Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự, về hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự; thủ tục nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án, thủ tục giải quyết khiếu nại, nhiệm vụ của thẩm tra viên trong việc xác minh thu thập chứng cứ… Tuy nhiên, trong pham vi bài viết này chúng tôi chỉ bàn về một số điểm mới được nêu ra đưới đây của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, kiến nghị hoàn thiện.
Một là, về thủ tục nhận đơn khởi kiện và xử lý đơn khởi kiện: Được quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện bằng 03 cách: nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức thư điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án và tất cả các trường hợp trên Tòa án đều phải vào sổ nhận đơn khởi kiện. Đối với đơn được nộp trực tiếp tại Tòa án thì Tòa án qua bộ phận nhận đơn có trách nhiệm nhận đơn và cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Đối với trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính thì khi vào sổ nhận đơn, ngoài việc ghi những nội dung như đối với trường hợp nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án, cán bộ nhận đơn còn phải ghi thêm ngày khởi kiện theo ngày có dấu bưu điện nơi gửi, phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm theo đơn khởi kiện. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính trên phong bì thì cán bộ nhận đơn phải ghi chú trong sổ nhận đơn là: “không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện” và trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện bộ phận nhận đơn phải gửi thông báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Đối với trường hợp gửi qua Cổng thông tin điện tử thì Tòa án chỉ phải thông báo việc nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử. Đồng thời, để đảm bảo quyền tranh tụng của các đương sự khác thì khi nhận đơn khởi kiện cán bộ nhận đơn có trách nhiệm hướng dẫn người khởi kiện phải có nghĩa vụ sao gửi đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ đã nộp để khởi kiện cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ theo quy định tại khoản 9 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp người người khởi kiện không chịu sao gửi đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác (bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án) thì Tòa án xử lý thế nào? Hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định.
Ngoài ra, đối với trường hợp Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự không chỉ nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện mà còn nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc dân sự của Tòa án đã thụ lý không thuộc thẩm quyền của mình (theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) chuyển đến thì theo quy định tại khoản 4 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 việc xác định ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn khỏi kiện đến Toàn án đã thụ lý vụ án nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là ngày đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi và theo khoản 3 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là ngày người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến.
Về xử lý đơn khởi kiện: Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì sau khi nhận đơn khởi kiện, bộ phận nhận đơn phải có trách nhiệm chuyển ngay đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Chánh án và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án phải phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định được quy định tại khoản 3 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, thời hạn nhận đơn khởi kiện cho đến khi Tòa án xem xét có thụ lý vụ án hay không là 08 ngày, thời hạn này dài hơn so với quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 là 03 ngày. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Điều 191 vẫn có một số vướng mắc, đó là theo quy định tại khoản 9 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thấy: nhằm để đảm bảo quyền tranh tụng của các đương sự khác thì người khởi kiện phải “Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này” và chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự khác ở đây được hiểu là bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Song Điều 190 và Điều 191 cũng như một số Điều luật khác có liên quan trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều không thể hiện khi nào thì người khởi kiện có nghĩa vụ sao gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã khởi kiện cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Nguyên đơn gửi trước hay sau khi Tòa án thụ lý vụ án? Nếu nguyên đơn không thực hiện việc gửitheo yêu cầu của Tòa án và cũng không có đơn yêu cầu Tòa án hổ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ cho bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà không có lý do chính đáng thì chế tài xử lý thế nào? Còn nếu người khởi kiện không gửi bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ mà sau khi Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết thì những người này có khiếu nại do không nhận được bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn nên không đảm bảo được quyền lợi của họ thì có bị xem là vi phạm tố tụng hay không?
Hai là, nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, đây là một nguyên tắc cơ bản, quan trọng chi phối toàn bộ hoạt động tố tụng và có ảnh hưởng quyết định làm cơ sở cho Tòa án xem xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ việc dân sự.
Trước hết, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự là phải chủ động thu thập chứng cứ: Trong vụ việc dân sự đương sự là người chủ động đưa ra yêu cầu, chủ động đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nên trước hết đương sự phải chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp, đúng pháp luật. Tòa án chỉ giữ vai trò chủ thể tiếp nhận để xem xét, đánh giá chứng cứ trên cơ sở quy định của pháp luật; đương sự không được trông chờ vào Tòa án và Tòa án cũng không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ thay cho đương sự. Điều này khẳng định cơ hội, mức độ đương sự bảo vệ được lợi ích của mình trong vụ án là hoàn toàn phụ thuộc vào việc đương sự có thực hiện tốt nghĩa vụ thu thập chứng cứ hay không chứ không phụ thuộc vào vai trò của Tòa án như trước đây. Và quy định mới này là căn cứ để Tòa án cấp trên không được hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới vì cho rằng Tòa án cấp dưới chưa thu thập đủ chứng cứ để xem xét giải quyết vụ việc dân sự. Cho nên tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa đảm bảo đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho Tòa án mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự”. Theo quy định này thì trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ là của đương sự; Thẩm phán chỉ có nghĩa vụ xem xét và xác định những chứng cứ nào còn thiếu cần phải thu thập để có căn cứ giải quyết vụ án thì yêu cầu đương sự thu thập và cung cấp cho Tòa án. Đồng thời, khoản 4 Điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sựphải ấn định thời hạn nhất định để đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn giải quyết việc dân sự theo quy định tại Điều 203của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nếu Thẩm phán đã yêu cầu đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ trong thời hạn xác định nhưng sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án không yêu cầu đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ và đương sự cũng không thể biết để giao nộp thì đương sự có quyền giao nộp và trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc giao nộp ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự và chứng cứ đó phải được Tòa án chấp nhận xem xét. Như vậy, việc đương sự không giao nộp được chứng cứ cho Tòa án là do yếu tố khách quan mà không phải là lỗi chủ quan của đương sự thì đương sự có quyền giao nộp ở bất cứ giai đoạn tố tụng tụng nào tính từ thời điểm tại phiên tòa sơ thẩm và chứng cứ đó phải được Tòa án chấp nhận. Trước đây, Điều 84 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây viết tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004) không quy định về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự nên gây không ít khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự thích giao nộp tài liệu chứng cứ lúc nào thì giao nộp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy, sửa ánđã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự.Hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự được thể hiện bằng các biện pháp như: thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu UBND xã xác nhận chữ ký của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Ngoài quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ thì đương sự còn phải chủ động trong việc giao nộp, tài liệu chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án chỉ có trách nhiệm hổ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ. Trách nhiệm hổ trợ là trách nhiệm không mang tính chủ động và không đương nhiên bắt buộc phải thực hiện. Cơ sở để Tòa án thực hiện trách nhiệm hổ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ là đề nghị của đương sự, tức là Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được và có yêu cầu Tòa án tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ ánhoặc khi xét thấy cần thiết theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Một điểm mới trong việc giao nộp tài liệu, chứng cứ nữa là: đồng thời với việc giao nộp chứng cứ cho Tòa án thì đương sự phải có nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác nhằm đảm bảo quyền tranh tụng của họ. Đối với tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự hoặc những tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai. (khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tuy nhiên, thực tế không phải đương sự nào cũng hiểu biết pháp luật và biết để thực hiện; cho nên Thư ký vụ án đó phải có trách nhiệm hướng dẫn đương sự sao gửi cho đương sự khác khi họ giao nộp tài liệu, chứng cứ. Hơn nữa, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ Thẩm phán phải hỏi đương sự đã thực hiện việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác chưa? (điểm b khoản 2 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Quy định này phù hợp với mô hình tố tụng tranh tụng, thể hiện sự công khai, minh bạch về chứng cứ cho các bên tham gia khi giải quyết các vụ việc dân sự. Song vấn đề đặt ra ở đây bản chất của vụ án dân sự là sự tranh chấp, phát sinh mâu thuẩn về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các đương sự nên nếu trong trường hợp các đương sự không sao gửi tài liệu, chứng cứ cho các đương sự khác thì Tòa án sẽ xử lý như thế nào? Vấn đề này cần phải có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ba là, nguyên tắc hòa giải theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Mục đích của hòa giải là nhằm hướng tới việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng, mâu thuẩn một cách đồng thuận, hạn chế kéo dài tố tụng, tốn kém thời gian, tiền bạc của Nhà nước và của đương sự; hơn nữa còn đảm bảo cho các giao dịch dân sự, thương mại được phát triển theo hướng tích cực. Về nội dung và cách thức thực hiện về nguyên tắc hòa giải thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều thay đổi so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
- Về phạm vi áp dụng nguyên tắc hòa giải: Theo quy định tại Điều 10 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều quy định giống nhau: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, đối với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 khi triển khai nội dung cho các chế định cụ thể tiếp theo sau phần nguyên tắc thì chỉ có quy định về thủ tục hòa giải cho các vụ án dân sự; không quy định thủ tục hòa giải cho việc dân sự. Song Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 khẳng định nguyên tắc hòa giải được áp dụng cho cả quá trình giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định giống Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 là Tòa án đều có nghĩa vụ chủ động hòa giải, trừ hai trường hợp không được hòa giải là: Vụ án đòi bồi thường vì lý do gây thiệt đến tài sản của Nhà nước và vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội (Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Đối với việc dân sự, Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp giải quyết thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì phải tiến hành hòa giải. Theo đó, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẩn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Trường hợp sau khi hòa giải vợ chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ yêu cầu của họ. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành nhưngcác đương sự thỏa thuận được với nhau về việc: Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và sự thỏa thuận đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Thẩm phán ra Quyết định công nhận thuân tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp hòa giải đoàn thụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án dân sự để giải quyết. Khi thụ lý vụ án Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung theo quy định định của Bộ luật tố tụng dân sự. Như vậy, ngoài trường hợp được quy định tại Điều 397 thì các việc dân sự khác Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định về thủ tục hòa giải nên Tòa án không phải tiến hành hòa giải!
- Về phiên họp hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm: Theo quy định tại Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trước khi tiến hành phiên họp hòa giải Thẩm phán phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp và tiếp cận công khai chứng cứ. Việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là hai hoạt động tố tụng độc lập được gộp chung lại thành một phiên họp và Thư ký phải lập hai biên bản khác nhau: Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản hòa giải.
+ Về thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ: Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì ngoài đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự còn có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có). Việc quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia phiên họp là nhằm bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của các đương sự tại phiên họp; đồng thời đảm bảo quyền tranh tụng khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Ngoài ra, đại điện tổ chức đại diện tập thể lao động phải tham gia phiên họp đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động.
+ Về thành phần phiên hòa giải: Thành phần quan trọng nhất của phiên hòa giải là đương sự hoặc đại diện hợp pháp của các đương sự. Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy địnhthành phần phiên hòa giải không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sungngười bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia hòa giải và việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể có mặt tại phiên hòa giải hoặc không (tức không bắt buộc). Đối với vụ án lao động, khi có yêu cầu của người lao động, đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động có thể không tham gia hòa giải nhưng phải có ý kiến bằng văn bản. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia hòa giải nếu họ vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành hòa giải (Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
+ Về quy định mới đối với vụ án Hôn nhân & gia đình liên quan đến người chưa thành niên: Trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp (đây là thủ tục bắt buộc) theo quy đinh tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, về nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Bốn là, quy định mới về thẩm quyền và thủ tục ban hành một số quyết định:
- Về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểme khoản 1 Điều 214. Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên thì theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Thẩm phán báo cáo và đề nghị Chánh án đơn vị có văn bản đề nghị Chánh án TAND tối cao kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp này, Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Bên canh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thời hạn gửi quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự khi lý do tạm đình chỉ không còn. Theo đó, thời hạn gửi quyết định tạm đình chỉ là 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định tạm đình chỉ (khoản 2 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Và trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ không còn Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 216 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
- Về thủ tục đình chỉ giải quyết vụ án: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm hai căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 217. Theo đó, nếu nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mặc khác, nếu như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định thời hiệu khởi kiện đã hết là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án, thì Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hiệu khởi kiện đã hết chỉ là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án nếu đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Như vậy, Tòa án không có trách nhiệm chủ động xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết để đình chỉ giải quyết vụ án, quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã chuyển từ trách nhiệm của Tòa án thành quyền tố tụng của đương sự. Sự thay đổi của BLTTDS 2015 trong vấn đề xem xét thời hiệu nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, hạn chế sự can thiệp mang tính hành chính quyền lực của Tòa án trong việc xác định yêu cầu cần giải quyết liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đưa Tòa án hoạt động đúng nghĩa trách nhiệm của cơ quan tài phán thực hiện quyền tư pháp như quy định của Hiến pháp năm 2013. Điều 217 BLTTDS 2015 còn quy định rõ thủ tục ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án như sau:
- Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, xóa tên vụ án trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu. Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tòa án phải có trách nhiệm sao chụp và lưu lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu. Trường hợp này quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Ngoài các nội dung về đình chỉ giải quyết vụ án đã được phân tích ở trên, BLTTDS 2015 còn quy định một loại đình chỉ nữa là đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự. Về bản chất đình chỉ giải quyết vụ án là Tòa án xóa sổ thụ lý và không còn giải quyết vụ án đó nữa; còn đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự thì vụ án vẫn đang được giả quyết. Tùy thuộc vào yêu cầu thay đổi của nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể làm thay đổi địa vị tố tụng của đương sự trong vụ án. Theo quy định tại khỏa 2 Điều 217 BLTTDS 2017 thì:
Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu, không xóa tên vụ án trong sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ án đối với các trường hợp sau: Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng; không đề nghị xét xử vắng mặt nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt; đồng thời bị đơn cũng rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn. Các quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu trong những trường hợp này không được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS 2015 còn quy định: Tại phiên tòa, đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hộ đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự đã rút. Nếu như trong vụ án có nhiều đương sự đưa ra yêu cầu và trong đó chỉ có một hoặc một số rút yêu cầu, số còn lại vẫn giữ nguyên yêu cầu của họ thì Tòa án đình chỉ xét xử yêu cầu của những đương sự đã rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu đó nhưng không làm chấm dứt tố tụng mà vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết. Việc đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đã rút tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không ra quyết định đình chỉ mà ghi vào biên bản phiên tòa và ghi nhận trong bản án sơ thẩm. Trong trường hợp tất các các đương sự đều rút toàn bộ yêu cầu của họ thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015 bổ sung thêm một thủ tục hoàn toàn mới so với BLTTDS năm 2004 liên quan đến việc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo đó, đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, nếu đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tùy từng trường hợp Thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hoặc quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu. Nếu đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu tất cả đương sự rút toàn bộ yêu cầu.; trường hợp vụ án vẫn còn yêu cầu phải giải quyết thì Hộ đồng xét xử không ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đã rút mà ghi vào biên bản phiên tòa và ghi nhận trong bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, thực tiễn vướng mắc đặt ra là, ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đương sự mới rút yêu cầu thì thẩm quyền đình chỉ vụ án là của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử? hay Tòa án vẫn phải mở phiên tòa để đình chỉ yêu cầu của đương sự đã rút? Hiện nay BLTTDS 2015 không quy định.
Năm là, trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 BLTTDS 2015, theo đó nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 BLTTDS. Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng nghị án và ghi vào biên bản phiên tòa.Như vậy, việc giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được thực hiện ngay tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử để thực hiện được biện pháp bảo đảm đòi hỏi Hội đồng xét xử phải xem xét các dự kiến và tạm tính tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh đồng thời phải nghiên cứu các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan để ấn định giá trị tài sản bảo đảm và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm nên cần phải có thời gian nghiên cứu để xem xét áp dụng; hơn nữa đương sự thực hiện biện pháp bảo bảo cũng cần phải có khoản thời gian nhất định để xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm cho Hội đồng xét xử và chứng cứ đó phải được xuất trình trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Do đó, sau khi người yêu cầu đã thực hiện hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 BLTTDS thì Hội đồng xét xử mới ra quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; song BLTTDS không quy định trong trường hợp này thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa hay tạm dừng phiên tòa vì thời gian xử là liên tục, người yêu cầu phải dự phiên tòa nên không có thời gian để thực hiện biện pháp bảo đảm với lại việc dự kiến và tạm tính thiệt hại có thể phát sinh là không hề đơn giản. Nên cần phải có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao để khắc phục bất cập này đồng thời ban hành các biểu mẫu hướng dẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS 2015 để các Tòa án địa phương áp dụng được thống nhất.
2. Một số giải pháp và đề xuất kiến nghị
Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự và việc áp dụng pháp luật được thống nhất tại các Tòa án địa phương; chúng tôi đề nghị Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cần có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật nêu trên và nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, trong khi chờ Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau:
Thứ nhất, về thủ tục nhận đơn khởi kiện và xử lý đơn khởi kiện: Như đã phân tích ở trên, theo chúng tôi khi Tòa án nhận đơn khởi kiện thì bộ phận nhận đơn có trách nhiệm hướng dẫn người khởi kiện sao gửi bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trước khi Tòa án thụ lý vụ án và nộp cho Tòa án phiếu gửi bảo đảm của bưu điện để chứng minh là họ đã sao gửi theo yêu cầu của Tòa án. Nếu người khởi kiện không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo thì có thể làm đơn yêu cầu Tòa án hổ trợ nếu có lý do chính đáng; nếu người khởi kiện không thực hiện việc sao gửi theo yêu cầu của bộ phận nhận đơn khởi kiện và cũng không có đơn nêu rõ lý do thì Tòa án vận dụng điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Thứ hai, về việc cung cấp chứng cứ của đương sự cho Tòa án và cho các đương sự khác: về nguyên tắc khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án đương sự phải sao gửi các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Theo chúng tôi, trường hợp bị đơn, hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giao nộp tài liệu, chứng cứ và Tòa án yêu cầu họ sao gửi cho đương sự khác nhưng họ không sao gửi thì Tòa có trách nhiệm sao gửi để đảm bảo vụ án được giải quyếtđúng tố tụng và nhằm đảm bảo quyền lợi của các đương sự khác. Đối với trường hợp nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc người người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và cũng không có đơn yêu cầu Tòa án hổ trợ việc sao gửi tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật thì Tòa án căn cứ điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu của họ.
Thứ ba, đối với trường hợp hòa giải đoàn thụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tìa sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết…(theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS 2015). Theo quy định này, Tòa án ra quyết định đình chỉ giả quyết việc dân sự là chấm dứt một sự kiện pháp lý và thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục chung là phát sinh một sự kiện pháp lý mới nhưng luật quy định không phải thông báo về việc thụ lý vụ án thì có hợp lý hay không? Trong khi việc vào sổ thụ lý vụ án dân sự và sổ việc dân sự là hai sổ khác nhau và việc nhập sổ liệu thống kê như thế nào; trong khi một đầu vào hai đầu ra?
Thứ tư, Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015, khi vụ án quay lại thủ tục sơ thẩm do do bị giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án giao về sơ thẩm xét xử lại mà xuất hiện căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án thì trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm khi ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đồng thời phải giải quyết luôn hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Vấn đề khó xác định được hậu quả đó là gì, vấn đề khác có liên quan là gì? Cho dù có xác định được thì cách thức giải quyết và nội dung của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này phải thể hiện như thế nào? Vì khi đình chỉ giải quyết vụ án thì các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tranh chấp không thể hiện trong quyết định đình chỉ, bởi đơn thuần đây là trường hợp chấm dứt giải quyết vụ án về hình thức nên không chứa đựng nội dung giải quyết về quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên tranh chấp trong quyết định đình chỉ. Hơn nữa, hiện nay mẫu hướng dẫn về quyết định đình chỉ vụ án cũng chưa hướng dẫn thể hiện nội dung này. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn để các Tòa án địa phương áp dụng pháp luật được thống nhất.
Thứ năm, về trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 BLTTDS trong khi chờ Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn mới thì theo chúng tôi trong trường này Hội đồng xét xử nên tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 259 BLTTDS 2015 là hợp lý, đảm bảo cho việc dự kiến, tạm tính thiệt hại có thể phát sinh được chính xác và đảm bảo cho đương sự đủ điều kiện chuẩn bị tài sản bảo đảm, thực hiện thủ tục nộp tài sản bảo đảm cũng như việc giải quyết vụ án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lợi của các đương sự. Đồng thời, vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và các biểu mẫu kèm theo để áp dụng.
Thứ sáu, đối với đơn khởi kiện, nếu theo quy định tại Điều 164 BLTTDS năm 2004 không quy định cụ thể về hình thức đơn khởi kiện mà hình thức đơn khởi kiện được thực hiện theo mẫu số 01 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP. Hơn nữa, Điều 164 BLTTDS năm 2004 chưa quy định đầy đủ về nội dung đơn kiện nên để khắc phục những hạn chế trên, Điều 189 BLTTDS 2015 đã quy định bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết về hình thức và nội dung đơn kiện (từ sự cụ thể hóa của Điều 164 BLTTDS năm 2004, Công văn số 38/KHXX ngày 29/3/2007 của TAND tối cao và Nghị Quyết số 05/2012). Tuy nhiên, mẫu số 23 –DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017 lại hướng dẫn không đẩy đủ những quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 nên khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Bởi vì, khoản 4 Điều 189 BLTTDS quy định đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây và trong các nội dung đó có một nội dung chính quan trong nhất được quy định tại điểm g Điều 189 đó là: “Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;..”. Chiếu theo nội dung này có thể khẳng định trong đơn khởi kiện, người khởi kiện phải trình bày quyền và lợi ích hợp pháp mà họ bị xâm phạm đó là gì? Hay nói cách khác là trình bày lý do khởi kiện (nội dung tranh chấp)? Có thể đó là các quyền về nhân thân, các quyền về tài sản hay các quyền dân sự khác của người khởi kiện được pháp luật bảo vệ mà người bị kiện đã có hành vi gây thiệt hại cho người khởi kiện. Từ những lý do bị xâm phạm đó người khởi kiện mới xác định được những vấn đề cụ thể để yêu cầu Tòa án giải quyết là gì và yêu cầu của người khởi kiện trong đơn khởi kiện phải là yêu cầu về nội dung, không phải là yêu cầu về tố tụng! Hơn nữa, có ghi đầy đủ nội dung về lý do kiện thì Thẩm phán khi kiểm tra nội dung đơn kiện mới biết được đương sự đã ghi đầy đủ hay chưa và với nội dung như vậy thì những vấn đề người khởi kiện yêu cầu có phù hợp với quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay không, có căn cứ không, có đúng pháp luật không?...để yêu cầu đương sự ghi bổ sung hoặc sửa chữa đơn kiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng không những trong việc xác định phạm vi khởi kiện của người khởi kiện theo quy định tại Điều 188 BLTTDS 2015 cũng như xác định nghĩa vụ và mức tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện phải nộp theo quy định của pháp luật mà còn có ý nghĩa là cơ sở để Tòa án xác định ban đầu quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp trong vụ án và việc xác định các tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện phải nộp kèm theo đơn khởi kiện mà Thẩm phán có nghĩa vụ phải kiểm tra. Còn việc viết bản tự khai của người khởi kiện chỉ phát sinh khi Tòa án đã thụ lý vụ án cho nên nếu đơn khởi kiện không trình bày rõ nội dung tranh chấp thì rất khó khăn cho Tòa án xác định quan hệ pháp luật để thụ lý giải quyết. Từ những ý nghĩa đó nên Điều 189 BLTTDS 2015 đã bổ sung một cách đầy đủ, toàn diện về hình thức và nội dung đơn kiện hơn so với Điều 164 BLTTDS năm 2004. Vì vậy, mẫu đơn khởi kiện (mẫu số 23 – DS) ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017 cần bổ sung thêm nội dung khởi kiện cho đúng với quy định tại Điều 189 của BLTTDS 2015 và phù hợp với thực tiễn thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự.
Tòa án nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam