Abstract: A typical example of Collective Economy, known as Co-operative, plays a decisive role in the economy of Vietnam. The Co-operative Law in 2012 was promulgated in place of the Co-operative Law in 2003, which helped in the completion of the legal corridor and the development of this pattern in Vietnam. With a view to contributing personal views on the development of the Co-operative, the author has proposed some solutions to improve the effectiveness when implementing the Cooperative Law in 2012 on the basis of pointing out the development of Co-operative in Vietnam at present.
1. Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể và vai trò của hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế tập thể
1.1. Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trong số các thành phần kinh tế, kinh tế tập thể có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã chỉ rõ mục tiêu phát triển kinh tế tập thể: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó, hợp tác xã là nòng cốt”,“kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Sau hơn 10 năm, tại phiên họp ngày 20/12/2012, sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận số 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1.2. Vai trò của hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế tập thể
Theo quan điểm được nêu trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế tập thể bao gồm các loại hình kinh tế đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã và các liên hiệp hợp tác xã; trong số đó, hợp tác xã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định tới sự phát triển của thành phần kinh tế này. Theo đó, phát triển hợp tác xã, bộ phận nòng cốt của kinh tế tập thể, để kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Nhấn mạnh vị trí và vai trò của loại hình hợp tác xã, trong quá trình xây dựng đường lối phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo cáo Nghị quyết Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: “Cần sớm có chính sách, cơ chế cụ thể, khuyến khích phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Chú trọng việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cổ phần”. Mới đây, trong Báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới đã nêu rõ: “Kinh tế tập thể hiện nay rất yếu (chỉ chiếm 5 - 6% GDP). Vậy đến bao giờ nó mới cùng kinh tế Nhà nước đóng vai trò nền tảng. Cần có tư duy mới về kinh tế tập thể, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã”. Như vậy, một lần nữa, Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị trí then chốt và vai trò đặc biệt quan trọng của mô hình kinh tế hợp tác xã trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tập thể của đất nước.
Quán triệt quan điểm đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng từ trước đến nay về tập trung phát triển mô hình hợp tác xã để thông qua đó thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta đã xây dựng rất nhiều chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các hợp tác xã trên thực tế, trong đó không thể không kể đến việc ban hành và hoàn thiện Luật Hợp tác xã - cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Năm 1996, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã, trong đó quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động của hợp tác xã kiểu mới và nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho mô hình kinh tế này. Năm 2003, sau bảy năm thực hiện, Quốc hội sửa đổi Luật lần thứ nhất nhằm chuyển đổi hợp tác xã theo hướng hoạt động hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn và đưa ra nhiều ưu đãi dành riêng cho các hợp tác xã về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thông tin và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, ngay khi Luật Hợp tác xã năm 2003 đi vào thực hiện, việc xác định “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” đã tạo ra sự không rõ ràng về bản chất và không phù hợp với thực tiễn ra đời và phát triển của mô hình hợp tác xã trên thế giới. Sự bất cập này đã gây ra sự khó khăn cho bộ máy quản lý hợp tác xã, khiến cho các cơ quan hoạch định chính sách lấn cấn với các cơ chế chính sách dành cho mô hình kinh tế này. Do đó, chỉ sau một năm Luật Hợp tác xã năm 2003 có hiệu lực, công tác nghiên cứu sửa đổi Luật đã được tiến hành. Sau hơn bảy năm chuẩn bị, xây dựng và hoàn tất Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi, đến ngày 20/11/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã sửa đổi, thay thế cho Luật Hợp tác xã năm 2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện sự thay đổi căn bản về nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về bản chất và vai trò của hợp tác xã, phù hợp với sự phát triển hợp tác xã của thế giới. Hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 là hợp tác xã kiểu mới, hoàn toàn khác các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2003.
Có thể nói, với sự ra đời của Luật Hợp tác xã năm 2012, mô hình hợp tác xã có nhiều cơ hội phát triển, mang lại những lợi ích thiết thực cho các thành viên, qua đó góp phần thực hiện thành công sứ mệnh phát triển thành phần kinh tế tập thể trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, ngay từ khi được ban hành, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 thông qua việc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và tổ chức thực hiện các quy định của Luật nhằm xây dựng các hợp tác xã kiểu mới phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kể từ thời điểm Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành tính đến nay đã được hơn ba năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, về cơ bản các hợp tác xã đã có sự gia tăng nhất định về số lượng và chất lượng hoạt động. Phần lớn các hợp tác xã duy trì được hoạt động ổn định và tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho các thành viên. Không chỉ thế, nhiều hợp tác xã đã mở rộng được sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả,… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập liên quan đến quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã theo quy định tại Điều 62, năng lực hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể tham gia vào quá trình quản lý, điều hành, hỗ trợ hợp tác xã và chính bản thân các hợp tác xã,… Những hạn chế, bất cập đó đã khiến cho quá trình triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa thực sự đạt hiệu quả tốt, qua đó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tập thể.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần thiết phải đưa ra được các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
2. Kiến nghị nâng cao hiệu quả triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012
Trước đây, theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003, hoạt động của hợp tác xã không theo đúng bản chất đích thực của hợp tác xã mà là sự trộn lẫn hình ảnh của các hợp tác xã kiểu cũ, doanh nghiệp, thậm chí là mô hình tổ chức từ thiện. Xã viên không độc lập mà phụ thuộc, ỷ lại vào hợp tác xã, còn hợp tác xã lại can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của xã viên, khiến cho cung cách làm việc “đè nén, nuốt trôi cá thể” của mô hình hợp tác cũ không thể xóa bỏ. Đến khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, hoạt động của hợp tác xã hướng đến việc đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Mục tiêu của hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cần thiết. Với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng mua (sử dụng) dịch vụ của hợp tác xã; sản phẩm của hợp tác xã chính là các dịch vụ mà hợp tác xã cung ứng cho thành viên chứ không phải là các sản phẩm do bản thân các thành viên tạo ra và sẽ bán ra thị trường. Các thành viên của hợp tác xã vẫn tự mình tiếp tục thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ góp vốn vào hợp tác xã để hợp tác xã có thể hoạt động, cung cấp dịch vụ lo đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho họ. Như vậy, hợp tác xã không còn làm thay cho các thành viên mà hoạt động của hợp tác xã mang tính hỗ trợ cho các thành viên của mình, trong khi bản thân các thành viên vẫn là những chủ thể sản xuất độc lập. Có thể nói, quy định về bản chất của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là phù hợp với quy luật phát triển hợp tác xã trên thế giới trong hơn 150 năm qua.
Xuất phát từ những lợi ích và sự phù hợp của mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với mô hình hợp tác xã trên thế giới, ngay từ thời điểm ban hành, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu cũ; hay tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nhằm nhân rộng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Vấn đề này cũng đã được đề cập tại Điều 62 Luật Hợp tác xã năm 2012, theo đó, “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, sau hơn hai năm, kể từ thời điểm có hiệu lực, tính đến ngày 19/5/2015, với tổng số 19.000 hợp tác xã, hiện cả nước mới có 2.500 hợp tác xã chuyển đổi xong, đạt khoảng 13%. Trong các năm tiếp theo, tiến độ chuyển đổi sang mô hình mới của các hợp tác xã ở một số địa phương tuy có sự chuyển biến nhưng về cơ bản vẫn diễn ra rất chậm và trên thực tế đã không thể hoàn thành về mặt tiến độ chuyển đổi các hợp tác xã theo quy định của Luật đề ra (tháng 7/2016).
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, thiết nghĩ việc quan trọng cần làm hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã và các hợp tác xã cần tiếp tục tập trung rà soát, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch nhằm hoàn tất quá trình tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nhằm chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Việc nhân rộng và phát triển mô hình này có thể nói là khâu then chốt trong việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc nói trên có thể tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:
2.1. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành nhằm đổi mới nhận thức của các cán bộ quản lý và của các hợp tác xã về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác xã nói riêng, đặc biệt là nâng cao nhận thức về lợi ích của mô hình hợp tác xã kiểu mới
Việc chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã diễn ra chậm chạp, các cán bộ quản lý, các hợp tác xã và các xã viên, người dân không mặn mà, không tích cực trong quá trình xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong thời gian vừa qua có một phần nguyên nhân rất lớn xuất phát từ sự yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mà cụ thể ở đây là Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng các văn bản hướng dẫn thi hành, các chính sách của cơ quan nhà nước về phát triển kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác xã nói riêng. Trong khi đó, để pháp luật có thể thực sự đi vào cuộc sống, người dân hiểu và thực hiện theo pháp luật thì đây lại là khâu đặc biệt quan trọng. Theo đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm giúp cho hoạt động này mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, cần phải thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Các Bộ, ngành và các cơ quan, các tổ chức đoàn thể có liên quan được giao nhiệm vụ triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 cần quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật chuyên nghiệp. Đó là những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ về pháp luật, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, có hiểu biết nhất định về hợp tác xã; có khả năng tuyên truyền, giáo dục và có lòng nhiệt tình, say mê với công việc. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về hợp tác xã và Luật Hợp tác xã; định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã cho đội ngũ làm công tác này. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì triển khai Luật Hợp tác xã cần nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu chuẩn phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 và triển khai bộ tài liệu này đến các cơ quan đầu mối quản lý, điều hành hợp tác xã ở các địa phương trên cả nước.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã. Hiện nay, quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, Luật Hợp tác xã năm 2012 nói riêng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản, nhắc lại các quy định pháp luật một cách máy móc mà không chỉ ra được phương thức và cách thức áp dụng những quy định pháp luật đó vào thực tế. Điều này làm cho quá trình tuyên truyền pháp luật mang tính thuần túy lý thuyết, không đạt được hiệu quả cao trong ứng dụng vào cuộc sống. Không chỉ thế, thực tiễn phát triển hợp tác xã ở từng địa phương lại mang những đặc trưng khác nhau, đòi hỏi việc áp dụng pháp luật cũng cần linh hoạt chứ không đơn thuần chỉ là áp dụng nguyên quy định pháp luật. Chính vì vậy, quá trình tuyên truyền, phổ biến Luật không chỉ cần đảm bảo đáp ứng đúng tinh thần Luật định mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra ở từng địa phương để một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, mặt khác còn giúp cho họ có khả năng vận dụng sáng tạo quy định pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Để làm được điều này, trên cơ sở nội dung phổ biến pháp luật đã được cung cấp, các báo cáo viên cần biên soạn lại sao cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức của người dân ở từng địa phương. Ngoài ra, định kỳ cần tiến hành sơ kết, đánh giá để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp phổ biến pháp luật, không chỉ thông qua các buổi lên lớp mà còn bằng các hình thức khác như tổ chức tọa đàm, buổi nói chuyện, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Hợp tác xã… Đặc biệt, cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng để giúp cho Luật đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.
2.2. Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý, điều hành và hỗ trợ cho hoạt động của hợp tác xã
Trước hết, không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan nhà nước, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đoàn thể trong việc triển Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vai trò của các chủ thể nói trên chưa thực sự phát huy hiệu quả xuất phát từ năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cán bộ quản lý hợp tác xã còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đoàn thể chưa thực sự rõ nét… Chính vì vậy, để góp phần triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, cần thiết phải có giải pháp để nâng cao vai trò và năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đoàn thể, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức, trình độ năng lực cho các cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hợp tác xã. Ở đây, việc củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan nhà nước và các cán bộ quản lý hợp tác xã có thể thông qua các biện pháp: (i) Định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, các buổi nói chuyện chuyên đề cơ bản và chuyên sâu về Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chính sách pháp luật của Nhà nước để các cán bộ quản lý hợp tác xã nhận thức, hiểu đúng về tầm quan trọng của kinh tế hợp tác xã, về mô hình hợp tác xã