Thứ nhất, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp chưa được nâng cấp, đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư nên khi liên thông cấp số định danh cá nhân vẫn bị gián đoạn dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đăng ký khai sinh đôi lúc còn bị chậm, gây khó khăn cho người thực hiện, bức xúc cho người dân.
Thứ hai, việc kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa phần mềm dịch vụ công liên thông và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp ở một số thời điểm còn rất chậm. Thậm chí, có trường hợp công dân nộp hồ sơ xong, mấy giờ sau công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra vẫn chưa thấy hồ sơ gửi đến phần mềm hộ tịch. Phần mềm dịch vụ công liên thông chưa cấp quyền cho cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cơ quan quản lý ở địa phương để thực hiện việc thống kê số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo. Chưa tích hợp, đồng bộ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên thông lên kho dữ liệu điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; chưa đồng bộ số liệu kết quả tiếp nhận, giải quyết lên bộ chỉ số 766; mã hồ sơ hiện đang sử dụng là mã hồ sơ của Bộ Công an dẫn đến khó khăn trong theo dõi, thống kê, báo cáo; khó khăn trong công tác theo dõi, giám sát kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, đối với liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01) phải in ra ký rồi scan tải lên; nếu bố mẹ không là chủ hộ thì cần ý kiến của chủ hộ (thông thường là ông hoặc bà), rồi bố mẹ không cùng hộ khẩu lại phải có ý kiến của bố hoặc mẹ đồng ý dẫn đến tình trạng “cả nhà phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã để làm thủ tục liên thông”.
Thứ tư, đối với liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng, theo Công văn số 2084/VPCP-KSTT thì “tùy điều kiện cụ thể, người dân có thể lựa chọn chỉ thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Tuy nhiên, thủ tục hưởng trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng yêu cầu người dân phải xuất trình tài liệu, giấy tờ chứng minh là đối tượng được hưởng. Thông thường trong lúc gia đình bận lo việc tang, đa số chỉ cần đăng ký khai tử để lấy trích lục khai tử lo việc an táng hoặc hỏa táng nên họ không có nhu cầu làm liên thông thủ tục hưởng chế độ trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng cùng với việc đăng ký khai tử mà lựa chọn phương án nộp hồ sơ riêng sau.
Thứ năm, một số công chức tư pháp - hộ tịch còn hạn chế về các thao tác kỹ thuật hướng dẫn công dân thực hiện liên thông và quy định của thủ tục hành chính về xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng nên còn lúng túng trong việc nộp hồ sơ dẫn đến phải từ chối hồ sơ hoặc hồ sơ phải bổ sung gây phiền hà và tâm lý ngại thực hiện liên thông cho người dân.
Thứ sáu, khi tra cứu hồ sơ trên hệ thống lienthong.dichvucong.gov.vn, hệ thống không thể hiện được thời gian giải quyết hồ sơ trong bao nhiêu ngày, thời gian hẹn trả kết quả chung đối với các thủ tục liên thông để công dân biết để đến nhận kết quả. Trong trường hợp hồ sơ trễ hạn, không đính kèm được phiếu xin lỗi và hẹn trả kết quả của đơn vị giải quyết hồ sơ. Đồng thời, chưa thể hiện được trạng thái giải quyết hồ sơ sớm hạn, đúng hạn, trễ hẹn; nếu trễ hẹn thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
Thứ bảy, đối với thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi: Một số hồ sơ liên thông vẫn chưa đồng bộ trạng thái giải quyết kịp thời (hồ sơ cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ bên hệ thống Bảo hiểm y tế thể hiện đã trả kết quả, nhưng khi tra cứu hồ sơ thì vẫn ở trạng thái: Đã xử lý xong). Việc triển khai liên thông cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành khác nhau, nên việc kiểm tra hiện trạng thực hiện hồ sơ khó khăn, nhiều lúc kết thúc hồ sơ đăng ký cơ quan thứ nhất chuyển sang cơ quan thứ hai hoặc cơ quan thứ ba không thấy hồ sơ; thời gian hoàn thành hồ sơ phụ thuộc vào mạng kết nối, gây tâm lý hoang mang cho người dân nộp hồ sơ, không biết hồ sơ đã được nộp hay chưa; tùy từng trường hợp hồ sơ có đầy đủ thủ tục hay chưa. Việc làm sạch dữ liệu giữa các dữ liệu chuyên ngành chưa thống nhất, nhiều trường hợp thông tin cư trú, thông tin hộ tịch không đồng nhất nên không thể thực hiện được dịch vụ công liên thông.
Từ các vướng mắc trên, tác giả có một số kiến nghị như sau: (i) Sớm hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc đẩy nhanh việc cấp số định danh cá nhân; tăng cường hoàn thiện các tính năng phần mềm Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chữ ký số giấy khai sinh, trích lục khai tử. (ii) Cần tăng cường đảm bảo kết nối từ phần mềm dịch vụ công liên thông đến hệ thống của các đơn vị có liên quan hoạt động thông suốt; phân tách các trường thông tin của các bộ, ngành có liên quan xây dựng chung dữ liệu dân cư phục vụ chung trên hệ thống để tạo điều kiện tích hợp tờ khai của công dân trong lĩnh vực thủ tục hành chính cần yêu cầu giải quyết và cập nhật trạng thái hồ sơ về hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm yêu cầu an ninh mạng toàn hệ thống. (iii) Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là mã giấy chứng sinh, giấy báo tử để phục vụ thực hiện dịch vụ công liên thông. Thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc việc nhập dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử để đồng bộ lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam./.
ThS. Luật gia Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum