Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn còn những quy định đã được sửa đổi nhưng chưa hợp lý hoặc mặc dù đã có quy định nhưng chưa rõ ràng cần tiếp tục được điều chỉnh. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu lên những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi để phù hợp với Hiệp định CPTPP, đồng thời đưa ra một số quy định cần tiếp tục được điều chỉnh như mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu; tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
Với vai trò quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu (bảo hộ nhãn hiệu), trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), các quốc gia thành viên cũng đã có những thỏa thuận về vấn đề này. So với Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) thì quy định của Hiệp định CPTPP về bảo hộ nhãn hiệu có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, có nhiều cam kết cao hơn, đặt ra những thách thức lớn đối với cả Việt Nam và các quốc gia thành viên khác. Ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó, có sửa đổi những quy định liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu. Sau một năm thi hành các quy định đó trên thực tế, vấn đề bảo hộ nhãn hiệu có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, cũng có những quy định đã được sửa đổi nhưng chưa hợp lý, vượt xa trần cam kết gây bất lợi cho doanh nghiệp hoặc có những quy định chưa rõ ràng cần tiếp tục được điều chỉnh. Đồng thời, chúng ta cũng đang nỗ lực để nội luật hóa những cam kết còn lại của CPTPP trong bối cảnh cùng lúc phải thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.
1. Những quy định đã được sửa đổi để phù hợp với Hiệp định CPTPP
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 (Luật sửa đổi năm 2019) có những sửa đổi cơ bản đối với quy định về bảo hộ nhãn hiệu, vừa nhằm phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP, vừa khắc phục được một số hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ.
Một là, pháp luật công nhận việc sử dụng nhãn hiệu của người nhận chuyển nhượng nhãn hiệu cũng chính là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu
Hiện nay, ở Việt Nam, có tình trạng một số lượng lớn nhãn hiệu đăng ký nhưng chưa được nhìn thấy trên thị trường, điều này có thể được lý giải bằng nhiều lý do, chẳng hạn như một số chủ thể muốn đăng ký nhãn hiệu để đầu cơ, để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh khác, để giữ chỗ cho một dự án đầu tư vào Việt Nam mà khả năng kiếm lợi nhuận có thể chưa thực sự rõ ràng, chủ sở hữu đã bị phá sản, không còn tồn tại hoặc thu hẹp thị trường...
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ phải sử dụng nhãn hiệu mà mình được bảo hộ không gián đoạn quá năm năm. Trong trường hợp ngược lại, bất kỳ người nào cũng có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ đình chỉ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Điều này nhằm hạn chế tình trạng một số chủ thể chỉ đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng chúng, sau đó, dùng văn bằng bảo hộ bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu. Việc quy định nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu được áp dụng ở hầu hết các nước, nhằm tập trung vào mục tiêu tối hậu của việc bảo hộ nhãn hiệu là bảo hộ uy tín sáng tạo của các chủ thể.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật năm 2005), khoản 2 Điều 136 quy định, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu một cách liên tục, nếu nhãn hiệu không được sử dụng liên tục trong năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực. Như vậy, khoản 2 Điều 136 này chỉ đề cập đến việc chủ sở hữu phải là người trực tiếp sử dụng nhãn hiệu, trong khi đó, tại điểm d khoản 1 Điều 95 Luật năm 2005 quy định việc chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau: “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”. Quy định trong điểm d khoản 1 Điều 95 Luật năm 2005 là hợp lý và rõ ràng hơn, phù hợp với logic của quy định tiếp theo tại khoản 1 Điều 143 Luật năm 2005 về chuyển quyền sử dụng độc quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
Bên cạnh đó, Điều 18.27 Hiệp định CPTPP cũng quy định: “Không bên nào được yêu cầu ghi nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: (a) Nhằm thiết lập hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng; hoặc (b) Như là điều kiện để việc sử dụng nhãn hiệu bởi người nhận chuyển giao quyền sử dụng được xem như là sử dụng bởi người nắm quyền trong thủ tục liên quan tới việc xác lập, duy trì và thực thi nhãn hiệu”[1].
Từ đó, khoản 2 Điều 136 Luật năm 2005 được sửa đổi trong Luật sửa đổi năm 2019 như sau: “Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Hai là, thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu trước bên thứ ba không căn cứ vào việc đăng ký hay không đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ
Việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chiếm vị trí đặc biệt trong các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Vì chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền cho/không cho người khác sử dụng nhãn hiệu, nên việc sử dụng nhãn hiệu phải được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Hoạt động chuyển giao này vừa mang lại lợi ích cho bên chuyển giao, vừa mang lại lợi ích cho bên nhận chuyển giao. Đối với doanh nghiệp tạo lập nhãn hiệu thì cách tốt nhất để họ mở rộng mạng lưới kinh doanh, quảng bá sản phẩm là chuyển giao nhãn hiệu cho người khác cùng sử dụng, đặc biệt đối với việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Đồng thời, thông qua việc chuyển giao, họ sẽ nhận được một khoản phí không nhỏ từ việc chuyển giao đó. Đối với doanh nghiệp nhận chuyển giao, thay vì mất một thời gian dài tự xây dựng nhãn hiệu cho mình, việc nhận chuyển giao này giúp họ “đi tắt” trên cơ sở danh tiếng của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhãn hiệu là tài sản dễ chuyển nhượng nhưng rất khó xác định, khó đánh giá và khó bảo vệ. Nếu không kiểm soát, các bên có thể khai giá của giao dịch quá cao nhằm chuyển vốn ra nước ngoài, hoặc tránh thuế. Tuy nhiên, việc kiểm soát giao dịch thông qua cơ chế đăng ký đôi khi gây ra hậu quả bất lợi như sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh với các nước khác.
Chuyển quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 141 Luật năm 2005. Trong các văn bản pháp luật của nhiều nước trên thế giới và của nước ta trước đây, hoạt động này được gọi là li-xăng. Đây chỉ là việc “cho phép” sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chứ không phải là “bán đứt” quyền sở hữu công nghiệp.
Khoản 2 Điều 148 Luật năm 2005 quy định: “...Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp”. Theo đó, chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho người khác mà không cần đăng ký thì quyền giữa họ vẫn phát sinh, tuy nhiên, khi có tranh chấp thì quy định “cứng” không có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
Ở một số quốc gia khác, pháp luật không yêu cầu phải đăng ký khi ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tiêu biểu như trong pháp luật bảo hộ nhãn hiệu của Anh. Đạo Luật Nhãn hiệu năm 1994 (thay thế Đạo Luật nhãn hiệu năm 1938) của Anh duy trì quy định về việc đăng ký hợp đồng li-xăng nhãn hiệu nhưng việc đăng ký này với mục đích lại hoàn toàn khác nhau. Đạo luật Nhãn hiệu năm 1994 đã loại bỏ các điều khoản về việc đăng ký người sử dụng nhãn hiệu mà thay vào đó là duy trì một mẫu đăng ký li-xăng nhãn hiệu với mục đích để minh bạch hóa các chi tiết cơ bản của việc li-xăng nhãn hiệu. Cụ thể: Mục đích của việc đăng ký hợp đồng li-xăng nhãn hiệu là thông báo với bên thứ ba biết về sự tồn tại của việc li-xăng nhãn hiệu này và cung cấp những quyền hạn cho người nhận li-xăng khi bị xâm phạm quyền[2].
Theo Điều 18.27 Hiệp định CPTPP thì không một quốc gia thành viên nào có thể yêu cầu đăng ký cấp phép sử dụng nhãn hiệu để thiết lập hiệu lực của việc cấp phép đó. Để tuân thủ Điều 18.27 Hiệp định CPTPP, Điều 148 Luật năm 2005 được sửa đổi trong Luật sửa đổi năm 2019, cụ thể là: “… 2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên. 3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp tại khoản 2 Điều này, trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba”.
Mặc dù điều này đang hướng đến sự đơn giản hóa trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong các giao dịch, tuy nhiên, cùng với đó thì vấn đề đảm bảo ghi nhận bằng chứng người được chuyển giao đang sử dụng là cần thiết và doanh nghiệp phải biết để tránh thiệt hại, rủi ro. Do việc chuyển giao giữa hai chủ thể không đăng ký nên các doanh nghiệp phải kiểm soát cẩn thận nội dung trong hợp đồng chuyển giao, bởi thực tế cho thấy, đôi khi các doanh nghiệp đưa vào những điều khoản bất lợi cho chính mình.
Ba là, quy định về nộp hồ sơ trực tuyến
Việt Nam đã và đang từng bước gia nhập thị trường kinh tế thế giới, trong nền kinh tế hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thế giới số, các thiết bị thông minh… Chính vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ online cần được phát triển là điều tất yếu, tạo ra tính minh bạch và nhanh chóng, tiện lợi cho các tổ chức, cá nhân cũng như phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bảo hộ nhãn hiệu nói riêng cũng không ngoại lệ. Yêu cầu này càng cấp thiết khi Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thiết lập một hệ thống điện tử trực tuyến để nộp đơn, gia hạn hiệu lực nhãn hiệu và một hệ thống thông tin điện tử mở để có thể truy cập công cộng, tra cứu nhãn hiệu trực tuyến (Điều 18.24).
Từ trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử (Nghị quyết số 36a/NQ-CP) đã có đề cập đến vấn đề xây dựng hệ thống thông tin quản lý đề tài, dự án khoa học, công nghệ trên mạng điện tử và thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp qua mạng điện tử, cụ thể là thủ tục đăng ký nhãn hiệu online hay còn gọi là đăng ký nhãn hiệu trực tuyến. Trên thực tế, trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về cải cách hành chính, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng hệ thống nộp đơn điện tử trực tuyến đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu và hệ thống này đã hoạt động từ năm 2017. Bên cạnh đó, ngày 24/9/2018, Việt Nam đã có những thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Trong đó, WIPO sẽ cung cấp miễn phí và hỗ trợ triển khai phần mềm WIPO IPAS tại Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia của WIPO sẽ hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng một trang thư viện điện tử mới, đó là hệ thống “Thư viện số về sở hữu công nghiệp” trên nền tảng WIPO Publish. Thư viện này sẽ giúp người dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được công bố với tần suất cập nhật thông tin theo chu kỳ công bố 01 lần/01 tháng.
Như vậy, cho đến trước thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống điện tử phục vụ cho việc nộp đơn và tra cứu nhãn hiệu, nhưng hệ thống này còn chưa được hoàn thiện và vẫn cần được tiếp tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về tra cứu nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, để đảm bảo về mặt pháp lý cho việc đăng ký nhãn hiệu trực tuyến, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn được sửa đổi theo đúng yêu cầu trong cam kết CPTPP. Theo đó, khoản 3 mới được bổ sung vào Điều 89 Luật sửa đổi năm 2019 bao gồm cả các đơn đăng ký xác lập tất cả các loại quyền sở hữu công nghiệp: “3. Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến”.
Như vậy, hiện nay, các chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền lựa chọn phương thức nộp đơn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Quy định này thực sự phù hợp với bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, đồng thời, tạo thuận lợi cho các chủ sở hữu nhãn hiệu khi họ tiến hành nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.
2. Những quy định cần tiếp tục sửa đổi
2.1. Mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu
Chế độ bảo hộ nhãn hiệu khác biệt giữa các quốc gia gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích của các chủ sở hữu nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh quốc tế, đặc biệt vấn đề nổi cộm hiện nay là xác định các dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu. Bên cạnh nhãn hiệu hình là nhãn hiệu truyền thống được bảo hộ, ở mỗi quốc gia khác nhau có thể có quy định về việc bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống như mùi hương, âm thanh… Trên thế giới, bên cạnh loại nhãn hiệu truyền thống là dấu hiệu nhìn thấy được, pháp luật một số quốc gia còn bảo hộ cả các nhãn hiệu là âm thanh như tiết nhạc mà con người có thể nhận biết thông qua “thính giác”, hoặc các dấu hiệu mùi hương mà con người có thể nhận biết thông qua “khứu giác”, hay nhãn hiệu chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua một mầu sắc nhất định… Các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Nhật… đã sử dụng và bảo hộ phổ biến các loại nhãn hiệu phi truyền thống này. Bởi vậy, các chủ sở hữu của các nhãn hiệu này khi tiến hành lưu thông hàng hóa sản phẩm của mình sang các quốc gia khác cũng mong muốn các dấu hiệu đó được bảo hộ là nhãn hiệu ở các nước đó.
Theo tinh thần của Hiệp định TRIPs, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc bảo hộ các dấu hiệu truyền thống là nhãn hiệu. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi năm 2009, năm 2019), dấu hiệu được đăng ký là nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ những dấu hiệu có thể nhận biết được bằng thị giác.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 18.18 Hiệp định CPTPP thì không bên nào được yêu cầu nhãn hiệu phải là dạng nhìn thấy được mới được nộp đơn xin bảo hộ, cũng như cơ quan có thẩm quyền cũng không được từ chối đơn đăng ký chỉ vì nhãn hiệu xin đăng ký dưới dạng âm thanh; ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên đều có trách nhiệm nỗ lực để tiến hành mở đăng ký cho các nhãn hiệu mùi hương.
Như vậy, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã đặt ra cho các quốc gia thành viên nhiệm vụ phải nhanh chóng thiết lập cơ chế bảo hộ đối với các nhãn hiệu phi truyền thống mà trước hết là nhãn hiệu âm thanh. Hiện nay, đã có 09 quốc gia trong số 11 quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP có quy định rõ ràng về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong luật của mình và 05 quốc gia thành viên chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, chỉ còn Việt Nam và Malaysia chưa chấp thuận bảo hộ “dấu hiệu không nhìn thấy được” là nhãn hiệu bao gồm cả nhãn hiệu là âm thanh và mùi hương. Bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống là một nội dung mới cho pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh các quy định để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Sự thay đổi này có thể sẽ dẫn đến thay đổi căn bản toàn bộ cơ chế đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, mùi hương sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn, thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về loại nhãn hiệu mới này.
Với kinh nghiệm bảo hộ của nhiều quốc gia khác và cả các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam có thể thừa hưởng kinh nghiệm lập pháp cũng như thực tiễn bảo hộ từ các quốc gia này để xây dựng một cơ chế bảo hộ riêng cho cả nhãn hiệu âm thanh và mùi hương.
Khi chúng ta thực hiện cam kết bảo hộ nhãn hiệu là âm thanh đồng nghĩa với việc chúng ta phải sửa đổi các quy định về bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể:
- Sửa đổi quy định về việc xác định các dấu hiệu được bảo hộ nhãn hiệu bên cạnh bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu có thể nhìn thấy được thì còn bảo hộ đối với dấu hiệu không nhìn thấy được. Tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 72 về dấu hiệu được đăng ký là nhãn hiệu như sau: “1. Là dấu hiệu nhìn thấy được hoặc dấu hiệu nghe thấy được”; đồng thời, cần có thêm quy định để chỉ rõ thế nào là dấu hiệu âm thanh có thể được bảo hộ.
- Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 73, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi năm 2009, năm 2019) loại trừ các dấu hiệu không nhìn thấy được không được là nhãn hiệu và các trường hợp nhãn hiệu âm thanh bị coi là không có khả năng phân biệt.
2.2. Tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Bởi vì giá trị rất lớn của mình mà nhãn hiệu nổi tiếng thường bị xâm phạm dù vô tình hay hữu ý. Do vậy, vấn đề bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng và tạo cho chúng sự bảo hộ đặc biệt đang là vấn đề được quan tâm của nhiều quốc gia từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay. Khi trở thành thành viên của Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Hiệp định TRIPs, Việt Nam đã tích cực xây dựng các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế này.
Một trong những nội dung quan trọng trong bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là xác định các tiêu chí đánh giá mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu. Mỗi quốc gia sẽ đưa ra các quy định về tiêu chí này là khác nhau. Tuy nhiên, các tiêu chí này đều hướng đến việc làm rõ mức độ ảnh hưởng của nhãn hiệu đối với người tiêu dùng và nền kinh tế. Trên thế giới, các quốc gia thường dựa trên hai nguyên tắc là nguyên tắc “quyền ưu tiên” (first-to-file) và nguyên tắc “quyền sử dụng” (first-to-use) áp dụng trong việc đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó, nguyên tắc quyền ưu tiên đăng ký được sử dụng phổ biến hơn. Nhưng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, việc bảo hộ không chỉ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quyền ưu tiên mà còn dựa trên nguyên tắc quyền sử dụng. Do vậy, nhãn hiệu nổi tiếng có thể được bảo hộ ngay cả khi chúng chưa được đăng ký bởi cơ quan có thẩm quyền.
Ở Việt Nam, sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đánh dấu bước tiến vô cùng quan trọng trong vấn đề bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng. Bên cạnh việc đưa ra định nghĩa chính thức về nhãn hiệu nổi tiếng, Luật còn đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định một nhãn hiệu là nổi tiếng. Đây cũng là hành động cụ thể đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam khi ký kết Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng tạo cơ chế bảo hộ đặc biệt cho nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như nhiều quốc gia khác chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên nguyên tắc “quyền sử dụng”. Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (Nghị định số 103/2006/NĐ-CP) thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu như các nhãn hiệu thông thường. Bên cạnh đó, Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đưa ra các tiêu chí để đánh giá mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu, trong đó, tại khoản 6, khoản 7 đề cập đến việc đánh giá mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu thông qua việc xem xét số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu và số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng. Với tư duy số lượng các quốc gia bảo hộ nhãn hiệu càng nhiều thì phạm vi nhãn hiệu được biết đến càng rộng rãi, hay khi nhiều quốc gia công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì càng chứng minh việc nhãn hiệu đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng tại quốc gia đó. Tiêu chí này dường như là định lượng tạo ra sự dễ dàng cho các cơ quan có thẩm quyền xác nhận mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu, nhưng nó lại gián tiếp công nhận việc áp dụng nguyên tắc quyền ưu tiên khác với nguyên tắc quyền sử dụng được đề cập trong định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (khoản 20 Điều 4) và trong Nghị định số 103/2006/NĐ-CP (khoản 2 Điều 6). Theo quan điểm của tác giả, thực tiễn sử dụng vẫn là một tiêu chí quan trọng nhất để một nhãn hiệu được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng, chính nhờ quá trình sử dụng liên tục mà nhãn hiệu mới được người tiêu dùng biết đến. Ở đây có sự mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 75 và tại khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, theo đó, khoản 20 Điều 4 chỉ yêu cầu nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong khi tiêu chí đánh giá tại khoản 6, khoản 7 Điều 75 lại nêu số lượng quốc gia.
Nếu luật các quốc gia có quy định việc đăng ký cũng như công nhận của một cơ quan sở hữu trí tuệ là điều kiện để xác lập quyền đối với một nhãn hiệu nổi tiếng thì đó là điều không hợp lý. Bởi vì, việc công nhận hoặc đăng ký sẽ tạo ra một nhãn hiệu bất biến, trái với nguyên tắc sử dụng liên tục của nhãn hiệu nổi tiếng. Trước đây, đã có một số cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia yêu cầu WIPO tiến hành nhận đơn công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng WIPO đã từ chối với lý do nêu trên.
Hiệp định CPTPP (Điều 18.22) cũng có quy định về tiêu chí xác định mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu, theo đó, Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Chính vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, tác giả khuyến nghị nên bỏ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019).
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại Hà Nội
[1]. Theo bản dịch của VCCI đăng tại: http://trungtamwto.vn/FileNode/Download?fileid=18956&filename=18%20Chuong%20So%20huu%20tri%20tue%20-%20VIE.pdf.
[2]. Hoàng Lan Phương (2019), Pháp luật quốc tế về chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu và những khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2 (388).