Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời với nhiều điểm mới nhằm thể chế hoá những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999 trên cơ sở đáp ứng ứng yêu cầu thực tiễn, thực thi một cách nghiêm túc, thiện chí các cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống các tội phạm có tính chất quốc tế, trong đó có tội phạm khủng bố. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập 12 trên tổng số 16 điều ước đa phương về chống khủng bố[1]. Gần đây nhất, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin (1979)[2]. Chính vì thế, yêu cầu “nội luật hóa các quy định trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên...”[3] trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam đã được quán triệt trong quá trình xây dựng cũng như quá trình triển khai áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung 02 tội danh trực tiếp quy định về hành vi khủng bố (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Tội khủng bố), Bộ luật Hình sự năm 2015 còn tội phạm hóa một số hành vi khác mà pháp luật quốc tế xem là tội phạm khủng bố, trong đó có hành vi bắt cóc con tin (“Taking of hostages” hay “Hostages taking”). Việc tội phạm hóa hành vi bắt cóc con tin vào Bộ luật Hình sự năm 2015 góp phần nội luật hóa yêu cầu của Công ước 1979 về chống bắt cóc con tin (Tên tiếng Anh: “1979 International Convention against the Taking of Hostages”, sau đây gọi tắt là Công ước 1979). Do vậy, việc tìm hiểu cấu thành Tội bắt cóc con tin phải trên cơ sở tìm hiểu quy định của văn kiện pháp lý quốc tế về hành vi này.
1. Cấu thành cơ bản của Tội bắt cóc con tin
Khoản 1, Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nàobắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 - Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Điều 299 - Tội khủng bố….”
Chúng ta có thể thấy cấu thành Tội bắt cóc con tin trong Bộ luật Hình sự 2015 rất tương đồng với quy định của Công ước 1979 về hành vi bắt cóc con tin[4], thể hiện qua một số điểm đặc trưng về dấu hiệu pháp lý như sau:
Về khách thể, Tội bắt cóc con tin trực tiếp xâm phạm an toàn, trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm các quyền nhân thân của con người, nhất là quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể... Do vậy, Tội bắt cóc con tin được nhà làm luật quy định tại Mục 3, Chương 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng).
Hành vi khách quan của Tội bắt cóc con tin bao gồm 02 nhóm hành vi: Hành vi bắt giữ, giam người khác làm con tin; hành vi đe dọa giết, làm bị thương hay đe dọa tiếp tục giam, giữ con tin.
Tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin (chẳng hạn cung cấp tiền chuộc hay lợi ích vật chất, đòi hỏi một sự nhượng bộ nào đó từ phía Nhà nước...). Đây là dấu hiệu bắt buộc để định tội và là cơ sở để phân biệt giữa tội phạm này với một số tội phạm khác có hành vi tương tự.
Tội bắt cóc con tin có cấu thành hình thức, cho nên chỉ cần người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan với mục đích nêu trên là tội phạm đã hoàn thành mà không cần hậu quả xảy ra.
Việc tội phạm hóa hành vi này trong pháp luật hình sự Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý để Việt Nam đấu tranh với hành vi do các nhóm khủng bố tiến hành với thủ đoạn bắt cóc con tin để nhằm đòi tiền chuộc hay nhằm đạt được nhượng bộ về chính trị. Xuất phát từ góc độ luật pháp quốc tế, Tội bắt cóc con tin thuộc nhóm tội phạm khủng bố. Đây là loại tội phạm có tính chất quốc tế, được điều chỉnh bởi Công ước 1979, cho nên, hầu hết pháp luật hình sự các quốc gia trên thế giới đều tội phạm hóa hành vi này. Do vậy, để làm rõ hơn về bản chất pháp lý cũng như đặc điểm của Tội bắt cóc con tin, chúng ta có thể tham khảo pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, cụ thể là Hoa Kỳ và Liên bang Nga - những nước đã nội luật hóa quy định của Công ước 1979 vào pháp luật hình sự và có nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng pháp luật hình sự để đấu tranh, xử lý hành vi bắt cóc con tin trên thực tế. Cụ thể, trong pháp luật hình sự Hoa Kỳ, Tội bắt cóc con tin (“Hostage taking”) tại 18 U.S. Code § 1203[5]. Tương tự, Tội bắt cóc con tin cũng được quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 1996 Liên bang Nga (Luật số 63 ngày 13/6/1996)[6]. Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh với hành vi bắt cóc con tin ở các quốc gia này, dấu hiệu đặc trưng của Tội bắt cóc con tin được giải thích[7]: Bắt cóc con tin là hành vi bắt giữ một hay nhiều người làm con tin với mục đích đạt được lợi ích (tiền chuộc…) hay một sự nhượng bộ nào đó từ bên thứ ba (là nhà nước, tổ chức hoặc công dân…). Trong nhiều trường hợp, mục đích thứ hai của người phạm tội là nhằm thu hút sự quan tâm của phương tiện đại chúng cũng như của công chúng về vụ việc và về yêu cầu của người phạm tội. Người phạm tội thường tạo ra sự đối đầu trực tiếp và đưa ra yêu cầu với cơ quan chức năng. Đây cũng là phương thức mà các phần tử khủng bố hay tổ chức khủng bố tiến hành để đòi tiền chuộc từ bên thứ ba.
2. Một vấn đề khác cần lưu ý khi tìm hiểu cấu thành Tội bắt cóc con tin
Hành vi khách quan của Tội bắt cóc con tin có sự “chồng lấn”, “giao thoa” với hành vi khách quan của một số tội phạm khác quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Tội khủng bố (Điều 299); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Do đó, làm rõ điểm khác biệt giữa cấu thành tội bắt cóc con tin với cấu thành các các tội phạm khác là cần thiết.
Thứ nhất, sự khác nhau giữa nhóm tội phạm trực tiếp quy định hành vi khủng bố (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Tội khủng bố) với Tội bắt cóc con tin chủ yếu dựa vào mục đích phạm tội. Cụ thể, nếu hành vi bắt cóc con tin nhằm khủng bố, tức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân hay gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân thì sẽ xử lý về tội khủng bố; còn bắt cóc người khác nhằm cưỡng ép bên thứ 3 làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin sẽ thỏa mãn cấu thành của Tội bắt cóc con tin.
Thứ hai, phân biệt Tội bắt cóc con tin với Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157). Khác với Tội bắt cóc con tin, khách thể trực tiếp của Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Hành vi khách quan của 02 tội phạm này cũng có sự khác nhau. Trong Tội bắt cóc con tin, sau khi người phạm tội có hành vi bắt giữ, giam người trái pháp luật, người phạm tội còn có hành vi “đe dọa giết, làm bị thương...”. Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, trong khi đó mục đích “cưỡng ép” bên thứ 3 là mục đích của Tội bắt cóc con tin.
Thứ ba, phân biệt Tội bắt cóc con tin với Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Ở góc độ lý luận, rõ ràng không dễ dàng để xác định ranh giới giữa Tội bắt cóc con tin với Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nếu như trong cả 02 trường hợp mục đích phạm tội của người bắt cóc là nhằm đạt được lợi ích vật chất nào đó (chẳng hạn tiền chuộc...).
Cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định từ rất lâu trong pháp luật hình sự Việt Nam và hầu như không có sự thay đổi trong các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự Việt Nam. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục quy định Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại Điều 169 Chương 16 Các tội xâm phạm sở hữu. Theo cách hiểu thông thường, hành vi khách quan của Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là “hành vi bắt người một cách đột ngột và đem giấu đi”[8] nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này cũng phù hợp với cách quy định và cách giải thích về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong pháp luật hình sự các nước trên thế giới. Chẳng hạn, trong pháp luật hình sự Liên bang Nga, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân thuộc cấu thành Tội bắt cóc (“Kidnapping”) quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Tội bắt cóc trong Luật hình sự Nga (bất kỳ mục đích phạm tội là gì) được Tòa án Tối cao Liên bang Nga hướng dẫn như sau[9]: Bắt cóc ở đây là hành vi trái pháp luật, cố ý bắt, giữ bí mật hoặc công khai người khác và sau đó di chuyển trái ý muốn nạn nhân từ nơi thường trú, tạm trú đến một nơi khác... Dấu hiệu quan trọng trong mặt khách quan của tội phạm này chính là việc bắt giữ và di chuyển nạn nhân đến một nơi nào đó. Mục đích phạm tội có thể vì lợi ích vật chất (trong trường hợp này thì giống cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong pháp luật hình sự Việt Nam). Tương tự trong pháp luật hình sự Hoa Kỳ, Tội bắt cóc (“Kidnapping”) được quy định tại 18 U.S. Code § 1201[10] và được giải thích[11]: Đối với Tội bắt cóc, người phạm tội sau khi bắt cóc thì di chuyển và lẩn tránh, không ai có thông tin về chủ thể của tội phạm và nơi người phạm tội đang giam, giữ nạn nhân. Trong một số trường hợp, người phạm tội để lại thông tin liên lạc (số điện thoại…), yêu cầu về số tiền chuộc, cách thức chuyển tiền... cho nạn nhân, nhưng bí mật, nhất là đối với cơ quan chức năng. Thậm chí, trong một số trường hợp, cũng khó xác định là người phạm tội có thật sự đã bắt cóc và đang giữ con tin.
Trên cơ sở nhận thức như vậy, về mặt khoa học có thể nêu ra những điểm khác nhau cơ bản về cấu thành tội phạm của 02 tội như sau:
- Về khách thể trực tiếp: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tính mạng, sức khỏe, quyền sở hữu... của công dân; trong khi đó tính chất nguy hiểm của Tội bắt cóc con tin thể hiện qua việc xâm phạm đến an toàn, trật tự chung của xã hội;
- Về mục đích phạm tội: Chiếm đoạt tài sản của công dân là dấu hiệu đặc trưng của Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, trong khi đó người phạm tội bắt cóc con tin nhằm cưỡng ép bên thứ ba đáp ứng điều kiện nào đó của người phạm tội (không chỉ lợi ích vật chất);
- Về thủ đoạn phạm tội: Người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản sau khi bắt giữ con tin thường bí mật đưa con tin đi lẫn trốn, từ nơi này đến nơi khác, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng; có thể người phạm tội chỉ cung cấp thông tin cần thiết (số điện thoại liên lạc, nơi giao tiền chuộc...) cho người khác (thường là người thân thích của nạn nhân). Trong khi đó, người phạm tội bắt cóc con tin thường gây sự chú ý của nhiều người (nhất là phương tiện thông tin đại chúng...), gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, xâm phạm đến cuộc sống yêu bình của người dân.
Đại học An ninh nhân dân
Xem nguyên bản tiếng Nga tại: http://www.consultant.ru/document/Cons_doc_law_10699/