Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và mang tính chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn thiện hệ thống chính trị và pháp luật, đồng thời thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 02 nhóm nội dung quan trọng: (i) các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và (ii) các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thành lập theo Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025 đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) với phạm vi đã được Quốc hội xác định. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 02 điều; Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Cân nhắc bổ sung quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
Tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 đang quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Thực tế hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có Hội đồng nhân dân ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Do vậy, trong dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 (khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị quyết) theo hướng không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tập trung vào Ủy ban nhân dân (Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.
Về nội dung này, cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc, bổ sung quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân để bảo đảm cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và kiểm sát ở địa phương, bởi chất vấn là một hình thức để thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, nếu bỏ chất vấn thì khó bảo đảm thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, nếu thiết kế như khoản 2 Điều 115 sẽ được hiểu không chỉ bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn loại bỏ trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong việc tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Trên thực tế, đã có những thời điểm và hiện nay tại một số địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đối với các quận không có Hội đồng nhân dân nhưng Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận vẫn là đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. Vấn đề này hiện đang được quy định tại Điều 14 Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố ở những địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân quận có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận.
Từ những lý do trên, khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013 được đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.
Về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết
Điều 2 dự thảo Nghị quyết thể hiện nội dung Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc: “đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”, do đó, dự thảo Nghị quyết quy định để chính thức kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ xác định một khoảng thời gian chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan ở cấp huyện hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sau khi sắp xếp (bao gồm cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) kịp rà soát, tiếp nhận cán bộ, công chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, kiện toàn về tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc để chính thức đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết; bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết theo đúng tiến độ yêu cầu, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân.
Bên cạnh đó, quy định này để kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới. Do vậy, đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Quy định như trong dự thảo Nghị quyết là cần thiết vì tính chất đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn, thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân chỉ còn rất ngắn, đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, thì việc áp dụng cơ chế chỉ định đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Khoản 2 Điều 2 quy định: “Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước”. Quy định này không cần thiết do việc thực hiện không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện đã được thể hiện trong các chủ trương của Đảng và mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết để thể hiện chủ trương này. Đồng thời, trong dự thảo Nghị quyết không còn quy định đơn vị chính quyền cấp huyện. Chính vì vậy, khi Nghị quyết này có hiệu lực thì các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ đương nhiên không còn.
Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung việc chỉ định chức danh Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính sau sắp xếp, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị hành chính sau sắp xếp vào khoản 2 Điều 2, đồng thời bổ sung quy định về việc chỉ định hoặc bổ nhiệm các chức danh thuộc khoản 3 Điều 2 chỉ diễn ra trong nhiệm kỳ 2026 - 2031 và việc kiện toàn các chức danh của các đơn vị sau khi sắp xếp phải thực hiện theo quy định của các luật về tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc, trình bày lại tên Điều 1 và bổ sung tên Điều 2 của dự thảo Nghị quyết để phù hợp với thứ tự mục b điểm 2 khoản II Mục 1 Phụ lục I kèm theo Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị chuyển cụm từ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết lên cùng dòng với cụm từ “Điều 1”, trình bày bằng kiểu chữ đậm và bỏ cụm từ “như sau:” để bảm đảm sự hợp lý; Điều 2: bổ sung tên điều để đầy đủ. Tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết (sửa đổi, bổ sung Điều 10 Hiến pháp năm 2013), đề nghị chỉnh sửa cụm từ “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động” thành “… tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động”; bỏ từ “của” trước cụm từ “người lao động” nhằm tránh lặp từ không cần thiết.
Mộc Miên