Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Có thể nói, cùng với Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì việc ban hành Luật Thi hành án hình sự đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tạo khung pháp lý mới bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội; giáo dục mọi công dân biết tôn trọng pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn thi hành án hình sự thời gian qua cho thấy, về cơ bản các quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ có hiệu quả công tác thi hành án hình sự.
Qua hơn 06 năm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, cho thấy, hàng vạn người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt, trở về với cuộc sống lương thiện; đồng thời, việc áp dụng Luật này đã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần giữ vững trật tự kỷ cương và ổn định xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống tổ chức và hoạt động thi hành án cũng bộc lộ những mặt hạn chế nhất định.
1. Một số hạn chế, bất cập trong Luật Thi hành án hình sự
Thứ nhất, về thi hành quyết định thi hành án treo
Điều 62 Luật Thi hành án hình sự quy địnhtrong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án. Như vậy,trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này luôn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Thực tế có nhiều trường hợp người bị kết án được hưởng án treo nhưng khi bị triệu tập lên cơ quan công an để làm thủ tục thi hành án thì người bị kết án đã đi khỏi nơi cư trú. Điều đó dẫn đến hậu quả cơ quan công an có thẩm quyền không ấn định được thời gian người phải thi hành án treo và đương nhiên hồ sơ thi hành án treo không được bàn giao cho UBND có thẩm quyền để tổ chức thi hành. Về mặt tác động xã hội, cho thấy, người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ không được quản lý, giám sát giáo dục nên vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội, coi thường pháp luật, từ đó, mục đích, ý nghĩa của biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện; hình phạt cải tạo không giam giữ mà Bộ luật Hình sự quy định không đạt được.
Thứ hai, khoản 2 Điều 65 Luật Thi hành án hình sự quy định trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được UBND cấp xã tạo điều kiện để người đó tìm việc làm và tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Thi hành án hình sự quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo là giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật về cư trú. Trong thực tiễn thi hành có nhiều trường hợpbị án vắng mặt nơi cư trú trong thời gian thử thách, thậm chí có những trường hợp không có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục và không nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục cấp xã chỉ có thẩm quyền nhắc nhở các bị án, nhưng điều quan trọng là bị án không có mặt ở địa phương thì việc nhắc nhở này cũng không thể tiến hành.
Bên cạnh đó, Luật Thi hành án hình sự cũng quy định nếu sau hai lần nhắc nhở mà bị án vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục phải phối hợp với cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở tổ chức họp tại cộng đồng dân cư nơi người được hưởng án treo cư trú, làm việc để kiểm điểm bị án đó. Tuy nhiên, sau khi bị kiểm điểm mà bị án vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thì Luật không quy định các chế tài khác để xử lý bị án trong trường hợp này. Như vậy, trong thời gian thử thách bị án cố tình không hợp tác với cơ quan quản lý, giám sát thì cơ quan này cũng không có biện pháp nào hiệu quả để răn đe bị án trong trường hợp này.
Thứ ba, một số quy định của Luật Thi hành án hình sự không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung mới quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện và Điều 368 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 và thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 368 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong Luật Thi hành án hình sự cũng chưa quy định về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cũng như chưa quy định trình tự, thủ tục, chức năng, nhiệm vụ,… của cơ sở giam giữ, người có thẩm quyền khi thực hiện theo chế định này.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù, Luật Thi hành án hình sự có một số điều phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bỏ các quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù. Do đó, các quy định của Luật Thi hành án hình sự về hoãn chấp hành hình phạt tù là không còn phù hợp.
2. Kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành nêu trên, tác giả kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án hình sự theo hướng quy định bổ sung thêm thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện có quyền ra lệnh áp giải thi hành án đối với những người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ bỏ trốn hoặc cố tình trốn tránh không đến cơ quan thi hành án làm việc theo giấy triệu tập; bổ sung thêm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan thi hành án cấp huyện và công an cấp xã khi những người này cố tình không đến cơ quan thi hành án để làm việc theo giấy triệu tập. Đồng thời, bổ sung các quy định về thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, đối với những trường hợp không chấp hành bản án được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ do trốn tránh (bỏ địa phương đi nơi khác) mà trên thực tế các cơ quan chức năng cũng không ra lệnh truy nã, thì không được áp dụng thời hiệu thi hành bản án.
Thứ hai, để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã đối với những bị án, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự theo hướng nếu bị án đã bị kiểm điểm mà tiếp tục vi phạm thì UBND cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục bị án đề nghị Toà án kéo dài thời gian thử thách đối với bị án vi phạm hay chuyển án treo thành hình phạt tù.
Thứ ba, để đảm bảo sự thống nhất về mặt lý luận và thực tiễn khi Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án hình sự phù hợp với các đạo luật nêu trên.
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp