơn... Một số kết quả THADS về việc và về tiền năm 2016:
- Về việc: Đến hết tháng 9/2015, số cũ chuyển sang là 1.288 việc; từ 01/10/2015 đến 30/9/2016, thụ lý mới 4.098 việc, tăng 526 việc (15%) so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, tổng số thụ lý là 5.386 việc, tăng 487 việc (10%) so với cùng kỳ năm 2015, ủy thác thi hành án 44 việc, tổng số phải thi hành 5.342 việc. Kết quả xác minh, phân loại thì có 4.254 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 80%), tăng 495 việc (13%) so với cùng kỳ và 1.088 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 20%). Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 3.910 việc, đạt tỷ lệ 92% (so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao vượt 19%). Số việc chuyển kỳ sau là 1.432 việc, giảm 254 việc, tương ứng với 42% so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành (so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao vượt 35,5%).
- Về tiền: Đến hết tháng 9/2015, số cũ chuyển sang là 51.051.957.000 đồng; từ 01/10/2015 đến 30/9/2016, thụ lý mới 53.027.683.000 đồng, tăng 4.580.078.000 đồng (9%) so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, tổng số tiền thụ lý là 104.079.640.000 đồng, tăng 3.644.288.000 đồng (4%) so với cùng kỳ năm 2015, ủy thác thi hành án 3.670.312.000 đồng, tổng số phải thi hành 100.409.328.000 đồng. Kết quả xác minh, phân loại thì có 74.047.034.000 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 74%), tăng 18.059.643.000 đồng (32%) so với cùng kỳ và 26.362.294.000 đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 26%). Trong số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 21.424.589.000 đồng, đạt tỷ lệ 29% (so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao, còn thiếu 3%). Số tiền chuyển kỳ sau là 78.984.739.000 đồng, tăng 11.066.623.000 đồng, tương ứng 27% so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành (so với chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao giảm 4%).
- Về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước: Số việc thụ lý là 4.712 việc, tương ứng với số tiền 14.553.264.000 đồng (chiếm 87% về việc và 14% về tiền so với tổng số việc, tiền thụ lý), ủy thác thi hành án 29 việc, tương ứng với số tiền 252.186.000 đồng. Kết quả: Đã giải quyết 3.628 việc, tương ứng với số tiền 5.775.001.000 đồng (đạt tỷ lệ 96% về việc và 84% về tiền), giảm 2% về việc, 10% về tiền so với cùng kỳ năm 2015.
- Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Số việc phải giải quyết là 01 việc, tương ứng với số tiền là 8.993.385.000 đồng. Kết quả: Chưa giải quyết xong (đã kê biên, hiện đang tổ chức bán đấu giá - giảm giá lần thứ tư), đạt tỷ lệ 0% về việc và 0% về tiền.
- Về thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam: Tổng số thụ lý là 898 việc, tương ứng với số tiền 6.261.613.000 đồng. Kết quả: Đã giải quyết xong 431 việc, đạt tỷ lệ 48%, tương ứng với số tiền 1.649.293 đồng, đạt tỷ lệ 26%.
- Về kết quả miễn, giảm thi hành án: Trong năm 2016, các cơ quan THADS đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm đối với 127 việc với số tiền 794.695.000 đồng (tăng 08 việc, tương ứng với số tiền 118.283.000 đồng so với cùng kỳ năm 2015). Kết quả, đã xét miễn, giảm thi hành án đối với 127 việc, với số tiền 794.695.000 đồng (trong đó: miễn 122 việc, tương đương với số tiền 561.841.000 đồng; giảm 05 việc, tương ứng với số tiền 232.854.000 đồng).
- Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án: Năm 2016, các cơ quan THADS tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 56 việc (tăng 14 việc so với cùng kỳ năm 2015), có 7 việc đương sự tự nguyện thi hành án nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 49 việc. Trong 56 việc ra quyết định cưỡng chế có: 27 việc cưỡng chế không huy động lực lượng, 29 việc cưỡng chế huy động lực lượng. Trong 49 việc phải tổ chức cưỡng chế có: 44 việc cưỡng chế thành công, 05 việc chưa tổ chức cưỡng chế do chưa đến ngày cưỡng chế.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, công tác THADS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, lượng việc, tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết xong còn nhiều, chưa đạt tỷ lệ thi hành xong về tiền trên số có điều kiện và tỷ lệ giảm tiền có điều kiện chuyển kỳ sau theo chỉ tiêu được giao. Cụ thể: Nhiều vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành dứt điểm (344 việc, tương ứng với số tiền 52.622.445.000 đồng). Không đạt chỉ tiêu tỷ lệ thi hành xong về tiền (còn thiếu 3% so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao) và chỉ tiêu giảm số tiền chuyển kỳ sau trên số có điều kiện thi hành (tăng 11.066.623.000 đồng, tương ứng 27% so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao); một số án vẫn còn tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân phải thi hành án còn thấp; việc rà soát phân loại án chưa kịp thời; công tác xác minh để có biện pháp phân loại án còn chậm; lãnh đạo một số đơn vị chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, một số chấp hành viên có năng lực hạn chế, lúng túng trong quá trình tổ chức thi hành án, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết việc thi hành án; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan thi hành án trên địa bàn tỉnh nói chung còn thiếu; một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác THADS, coi đây chỉ là trách nhiệm của cơ quan THADS; sự phối hợp của cơ quan THADS với chính quyền các cấp, các ngành chức năng có liên quan, các tổ chức đoàn thể còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Số việc, số tiền thụ lý mới của toàn tỉnh tăng so với năm 2015 (tăng 526 việc (15%), 4.580.078.000 đồng (9%)). Số tiền thụ lý mới trong các vụ việc tranh chấp dân sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… tăng cao so với cùng kỳ (tổng số thụ lý mới là 47.252.530.000 đồng, tăng 4.779.425.000 đồng); một số vụ việc có số tiền phải thi hành rất lớn, đương sự chỉ có tài sản duy nhất là nhà đất có giá trị nhỏ so với số tiền phải thi hành; có vụ việc số tiền phải thi hành lớn, cơ quan thi hành án đã kê biên tài sản (nhà, quyền sử dụng đất), song chưa bán được tài sản (mặc dù đã giảm giá nhiều lần - có việc giảm giá đến 10 lần), nên không giải quyết được vụ việc. Một số vụ việc phải dừng việc thi hành án để chờ Tòa án xử lý việc phân chia tài sản chung, tài sản thừa kế hoặc hoãn thi hành án để Tòa án giải quyết một vụ án hình sự khác; Số việc phải thi hành án cho ngân sách nhà nước như các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung quỹ nhà nước chiếm số lượng lớn, nhiều người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập, đang chấp hành án phạt tù hoặc khi mãn hạn tù không về địa phương nên không thể đôn đốc thi hành án, bên cạnh đó, quy định của pháp luật về điều kiện được xét miễn, giảm thi hành án vẫn còn khó thực hiện; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, một số ít chấp hành viên năng lực hạn chế nên hiệu quả công tác chưa cao.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới
Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo đó cần tập trung vào một số nội dung sau:
(i) Lãnh đạo các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh cần phân công nhiệm vụ hợp lý, đúng chức năng, nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ban hành quyết định thi hành án để phân công cán bộ tiếp nhận bản án, cán bộ ra quyết định có trình độ về pháp luật, có kinh nghiệm và biết cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan đến việc ban hành quyết định thi hành án; phân công cán bộ phụ trách tiếp nhận các kết luận, kháng nghị, kiến nghị và theo dõi việc khắc phục để thường xuyên báo cáo lãnh đạo.
(ii) Chấp hành viên phải dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành (không chỉ văn bản pháp luật về THADS mà còn phải chú ý nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên áp dụng như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành). Thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: Xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác THADS.
(iii) Tăng cường công tác rà soát, phân loại án. Công tác rà soát, phân loại án có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm việc THADS. Chính vì vậy, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên làm tốt công tác rà soát, phân loại án để có biện pháp thi hành đạt hiệu quả và đánh giá đúng thực trạng về công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh. Khi tiến hành công tác rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án cần lưu ý một số nội dung sau: Phải rà soát, sàng lọc án bằng hình thức phân loại theo mức độ và tính chất phức tạp để tính toán các biện pháp, tập trung sự chỉ đạo, tổ chức thi hành án cho từng loại. Từ kết quả sàng lọc để có phương án tối ưu và kịp thời thi hành dứt điểm vụ việc khi đối tượng phát sinh điều kiện thi hành; sắp xếp theo thứ tự cũ - mới, khó - dễ… để chỉ đạo đôn đốc hay thiết lập hồ sơ cưỡng chế. Việc sắp xếp, phân loại án khoa học sẽ không để lọt, không quên, không sót việc; sắp xếp không được chồng chéo để luôn đáp ứng khi có yêu cầu phát sinh, kể cả phục vụ công tác phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình thi hành công vụ; chủ động ra quân tổ chức các đợt thi hành án. Tổ chức các biện pháp phối hợp, huy động mọi lực lượng cùng tham gia thi hành án; lấy phương châm “giáo dục thuyết phục là chính” nhưng cũng sẵn sàng tổ chức đi cưỡng chế ngay tức khắc khi thấy cần thiết.
(iv) Tập trung khắc phục án tồn đọng. Khắc phục án tồn đọng là một trong những khó khăn trong công tác THADS. Để khắc phục được án tồn đọng, trước hết các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần xác định rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có thể đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp.
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới
Hiện nay, công tác THADS của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng đang ngày càng khó khăn, số lượng các vụ việc tăng nhanh theo từng năm, tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc sau cao hơn vụ việc trước, do vậy đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, năng lực chấp hành viên là yêu cầu tất yếu, khách quan, cụ thể: (i) Nâng cao năng lực cho chấp hành viên bằng cách phải chuẩn hóa đội ngũ chấp hành viên; (ii) Nâng cao kỹ năng phối hợp trong công tác với các tổ chức, cá nhân có liên quan; (iii) Thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức Ngành Tư pháp cho cán bộ, công chức thi hành án dân sự; (iv) Thực hiện tốt công tác phân loại, đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan THADS.
Thứ ba, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức, triển khai công tác thi hành án dân sự
Để nâng cao chất lượng công tác THADS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan THADS với các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, các cơ quan THADS cần tiếp tục thực hiện tốt các quy chế phối hợp đã và đang thực hiện, đồng thời chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan khác.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh
Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc nâng cao chất lượng công tác THADS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần tập trung thực hiện việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy cơ sở đối với công tác THADS. Trong đó, Tỉnh ủy cần định hướng và chỉ đạo đúng về mục tiêu, phương hướng hoạt động trước mắt và lâu dài của công tác THADS, hướng vào việc thực hiện hiệu quả các bản án dân sự, giải quyết dứt điểm các bản án tồn đọng, giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân góp phần xây dựng cấp ủy Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý của các cấp chính quyền và sự chỉ đạo, kiểm tra của Cục Thi hành án dân sự tỉnh với các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh
- Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhà công vụ, bố trí mặt bằng cho các cơ quan THADS sớm xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng đảm bảo điều kiện cần thiết phục vụ cho yêu cầu công tác. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ về kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và các cơ quan THADS trong công tác nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS.
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra bảo đảm chất lượng, hiệu quả; tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện những sai sót từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý; qua công tác kiểm tra, có biện pháp bồi dưỡng, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan THADS tỉnh Tuyên Quang cần triển khai thực hiện có hiệu quả chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sự đồng thuận của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chế định này theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang