Lịch sử lập hiến của nước ta đã ban hành và thực hiện năm bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và 01 Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Các bản Hiến pháp đều được xây dựng, sửa đổi, bổ sung thận trọng trên cơ sở nghiên cứu toàn diện, đa chiều, nhiều khía cạnh về lý luận, thực tiễn để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng qua từng thời kỳ và bảo đảm kết cấu, kỹ thuật lập pháp đúng tinh thần. Bản chất của Hiến pháp là bản Tuyên ngôn chính trị đặc biệt về thể chế quốc gia, hệ thống chính trị, xác lập, vận hành và kiểm soát quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng thời, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cũng như những vấn đề liên quan khác về bộ máy chính quyền địa phương… được thể hiện trong các chế định cụ thể.
Trong bối cảnh thời gian gấp rút, việc sử dụng hình thức Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 như cách làm đã từng có tiền lệ trong lịch sử lập Hiến của nước ta năm 2001 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992) là phù hợp. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết định thận trọng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn để bảo đảm nguyên tắc các quy định mới không tác động, ảnh hưởng bất lợi đến các giá trị đặc biệt của mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đặc biệt, cân nhắc khi sửa đổi Điều 9, Điều 10 và Điều 84 có mối quan hệ biện chứng với Điều 4, các Chương quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương trong Hiến pháp tạo thành các quy định về hệ thống chính trị quốc gia vận hành trên nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Trong đó, quyền làm chủ của Nhân dân được thực hiện bằng việc Nhân dân trao quyền cho đại biểu đại diện cấp quốc gia (trong Quốc hội), cấp địa phương (trong Hội đồng nhân dân) thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và ủy quyền thông qua các tổ chức đại diện theo phân công của Đảng, Nhà nước (tổ chức chính trị - xã hội) và các tổ chức tự nguyện tự quản (các Hội thành lập theo quy định của Nhà nước). Cả hai hình thức ủy quyền của Nhân dân đều tập trung vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.
Với mong muốn góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết) đảm bảo thể chế hóa đúng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (gọi tắt là Nghị quyết số 60-NQ/TW) và các văn bản liên quan khác, đồng thời, phản ánh đúng tinh thần Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng, làm cơ sở hiến định cho việc quy phạm hóa trong các văn bản pháp luật khác, nghiên cứu kiến nghị một số nội dung sửa đổi Điều 9, 10 và khoản 1 Điều 84 trong khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết như sau:
Thứ nhất, cân nhắc không bổ sung cụm từ “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” vào đoạn 2 khoản 1 Điều 9 vì trong các văn bản của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được xác định là liên minh chính trị thực hiện vai trò đại diện và bảo vệ cho quyền làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước về mặt chính trị và đã được Nhà nước thể chế hóa trở thành thành tố thứ 3 trong hệ thống chính trị tại Điều 9 các bản Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013. Đồng thời, việc bổ sung này có thể tạo ra cách hiểu và nhìn nhận không công bằng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và cơ quan khác. Trong khi đó, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ vị thế, vai trò của Đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, theo đó, Đảng lãnh đạo toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai, cân nhắc không bổ sung cụm từ “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước” vào đoạn 2 khoản 1 Điều 9 vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi tiếp nhận ý kiến phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân đều thực hiện trách nhiệm theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bản thân quy định hiện hành đang có cụm từ “giám sát, phản biện xã hội”, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện trách nhiệm này đã bao gồm đầy đủ ý kiến, kiến nghị của Nhân dân thông qua hai hình thức giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề, trong đó đơn thư phản ánh của Nhân dân là một kênh thông tin trong giám sát thường xuyên theo quy định của Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thứ ba, cân nhắc không bổ sung cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trong khoản 2 Điều 9, cụm từ này sẽ làm cho cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” không còn ý nghĩa và thay đổi theo hướng khác với quy định hiện hành. Nhìn nhận trong mối tương quan cả về lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ máy cho thấy việc bổ sung cụm từ này sẽ là căn cứ khẳng định các tổ chức chính trị - xã hội kết thúc vị thế và tư cách pháp nhân độc lập là thành viên liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, thống nhất hành động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trở thành các tổ chức (nhìn từ góc độ hệ thống) và đơn vị (nhìn từ góc độ bộ máy vận hành hệ thống) nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính hành chính. Các tổ chức chính trị - xã hội có vị thế độc lập mới có thể liên minh, khi vị thế đã phụ thuộc thì không những không thể liên minh mà còn phải phục tùng tuyệt đối theo nguyên tắc thứ bậc cấp trên - cấp dưới, rất khó để vận hành theo đúng nghĩa.
Đồng thời, dự thảo quy định này cũng xác định thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ còn các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (hiện đang là Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội), khi đó liên minh chính trị chỉ còn tổ chức chính trị vì Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành TW Đảng (khoá VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là văn bản đầu tiên của Đảng ghi nhận tính chính trị - xã hội của Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Sự ghi nhận và khẳng định vị thế này của các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện Đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành và Bộ Chính trị cho đến nay.
Theo đó, nếu dự thảo vẫn thể hiện theo cách tiếp cận như hiện nay, thì cần sửa đầy đủ khoản 1 Điều 9 để bỏ các quy định khác cho phù hợp với dự kiến sửa khoản 2 Điều 9 để không có sự mâu thuẫn giữa các quy định trong Điều này. Đồng thời, rất nhiều văn bản cần phải điều chỉnh để định hướng, chủ trương quan điểm về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng chỉ còn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới thật sự đồng bộ vì Hiến pháp. Bên cạnh đó, sau khi Nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 có hiệu lực, Nhà nước cần sửa đổi các quy định về phân cấp ngân sách, khi cơ quan tham mưu, giúp việc của các tổ chức chính trị - xã hội chỉ còn là 1 đơn vị hành chính của Mặt trận để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và Điều lệ của từng tổ chức.
Thứ tư, cần nghiên cứu kỹ để thể chế hóa đúng chủ trương, định hướng của Đảng tại nội dung thứ 5 trong Nghị quyết số 60-NQ/TW chỉ chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, không hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là điểm đặc biệt quan trọng phù hợp với lý luận, lý thuyết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, cũng như chủ trương tinh gọn bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước. Thực tế, việc sửa đổi Điều 9 như dự thảo đang bổ sung các cụm từ theo hướng hợp nhất vị thế (giá trị) của các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khác hoàn toàn so với chủ trương của Đảng là hợp nhất tổ chức bộ máy (mô hình vận hành giá trị) của các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều này chưa đúng và không hợp lý.
Quan điểm chỉ đạo chung của Đảng vẫn tồn tại các tổ chức chính trị - xã hội nên việc hợp nhất cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội vào cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bản chất là hợp nhất bộ máy giúp việc cho Ban Chấp hành ở mỗi cấp, không ảnh hưởng đến vị thế của tổ chức chính trị - xã hội là thành viên liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện trong khối đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mặc dù vẫn cần cân nhắc kỹ về tính khả thi từ mô hình thí điểm về cơ quan tham mưu giúp việc chung của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tại tỉnh Quảng Ninh để có cơ sở thiết lập và vận hành bộ máy cơ quan này có hiệu lực, hiệu quả và đạt được kỳ vọng tránh chồng chéo, khó tổ chức hoạt động độc lập và khó khăn trong phân bổ tài chính…
Nội dung Nghị quyết số 60-NQ/TW cho thấy không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013 để hợp nhất cơ quan tham mưu giúp việc cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vì không đúng tầm Hiến pháp và cần nhiều thời gian để nghiên cứu thấu đáo. Trên cơ sở đánh giá kỹ các khía cạnh tác động, ảnh hưởng và giá trị của các phương án tổ chức bộ máy, chỉ cần sửa đổi, bổ sung quy định này vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phù hợp. Cách làm này sẽ bảo đảm tính toàn vẹn của quy định trong Hiến pháp về thành tố thứ 3 trong hệ thống chính trị đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trường hợp nhất thiết phải sửa trong Điều 9 thì chỉ nên bổ sung quy định sau vào khoản 2 Điều 9 “Cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chấp hành mỗi cấp của tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong cơ quan tham mưu, giúp việc cùng cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ năm, Điều 10 và khoản 1 Điều 84 có liên quan đến Điều 9 nên việc sửa đổi phải theo quyết định cuối cùng của việc sửa đổi Điều 9.
Đối với Điều 10, Công đoàn cũng đã được khẳng định là 1 tổ chức chính trị - xã hội trong khoản 2 Điều 9 nên cách thiết kế cần xem xét kỹ để tránh sự khẳng định trùng 2 lần. Do vị thế của tổ chức Công đoàn đã được thể hiện chung trong Điều 9 với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội nên thay cụm từ “là tổ chức chính trị - xã hội” bằng cụm từ “là tổ chức đại diện của” sẽ hợp lý hơn và bỏ cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” như đã lý giải ở Điều 9.
Đối với khoản 1 Điều 84, theo quan điểm, chủ trương của Đảng, chỉ hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nghĩa là các tổ chức chính trị - xã hội vẫn tồn với tư cách là một tổ chức thành viên liên minh chính trị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn nhiều thành viên khác nên cần thiết phải có quy định. Sáng kiến làm luật nên được mở rộng cho nhiều chủ thể, kể cả công dân nếu xác đáng, việc tiếp nhận, quyết định là công việc của cơ quan có thẩm quyền, theo đó không nên bó hẹp. Theo đó, đề nghị bỏ cụm từ “cơ quan trung ương” chỉ sử dụng cụm từ “tổ chức thành viên” để phù hợp với thực tế mỗi thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều là một thể thống nhất, khi có đề xuất cũng là của cả tổ chức. Lịch sử phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp sáng kiến và tham gia soạn thảo luật của một số tổ chức chính trị - xã hội gắn với các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Công đoàn năm 2024, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Bình đẳng giới năm 2006…
Ngoài ra, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cân nhắc nhận định “vẫn còn tồn tại tình trạng một người tham gia nhiều tổ chức” trong Bản thuyết minh vì các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, việc tham gia 01 hay nhiều tổ chức là quyền của cá nhân, nếu nhận định này nghiêng theo hướng 01 người chỉ được tham gia 01 tổ chức thì thực chất không còn là tự nguyện nữa. Cách đánh giá này là cơ sở thiết kế quy định Điều 9 dự thảo Nghị quyết tuy nhiên mâu thuẫn với nguyên tắc người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nếu muốn người dân chỉ được phép tham gia 01 tổ chức thì phải cấm tham gia từ 02 tổ chức trở lên trong Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Điều này không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn về quyền con người, quyền công dân. Cách thức vận hành của các tổ chức chính trị - xã hội trong mối quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vấn đề khác, cần thể hiện trong luật.
Hà Thị Thanh Vân
Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1990), Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
3. Hà Thị Thanh Vân (1994 - 2025), các bài nghiên cứu, bài viết liên quan đến Hiến pháp và pháp luật.