Công chức cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng, họ là những người trực tiếp triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào trong cuộc sống. Đồng thời, công chức cấp xã là những người gần dân, nắm được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, là những người sẽ thay mặt nhân dân phản ánh những tâm tư, nguyện vọng đó tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, pháp luật đã quy định những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức cấp xã tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ quy định về Công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (Thông tư số 06/2012/TT-BNV) để đội ngũ này có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới của đất nước, tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, những quy định trên cần có những thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số quy định của pháp luật hiện nay về tiêu chuẩn đối với công chức cấp xã để trao đổi và trên cơ sở đó đóng góp ý kiến đối với các quy định đó như sau:
Một là, tiêu chuẩn về trình độ văn hóa
Trình độ văn hóa là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của công chức cấp xã, là nền tảng cho nhận thức, tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng chủ trương, chính sách trong thực tiễn. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV thì trình độ văn hóa của công chức cấp xã là phải tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng cho phép căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét, quyết định giảm một cấp về trình độ văn hóa (tức là tốt nghiệp trung học cơ sở) đối với công chức làm việc tại xã đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa công chức cấp xã theo quy định (điểm a khoản 3 Điều 2).
Theo tác giả, hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, nước ta đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì thế, vai trò của đội ngũ công chức cấp xã là hết sức quan trọng, họ phải là những người đề ra kế hoạch để thực hiện từng mục tiêu, đồng thời lại là người tổ chức, quản lý quá trình thực hiện và gương mẫu thực hiện những mục tiêu đó. Vì thế, quy định trình độ văn hóa như trên là không phù hợp, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của công chức cấp xã, nên quy định về trình độ văn hóa là phải tốt nghiệp trung học phổ thông, không nên có quy định ngoại lệ.
Hai là, về trình độ chuyên môn
Trình độ chuyên môn được hiểu là trình độ được đào tạo ở các lĩnh vực khác nhau theo cấp độ: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Đó là những kiến thức mà nhà trường trang bị cho người học theo các chuyên ngành nhất định được thể hiện qua hệ thống bằng cấp. Theo Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV quy định thì trình độ chuyên môn của công chức cấp xã là phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm.
Tuy nhiên, Thông tư cũng cho phép căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét, quyết định giảm một cấp về trình độ chuyên môn (tức là chỉ cần tốt nghiệp sơ cấp) đối với công chức làm việc tại xã đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa công chức cấp xã theo quy định (điểm a khoản 3 Điều 2).
Theo tác giả, quy định như trên là không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì thế, đề nghị quy định trình độ chuyên môn là phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm. Không nên có quy định ngoại lệ. Nếu cho phép trình độ sơ cấp đối với công chức làm việc tại xã đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ càng khó khăn hơn trong việc phát huy vai trò của công chức cấp xã, không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong quá trình quản lý đối với những xã này.
Ba là, về lý luận chính trị
Lý luận chính trị là cơ sở xác định lập trường quan điểm của công chức cấp xã. Có trình độ lý luận chính trị sẽ giúp xây dựng được lập trường, quan điểm đúng đắn trong quá trình giải quyết công việc. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, với sự tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực tới cuộc sống của mỗi người, trong đó, có công chức cấp xã thì việc giữ vững quan điểm, lập trường một cách đúng đắn của người công chức cấp xã là vấn đề rất quan trọng. Thực tế đã có không ít những cán bộ, công chức nói chung, công chức cấp xã nói riêng đã có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV quy định tiêu chuẩn của công chức cấp xã thì công chức cấp xã sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm.
Vậy, sau khi - tức là sau đó bao lâu, thời gian cụ thể như thế nào thì chưa được quy định rõ, còn chung chung. Vì thế, có những công chức sắp đến tuổi về hưu vẫn chưa hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chúng ta cũng không thể áp dụng biện pháp xử lý được. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, những đối tượng đủ điều kiện được tham gia đào tạo trung cấp lý luận chính trị thì phải tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương) trở lên nhưng về trình độ văn hóa đã được đề cập ở trên thì theo quy định có thể giảm một cấp nếu công chức làm việc tại xã đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vậy thì sau khi tuyển dụng, muốn được đào tạo lý luận chính trị thì phải đáp ứng chuẩn về văn hóa trước rồi mới được tham gia đào tạo về lý luận chính trị.
Tác giả đề nghị chúng ta cần quy định cụ thể sau khi tuyển dụng - tức là sau đó thời gian bao nhiêu lâu thì phải hoàn thành, nếu không hoàn thành thì có quy định biện pháp xử lý cụ thể như thế nào. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu như đã trình bày về trình độ văn hóa phải là tốt nghiệp trung học phổ thông. Có như vậy, công chức cấp xã mới khẩn trương, nghiêm túc thực hiện để đáp ứng được chuẩn về lý luận chính trị theo quy định.
Bốn là, về kiến thức quản lý nhà nước
Công chức cấp xã thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, đây là cơ quan hành chính nhà nước ở cơ sở, thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Vì thế, để thực hiện được chức năng này, đòi hỏi đội ngũ công chức cấp xã cần phải được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý hành chính nhà nước thì mới có được kỹ năng, phương pháp quản lý. Thực tế cho thấy, có những công chức cấp xã rất nhiệt tình, có sức khỏe, có hiểu biết nhưng thiếu kiến thức quản lý thì năng lực hoạt động của họ cũng sẽ bị hạn chế.
Theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV quy định thì công chức cấp xã sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm.
Vậy, sau khi - tức là sau đó bao lâu, cũng chưa có quy định cụ thể, vì thế, có những công chức cấp xã đã có thái độ ỷ lại, không nghiêm túc thực hiện quy định này để đáp ứng chuẩn theo quy định.
Vì thế, tác giả cũng đề nghị cần quy định cụ thể sau khi tuyển dụng - tức là sau đó thời gian bao nhiêu lâu phải hoàn thành, nếu không hoàn thành thì có quy định biện pháp xử lý cụ thể như thế nào.
Năm là, về tiếng dân tộc thiểu số
Công chức cấp xã là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người gần dân, sát dân; là người phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, Thông tư số 06/2012/TT-BNV cũng quy định: Ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công (điểm đ khoản 1 Điều 2).
Như vậy, việc quy định công chức cấp xã ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó là một điều rất phù hợp, vì nếu ở những địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số mà công chức cấp xã không biết tiếng dân tộc thiểu số sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, quy định như vậy còn chung chung, sau khi tuyển dụng là sau bao nhiêu lâu chưa được quy định cụ thể nên có nhiều công chức cấp xã cũng gần đến tuổi về hưu mà không biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác.
Như vậy, cũng như những quy định trên, tác giả đề nghị chúng ta nên quy định cụ thể về thời gian sau khi tuyển dụng là thời gian bao lâu để mỗi công chức cấp xã phải thực hiện nghiêm túc quy định này.
Sáu là, về độ tuổi
Với những tiêu chuẩn mà tác giả phân tích ở trên theo hướng sửa đổi thì độ tuổi công chức cấp xã phải được nâng lên cho phù hợp, chứ không thể theo quy định như Thông tư 06/2012/TT-BNV là đủ 18 tuổi trở lên. Theo tính toán về cơ học thì độ tuổi của công chức cấp xã phải từ 20 tuổi trở lên.
Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng