Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ở nước ta hiện nay, công tác tư pháp ngày càng khẳng định vị trí, giữ vai trò đặc biệt quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực từ xây dựng, thi hành đến phổ biến, giáo dục pháp luật... Cùng với việc đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, biên chế cơ quan tư pháp ở trung ương, thì việc sắp xếp cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là Sở Tư pháp cấp tỉnh có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Trong bài viết này, tác giả sẽ trao đổi với bạn đọc những quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp cấp tỉnh hiện nay và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp hiện nay được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các luật chuyên ngành như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hộ tịch; Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ gúp pháp lý… Tuy nhiên, tựu chung lại thì Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ là hai văn bản quy định cụ thể nhất về Sở Tư pháp.
Về vị trí, chức năng: Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn: Trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, quy hoạch, các văn bản về cơ cấu tổ chức thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực tư pháp đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; các nhiệm vụ cụ thể về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa chung của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Ủy ban nhân dân cấp huyện; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở có liên quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm và một số hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật theo quy định; quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư và tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật; đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác pháp chế; tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ Tư pháp ban hành; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tư pháp, pháp luật đối với Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và công tác tư pháp theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của văn phòng, các phòng chuyên môn nghiệp vụ và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp hoặc uỷ quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện công tác thông tin, thống kê, tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức: Sở Tư pháp có giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc; đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không quá 04 Phó Giám đốc.
Tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức thuộc Sở Tư pháp được thành lập phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bao gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 09 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; trường hợp vượt quá thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng đề án thành lập tổ chức và phải thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trước khi quyết định.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Văn phòng, Thanh tra và 06 phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (quản lý công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công tác pháp chế, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp); Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (quản lý công tác kiểm soát thủ tục hành chính); Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật); Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật); Phòng Hành chính tư pháp (bao gồm hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp - trừ các thành phố trực thuộc trung ương); Phòng Bổ trợ tư pháp (bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại (nếu có), trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự, thừa phát lại (nếu có) và các lĩnh vực tư pháp khác). Việc thành lập Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở Tư pháp hoặc bộ phận tổ chức cán bộ thuộc Văn phòng Sở Tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Phòng Lý lịch tư pháp được thành lập tại các thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Phòng Công chứng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cũng là những đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp.
2. Thực tế cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp hiện nay và đề xuất sắp xếp, đổi mới
Nhìn chung cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp hiện nay đã được sắp xếp cơ bản tuân thủ theo quy định của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, theo đó các Sở Tư pháp (trừ Sở Tư pháp TP. Hà Nội và Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh) đều thực hiện cơ cấu gồm Văn phòng, Thanh tra và 06 phòng chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, trong tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể và tên gọi các phòng chuyên môn vẫn có sự không thống nhất như: Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì hầu hết các Sở Tư pháp đều lấy tên như vậy, nhưng có Sở Tư pháp vẫn lấy tên là Phòng Văn bản pháp quy. Nhiều Sở Tư pháp còn tồn tại Phòng Tổ chức cán bộ, mặc dù theo quy định thì phù hợp nhưng thực sự thì không cần thiết bởi biên chế của Sở Tư pháp hầu hết là không lớn, không phức tạp. Về chức năng, nhiệm vụ cũng có sự không thống nhất như: Nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có nơi giao cho Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, có nơi giao Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, có nơi lại giao Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác quản lý chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm có nơi giao Phòng Hành chính tư pháp, có nơi lại giao Phòng Bổ trợ tư pháp…Việc không thống nhất như trên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó việc còn tồn tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả, tốn kém về ngân sách, biên chế, việc tuyển dụng viên chức rồi trưng tập về làm công chức, chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa trợ giúp pháp lý và phổ biến, giáo dục pháp luật vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa gây cản trở, giảm hiệu quả hoạt động của các tổ chức thuộc Sở Tư pháp…
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, theo tác giả, đã đến lúc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm thực hiện quyết liệt về sắp xếp tổ chức, bộ máy của Sở Tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực chất, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, theo đó:
Một là, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, quy định thống nhất về số lượng, tên gọi các tổ chức thuộc Sở Tư pháp, không giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (trừ 02 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), đảm bảo phù hợp với đặc thù địa phương và giảm được đầu mối, biên chế. Đối với các tỉnh, thành phố loại 01 và loại 02 sẽ có tổ chức Văn phòng Sở Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp riêng cùng với không quá 05 phòng chuyên môn; đối với các tỉnh loại 03 thì hợp nhất Văn phòng và Thanh tra thành một tổ chức cùng với không quá 03 phòng chuyên môn, hợp nhất Phòng Tổ chức cán bộ vào Văn phòng Sở Tư pháp ở những nơi còn tồn tại phòng này.
Hai là, yêu cầu các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương điều chuyển chức năng kiểm soát thủ tục hành chính từ Sở Tư pháp về Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Ba là, thực hiện ngay, quyết liệt việc chuyển đổi mô hình hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công thuộc Sở, gồm các Phòng Công chứng, Trung tâm Bán đấu giá tài sản (nội dung này có thể làm được ngay vì việc xã hội hóa đã được thực hiện thời gian qua và được đánh giá là tốt, có hiệu quả). Nên giải thể các chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý không đủ điều kiện thành lập theo Luật Trợ giúp pháp lý mới. Chấn chỉnh hoạt động của Trung tâm thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh chồng chéo với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bốn là, về các tổ chức tham mưu tổng hợp và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đổi tên Văn phòng Sở Tư pháp thành Phòng Hành chính tổng hợp thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Sở Tư pháp hiện nay, công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng… và công tác thanh tra đối với các tỉnh loại 03. Các phòng có chức năng, nhiệm vụ có liên hệ gần nhau và vốn trước đó từ một phòng tách ra, thì có thể sáp nhập lại: Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật sáp nhập và đổi tên thành Phòng Văn bản pháp luật thực hiện nhiệm vụ của hai phòng theo quy định hiện hành. Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp sáp nhập và đổi tên thành Phòng Hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ của hai phòng theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, trong tương lai, có thể nghiên cứu, xem xét việc sáp nhập Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành một phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý./.
Sở Tư pháp Bắc Ninh