kiểu mới và các quy định pháp luật, tránh tình trạng hiểu sai hay hiểu không thống nhấ; (ii) Tổ chức các khóa tập huấn về áp dụng Luật Hợp tác xã năm 2012 vào xử lý các tình huống điển hình phát sinh trong thực tiễn để thông qua đó các cán bộ hợp tác xã có thể áp dụng vào việc xử lý công việc. Để triển khai hiệu quả những nhiệm vụ này, các địa phương nên có kế hoạch bố trí và hỗ trợ hợp lý kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên phục vụ cho việc đào tạo; (iii) Bên cạnh việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ hiện tại, các địa phương cần rà soát lại bộ máy, cán bộ quản lý cũ để có phương án xây dựng, thay thế bộ máy, cán bộ quản lý mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc đặt ra; (iv) Tăng cường kiểm tra, thanh tra sát sao công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hợp tác xã, đảm bảo đó là những người có phẩm chất, có hiểu biết về pháp luật, về kinh tế, về hợp tác xã.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng bộ máy chuyên trách về quản lý hợp tác xã, thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương. Mặc dù, hiện nay, đã có Vụ Hợp tác xã trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp trung ương thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về quản lý hợp tác xã nhưng ở các địa phương, công tác quản lý thành phần kinh tế này vẫn chủ yếu được giao cho các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện hoạt động kiêm nhiệm trong việc quản lý chung cả doanh nghiệp và hợp tác xã. Bất cập này khiến cho quá trình quản lý hợp tác xã của Vụ Hợp tác xã không được triển khai đồng bộ, thống nhất. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cấp huyện vừa thiếu lại vừa yếu, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã không đầy đủ nên chưa đủ khả năng để đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ quản lý. Thiết nghĩ, tuy kinh tế hợp tác xã không phải là mô hình tổ chức kinh doanh chính, đóng góp của kinh tế hợp tác xã vào sự phát triển kinh tế của đất nước không cao nhưng nước ta hiện vẫn đang là một nước lấy nông nghiệp làm gốc, chủ yếu người dân sống bằng nông nghiệp thì hợp tác xã vẫn là mô hình kinh doanh quan trọng mang lại thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, quan tâm đến hoạt động quản lý hợp tác xã là một việc làm cần thiết để đảm bảo định hướng đúng đắn cho loại hình tổ chức kinh doanh này phát triển theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn thế nữa, mặc dù Nhà nước vẫn luôn chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các mô hình kinh doanh, thành phần kinh tế, không có sự phân biệt giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, song xét về bản chất, hợp tác xã vẫn có những nét khác biệt so với doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng một bộ máy chuyên trách về quản lý hợp tác xã giúp cho quá trình quản lý hợp tác xã được đồng bộ, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Khi xây dựng bộ máy chuyên trách này, cần quan tâm tuyển chọn những người có đủ trình độ và năng lực đủ sức nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp, có phương án xử lý để giúp hợp tác xã về thông tin, định hướng sản xuất, thị trường tiêu thụ; nắm bắt kịp thời tình hình hợp tác xã để tham mưu cho Chính phủ, cho lãnh đạo có chủ trương, chính sách phù hợp giúp hợp tác xã phát triển.
Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng bộ máy chuyên trách về quản lý hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cần chủ động hướng dẫn Liên minh Hợp tác xã các địa phương tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, trong đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã địa phương làm Phó ban thường trực. Đây là mô hình trên thực tế đã được xây dựng ở một số địa phương với nhiều lợi ích mang lại nhưng lại chưa được triển khai, nhân rộng. Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố quan tâm phát triển hợp tác xã phù hợp với điều kiện địa phương, trong đó có việc tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong công tác chuyển tiếp, tổ chức lại hợp tác xã.
Thứ ba, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Hiện nay, mặc dù được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật chung là Luật Hợp tác xã năm 2012 nhưng hoạt động của các hợp tác xã không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn phát triển trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, giao thông vận tải, tín dụng… Trong khi đó, mỗi bộ, ngành quản lý lại có cách thức tổ chức triển khai khác nhau dẫn đến việc triển khai Luật không được tổ chức thành hệ thống, không đảm bảo sự nhất quán. Không chỉ thế, mặc dù các cơ quan trung ương đã quan tâm đến việc xây dựng, ban hành các văn bản, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (như Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, Công văn số 4671/BNN-KTHT ngày 15/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã,…) nhưng việc ban hành các hướng dẫn cụ thể cho những văn bản chính sách nói trên vẫn còn chậm, trong khi các địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hướng dẫn của cấp trên nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc xây dựng chủ trương, chính sách cũng như kế hoạch chuyển đổi hay xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, giữa các cơ quan quản lý hợp tác xã các cấp cần quan tâm xây dựng chương trình, cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động trong việc ban hành các văn bản, chính sách nhằm tạo sự thống nhất giữa các địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ở trung ương cũng cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng phương án chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã trên cơ sở cụ thể hóa quy định pháp luật, sau đó phổ biến cho các địa phương để các địa phương chủ động triển khai phù hợp với thực tiễn hoạt động của hợp tác xã ở địa phương mình.
Ngoài việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý hợp tác xã, cần quan tâm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hợp tác xã với Liên minh Hợp tác xã các cấp và các tổ chức đoàn thể để thông qua đó đảm bảo việc xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ, kế hoạch chuyển đổi, tổ chức lại phù hợp hơn và tiếp cận tốt hơn với các hợp tác xã trên thực tế.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã các cấp cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc hỗ trợ, định hướng phát triển cho hợp tác xã, tham mưu cho các cơ quan quản lý hợp tác xã trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã, thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan nhà nước với hợp tác xã và là tổ chức đại diện cho ý chí, quyền lợi, nguyện vọng của các hợp tác xã.
2.3. Nâng cao năng lực hoạt động của chính các hợp tác xã
Để triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, việc nâng cao năng lực hoạt động cho chính các hợp tác xã được coi là vấn đề cần thiết và quan trọng không kém.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý hợp tác xã ở từng địa phương cần tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của hợp tác xã ở địa phương mình, theo đó, cần kiên quyết cho giải thể hoặc chấm dứt hoạt động đối với những hợp tác xã hoạt động yếu kém, không còn cơ hội phục hồi, hay hoạt động cầm chừng chỉ để nhận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, không có hoạt động tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ thành viên, hoặc những hợp tác xã hoạt động không theo đúng bản chất đích thực của hợp tác xã, doanh nghiệp trá hình, đội lốt hợp tác xã,… Sau khi loại bỏ những hợp tác xã nói trên thì các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể phát triển các hợp tác xã khác một cách tập trung, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao nhất. Có như vậy thì bức tranh tổng thể về hợp tác xã ở các địa phương mới được cải thiện.
Thứ hai, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh cần phối hợp với các cơ quan quản lý hợp tác xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên làm công tác quản lý điều hành hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản trị hợp tác xã; xây dựng kế hoạch chuyển đổi và xuống cơ sở để trực tiếp hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức hội nghị tổ chức lại. Bên cạnh đó, thay vì đợi các hợp tác xã tự chủ động trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thì Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan quản lý cũng cần học hỏi, nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng mô hình hợp tác xã ở địa phương mình, sau đó hướng dẫn và hỗ trợ cho các hợp tác xã trong việc phát triển các loại hình dịch vụ đó để cung cấp cho thành viên. Trong quá trình nghiên cứu phát triển các loại hình dịch vụ cho hợp tác xã cần quán triệt nguyên tắc cốt lõi trong phát triển hợp tác xã nói chung, đó là: Cái gì hợp tác xã làm có lợi hơn là xã viên tự làm, hoặc cái gì xã viên không thể làm được thì hợp tác xã làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên hiệu quả cao hơn. Bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp. Như vậy, các hợp tác xã vừa phát triển được các dịch vụ cung cấp cho thành viên, vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các thành viên và chính bản thân các hợp tác xã đó.
Thứ ba, có một thực tế hiện nay là phần lớn các hợp tác xã ở nước ta mới chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho thành viên mà chưa thực sự quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra, trong khi việc đảm bảo đầu ra cho người nông dân lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã cũng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể có liên quan nhằm đảm bảo cho các hợp tác xã có thể trở thành một khâu trung gian uy tín để tiêu thụ được các sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Làm được điều này sẽ giúp cho quá trình sản xuất nông nghiệp ở nước ta được xuyên suốt, thống nhất và đảm bảo chất lượng, các thành viên sẽ yên tâm, tin tưởng và đóng góp nhiều công sức hơn cho các hợp tác xã. Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên, có một giải pháp mà hiệu quả của nó đã được chứng minh trong thực tế, đó là các cơ quan nhà nước, Liên minh Hợp tác xã và các hợp tác xã cần quan tâm xây dựng chuỗi liên kết giữa các hộ tiểu chủ, hộ sản xuất cá thể với hợp tác xã và với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ của các thành viên hợp tác xã. Việc xây dựng chuỗi liên kết này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ song song với phát triển kinh tế hợp tác xã, đảm bảo cho các thành viên hợp tác xã vẫn được chủ động trong việc thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả về sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra từ phía hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong khi đó, hoạt động của các hợp tác xã đảm bảo đúng bản chất là tổ chức hỗ trợ cho thành viên chứ không làm thay thành viên của mình, còn doanh nghiệp đảm bảo được chất lượng và số lượng sản phẩm ổn định cung cấp ra thị trường. Làm được điều này sẽ khắc phục được điệp khúc được mùa rớt giá vẫn xảy ra ở nước ta những năm vừa qua hoặc khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả của người nông dân trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Thứ tư, hỗ trợ nguồn vốn cho hợp tác xã hoạt động. Để hoạt động hiệu quả thì vốn là yếu tố đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cho thấy, hiện nay, nhiều hợp tác xã có định hướng phát triển, đã xây dựng được phương án chuyển đổi nhưng khi triển khai lại gặp vướng mắc do thiếu kinh phí. Hiện nay, để xây dựng kinh phí hoạt động thì các hợp tác xã có thể huy động nguồn vốn góp từ các thành viên hay vay vốn của các Ngân hàng hoặc Quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, với đa số thành viên là người nông dân như hiện nay thì việc huy động vốn góp từ phía các thành viên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển của hợp tác xã, còn lại muốn mở rộng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, điều hành hoạt động quản lý điều hành trong hợp tác xã thì số vốn huy động từ phía các thành viên chắc chắn không đáp ứng được. Trong khi đó, việc vay vốn từ phía các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng vẫn yêu cầu những cơ chế, thủ tục ngặt nghèo, gây khó khăn cho người nông dân và hợp tác xã. Thậm chí ở một số địa phương như Đà Lạt, ngân hàng cứ nghe nói đến hợp tác xã là “lắc đầu”… Chính vì vậy, để đáp ứng nguồn vốn cho các hợp tác xã trong thời điểm cần gấp rút hoàn tất chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã hiện nay đòi hỏi các địa phương cần xây dựng phương án hỗ trợ nguồn vốn hiệu quả, dễ dàng hơn cho các hợp tác xã. Về vấn đề này, hiện nay ở một số địa phương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã xây dựng đề án, tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý cho việc thành lập Quỹ này (Quyết định 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã) nhưng trên thực tế lại chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương. Đây được xem như là một giải pháp “cứu cánh” để giải quyết khó khăn về vốn cho khu vực kinh tế tập thể, giúp đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Các hợp tác xã có thêm điều kiện để đầu tư vào những dự án mang tính đột phá hướng về nông nghiệp, nông thôn, áp dụng những tiến bộ và chuyển giao công nghệ phù hợp. Mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã thực sự là mô hình hỗ trợ vốn hoạt động cho hợp tác xã có triển vọng và cần nhân rộng mô hình này một cách đồng bộ tại các địa phương trong thời gian sắp tới.
Trường Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1.http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/25831102-hop-tac-xa-kieu-moi-giai-phap-dot-pha-phat-trien-nong-nghiep-viet-nam-tiep-theo-va-het.html
2.http://baodautu.vn/day-manh-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi-d26978.html
3.http://www.htxdnqn.vn/newsdetail.aspx?catid=242&newsid=21424&langid=vn
4.http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/231733/kien-nghi-mo-hinh-htx-kieu-moi-len-bo-chinh-tri.html
5.http://www.htxdnqn.vn/newsdetail.aspx?catid=242&newsid=21424&langid=vn
6.http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/26616602-phat-trien-htx-nong-nghiep-kieu-moi-khau-dot-pha-de-tai-co-cau-nong-nghiep-va-nang-cao-thu-nhap-ben-vung-cho-nguoi-nong-dan-tiep-theo-va-het.html