Bài viết trọng tâm phân tích những điểm chưa thực sự phù hợp trong quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác - một hợp đồng dân sự thông dụng lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt khi đối chiếu với bản chất của hợp đồng đã được khoa học pháp lý thừa nhận và tuân thủ trong quá trình xây dựng pháp luật về hợp đồng.
1. Khái quát quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác (HĐHT) được ghi nhận từ Điều 504 đến Điều 512 trong Bộ luật Dân sự năm 2015, với các nội dung cơ bản sau:
- HĐHT được nhận diện với định nghĩa tại khoản 1 Điều 504. Từ đó có thể thấy, HĐHT là một sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các chủ thể để cùng thực hiện công việc nhất định nhằm mục tiêu cùng hưởng lợi thu được và tất nhiên cùng gánh chịu hậu quả mang tính bất lợi từ việc thực hiện HĐHT này.
- Hình thức của HĐHT phải bằng văn bản. Các chủ thể không có quyền lựa chọn các hình thức HĐHT khác với quy định của pháp luật.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận nội dung chủ yếu của HĐHT tại Điều 505 và mang tính định hướng cho các chủ thể.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản hợp tác tại Điều 506 và gọi theo thuật ngữ “tài sản chung của các thành viên hợp tác” và sở hữu theo hình thức sở hữu chung theo phần. Thành viên hợp tác chậm đóng góp tài sản theo thời hạn đã quy định thì phải trả lãi đối với phần giá trị chậm đóng góp. Định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác… phải bằng văn bản, còn những tài sản khác do đại diện các thành viên quyết định trừ khi các chủ thể có thỏa thuận khác.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác tại Điều 507. Đây là một dạng hợp đồng rất đặc biệt vì các chủ thể có quyền và nghĩa vụ như nhau.
- Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của thành viên hợp tác trên cơ sở HĐHT được quy định tại Điều 508. Theo đó, các thành viên có thể cử người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc tự mình tham gia xác lập, thực hiện trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác. Trách nhiệm được thực hiện bằng tài sản chung và khi tài sản chung không đủ thực hiện thì các thành viên hợp tác phải chịu bằng tài sản riêng của mình theo tỉ lệ tương ứng với mức đóng góp của mình thỏa thuận trong HĐHT hoặc theo quy định pháp luật nếu có.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc rút khỏi HĐHT. Việc rút khỏi HĐHT được xác định theo các cơ sở như thỏa thuận và ghi nhận trong HĐHT; có lý do chính đáng và được hơn một nửa số thành viên hợp tác đồng ý.
- Việc gia nhập của thành viên mới trong HĐHT dựa trên sự đồng ý từ một nửa thành viên hợp tác.
- HĐHT chấm dứt theo các căn cứ như: Sự thỏa thuận của các thành viên hợp tác; hết thời hạn HĐHT; mục đích hợp tác đã đạt được; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 về cơ bản đã nhận diện HĐHT, có các quy định điều chỉnh những vấn đề cơ bản phát sinh với HĐHT từ giai đoạn đàm phán, thực hiện và chấm dứt hợp đồng.
2. Bản chất hợp đồng và quan niệm về hợp tác
Việc xem xét bản chất hợp đồng cũng như tính chất của sự hợp tác có ý nghĩa trực tiếp trong việc xem xét bản chất HĐHT.
2.1. Bản chất hợp đồng
Hợp đồng (được gọi là contractus) phát sinh từ động từ “contrachere” trong tiếng La tinh và mang nghĩa là “ràng buộc”[1], chính thức được sử dụng vào khoảng thế kỷ V - IV trước Công Nguyên. Hợp đồng có thể được xem xét dưới nhiều giác độ như một giao dịch dân sự hoặc một chế định pháp luật. Trong bài viết này, tác giả trọng tâm phân tích hợp đồng dưới góc độ một giao dịch dân sự là nền tảng phát sinh quan hệ pháp luật cụ thể để có thể làm sáng tỏ bản chất HĐHT trong những phân tích phía sau.
Hợp đồng xuất hiện trong thời kỳ La Mã, khoảng thế kỷ V - IV trước Công Nguyên và chưa mang một diện mạo tương đối hoàn thiện giống như giai đoạn hiện nay. Hợp đồng mới chỉ dừng lại là sự ghi nhận một số hợp đồng cụ thể như hợp đồng mua bán (emptio - venditio), hợp đồng vay (mutuum)[2]… nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quan hệ về tài sản phát triển mạnh mẽ hơn dẫn đến Luật La Mã bước đầu đưa ra khái niệm khái quát về hợp đồng. Khái niệm này đã được thừa nhận, kế thừa và áp dụng rộng rãi dần dần, đặc biệt vào thời kỳ diễn ra phong trào Phục Hưng (thế kỷ XII - XIII). Dù rằng giai đoạn hiện nay, khi pháp luật trên thế giới tồn tại nhiều hệ thống khác nhau, điển hình và nổi bật là hai hệ thống Common Law (còn gọi là hệ thống Thông luật)[3] và Civil Law[4] (còn gọi là hệ thống Dân luật) với những sự khác biệt trong cách thức xây dựng quy định luật, cơ chế thực hiện và chế tài áp dụng khác nhau nhưng riêng với hợp đồng đều nhất quán những điểm làm nên bản chất của hợp đồng này, bao gồm:
Thứ nhất, hợp đồng phải là sự thỏa thuận, tức là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên tham gia vào hợp đồng này trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý, không bên nào có quyền áp đặt ý chí của mình lên bên kia. Ngay từ khi hợp đồng ra đời, được các chủ thể trong xã hội áp dụng thì đặc điểm này của hợp đồng đã có. Điều đó chỉ có thể lý giải từ việc ý thức của từng cá nhân khi họ cho rằng họ có quyền được đàm phán, thỏa thuận để đạt được mục đích của mình và đương nhiên có sự tôn trọng lợi ích của người khác. Phải đến thế kỷ XVIII, học thuyết tự do mới chính thức ra đời tại Pháp. Đến thế kỷ XIX, tự do hợp đồng là học thuyết nở rộ trong hệ thống Thông luật[5]. Như vậy, các học thuyết ra đời thực tế là một sự đúc kết những vấn đề thực tiễn đã tồn tại, phát sinh và khi nó đủ độ chín để hình thành nên học thuyết thì những học thuyết này được coi là sản phẩm lý luận làm nền tảng cho các hoạt động xây dựng pháp luật sau này. Đặc điểm này được ghi nhận và điều chỉnh từ thời pháp luật La Mã và kế thừa đến giai đoạn hiện đại ngày nay đủ chứng minh nó là đặc trưng lớn của hợp đồng và là một yếu tố để nhận diện hợp đồng so với các dạng hình khác thể hiện ý chí của chủ thể (ví dụ so sánh với hành vi của từng chủ thể).
Thứ hai, hợp đồng được hình thành phải nhằm đạt được một mục đích nhất định và mục đích này sẽ chi phối đến việc xác định phần quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia trong hợp đồng. Hợp đồng ra đời xuất phát từ việc các chủ thể cần công cụ để hình thành các quan hệ mà sau khi thực hiện quan hệ đó phải đáp ứng nhu cầu của chính mình hoặc của người khác. Nói một cách khác, hợp đồng chỉ được coi là công cụ để các chủ thể sau khi thực hiện thỏa thuận này phải thu được lợi ích cho chính mình hoặc cho người khác mà chủ thể này muốn.
Như vậy, hai yếu tố trên vừa là đặc điểm nhận diện giữa hợp đồng với các dạng thỏa thuận khác, vừa là điều kiện để xác định các thỏa thuận đó có phải là hợp đồng hay không nên kể cả HĐHT bắt buộc phải đáp ứng hai yếu tố này.
2.2. Quan niệm về hợp tác
Thuật ngữ hợp tác được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau từ lĩnh vực kinh tế, văn hóa cho đến xã hội. Trên trang Từ điển trực tuyến, “hợp tác” mang nghĩa “cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung”[6]. Nhìn nhận ở góc độ là một hoạt động của chủ thể, hợp tác bao gồm hai yếu tố cấu thành nên gồm sự chung sức, giúp đỡ lẫn nhau và có mục đích chung khi thực hiện sự hợp tác này. Nội dung này tương đồng với định nghĩa trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt “I.đgt. chung sức, trợ giúp qua lại với nhau: Hợp tác khoa học, hợp tác lao động. II.dt. Hợp tác xã, nói tắt: Ban quản trị hợp tác, vào hợp tác”[7], tuy nhiên, trong cách định nghĩa không nhấn mạnh đến mục đích của các bên trong quá trình hợp tác.
Hợp tác trong tiếng Anh được diễn đạt bởi thuật ngữ “cooperation”. Trên trang Từ điển trực tuyến của Cambridge, định nghĩa hợp tác dành cho những người học ngôn ngữ Anh đưa ra khái niệm như sau: “noun. the act of working together with someone or doing what they ask you”[8] và tạm dịch là “danh từ. hoạt động làm việc cùng với người khác hoặc làm điều mà người khác yêu cầu bạn cùng thực hiện”. Hợp tác ở nghĩa chung nhất cho thấy là những hoạt động có mục đích (working) hoặc thực hiện cùng nhau một công việc do người khác đề xuất. Còn ở góc độ tiếng Anh thương mại, kinh doanh (Business English) thì được định nghĩa: “The process of working with another company, organization or country in order to achieve something”[9] tạm dịch là “quá trình cùng thực hiện với doanh nghiệp, tổ chức hoặc quốc gia khác nhằm đạt cái gì đó nhất định”. Với cách định nghĩa này, đặc biệt theo cách định nghĩa trong lĩnh vực kinh doanh thì việc hợp tác bao hàm hai nội dung: (i) Là một quá trình cùng thực hiện, làm việc với nhau; (ii) Cùng chung một mục đích được đặt ra trước đó.
Nghĩa của từ hợp tác được giải thích trên trang www.etymonline.com - một trang từ điển trực tuyến trọng tâm vào giải thích nguồn gốc của mỗi từ, theo cách giải thích này cho thấy, hợp tác là cùng thực hiện để đến một đích nhất định. Hợp tác có nguồn gốc từ thời Trung Pháp (những năm 1620) và tiếng La tinh, cooperation đều lý giải là việc làm việc cùng nhau.
Từ các quan niệm cả trong những ngôn ngữ khác nhau đều cho thấy một đặc điểm chung về quan niệm nghĩa của từ “hợp tác” bao hàm hai yếu: Quá trình cùng nhau đóng góp sức hoặc tài sản để thực hiện một công việc chung và hướng đến một mục đích nhất định. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, hợp tác cần được định nghĩa là việc mà hai hay nhiều chủ thể thực hiện việc góp sức hoặc/và tài sản để thực hiện một công việc nhất định nhằm đạt được lợi ích do các bên xác định.
Như vậy, HĐHT cần hiểu đó “là sự thỏa thuận của các bên (có thể gọi là bên hợp tác), theo đó, các bên đóng góp công sức, tài sản nhằm thực hiện một công việc nhất định để đạt được các lợi ích do các bên đề ra trong hợp đồng”. HĐHT phải mang các đặc điểm: (i) HĐHT hình thành trên cơ sở các bên hợp tác trong hợp đồng cùng thống nhất ý chí. (ii) HĐHT là một dạng hợp đồng dân sự nhưng thể hiện rõ nét nhất yếu tố kinh tế trong đời sống kinh tế - xã hội vì hầu hết các HĐHT đều nhằm mục đích đóng góp công sức, tài sản thực hiện công việc nhằm thu lợi ích vật chất. Các lợi ích tinh thần cũng có thể là mục tiêu của HĐHT nhưng nó không mang tính phổ biến và không đủ “sức mạnh” để định hình bản chất của hợp đồng này. (iii) Các bên trong HĐHT có quyền, nghĩa vụ tương đồng nhau trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác phù hợp với tính chất của hoạt động hợp tác.
2. Những điểm chưa phù hợp trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng hợp tác
Trên cơ sở phân tích những nét đặc trưng về HĐHT cho thấy, các quy định về hợp đồng này trong Bộ luật Dân sự năm 2015 còn tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét và chưa “thoát xác” khỏi các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 về tổ hợp tác. Cụ thể:
Thứ nhất, chủ thể tham gia vào HĐHT là các bên trong hợp đồng này nên việc gọi tên là thành viên hợp tác là không phù hợp. Khái niệm “thành viên” thường được sử dụng khi các chủ thể tham gia vào một tổ chức. Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, khi tổ hợp tác được thừa nhận là một chủ thể (tổ chức không có tư cách pháp nhân và chỉ có tư cách pháp nhân nếu các thành viên hợp tác đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì các cá nhân này được gọi là thành viên hợp tác. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên trong HĐHT tham gia vào hợp đồng với tư cách là chủ thể của một quan hệ hợp đồng thì không nên gọi với tên gọi “thành viên hợp tác” vì vừa không phù hợp với bản chất HĐHT, vừa có thể gây nhầm lẫn với tư cách thành viên của một tổ chức nhất định.
Thứ hai, các bên trong HĐHT có thể giao kết hoặc chấm dứt HĐHT dựa trên ý chí, mong muốn của mình. Chính vì vậy, trong Điều 510, Điều 511 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên trong HĐHT khi tham gia giao kết hoặc chấm dứt hợp đồng không nên gọi với tên gọi “gia nhập” và “rút khỏi”. Cách định danh này vừa không phù hợp bản chất của hợp đồng, vừa dễ gây nhầm lẫn sự tham gia và chấm dứt tham gia của một chủ thể vào một tổ chức.
Thứ ba, nguyên tắc giao kết và chấm dứt của một bên trong HĐHT không nên xác định theo nguyên tắc “sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên hợp tác”[10]. Nguyên tắc này chưa phù hợp với bản chất của hợp đồng. Đối với HĐHT, hợp đồng được coi là giao kết khi các bên hợp tác cùng ký vào hợp đồng. Trường hợp muốn thêm một chủ thể mới thì cũng phải được sự thống nhất ý chí của tất cả các bên. Điều này cũng tương tự như việc một bên trong HĐHT muốn rút khỏi hợp đồng.
Thứ tư, Bộ luật Dân sự năm 2015 không cần quy định về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì để thực hiện HĐHT, các bên hợp tác có thể tham gia vào một giao dịch khác và việc tham gia giao dịch nên được thực hiện theo nguyên tắc xác lập giao dịch dân sự thông thường đã được ghi nhận từ Điều 116 đến Điều 133 và cơ chế đại diện của các bên hợp tác có thể áp dụng theo quy định về đại diện từ Điều 134 đến Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ năm, quy định về chấm dứt HĐHT tại Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn nhiều điểm bất cập. Bên cạnh các căn cứ tại điều luật này, HĐHT có thể chấm dứt trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 423, Điều 424, Điều 425 và hậu quả theo quy định tại Điều 427, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015. Quy định một HĐHT chấm dứt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan chưa phù hợp, vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện trong quan hệ hợp đồng nói riêng và quan hệ pháp luật dân sự nói chung.
3. Một số đề xuất
Một là, thay đổi tên gọi của chủ thể tham gia HĐHT từ “thành viên hợp tác” thành bên hợp tác. Việc thay đổi này sẽ phù hợp với đúng bản chất quan hệ hợp đồng, cho thấy tư cách và từ đó giúp các chủ thể ý thức quyền, nghĩa vụ của chính mình trong quan hệ HĐHT.
Hai là, Bộ luật Dân sự cần điều chỉnh các quy định của mình về HĐHT tuân thủ theo đúng bản chất hợp đồng đã thừa nhận. Cụ thể:
Đối với việc giao kết hợp đồng: Các chủ thể trong HĐHT khá đặc thù như xuất hiện nhiều chủ thể muốn tham gia sau khi hợp đồng đã hình thành và được nhiều chủ thể khác ký kết; số lượng các chủ thể tham gia vào HĐHT có thể tăng hoặc giảm với sự biến động tương đối lớn… Tuy nhiên, thời điểm tham gia của các bên không nên nhìn nhận như việc tham gia thành viên vào tổ chức mà nó vẫn là tư cách chủ thể trực tiếp đàm phán, xác lập, thực hiện hợp đồng. Do đó, nên bỏ quy định về việc gia nhập thành viên hợp tác phải được “sự đồng ý của hơn nửa số thành viên hợp tác”. Chỉ cần xuất hiện một chủ thể mới muốn tham gia hợp đồng thì phải được sự đồng ý của tất cả các bên còn lại - các bên đã tham gia giao kết hợp đồng từ trước. Nguyên tắc này cần được bổ sung và duy trì bởi bất kỳ bên nào trong hợp đồng hợp tác cũng có quyền thể hiện sự tự do ý chí của mình trong việc lựa chọn đối tác, chủ thể mình muốn giao kết. Nếu vẫn để nguyên tắc “sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên hợp tác” thì những bên trong HĐHT không đồng ý với việc tham gia của một bên mới nhưng vì vẫn đủ tỉ lệ đồng ý nên chủ thể này vẫn tham gia vào hợp đồng thì đương nhiên tinh thần, trách nhiệm của bên không đồng ý sẽ bị giảm sút, kéo theo đó hiệu quả thực hiện hoạt động hợp tác cũng sẽ không cao.
Đối với việc chấm dứt hợp đồng: Nguyên tắc “sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên hợp tác” đối với việc “rút khỏi” HĐHT cũng không phù hợp. Về nguyên tắc, chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng theo cách mà họ mong muốn. Đương nhiên, việc chấm dứt hợp đồng này có thể dẫn đến phát sinh trách nhiệm pháp lý cho bên chấm dứt như bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm hoặc áp dụng cả hai dạng hình này. Do đó, để tránh việc phá vỡ HĐHT vì những lý do không cần thiết hoặc không đủ cấp bách, Bộ luật Dân sự năm 2015 nên có các quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc các loại trách nhiệm khác, quy định thời hạn thông báo cho việc chấm dứt HĐHT… Bộ luật Dân sự năm 2015 cần loại bỏ thuật ngữ “rút khỏi HĐHT” và đưa nó về đúng bản chất là “chấm dứt HĐHT”. Đồng thời, trong Bộ luật Dân sự không nên ghi nhận trường hợp chấm dứt theo quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo các trường hợp khác theo quy của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Chính các bên sẽ cân nhắc cho việc tiếp tục hay sửa đổi nội dung hợp đồng hoặc thậm chí chấm dứt hợp đồng khi phát sinh tình huống này.
Ba là, cần bổ sung nghĩa vụ và trách nhiệm tiền hợp đồng: Việc thực hiện HĐHT có hiệu quả hay không được quyết định phần lớn bởi các công đoạn trước khi hợp đồng được giao kết. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015 tuy rằng chưa định danh cụ thể về nghĩa vụ tiền hợp đồng nhưng đã ghi nhận các trách nhiệm phát sinh trong giai đoạn giao kết hợp đồng như Điều 386, Điều 387… Vậy, với HĐHT cần quy định chi tiết về nghĩa vụ cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro (nếu có) đặc biệt các bên hợp tác mà đóng góp công sức, trí tuệ vào hoạt động hợp tác.
Bốn là, để phòng ngừa rủi ro và không để việc chấm dứt HĐHT, đặc biệt trường hợp hủy bỏ hợp đồng diễn ra thiếu kiểm soát, Bộ luật Dân sự nên bổ sung các trường hợp cụ thể về hủy bỏ HĐHT như chỉ cho phép hủy bỏ HĐHT khi các bên có hành vi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng hoặc HĐHT chưa được thực hiện mà việc thực hiện có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho một hoặc nhiều bên trong HĐHT.
Năm là, Bộ luật Dân sự năm 2015 nên bỏ Điều 508. Điều khoản này không chứa đựng các quy định riêng dành cho thực hiện HĐHT nên việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự có thể tuân thủ theo quy định về giao dịch dân sự và cơ chế đại diện trong Bộ luật. Việc ghi nhận tại Điều 508 Bộ luật Dân sự năm 2015 dễ gây lầm tưởng thực hiện HĐHT như thực hiện hoạt động của một tổ chức.
Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội