Sau gần 10 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11), công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả thiết thực, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trong đó phải kể đến hoạt động trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
Từ năm 2007 đến năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng 549 vụ việc, riêng năm 2016, Trung tâm đã thực hiện 83 vụ việc (tăng 48 vụ việc so với năm 2015), năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện 136 vụ việc (tăng 47 vụ việc so với năm 2016) và từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, số vụ việc tăng lên rõ rệt, chỉ trong quý I/2018, Trung tâm đã thực hiện 71 vụ việc (tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Chất lượng tham gia trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, số vụ việc Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia không chỉ trong các vụ án hình sự mà còn cả các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình.
Qua đánh giá chất lượng, đa số các vụ việc do trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên thực hiện đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm được quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có sự đầu tư nghiên cứu hồ sơ cẩn thận, thực hiện thu thập thông tin, cung cấp các chứng cứ có giá trị về mặt pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo quy định của pháp luật; có sự chuẩn bị bản luận cứ, quá trình trình bày quan điểm chặt chẽ, có căn cứ làm cơ sở pháp lý mang tính thuyết phục, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia đã được Hội đồng xét xử chấp nhận, xem xét giảm án, chuyển khung hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, đồng thời sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên đã giúp cho người được trợ giúp pháp lý yên tâm hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và giúp đỡ họ về mặt pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như:
Thứ nhất, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự chủ động, sát sao, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trợ giúp pháp lý nên tỷ lệ vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tuy đã có xu hướng tăng dần về số lượng nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý và đưa ra xét xử hàng năm. Theo thống kê từ năm 2007 đến năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thụ lý và giải quyết 8.627 vụ việc, trong đó chỉ có 549 vụ việc được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng chiếm 6,3% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng của người dân còn hạn chế, số lượng người có nhu cầu trợ giúp pháp lý ở các lĩnh vực pháp luật rất lớn nhưng khả năng tiếp cận với tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý chưa nhiều. Một phần do điều kiện đi lại của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, một phần do một số người dân chưa chủ động đến với trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật.
Thứ ba, nhận thức của các cơ quan ở một số địa phương chưa thống nhất, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các ngành, các cấp ở một số đơn vị chưa thực sự chủ động, sát sao dẫn đến hoạt động của công tác này chưa đạt được hiệu quả cao. Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý của một số cơ quan tiến hành tố tụng do công tác kiêm nhiệm nên cũng chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý, do đó, chưa thường xuyên chỉ đạo, quán triệt đến việc các cán bộ của cơ quan có nghiêm túc thực hiện Thông tư liên tịch số 11.
Thứ tư, vị trí của những người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ; tâm lý e ngại, sợ lộ bí mật các thông tin của vụ án sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án vẫn còn tồn tại. Tại các cơ quan tiến hành tố tụng, một số người tiến hành tố tụng giải thích chưa đầy đủ và rõ ràng về quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, chưa làm cho họ hiểu rằng việc trợ giúp này là hoàn toàn miễn phí dẫn đến việc họ từ chối được trợ giúp vì cho rằng không có điều kiện kinh tế để “mời” luật sư…
Thứ năm, về nguồn lực tham gia công tác trợ giúp pháp lý, lực lượng trợ giúp pháp lý nhìn chung còn mỏng, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sự phối hợp còn chưa thường xuyên; một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, có địa phương, đơn vị xem đây chỉ là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp, do vậy chưa có sự quan tâm đúng mức; một số người tiến hành tố tụng còn chưa hiểu đầy đủ các quy định tại Thông tư liên tịch số 11; một số thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành chưa thể hiện rõ vai trò trong việc chủ động, kịp thời tham mưu để chỉ đạo ngành mình thực hiện và chưa chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; việc theo dõi, thống kê số liệu đối tượng, vụ việc được trợ giúp pháp lý còn chưa được chú trọng. Công tác phối hợp giới thiệu các vụ việc cho tổ chức trợ giúp pháp lý còn chưa được thường xuyên; nhiều người dân còn chưa biết đến tổ chức trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật, vì vậy, số lượng vụ việc được trợ giúp pháp lý còn thấp so với số lượng vụ việc được thụ lý giải quyết tại các cơ quan tiến hành tố tụng; kinh nghiệm của trợ giúp viên pháp lý chưa nhiều, phần lớn là vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm cho bản thân.
Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý đang thực hiện chuyển hướng chiến lược, phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp hóa, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý phải tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường theo tinh thần Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Bên cạnh đó, tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đồng thời, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với nhiều quy định mới liên quan tới việc tham gia tố tụng và phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trung tâm khi người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu; quy định về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Phạm vi, đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được mở rộng (tăng từ 06 lên tới 14 nhóm đối tượng), nên nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng và đa dạng trong mọi lĩnh vực pháp luật, nhiệm vụ đổi mới công tác trợ giúp pháp lý đòi hỏi tính chuyên nghiệp, phối hợp tốt để triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ mới trong công tác trợ giúp pháp lý. Vì vậy, để hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tiếp tục phát huy có hiệu quả cần phải có những giải pháp sau:
Thứ nhất, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần chú trọng phát hiện và giới thiệu đối tượng được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý có trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng khi có yêu cầu, cơ chế phản hồi thông tin đa chiều, tăng tính chịu trách nhiệm của từng ngành, từng khâu trong việc bảo đảm thực hiện các nội dung phối hợp cho từng cơ quan, tổ chức... bảo đảm các đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý đều được cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng để được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 11 và các văn bản có liên quan để nâng cao nhận thức của người dân về quyền được trợ giúp pháp lý và của cơ quan tiến hành tố tụng về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh công tác truyền thông các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện báo chí, phát thanh truyền hình, bảng tin, hộp tin trợ giúp pháp lý... Lựa chọn và đưa lên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp một số vụ án phức tạp, điển hình của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia có hiệu quả, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý để tuyên truyền giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý, tăng cường phối hợp, trao đổi, kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn liên quan đến ngành mình phụ trách. Tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng từ tỉnh đến huyện trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý một cách nhanh chóng, kịp thời.
Thứ tư, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện theo quy định của pháp luật, các ngành thành viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền của từng ngành và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả hoạt động cho Hội đồng, qua đó đánh giá về sự phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý, phản hồi thông tin, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Thường xuyên duy trì chế độ thông tin, báo cáo giữa các ngành thành viên với cơ quan thường trực Hội đồng về kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó để Hội đồng đánh giá được một cách tổng quát, toàn diện về tình hình hoạt động trợ giúp pháp lý trong các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn trong từng thời gian cụ thể, kịp thời đề ra các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.
Thứ năm, tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết vụ việc cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên để nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các trợ giúp viên pháp lý và giữa trợ giúp viên pháp lý với các luật sư có nhiều kinh nghiệm. Tập huấn, bồi dưỡng cho người tiến hành tố tụng về trách nhiệm phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 11, chú trọng kỹ năng giải thích, hướng dẫn cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý về quyền được trợ giúp pháp lý, trong đó nhấn mạnh những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác trợ giúp pháp lý.
Thứ sáu, làm tốt công tác thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc để nhận định được rõ những vụ việc, hồ sơ làm tốt và có buổi sinh hoạt chuyên đề trao đổi rút kinh nghiệm về chất lượng vụ việc. Có cơ chế khuyến khích để những trợ giúp viên pháp lý làm tốt, phát huy năng lực của mình.
Với các giải pháp nêu trên, hi vọng rằng, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình đổi mới của công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Một số giải pháp phát huy hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong tố tụng
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp
NGUYỄN THỊ NGỌC