1. Chính sách, pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Trong lịch sử nước ta, từ thời phong kiến, nhiều triều đại đã chú ý ban hành các chính sách, luật lệ bảo vệ người dân như: Bộ luật Hình thư năm 1024; Bộ Quốc triều Hình luật của thời Trần năm 1341; Bộ luật Hồng Đức thời Lê năm 1483 và Bộ luật Gia Long của thời Nguyễn năm 1815. Ngoài ra còn có Bộ luật Khám tụng điều lệ thời Hậu Lê năm 1777, ghi nhiều điều, khoản khiếu nại, tố cáo và kiện tụng của nhân dân. Như vậy, tố cáo và bảo vệ người tố cáo có từ xa xưa và gắn liền với sự phát triển của các nhà nước.
Ở chế độ ta, từ khi giành chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc bảo vệ người tố cáo và coi đây là phương thức thể hiện dân chủ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Xuất phát từ quan điểm đó, ở mỗi giai đoạn phát triển đất nước đều có chính sách, pháp luật về tố cáo và bảo vệ quyền tố cáo của công dân phù hợp. Hiến pháp năm 1959 lần đầu tiên quy định: “Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước có quyền được bồi thường”. Trong Hiến pháp năm 1980, quyền tố cáo và bảo vệ tố cáo được tiếp tục củng cố: “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo” (Điều 73). Hiến pháp năm 1992 tại Điều 74 quy định rằng: “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo...” và tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo...”.
Hiến pháp không chỉ tuyên bố về quyền tố cáo và quyền được bảo vệ người tố cáo mà còn xác lập cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quyền cơ bản của công dân. Những đảm bảo ấy khẳng định ý chí của Nhà nước trong việc xử lý những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo cũng như trả thù người tố cáo. Là đạo luật gốc, các quy định của Hiến pháp liên quan đến bảo vệ người tố cáo tham nhũng được chi tiết hóa bằng các đạo luật, pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ, như: Pháp lệnh Xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981; Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991; Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004); Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (đang được sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện như: Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006[1], Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005[2], Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999[3], Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012[4], Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012[5], Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013[6]. Bên cạnh đó, với Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ[7], một trong những giải pháp được đưa ra là: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng...”. Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng[8] xác định: “Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí” và trong Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra một trong 10 nhiệm vụ quan trọng là: “Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí”[9], đã đánh dấu sự phát triển mới về bảo vệ người tố cáo tham nhũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC).
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng là một yêu cầu quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCAC đã và đang nỗ lực để hoàn thiện chế định này nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các biện pháp bảo vệ hữu hiệu đối với người tố cáo, khuyến khích mọi người tích cực chống tham nhũng như: Luật Tố cáo năm 2011 đã thể chế hóa điều này bằng 14 hành vi bị nghiêm cấm xâm phạm đến quyền người tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 đưa ra các hành vi bị nghiêm cấm: “Đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng”; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương (Chương XXXIV) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Chính sách hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo nước ta rõ ràng đã có sự phát triển mới, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo cũng như trả thù người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, cho đến nay vẫn chưa có những văn bản quy định cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiệu quả trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập. Cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng đúng với quan điểm chính trị và các đạo luật phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
2. Pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong thực tiễn
Phương thức bảo vệ người tố cáo nói chung hiện nay được dành riêng một chương (từ Điều 34 đến Điều 39) trong Luật Tố cáo năm 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này. Những vấn đề liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phối hợp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng... Theo các quy định của pháp luật, hiện có 04 phương thức bảo vệ người tố cáo chủ yếu là: Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo được thực hiện theo chế độ bảo mật mật nhằm phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra với họ; bảo vệ tại nơi công tác, làm việc là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan nhà nước, không bị phân biệt đối xử, cô lập, trù úm, trù dập dưới mọi hình thức; bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú không bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo không bị đe dọa, trả thù xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện nay được đánh giá mới chỉ là nguyên tắc, chưa cụ thể, phân tán nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực khác nhau và thiếu tính thống nhất. Một số quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều bất cập, khó thực hiện, chưa hiệu quả trên thực tế nên khó đi vào cuộc sống. Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, các cán bộ, công chức, người dân e ngại không dám tố cáo tham nhũng vì “sợ bị trả thù”[10].
Nghiên cứu các vụ án tham nhũng lớn trong 10 năm gần đây hầu hết bắt nguồn từ đơn thư tố cáo của công dân phản ánh. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 4.313 vụ án tham nhũng với trên 11.080 bị cáo, thiệt hại 60.000 tỷ đồng, 400 ha đất[11]. Điển hình: Vụ án Giang Kim Đạt, Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin - Tập đoàn Vinashin tham nhũng gần 400 tỷ đồng; vụ Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Vinalines tham nhũng trên 110 tỷ đồng; vụ án Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng; vụ án Ban quản lý các dự án đường sắt; Công ty Dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Công ty Công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH vận tải biển Đại Phát... Theo Chính phủ đánh giá, hiện nay, “tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu…”[12]. Còn đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội[13] thì “án tham nhũng 05 năm qua cứ giảm dần đều như vậy là vì sao? Ta đã quyết liệt củng cố bộ máy, hoàn thiện thể chế...”. Và thực tế cho thấy, các vụ việc tham nhũng được phát hiện những năm gần đây giảm rất nhiều, theo đó, người tố cáo hành vi tham nhũng cũng giảm. Nguyên nhân được đánh giá là không phải chúng ta làm tốt mà tham nhũng giảm mà chính là chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng hữu hiệu nên ít ai dám tố cáo.
Thực trạng bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình để đơn thư tồn đọng kéo dài, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; công tác phát hiện, xử lý hành vi trả thù người tố cáo tham nhũng còn hạn chế, tình trạng người tố cáo bị trả thù diễn ra khá phổ biến bằng các hình thức: Phân biệt đối xử, kỳ thị mặc cảm, cô lập, thậm chí hành hung làm họ phải thường xuyên sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ.
Theo tổng kết 05 năm thực hiện Luật Tố cáo[14], các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 đơn yêu cầu bảo vệ của người tố cáo. Trong đó có 99 đơn yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng và chỉ có 1/3 số yêu cầu được tiến hành (32%), trong đó có 21 trường hợp được áp dụng các biện pháp bảo vệ. Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ của nhiều cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng, nhất là việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đặc biệt là tình trạng người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chuyển đơn thư đi lòng vòng gây tồn đọng kéo dài, làm lộ bí mật thông tin, tạo cơ hội cho người bị tố cáo quay lại trả thù. Thực tế cho thấy, khi người dân tích cực, chủ động thực hiện quyền tố cáo thì người tố cáo và người thân của họ ít tránh khỏi sự trả thù.
3. Kiến nghị tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Thứ nhất, quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Trước hết, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nhà nước cần tạo sự chuyển biến căn bản về tư tưởng, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của tố cáo tham nhũng và những tác hại gây nguy hiểm đến đời sống chính trị - xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải thể chế hóa việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng vào chương trình kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm. Đề cao vai trò, trách nhiệm, sự tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện; tổ chức ký cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra việc trả thù người tố cáo tham nhũng dưới mọi hình thức; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi không thực hiện hoặc làm không hết trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo và bảo vệ tố cáo tham nhũng.
Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động theo các đề án của Chính phủ, Bộ, ngành như: “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”, “tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016”, “tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền về Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng... Đặc biệt là các chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí của báo, đài, truyền hình như: “Khán giả xem truyền hình”, “Vấn đề hôm nay”, “Sự kiện pháp đình”, “Chương trình tiêu điểm”, “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”... Thông qua các diễn đàn này, các vụ việc điển hình về chống tiêu cực, tham nhũng, bị trả thù của người tố cáo được phản ánh kịp thời, tạo sức mạnh dư luận xã hội phê phán đấu tranh bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lựa chọn chủ đề phù hợp với từng thời điểm có thể bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các sách, vở kịch, các bộ phim truyện... mang những nội dung tư tưởng xã hội sâu sắc, có tính chiến đấu rõ rệt, có tính giáo dục thuyết phục cao. Nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong xã hội để từng bước hình thành văn hóa bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong đời sống xã hội hiện nay.
Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng trên cơ sở đánh giá thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng15 đã chỉ ra 12 nguyên nhân yếu kém và 05 năm thực hiện Luật Tố cáo[16] đã chỉ ra 09 vấn đề bất cập khiến cho việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng khó đi vào cuộc sống. Cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những vướng mắc về bảo vệ người tố cáo trong quy định pháp luật như: Giữ bí mật thông tin của người tố cáo cần phải có chế tài hợp lý về trách nhiệm của cán bộ, công chức khi tiếp nhận tố cáo; về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo cần phải làm rõ căn cứ ở mức độ nào được yêu cầu bảo vệ, “nơi cần thiết” và “nơi an toàn”; về quan hệ phối hợp bảo vệ người tố cáo xác định “cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập” là cơ quan cấp nào phối hợp, mức độ, giới hạn, thời gian?...
Bổ sung chế tài pháp lý về trách nhiệm người đứng đầu tổ chức để xảy ra người tố cáo tham nhũng bị trả thù vào Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định chế tài về trách nhiệm của những người giải quyết tố cáo, bảo vệ tố cáo tham nhũng vào Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính và các điều kiện khác cho người giải quyết tố cáo và bảo vệ tố cáo tham nhũng vào Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung hình phạt 14 hành vi bị cấm xâm phạm quyền tố cáo và tăng nặng khung hình phạt vào Bộ luật Hình sự; bổ sung các quyền của người tố cáo trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ tư, bổ sung cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong công tác tổ chức và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm khắc phục tình trạng bị trùm úm, trù dập, cô lập... khi họ thực hiện nghĩa vụ chống tham nhũng. Theo kết quả điều tra xã hội học về phòng, chống tham nhũng cho thấy, 86% cán bộ, công chức, viên chức lo sợ khi chống tham nhũng và họ cần có cơ chế tiếp cận thông tin và được bảo vệ an toàn[17]. Đây là yêu cầu cần thiết được rút ra qua đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực tiễn, cần phải có cơ chế, chính sách về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng bổ sung vào quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hiện nay. Mặt khác, trong điều kiện chưa hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ người tố cáo, điều cần thiết là phải bổ sung quy định cụ thể về nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Tăng cường trách nhiệm, giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ là một nội dung rất quan trọng để cán bộ, công chức thực hiện sự liêm chính, khách quan, tránh được các tác động tiêu cực và tích cực tham gia quản lý nhà nước bằng quyền của mình nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ tốt cho nhân dân.
Thứ năm, tăng cường cơ chế phối hợp giám sát của các cơ quan quyền lực, cơ quan nhà nước và người dân đối với việc thực hiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng theo một cơ chế vận hành thống nhất. Việc giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành điều lệ đảng bằng hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp; giám sát trong hệ thống các cơ quan nhà nước chính là sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với các cơ quan hành chính nhà nước; giám sát của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới. Mặc dù tính chất, phạm vi ảnh hưởng khác nhau nhưng cùng mục đích nâng cao năng lực quản lý, điều hành, bảo đảm việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo tham nhũng được đúng đắn, phát hiện những hạn chế, bất cập để có những điều chỉnh kịp thời. Đòi hỏi phải tăng cường phối hợp chặt chẽ bằng quy chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan đảng, chính quyền đối cơ quan nhà nước, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động là yếu tố khách quan cần thiết. Có sự ràng buộc trách nhiệm các bên, tránh được sự trùng lặp, chồng chéo “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’’ để không hình thức, qua loa, chiếu lệ làm mất thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của cơ quan nhà nước.
Thứ sáu, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân bảo vệ người tố cáo tham nhũng bằng một hệ thống thiết chế liên kết với nhau tác động mạnh vào các mặt đời sống xã hội. Đa dạng hóa công tác giám sát các đoàn thể và nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát đối với các hoạt động nhà nước như: Tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp, chất vấn, tranh luận, kiến nghị, tư vấn, phản biện, giám định, dư luận xã hội, thông tin, trưng cầu dân ý. Tạo điều kiện để Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức xã hội dân sự, cơ quan báo chí được tham gia ngay từ đầu việc thực hiện hành vi tố cáo, giải quyết tố cáo. Qua đó, vừa theo dõi, giám sát cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn cho người tố cáo thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân gắn với cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực tham gia phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tố cáo nhằm xóa bỏ mọi rào cản; khơi dậy tiềm năng, trí sáng tạo trong nhân dân, phát huy mọi nguồn lực từ nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động trong các cơ quan, tổ chức nhà nước để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát qua các hình thức tiếp xúc cử tri, chất vấn, khiếu nại, tố cáo... và phát hiện vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ để phản ánh kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ người tố cáo tham nhũng sẽ tạo động lực thúc đẩy chiến lược phòng, chống tham nhũng ở nước ta, bởi trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề này thành công mà phải cần sự hợp tác từ các bên. Chính điều này đã giúp cho chúng ta thấy sự yếu kém, để từ đó có sự thay đổi lớn về quan điểm nhận thức bằng một chính sách pháp luật phù hợp. Trao đổi học hỏi, thông tin và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kết quả thực hiện, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài; lựa chọn những diễn đàn quốc tế có uy tín để tham gia nhằm thể hiện tích cực hội nhập toàn diện của Việt Nam; đa phương hóa các hình thức trao đổi học hỏi kinh nghiệm hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Mặt khác, sử dụng các hoạt động hiệu quả của các diễn đàn này để phục vụ thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tham nhũng là một thứ “giặc trong lòng”, mặc dù không có tiếng súng nhưng cực kỳ nguy hiểm đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, người có dũng khí dám tố cáo chống lại tham nhũng phải được tôn vinh như anh hùng nơi chiến trận. Trước những ý nghĩa quan trọng này, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thỏa đáng nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng, song đến nay chưa thực sự có hiệu quả. Những đòi hỏi khách quan trong thời kỳ đổi mới phát triển đất nước và những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay là phải sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng; phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực của Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ người tố cáo, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
[1]. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
[2]. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
[3]. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
[4]. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại.
[5]. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo.
[6]. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
[7]. Nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
[8]. Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
9. Các văn kiện Đạị hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nxb, Chính trị quốc gia - Sự thật 2016; tr. 147
10. Kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013.
11. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN tại Hội nghị ngày 12/7/2016.
12. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chính phủ.
13. Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị ngày 11/9/2015.
14. Báo cáo số 180/BC-TH ngày 28/9/2015 của Thanh tra Chính phủ.
15. Báo cáo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 12/7/2016.
16. Báo cáo Hội nghị về Luật Tố cáo ngày 17/8/2015.
17. Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức viên chức, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013.