Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) được khẩn trương nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân không chỉ thể hiện tinh thần kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn thể hiện rõ nỗ lực và các cam kết quốc tế về nhiều mặt. Đồng thời, khẳng định Việt Nam bắt nhịp nhanh với những thay đổi ngày càng sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, tiện ích quản trị số…đã và đang làm thay đổi cách làm việc của nền công vụ từ hành chính truyền thống sử dụng nhân lực là chính sang hành chính hiện đại, điện tử hóa, số hóa, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề lớn như trước đây. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp về bộ máy của các cơ quan nhà nước là điều tất yếu, quan trọng để đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia, hướng tới mục tiêu tối thượng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Với mong muốn góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, nghiên cứu kiến nghị một số nội dung sửa đổi Điều 110, 111, 112, 114 và 115 trong khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết như sau:
Thứ nhất, đề nghị Ủy ban Dự thảo Nghị quyết nhập khoản 1 và khoản 2 Điều 110 thành 1 khoản vì cấp nào, mô hình nào cũng đều do Quốc hội thành lập, để tránh hiểu sai tinh thần của Hiến pháp. Đồng thời, bổ sung quy định rõ việc phân định địa giới lãnh thổ quốc gia trong Điều 110, không để quy định tùy nghi vì Điều 110 là gốc để thiết kế các quy định về chính quyền địa phương.
Lịch sử lập Hiến của Việt Nam từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều quy định rất rõ sự phân định địa giới hành chính 04 cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện, xã với cách thiết kế điều luật có tên gọi khác nhau phù hợp với kỹ thuật lập hiến, lập pháp trong từng giai đoạn: Hiến pháp năm 1946 quy định tại Điều 57 Hiến pháp năm 1959 quy định tại Điều 78 Hiến pháp năm 1980 quy định tại Điều 113 Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 110. Số lượng, tên gọi giao Quốc hội quyết định.
Tham khảo Hiến pháp của một số quốc gia cho thấy, mặc dù mục tiêu xây dựng đất nước của các quốc gia có khác nhau do dựa trên mô hình tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa; thể chế chính trị cộng hòa hay cộng hòa tổng thống, quân chủ lập hiến hay dân chủ, mô hình nhà nước đơn nhất hay liên bang khác nhau, nhưng chỉ trừ một số quốc gia theo chế độ quân chủ quy định trong văn bản của Hoàng gia (như Nhật Bản), còn lại đều quy định rõ cấp hành chính trong Hiến pháp với ít nhất 01 điều như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ba Lan, Vương quốc Tây Ban Nha… Một số nước quy định từ 02 điều trở lên như Liên bang Nga (02 điều), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (02 điều), Cộng hòa Italia (02 điều), Cộng hòa Nam Phi (04 điều). Điểm chung của các quy định trong Hiến pháp của các quốc gia là đều thể hiện cách thức phân định địa giới hành chính, cách thức phân chia thẩm quyền giữa các cấp hành chính, quy định thẩm quyền cho các cơ quan ban hành luật, ngoài ra, một số nước còn quy định cả chế độ tự quản địa phương.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên số, các tiện ích về công nghệ thông tin rất phổ biến đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Khái niệm công vụ xuyên địa giới hành chính đã xuất hiện và trở thành nhu cầu cần thiết, quan trọng của mỗi người dân. Cùng với sự thay đổi và yêu cầu cao trong các khía cạnh quản trị nhà nước, quản trị xã hội, cũng như kinh nghiệm hoạt động công vụ trên thế giới, Đảng đã định hướng rất rõ về đơn vị hành chính 02 cấp nhằm giảm bớt cấp trung gian, tăng cường cấp thực thi, cấp trung ương ít nhưng tinh, cấp tỉnh sát dân. Vì vậy, cần phải thể hiện rõ cấp hành chính trong Điều 110 của Hiến pháp.
Trên cơ sở tiếp cận tương tự cách thiết kế quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta, thiết nghĩ, khoản 1 Điều 110 nên được thiết kế như sau: “1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố và xã, phường hình thành phù hợp với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và vùng đặc biệt”. Quy định này sẽ gộp cả khoản 1 và khoản 2 dự thảo Nghị quyết.
Thứ hai, đề nghị Ủy ban Dự thảo Nghị quyết bỏ cụm từ “trực thuộc trung ương” sau khi đã thiết kế quy định 2 cấp hành chính vì cụm từ này chỉ đúng với hiện tại khi các đơn vị hành chính địa phương đang là 03 cấp, cụm từ này để phân biệt với thành phố thuộc tỉnh. Khi đơn vị hành chính chỉ còn cấp tỉnh và xã thì không cần phải sử dụng.
Thứ ba, đề nghị Ủy ban dự thảo Nghị quyết giữ lại quy định tại khoản 2 Điều 110 quy định “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân trong đơn vị địa giới hành chính và theo trình tự, thủ tục do luật định” vì đây là vấn đề quan trọng có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến người dân và cũng là cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân đối với các vấn đề lớn của quốc gia.
Thứ tư, đề nghị Ủy ban dự thảo Nghị quyết bổ sung thêm 01 nội dung vào khoản 1 Điều 110 quy định về thẩm quyền của Quốc hội quy định số lượng, tên gọi của đơn vị hành chính trên cơ sở cấp hành chính sẽ đầy đủ và hợp lý hơn.
Thứ năm, để bảo đảm tính thống nhất trong tổng thể Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114 và khoản 2 Điều 115 có liên quan đến Điều 110, do đó khi Điều 110 xác định rõ đơn vị hành chính 02 cấp, các quy định này cần được sửa đổi cho phù hợp.
Dự thảo dự kiến sử dụng cụm từ “và của chính quyền địa phương từng cấp” để thay cụm từ “và của mỗi cấp chính quyền địa phương” trong khoản 2 Điều 112 về bản chất không khác nhau nên không cần thiết phải sửa.
Dự thảo dự kiến bỏ đoạn quy định “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” trong Khoản 2 Điều 115 quy định hiện hành là không hợp lý. Việc đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn các chức danh này thực chất là thể hiện cách thức vận hành nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đề nghị giữ nguyên khoản 2 Điều 15 như Hiến pháp hiện hành để bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hà Thị Thanh Vân
Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
2. Quốc hội (1946, 1959), Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3. Quốc hội (1980, 1992, 2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm 1980, 1992, 2013.
4. Văn phòng Quốc hội (2012), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới (tập 2).
5. Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới.
6. Hà Thị Thanh Vân (1994 - 2025), các bài nghiên cứu, bài viết liên quan đến Hiến pháp và pháp luật.